Home / Tiêu Điểm / Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 4

Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 4

 

Chương 4

Gia đình và việc truyền giảng Tin Mừng
Linh đạo gia đình

87. Trong ơn gọi và sứ mệnh của nó, gia đình quả là một kho báu thực sự của Giáo Hội. Tuy nhiên, như Thánh Phaolô đã nói về Tin Mừng, “chúng tôi mang kho báu này trong những chiếc bình bằng đất” (2Cor 4:7). Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: ở cửa trước của gia đình “có viết ba chữ… ‘xin vui lòng’, ‘xin cám ơn’, ‘xin thứ lỗi’. Trên thực tế, những lời này mở đường cho gia đình sống tốt đẹp. Chúng là những lời đơn giản, nhưng đem ra thực hành thì không hề đơn giản chút nào! Chúng chứa đựng một sức mạnh lớn lao: sức mạnh bảo vệ gia đình, ngay cả lúc đang kinh qua hàng nghìn khó khăn và thử thách; trái lại, nếu thiếu chúng, gia đình sẽ từ từ nứt rạn và cuối cùng xụp đổ” (Đức Phanxicô,Yết Kiến Chung, 13 tháng Năm, 2015). Giáo huấn của các vị giáo hoàng mời gọi ta thâm hậu hóa sinh hoạt thiêng liêng của gia đình, bắt đầu với việc tái khám phá việc cầu nguyện trong gia đình và cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, Lời từ đó phát sinh ra cam kết yêu thương. Thánh Thể là nguồn nuôi sống chính của sinh hoạt thiêng liêng trong gia đình, nhất là vào ngày của Chúa, ngày vốn là dấu chỉ việc ta bén rễ sâu vào cộng đồng Giáo Hội (xem Đức Gioan Phaolô II, Dies Domini, 52-66). Việc cầu nguyện trong gia đình, việc tham dự phụng vụ và việc thực hành lòng sùng kính bình dân và lòng tôn kính Đức Mẹ đều là các phương thế hữu hiệu để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và để gia đình truyền giảng Tin Mừng. Điều này làm nổi bật ơn gọi đặc biệt của vợ chồng trong việc biến sự thánh thiện của họ thành hiện thực qua cuộc sống lứa đôi, với ơn Chúa Thánh Thần, qua cả việc tham dự vào mầu nhiện thập giá Chúa Kitô, một mầu nhiệm sẽ biến các khó khăn và đau khổ của họ thành của lễ tình yêu. 

88. Tình âu yếm là sợi dây hợp nhất cha mẹ với nhau và cha mẹ với con cái. Âu yếm là hân hoan cho đi và gợi nơi người khác tâm cảm được yêu thương. Nó được biểu thị qua cung cách đặc thù nhìn các giới hạn của người khác bằng một con mắt quan tâm nhậy cảm, nhất là khi các giới hạn này trở nên hiển nhiên cao độ. Cư xử một cách nhậy cảm và kính trọng là chữa lành các vết thương và phục hồi niềm hy vọng, giúp làm sống lại niềm tự tin nơi người khác. Tình âu yếm trong các liên hệ gia đình là nhân đức hàng ngày giúp ta vượt qua được các tranh chấp nội bộ và có tính tương quan. Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời ta suy xét: “Ta có can đảm tiếp nhận một cách nhậy cảm các hoàn cảnh và các vấn đề khó khăn diễn ra quanh ta không hay thay vào đó, ta chỉ tiếp nhận các giải pháp vô ngã, tuy hữu hiệu nhưng không có được cái ấm áp của Tin Mừng? Thế giới ngày nay cần nhậy cảm xiết bao! Cần lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, cần sự gần gũi của Người, cần sự âu yếm dịu dàng của Người biết chừng nào!” (Bài giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh, 24 tháng Muời Hai, 2014).

