Home / Tin Giáo Hội / Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 1

Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 1

 

PHẦN III

Sứ mệnh của gia đình 

56. Ngay từ đầu lịch sử, Thiên Chúa đã yêu thương con cái Người cách quá đáng rồi (LG, 2), để họ có được sự sống viên mãn trong Chúa Giêsu Kitô. Qua các bí tích khai tâm Kitô Giáo, Thiên Chúa mời gọi các gia đình tự khai tâm vào sự sống này, để công bố và thông truyền nó cho người khác (xem LG, 41). Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở ta một cách mạnh mẽ, sứ mệnh của gia đình luôn vươn ra để phục vụ các anh chị em mình. Đây là sứ mệnh của Giáo Hội mà mỗi gia đình đều được mời gọi tham gia một cách độc đáo và ưu tiên. “Do phép rửa mà họ đã lãnh nhận, mọi thành viên của dân Thiên Chúa đều trở thành một môn đệ truyền giáo” (EG, 120). Khắp thế giới, trong thực tại gia đình, ta thấy thật nhiều hạnh phúc và niềm vui, nhưng cũng có nhiều đau khổ và phiền muộn. Ta muốn nhìn thực tại này bằng đôi mắt Chúa Kitô đã nhìn lúc Người còn đi lại giữa người của thời Người. Thái độ của ta phải là thái độ khiêm tốn hiểu biết. Ước muốn của ta là được đồng hành với mỗi gia đình và với mọi gia đình để họ tìm được cách tốt hơn mà vượt qua các khó khăn họ gặp trong cuộc hành trình của họ. Tin Mừng luôn là dấu chỉ mâu thuẫn. Giáo Hội không bao giờ quên rằng mầu nhiệm vượt qua là mầu nhiệm trung tâm đối với Tin Mừng được ta công bố. Tin Mừng này muốn giúp các gia đình thừa nhận và nghinh đón thánh giá khi thánh giá xuất hiện trước mặt họ, để họ có thể cùng vác thánh giá này với Chúa Kitô trên con đường tiến về niềm vui phục sinh. Nhiệm vụ này đòi “một hoán cải mục vụ và truyền giáo, một hoán cải không thể nào để sự vật nguyên trạng được” (EG, 25). Do đó, hóan cải có ảnh hưởng sâu xa đối với phong thái và ngôn ngữ. Điều chủ yếu là tiếp nhận một thứ ngôn ngữ có nhiều ý nghĩa. Việc công bố buộc phải đem lại được kinh nghiệm này: Tin Mừng Gia Đình đáp ứng những hoài bão sâu xa nhất của con người nhân bản, đáp ứng phẩm giá của họ và đáp ứng sự thể hiện trọn vẹn tính hỗ tương, sự hiệp thông và tính sinh hoa trái. Đây không phải là vấn đề định ra một qui luật, nhưng là công bố ơn thánh, một ơn thánh ban cho ta khả năng sống phù hợp với các ơn phúc của gia đình. Ngày nay, việc lưu truyền đức tin khiến cho vấn đề ngôn ngữ trở thành bắt buộc hơn bao giờ hết, nó phải có khả năng vươn tới mọi người, nhất là người trẻ, để thông truyền vẻ đẹp của tình yêu gia đình và nắm bắt ý nghĩa của những hạn từ như cho đi, tình yêu vợ chồng, lòng trung thành, tính sinh hoa trái, việc sinh sản. Nhu cầu phải có một ngôn ngữ mới mẻ và hoàn toàn thỏa đáng phát sinh trước hết trong việc dẫn nhập trẻ em và giới trẻ vào chủ đề tính dục. Nhiều cha mẹ và nhiều người khác từng dấn thân vào công tác mục vụ cảm thấy khó khăn trong việc tìm ra ngôn ngữ thích đáng mà đồng thời lại trang trọng, một ngôn ngữ có thể trình bầy được bản chất tính dục về phương diện sinh học với tính bổ túc nhằm phong phú hóa lẫn nhau, với tình bạn, tình yêu, và với việc tự hiến của người đàn ông và người đàn bà. 

Chương 1

Việc huấn luyện gia đình
Việc chuẩn bị hôn nhân 

57. Không thể giản lược hôn nhân Kitô Giáo vào một truyền thống văn hóa hay vào một qui ước luật pháp: nó là lời mời gọi chân thực của Thiên Chúa; lời mời gọi này đòi ta phải biện phân cẩn thận, cầu nguyện không ngừng và trưởng thành thỏa đáng. Để những điều này diễn ra, đòi phải có các khóa huấn luyện nhằm đồng hành với các cá nhân hay các cặp theo phương thức: song song với việc thông truyền các nội dung đức tin, còn có việc trình bầy kinh nghiệm sống của toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Sự hữu hiệu của phương thức này còn đòi phải cải thiện việc huấn giáo tiền hôn nhân, thường rất yếu về nội dung; việc huấn giáo này vốn là thành phần cần phải có của thừa tác mục vụ thông thường. Ngoài ra, việc chăm sóc mục vụ cho những người sắp sửa kết hôn cũng nên được lồng vào cam kết tổng quát của cộng đồng Kitô Giáo nhằm trình bầy một cách thuyết phục và thoả đáng sứ điệp Tin Mừng về phẩm giá con người, quyền tự do của họ và việc phải tôn trọng các quyền lợi của họ. Ba giai đoạn liệt kê trong Familiaris Consortio (xem số 66) cần được chú ý rất nhiều: chuẩn bị xa, qua việc chuyển giao đức tin và các giá trị Kitô Giáo; chuẩn bị gần, trùng hợp với các lộ trình giáo lý và các kinh nghiệm sống trong cộng đồng Giáo Hội; chuẩn bị hôn nhân cận kề, thành phần của phương thức rộng lớn hơn thuộc chiều kích ơn gọi. 

58. Bên trong các biến đổi văn hóa hiện nay, nhiều mô thức đã được thường xuyên trình bầy nhằm tương phản với viễn kiến Kitô Giáo về gia đình. Tính dục thường bị tách biệt khỏi bối cảnh yêu thương chân chính. Ở một số quốc gia, nhiều chương trình huấn luyện còn được nhà cầm quyền công cộng áp đặt nhằm chất vấn quyền tự do của Giáo Hội trong việc truyền giảng các giáo huấn của mình và quyền phản đối lương tâm của các nhà giáo dục. Mặt khác, dù vẫn là diễn đàn sư phạm hàng đầu, gia đình không thể là nơi duy nhất để giáo dục về tính dục. Vì thế, điều chủ yếu là sử dụng các khóa mục vụ có tính trợ lực đúng nghĩa, dành cho cả các cá nhân lẫn các cặp, đặc biệt lưu ý tới tuổi dậy thì và tuổi thiếu niên; trong các khóa học này, cần giúp các đối tượng khám phá ra vẻ đẹp của tình dục trong tình yêu. Kitô Giáo tuyên bố rằng Thiên Chúa đã dựng nên nhân loại, có nam có nữ, và đã chúc lành cho họ để họ tạo nên một thân xác và lưu truyền sự sống (xem St 1:27-28; 2:24). Sự khác nhau của họ, sự bình đẳng về nhân phẩm của họ, là dấu ấn tốt đẹp của công trình sáng tạo. Theo nguyên tắc Kitô Giáo, linh hồn và thân xác, cả tính dục sinh học và vai trò văn hóa – xã hội của phái tính nữa là những điều có thể phân biệt nhưng không thể tách biệt được. Do đó, có nhu cầu phải mở rộng các chủ đề huấn luyện trong các khóa tiền hôn nhân, để chúng trở thành các khóa giáo dục đức tin và tình yêu, hòa nhập với hành trình khai tâm Kitô Giáo. Dưới ánh sáng này, cần phải nhắc nhớ tầm quan trọng của các nhân đức, trong đó có đức trong sạch, vốn là điều kiện quí giá để phát triển tình yêu liên bản vị. Lộ trình huấn luyện nên trình bầy diện mạo con đường dẫn tới việc biện phân ơn gọi bản thân cũng như ơn gọi của cặp vợ chồng tương lai, bảo đảm để có được một hợp lực lớn hơn giữa các lãnh vực mục vụ khác nhau. Khóa chuẩn bị hôn nhân cũng nên có sự hướng dẫn của các cặp vợ chồng trong tư thế đồng hành với những người sắp kết hôn trước khi họ thực sự kết hôn và sống những năm đầu đời kết hôn của họ, nhờ thế gia tăng được giá trị của thừa tác vụ hôn nhân. Việc lượng gía các mối liên hệ bản vị về phương diện mục vụ sẽ hỗ trợ việc từ từ cởi mở tâm trí hướng tới sự viên mãn của chương trình Thiên Chúa.

Cử hành hôn phối 

59. Phụng vụ hôn phối là một biến cố độc đáo, diễn ra trong bối cảnh gia đình và xã hội trong khung cảnh lễ lạc mừng vui. Dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã diễn ra tại một tiệc cưới ở Cana: rượu ngon từ phép lạ của Chúa, thứ rượu đem niềm vui tới cho ngày ra đời của một gia đình mới, quả là rượu mới của Giao Ước giữa Chúa Kitô và những người đàn ông đàn bà mọi thời. Việc chuẩn bị hôn nhân thu hút sự chú ý của những người sẽ kết hôn trong một thời gian dài. Đây là thời gian quí báu đối với họ, với các gia đình và bạn bè của họ, một thời gian cần được phong phú hóa bằng chiều kích thiêng liêng và Giáo Hội thích đáng. Việc chuẩn bị hôn nhân là dịp thuận lợi để mời nhiều người tham dự việc cử hành các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Cộng đồng Kitô hữu, nhờ việc tham dự thật lòng và hân hoan, sẽ chào đón gia đình mới vào hàng ngũ của họ, như là một Giáo Hội tại gia, để nó cảm thấy mình là một phần trong gia đình Giáo Hội. Phụng vụ hôn phối cần được chuẩn bị bằng một nền giáo lý khai nhiệm (mystagogic) nhằm dẫn cặp đính hôn tới chỗ nhận ra rằng việc cử hành giao ước của họ đã được hòan thành “trong Chúa”. Vị chủ tế thường có dịp nói chuyện với một cử tọa gồm những người ít tham dự vào đời sống Giáo Hội hay những người thuộc một tuyên tín hay một cộng đồng khác của Kitô Giáo. Thành thử, đây là một dịp may rất quí để công bố Tin Mừng Chúa Kitô, một Tin Mừng có thể thúc đẩy các gia đình hiện diện khám phá lại đức tin và đức mến vốn phát sinh từ Thiên Chúa. 

Những năm đầu cuộc sống hôn nhân 

60. Những năm đầu cuộc sống hôn nhân rất quan yếu và nhậy cảm trong đó, vợ chồng phát triển ý thức ơn gọi và sứ mệnh của họ. Ở đây ta thấy cần có sự đồng hành mục vụ tiếp sau việc cử hành bí tích. Giáo xứ là nơi có thể dùng các cặp vợ chồng có kinh nghiệm để giúp đỡ các cặp vợ chồng trẻ này và cuối cùng là sự giúp đỡ của các hiệp hội, các phong trào trong Giáo Hội và các cộng đồng mới. Điều chủ yếu là khích lệ nơi các người phối ngẫu thái độ nền tảng biết chào đón hồng phúc con cái. Chúng tôi xin nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đời sống thiêng liêng trong gia đình, của việc cầu nguyện, và của việc tham dự Thánh Thể Chúa Nhật, mời gọi cặp vợ chồng cùng nhau đến thường xuyên để thăng tiến việc phát triển đời sống thiêng liêng và tình liên đới trong các đòi hỏi cụ thể của đời sống. Việc đích thân gặp gỡ Chúa Kitô bằng cách đọc Lời Chúa, tại cộng đoàn và tại nhà, nhất là dưới hình thức “lectio divina” (vừa đọc Thánh Kinh vừa cầu nguyện), giúp ta có được một nguồn linh hứng cho cuộc sống hàng ngày của mình. Phụng vụ, các thực hành đạo đức và các Thánh Lễ cử hành cho các gia đình, nhất là dịp kỷ niệm ngày cưới, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và chứng tá truyền giáo của gia đình. Thông thường, trong các năm đầu của cuộc sống hôn nhân, vợ chồng hay hướng nội nhiều hơn, hậu quả là phần nào tự cô lập với cuộc sống cộng đồng. Do đó việc củng cố mạng lưới liên hệ giữa cặp vợ chồng và việc tạo ra các mối dây nối kết có ý nghĩa là một điều chủ yếu để gia đình Kitô hữu trưởng thành. Các phong trào và các nhóm trong Giáo Hội thường xuyên (giúp) bảo đảm các thời điểm phát triển và huấn luyện này. Nhờ tổng nhập các hỗ trợ này, Giáo Hội địa phương tiến hành được sáng kiến điều hợp việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trẻ. Ở các giai đoạn đầu của cuộc sống hôn nhân, việc thất vọng đối với ước muốn có con có thể gây ra tâm trạng chán ngán. Thường vì thế mà tạo ra cơ sở cho khủng khoảng, một khủng hoảng mau chóng dẫn tới chia lìa. Vì các lý do này, sự gần gũi của cộng đồng đối với các vợ chồng trẻ là điều cũng rất quan trọng; gần gũi bằng việc các gia đình có uy tín nâng đỡ họ cách kín đáo về phương diện xúc cảm.

Việc đào tạo linh mục và các nhân viên mục vụ khác 

61. Việc canh tân thừa tác mục vụ là điều chủ yếu dưới ánh sáng Tin Mừng gia đình và giáo huấn của Huấn Quyền. Để việc canh tân này diễn ra, điều cần là phải cung cấp được một nền đào tạo cực kỳ thích đáng cho các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên và các nhân viên mục vụ khác; các tác nhân này phải cổ vũ việc hoà nhập các gia đình vào cộng đồng giáo xứ, nhất là nhân dịp họ được huấn luyện về đời sống Kitô hữu để lãnh nhận các bí tích. Cách riêng, các chủng viện, trong diễn trình huấn luyện về nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, nên chuẩn bị để các linh mục tương lai trở nên các tông đồ của gia đình. Trong việc huấn luyện để được thụ phong, việc phát triển xúc cảm và tâm lý của họ không được coi nhẹ, mà phải là thành phần trực tiếp của các khóa học thích đáng. Cung cách và các khóa huấn luyện chuyên biệt dành cho các nhân viên mục vụ sẽ làm họ trở thành thích đáng để được lồng vào việc chuẩn bị hôn nhân trong một phạm vi rộng lớn hơn của đời sống Giáo Hội. Trong thời gian huấn luyện, các ứng viên linh mục nên sống với gia đình riêng của họ trong một thời gian thích đáng và được hướng dẫn để cảm nghiệm được cuộc sống mục vụ của gia đình. Sự hiện diện của giáo dân và gia đình, nhất là sự hiện diện của phái nữ, trong việc huấn luyện linh mục sẽ gia tăng việc đánh giá tính đa dạng và tính bổ túc của các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội. Sự cống hiến của thừa tác vụ vô giá này có thể nhận được sức sống và tính bền vững của nó nhờ một liên minh đổi mới giữa hai hình thức khác nhau của ơn gọi bước vào tình yêu: hình thức của hôn nhân, là hình thức nở hoa trong gia đình Kitô Giao, đặt căn bản trên tình yêu và chọn lựa, và hình thức sống tận hiến, là hình ảnh hiệp thông của Nước Trời, bắt đầu với việc chấp nhận người khác một cách vô điều kiện như một hồng phúc Chúa ban. Trong việc hiệp thông các ơn gọi, một sự trao đổi các hồng phúc phong phú đã được khởi động; sự trao đổi này đem lại sức sống cho cộng đồng Giáo Hội và và làm giầu cho cộng đồng này (xem Cv 18:2). Ta có thể coi việc linh hướng cho các gia đình như là một trong các thừa tác vụ của giáo xứ. Đã có gợi ý cho rằng văn phòng gia đình của giáo phận và các văn phòng mục vụ khác nên tăng cường sự hợp tác của họ trong lãnh vực này. Trong việc tiếp tục huấn luyện hàng giáo sĩ và các nhân viên mục vụ, điều đáng ước ao là nên chú ý tới sự chín chắn trong các khía cạnh xúc cảm và tâm lý, bằng cách dành cho nó những phương tiện thích đáng; sự chín chắn này là điều không thể miễn chước được để các ngài đồng hành mục vụ với các gia đình cũng như đương đầu với nhiều tình huống khẩn trương đặc thù do bạo hành gia đình hay lạm dụng tình dục gây ra. 

(Còn tiếp)

Vũ Văn An

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

008

Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ giỗ 10 năm cha cố Giuse Trần Văn Nghị

 “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ …