*NHẬN TIN BUỒN. Nhớ chính xác lúc đó là 8 giờ 45 phút thứ Ba ngày Chín tháng 11 năm 2010, cách đây đúng 6 năm, tôi nhận cuộc điện thoại của anh Đa: “Vân đang ở đâu? “Tôi trả lời: “Em đang ở ngoài đường, có gì không anh?” Anh Đa nói: “Cha Hoa chết rồi, sáng nay cựu Phan Sinh viếng”. Tôi bàng hoàng hỏi lại: “Cha Hoa chết ở đâu? Tại sao chết?” Giọng anh Đa chùng xuống như đang xúc động: “Ở Đa kao, có lẽ do đột quỵ!” Tôi cố ra khỏi cơn bàng hoàng, chạy xe về nhà, báo cho vợ, nốc cạn ly cà phê uống dở, rồi phóng xe hướng về nhà thờ Đa Kao.
Đến nơi thấy lố nhố một số anh em cựu Phan sinh (CPS), họ mới vào Nhà Phục Sinh-mới xây bên ngoài khuôn viên tu viện Đakao- viếng cha Hoa. Cha “khai trương” nằm đây trong tháng linh hồn. Tôi trách nhẹ anh Đa báo tin trễ. Anh em kéo nhau ra quán cà phê bên kia đường, nhận diện có: anh Đa, anh trưởng đại diện cựu Phan sinh Việt Nam NguyễnVăn Phiên, anh Trúc, anh “cu” Bầu, anh Sơn Thạch, Thành, Nhi, Minh, Thống, Tiền Phong, Hai, cùng với Trạch và Bắc nhiệt tình từ Bảo Lộc xuống. Anh Phiên, vốn là bạn cùng lớp, kể một vài câu chuyện vui về cha. Vòng trở lại sân nhà thờ, mọi người đứng chụp hình với cha chính xứ Đakao Giuse Phạm Văn Bình dưới tấm băng-rôn to, dài, màu đen ghi hàng chữ: GIA ĐÌNH PHAN SINH VIỆT NAM VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC CHA PHAO LÔ ĐINH HUỲNH HOA OFM. Tạm biệt anh em, tôi một mình quay lại Nhà Phục Sinh, đứng gần di ảnh gắn trước linh cửu cha, cắm nhang, làm dấu đọc kinh cầu nguyện, nhưng rối bời đầu óc, biết cầu gì đây? Cho cha và cho tôi… Trên đường về nhà, lòng vòng các nẻo đường thành phố Sài Gòn tôi không ngắm nghía các bóng hồng như mọi khi.
*ĐÊM THỨC TRẮNG. Đầu óc tôi bần thần suốt buổi chiều hôm đó, công việc còn nhiều, những bài báo viết dở cho các tòa soạn, nhưng tất cả giờ đây như vô nghĩa. Từ sâu thẳm, lòng tôi dấy lên niềm thôi thúc: đêm nay hãy đến với cha. Khoảng hơn 6 giờ tối, tôi đóng đồ, xỏ giày, lên xe hướng trở lại Đa Kao, trước sự ngỡ ngàng của vợ. Tôi không cho hành động của tôi là bốc đồng mà phát xuất từ lòng mến mộ cha. Tôi luẩn quẩn chỗ cha nằm, loanh quanh ngoài sân nhà thờ, chẳng gặp ai quen. Chỉ có cha Hoa, nhưng đã nằm đó im lìm và bất động mãi mãi.
Khoảng 10 giờ khuya, một bàn thờ được dọn đến. Thánh lễ do một cha cháu từ Phan Thiết về chủ sự. Tôi tham dự cùng với những người thân của cha. Trong bài giảng, cha cháu nhắc đến đức tính đơn sơ, khiêm nhường và thương người của cậu Hoa. Trong số những người ngồi chung bàn uống cà phê thức đêm, tôi làm quen Hân, em trai ruột của cha. Tôi hàn huyên: tháng 10 năm 2006, mới lấy vợ xong, lên Đà Lạt thăm cha bác Paul Hồ ở cộng đoàn Phanxicô Du Sinh tôi có gặp cha Hoa, lúc đó đang lo xây mới nhà thờ giáo xứ Du Sinh. Hân kể lại những chuyện mà tôi tin là phép lạ Chúa đã an bài cho cha. Lễ đặt viên đá xong mà đá cứ nằm đó lẻ loi, bởi không có tiền xây tiếp. Thế rồi có một chủ vật liệu người ngoài Công giáo tự nhiên đến gặp sẵn sàng cung cấp vật liệu cho nhà thờ thiếu nợ. Trong thời gian thi công, những lúc cần nước thì trời mưa, những lúc đổ bê tông thì trời nắng. Ngày lễ khánh thành như đã định lại dự báo sẽ có bão, nhưng ngày đó trời nắng đẹp.
*ĐÔI MẮT NGƯỜI NỮ GIÁO DÂN NHỎ LỆ. Đêm thức trắng dần qua, ngày mới ló dạng. Có 5 phụ nữ áo đen đến bàn tôi ngồi. Họ thuộc phái đoàn giáo dân xứ Du Sinh từ Đà Lạt xuống, mới vào thắp nhang, bái lạy, đọc kinh cho cha. Một chị xốp nổi lên tiếng: “Nghe tin cha mất bao nhiêu người đòi đi, cả xứ muốn đưa cha về trên đó.” Đôi mắt người nữ giáo dân nhỏ lệ khiến lòng tôi xót xa. Tôi mặc nhiên bày tỏ nôm na: “Cha Hoa là người của nhà dòng nên nằm đây theo ý nhà dòng, nếu không cũng đem cha về xứ nhà Vinh Trung – Bình Gĩa.” Lời nói của tôi như chạm vào tâm sự của Hân, em trai cha. Hân kể lể: “Anh Hoa đã là người của nhà dòng nên mỗi lần về gia đình ăn cơm, anh cứ đòi trả tiền. Về tết ai cho đồng nào, anh lại dốc hết túi cho người nghèo.” Tôi lắng nghe nhưng cố tránh cặp mắt như muốn bật khóc của Hân.
*GIỜ TIỄN BIỆT. Trời chưa sáng hẳn đã có nhiều người đến tiễn biệt cha. Tôi nhìn thấy những người quen: anh Du, Bá ( CPS Bình Gĩa), Anh Thọ, Khanh (bà con cha ở giáo xứ Xuân Sơn- giáo phận Bà Rịa) ông Thuận (Phan Sinh tại thế Xuân Sơn)… Tôi đến nói chuyện với Thọ. Anh là bạn tâm giao, có nhiều kỷ niệm trong những năm tháng tôi sống lưu vong ở giáo xứ Xuân Sơn. Lúc đó do cha Gioan Baotixita Nguyễn Gia Thịnh làm cha quản xứ và thầy Giuse Phạm Văn Bình giúp xứ.
Trời bửng sáng, rất đông người đi vào cổng nhà thờ Đa Kao. CPS có thêm vợ chồng anh Tạ Đình Vui, anh “cu” Bầu… Đoàn viên Phan Sinh tại thế các giáo xứ, hẳn họ đến tiễn biệt người cha trợ úy thân thương, các nữ tu, chen lẫn là bao người mến mộ cha Hoa. Một số lên vào trong và đứng ngoài hiên nhà thờ, số đông khác đứng dưới sân hiệp thông Thánh Lễ an táng qua màn ảnh truyền hình. Đúng 7 giờ, linh cửu cha được di quan lên nhà thờ. Tôi nghe tiếng nức nở những người thân đi theo cha, tiếng sụt sùi những ai đó nhìn theo, thoáng thấy những giọt nước mắt lăn nhẹ trên đôi má một nữ tu.
Thánh lễ đồng tế do cha giám tỉnh dòng Phanxicô Vũ Phan Long, bạn cùng lớp của cha Hoa, chủ sự.Trong bài giảng, cha giám tỉnh nói đến triết lý sống của cha Hoa: đơn sơ, khiêm nhường, yêu thương các sinh vật, hòa mình với thiên nhiên. Sau Thánh lễ, cha Irênê Nguyễn Thanh Minh, phụ trách cộng đoàn Đa Kao đọc bức thơ được xem như di ngôn của cha. Ngoài bì thơ ghi chữ Latinh: Poste mortem (mở sau khi chết). Tôi tin cha Hoa đã được Chúa mặc khải báo trước cái chết của mình nên đã viết để lại bức thơ này.
Linh cửu cha được đưa xuống đặt vào xe tang, lăn bánh về hướng đài hỏa táng Bình Hưng Hòa. Vì lý do ngoài ý muốn tôi không thể tiễn biệt cha đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đành ngậm ngùi đứng nhìn theo dòng xe nối đuôi nhau đưa tiễn cha khuất dần.
*THƯƠNG CHA TRỜI CŨNG KHÓC ÒA. Chiều hôm đó trời mưa, mưa mỗi lúc một lớn. Tôi có cảm giác thương cha, trời cũng khóc òa. Chợt nhớ câu chuyện trao đổi giữa hai phụ nữ ngồi chung bàn với tôi đêm đó. Người nữ giáo dân Du Sinh khởi chuyện: “Trời Đà Lạt mấy ngày nay âm u như thương nhớ cha!” Nữ giáo dân Đa Kao tiếp lời: “Sài Gòn đang mùa mưa nhưng mấy ngày nay nắng ráo. Trời thương, muốn để lo cho cha xong đã.” Thế đó! Những người mến mộ cha có cách bày tỏ riêng: mộc mạc, vô tư, nhưng chân tình, nặng trỉu niềm thương tiếc cha Hoa.
Sài gòn chiều hôm nay trời cũng đang mưa dai diết. Lòng tôi dấy lên nỗi buồn mênh mang. Tôi buồn và tưởng nhớ cha Hoa. Mới đó mà đã về với Chúa được sáu năm rồi. Tôi có thói quen mỗi lần có cảm xúc buồn là làm dấu đọc kinh. Lần này tôi cầu xin cha Hoa sống linh chết thiêng phù hộ cho tôi được sống như cha: đơn sơ, khiêm nhường và thương người.
Sài Gòn, chiều thứ Bảy ngày 05 tháng linh hồn 2016
Gioan Long Vân, cựu Phan Sinh lớp 1966