Gia đình như chủ thể của thừa tác mục vụ

89. Nếu gia đình Kitô hữu muốn mãi trung thành với sứ mệnh của mình, họ phải hiểu họ từ đâu phát sinh ra: họ không thể truyền giảng Tin Mừng nếu chính họ không được truyền giảng Tin Mừng. Sứ mệnh của gia đình bao hàm việc kết hợp giữa vợ chồng, việc dưỡng dục con cái, việc làm chứng cho bí tích, việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp khác và việc thân ái đồng hành với các cặp và các gia đình đang gặp khó khăn. Do đó, điều quan trọng là phải giúp gia đình có được sức mạnh truyền giảng tin mừng và dạy giáo lý. Về phương diện này, nên lưu ý tới việc đánh giá các cặp vợ chồng, các người mẹ người cha như những chủ thể tích cực của giáo lý, nhất là khi dạy dỗ con cái, trong việc cộng tác với các linh mục, các phó tế, vác vị tận hiến và các giáo lý viên. Sức mạnh này phải bắt đầu ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của vợ chồng. Việc giáo lý trong gia đình sẽ giúp ích rất nhiều theo nghĩa đây là cách hữu hiệu để huấn luyện các cha mẹ trẻ và giúp họ ý thức được sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của họ đối với chính gia đình riêng của họ. Hơn nữa, điều chủ yếu là phải nhấn mạnh tới mối liên kết giữa kinh nghiệm gia đình và việc khai tâm Kitô Giáo. Toàn bộ cộng đồng Kitô hữu phải là nơi các gia đình phát sinh, nơi họ đến với nhau và dấn thân với nhau, đồng hành trong đức tin và chia sẻ các cách lớn lên và trao đổi hỗ tương. 

90. Giáo Hội phải đem đến cho các gia đình một cảm thức thuộc về mình, một cảm thức “chúng tôi” trong đó không một chi thể nào bị lãng quên. Hãy khuyến khích mỗi người để họ phát triển các khả năng bản thân của họ bằng cách đem kế hoạch phục vụ Nước Thiên Chúa của đời họ tới chỗ sinh hoa kết trái. Mọi gia đình, khi đã hội nhập vào khung cảnh Giáo Hội, đều nên tái cảm nhận được niềm vui hiệp thông với các gia đình khác trong việc phục vụ ích chung của xã hội, trong việc cổ vũ một nền chính trị, một nền kinh tế và một nền văn hóa biết phục vụ gia đình, dù phải sử dụng đến mạng lưới xã hội và các phương tiện truyền thông. Hy vọng ta sẽ tạo ra được các cộng đồng nhỏ gồm nhiều gia đình làm chứng tá sống cho các giá trị Tin Mừng. Hiện nay ta cảm thấy việc cần phải chuẩn bị, huấn luyện và trao trách nhiệm cho một số gia đình để họ đồng hành với các gia đình khác trong việc sống lối sống Kitô Giáo. Những gia đình nào muốn hiến thân sống sứ mệnh “ad gentes” (truyền giáo dân ngoại) nên được ghi nhận và khuyến khích. Sau cùng, tầm quan trọng của việc phối hợp thừa tác vụ giới trẻ với việc chăm sóc mục vụ gia đình đã được nhấn mạnh. 

Mối tương quan với các nền văn hóa và các định chế 

91. Giáo Hội “nhờ sống trong nhiều điều kiện đa dạng của lịch sử, nên đã tiếp nhận nhiều khám phá của các nền văn hóa khác nhau để truyền bá và giải thích tin vui của Chúa Kitô trong việc rao giảng của mình cho mọi dân tộc, để khảo sát tỉ mỉ và hiểu biết tin vui này cách sâu xa hơn, và để phát biểu nó cách tốt hơn trong việc cử hành phụng vụ và trong đời sống đa dạng của cộng đồng tín hữu” (GS, 58). Do đó, điều quan trọng là phải lưu ý tới các nền văn hóa này và tôn trọng mỗi một nền văn đó trong tính độc đáo của nó. Thậm chí, ta còn cần nhắc lại lời Chân Phúc Phaolô từng viết “việc đứt đoạn giữa Tin Mừng và văn hóa chắc chắn là một thảm kịch của thời ta, cũng như nó đã là thảm kịch cho các thời đại khác. Do đó, ta phải dành mọi sức lực vào việc phúc âm hóa nền văn hóa, nói chính xác hơn, phải phúc âm hóa các nền văn hóa” (EN, 20). Thừa tác mục vụ hôn nhân và gia đình đòi phải biết đánh giá các yếu tố tích cực gặp được trong các kinh nghiệm tôn giáo và văn hóa khác nhau, vốn được coi như một “praeparatio evangelica” (chuẩn bị cho Tin Mừng). Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa, việc truyền giảng Tin Mừng nào biết lưu tâm tới việc cổ vũ gia đình về phương diện nhân bản đều buộc phải phê phán thẳng thừng các điều kiện văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế. Việc gia tăng quyền bá chủ của các lực lượng thị trường, một việc gia tăng đang ảnh hưởng tới không gian và thời gian của cuộc sống gia đình chân chính, cũng góp phần vào việc gia tăng kỳ thị, gia tăng nghèo đói, gia tăng loại trừ và bạo lực. Trong số các gia đình đang sống trong các điều kiện kinh tế thiếu thốn do thất nghiệp hay điều kiện làm việc bấp bênh hay do không được trợ giúp về y tế và xã hội gây ra, thường hay xẩy ra sự kiện này: một số gia đình, vì không thể nhận được tín dụng, nên đã trở thành nạn nhân của việc cho vay nặng lãi và đôi lúc, người ta thấy họ bị buộc phải mất nhà cửa, thậm chí mất cả con cái nữa. Trong bối cảnh này, có đề nghị cho rằng các cơ cấu kinh tế phải được tổ chức thỏa đáng để trợ giúp các gia đình này hay để cổ cổ vũ gia đình và tình liên đới trong xã hội. 

92. Gia đình là tế bào đầu tiên và có tính sinh tử của xã hội (AA, 11). Nó cần phải khám phá ra ơn gọi của nó để nâng đỡ cuộc sống về mọi mặt của nó trong xã hội. Điều không thể thiếu đối với các gia đình, qua các hiệp hội của họ, là phải tìm ra các phương pháp để tương tác với các định chế chính trị, kinh tế và văn hóa, nhằm mục đích xây dựng một xã hội công chính hơn. Vì thế, cần phải khai triển việc đối thoại và hợp tác với các định chế xã hội và cần phải khuyến khích và hỗ trợ hàng ngũ giáo dân để họ dấn thân, trong tư cách Kitô hữu, vào lãnh vực chính trị xã hội. Đời sống chính trị phải đặc biệt tôn trọng nguyên tắc phụ đới và không được tước đoạt quyền lợi các gia đình. Về phương diện này, điều chủ yếu là suy nghĩ về “Hiến Chương Quyền Lợi Gia Đình” (xem Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, 22 tháng 10, 1983) và “Tuyên Bố Phổ Quát về Các Nhân Quyền” (10 tháng 12, 1948). Đối với các Kitô hữu đang hoạt động trong chính trường, họ cần dành ưu tiên cho việc cam kết bảo vệ sự sống và gia đình, vì xã hội nào coi thường gia đình đều để mất viễn ảnh tương lai. Các hiệp hội gia đình, khi dấn thân làm việc chung với các truyền thống Kitô Giáo khác, đều có nhiều trách vụ chính yếu, trong đó có việc cổ vũ và bảo vệ sự sống và gia đình, cổ vũ tự do giáo dục và tự do tôn giáo, cổ vũ việc hòa hợp hóa giữa việc làm và thì giờ dành cho gia đình, cổ vũ việc bảo vệ phụ nữ và vâng phục lương tâm. 

Sẵn sàng truyền giáo 

93. Từ bản chất của nó, gia đình của những người đã chịu phép rửa đều là gia đình truyền giáo, và gia tăng đức tin của mình nhờ hành động đem đức tin đến cho người khác, trước nhất là cho con cái. Ngay hành động sống hiệp thông trong gia đình cũng đã là hình thức đầu tiên của truyền giáo rồi. Thực thế, việc truyền giảng Tin Mừng bắt đầu từ gia đình, trong đó, không những sự sống thể lý được lưu truyền, mà cả sự sống thiêng liêng nữa. Không được quên vai trò của ông bà trong việc lưu truyền đức tin và các thực hành tôn giáo: các ngài làm chứng cho các dây liên kết giữa các thế hệ, là những người bảo vệ các truyền thống khôn ngoan, việc cầu nguyện và làm gương sáng. Như thế, gia đình được thành lập như chủ thể của hành động mục vụ qua việc minh nhiên công bố Tin Mừng và thừa hưởng nhiều hình thức làm chứng tá: liên đới với người nghèo, cởi mở đối với các dị biệt giữa người ta, gìn giữ tạo thế, liên đới với các gia đình khác, nhất là những gia đình túng thiếu nhất, cả tinh thần lẫn vật chất, cả dấn thân cho việc cổ vũ ích chung bằng việc biến đổi các cơ cấu xã hội bất công, bắt đầu với khu vực họ sinh sống, tham gia các công việc thương người về tinh thần và thể xác. 

KẾT LUẬN

94. Chúng tôi, các nghị phụ Thượng Hội Đồng, trong kỳ họp này, tụ hội trong hợp nhất quanh Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã cảm nhận được tình âu yếm và lời cầu nguyện của cả Giáo Hội, đã cùng tiến bước như các môn đệ Emmau và nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô nhờ bẻ bánh tại bàn Thánh Thể, trong sự hiệp thông huynh đệ, trong việc chia sẻ các kinh nghiệm mục vụ. Chúng tôi ước ao thành quả của công trình nay đã được đặt vào bàn tay của Vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô này sẽ đem lại hy vọng và vui mừng cho vô vàn gia đình khắp thế giới, đem lại hướng dẫn cho các mục tử và nhân viên mục vụ cũng như đem lại đà thúc đẩy cho công trình truyền giảng Tin Mừng. Trong lúc đạt tới kết luận cho Bản Tường Trình này, chúng tôi khiêm nhường xin Đức Thánh Cha, nhân cơ hội này, ban hành một văn kiện về gia đình, để Chúa Kitô, ánh sáng thế gian, được rạng sáng trong nó, vốn là Giáo Hội tại gia. 

Kinh Thánh Gia

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Nơi các ngài, chúng con được chiêm ngưỡng
vẻ sáng lạn của tình yêu đích thực,
chúng con tin tưởng chạy tới với các ngài.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin ban ơn cho các gia đình chúng con
Cũng trở thành nơi hiệp thông và cầu nguyện,
trường chân chính của Tin Mừng
và các Giáo Hội nhỏ tại gia.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin cho các gia đình chúng con đừng bao giờ
cảm nghiệm bạo lực, hất hủi và chia rẽ nữa:
xin cho tất cả những người bị thương tổn hay xúc phạm
tìm được an ủi và chữa lành tức khắc.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới,
Làm chúng con, một lần nữa, biết lưu tâm
tới tính thánh thiêng và bất khả vi phạm của gia đình,
và vẻ đẹp của nó trong kế hoạch Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Xin nhân từ nghe lời chúng con cầu xin.

Amen

Kết quả bỏ phiếu từng số trong Bản Tường Trình Sau Cùng Của Thượng Hội Đồng Giám Mục với Đức Thánh Cha Phanxicô

Con số các Nghị Phụ hiện diện: 277 (2 phần 3: 177)
Số phiếu trắng không được nhắc đến 

Số Đồng ý Không đồng ý
1 260 0
2 257 0
3 255 1
4 256 2
5 256 3
6 249 9
7 248 9
8 245 9
9 254 4
10 253 7
11 256 1
12 253 5
13 255 5
14 256 5
15 255 5
16 254 8
17 259 1
18 258 1
19 255 5
20 257 3
21 256 4
22 252 4
23 253 4
24 255 5
25 242 15
26 256 2
27 251 9
28 257 4
29 249 8
30 250 7
31 253 7
32 249 6
33 246 12
34 245 11
35 259 2
36 256 3
37 252 6
38 251 5
39 255 3
40 255 6
41 253 7
42 257 2
43 254 6
44 247 11
45 249 6
46 254 5
47 246 11
48 253 6
49 253 5
50 252 6
51 250 11
52 252 5
53 244 15
54 236 21
55 243 14
56 248 10
57 257 2
58 247 14
59 258 3
60 259 1
61 254 7
62 259 0
63 237 21
64 247 11
65 252 7
66 258 0
67 259 0
68 253 3
69 236 21
70 213 47
71 218 42
72 229 29
73 236 24
74 223 36
75 205 52
76 221 37
77 247 11
78 250 8
79 246 14
80 253 6
81 253 7
82 244 16
83 248 12
84 187 72
85 178 80
86 190 64
87 255 3
88 252 4
89 257 2
90 255 5
91 248 12
92 256 4
93 255 2
94 253 5

Vũ Văn An

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …