Chương IV
Gia đình, cảm tính và sự sống
30. Bất cứ ai muốn hiến tặng hồng phúc sự sống, hẳn đều nhận được nó như một hồng phúc. Chắc chắn, như chính Chúa đã dạy ta, người ta có thể trở nên một mạch suối từ đó tuôn ra nước nuôi sống (xem Ga 7:37-38). Nhưng để trở nên mạch suối ấy, chính họ phải luôn luôn uống từ mạch suối nguyên thủy là Chúa Giêsu Kitô, mà từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người, tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn ra (xem Ga 19:34) (DCE, 7). Nhu cầu phải chăm lo chính bản thân mình, phải biết mình từ bên trong, phải luôn sống hòa hợp hơn với các xúc cảm và tâm tư của mình, phải tìm kiếm các liên hệ cảm giới có phẩm chất, nhu cầu này đòi người ta phải đón nhận hồng phúc yêu thương của người khác và sẵn sàng xây dựng các mối liên hệ hỗ tương đầy tính sáng tạo, những mối liên hệ có trách nhiệm và vững chắc giống như các mối liên hệ gia đình. Thách đố của Giáo Hội là trợ giúp các cặp vợ chồng lớn lên về phương diện xúc cảm và phát triển cảm tính của họ nhờ phát huy đối thoại và nhân đức, và tín thác vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Việc cam kết hiến thân hoàn toàn, điều mà hôn nhân Kitô Giáo luôn đòi hỏi, là một phản cực mạnh mẽ đối với sự hiện hữu cá thể, chỉ hướng về chính mình.
Huấn luyện việc tự hiến
31. Phong thái trong các liên hệ gia đình gây ảnh hưởng hàng đầu lên việc huấn luyện cảm tính cho thế hệ trẻ. Tốc độ thay đổi trong xã hội hiện nay làm cho việc đồng hành với người đang được huấn luyện để trưởng thành về cảm tính trở thành cực kỳ khó khăn. Việc này đòi một hành động mục vụ thích đáng, một hành động thấm đẫm sự hiểu biết Thánh Kinh và giáo huấn Công Giáo và được cung cấp nhiều dụng cụ giáo dục thỏa đáng. Một kiến thức thích đáng về tâm lý học gia đình cũng rất hữu ích để có thể trình bầy viễn kiến Kitô Giáo một cách hữu hiệu: Nỗ lực giáo dục này nên bắt đầu với giáo lý khai tâm. Việc huấn luyện này phải lưu ý nhấn mạnh đến giá trị của đức trong sạch, hiểu như việc thống nhất hóa các xúc cảm yêu thương, một điều sẽ khuyến khích sự hiến thân của ta.
Sự mỏng manh và non dại
32. Trong thế giới hiện nay, có rất nhiều khuynh hướng văn hóa đang cố gắng áp đặt một thứ tính dục không hạn chế, là thứ tính dục muốn khám phá mọi khía cạnh của nó, ngay cả các khía cạnh rất phức tạp. Sự mỏng manh non dại về cảm xúc có liên hệ ở đây: lòng yêu mình thái quá về cảm tính, một thứ yêu không ổn định và thất thường, không giúp người ta đạt được sự chín chắn lớn hơn. Những điều sau đây cần bị kết án mạnh mẽ: việc phổ biến văn hóa khiêu dâm và thương mãi hóa thân xác con người, nhất là khi được sự hỗ trợ của việc sử dụng internet méo mó; việc cưỡng bức đĩ điếm và việc khai thác điều này. Trong một bối cảnh như thế, các cặp vợ chồng đôi khi thấy bất trắc, do dự, và loay hoay tìm những cách đúng đắn để lớn lên. Con số những người tiếp tục ở lại mãi trong các giai đoạn đầu của cuộc sống xúc cảm và tính dục không hề ít chút nào. Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới các cặp vợ chồng đang gây bất ổn cho gia đình và, qua nạn ly thân và ly dị, đang đem lại những hậu quả thảm khốc cho người trưởng thành, cho trẻ em và cho xã hội, làm suy yếu các mối liên hệ cá nhân và xã hội. Việc sa sút dân số, do não trạng chống sinh sản gây ra và được nền chính trị ‘sinh sản lành mạnh’ khắp thế giới cổ vũ, đang đe dọa sợi dây nối kết giữa các thế hệ. Một hậu quả xa hơn là ra nghèo về kinh tế và mất hết hy vọng nói chung.
Sinh sản kỹ thuật và sinh sản nhân bản
33. Cuộc cách mạng kỹ thuật sinh học trong lãnh vực sinh sản của con người đã đem lại khả thể thao túng hành vi sinh đẻ, khiến nó độc lập đối với liên hệ tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà. Theo cách này, sự sống con người và năng lực sinh đẻ đã trở thành các thực tại có thể sử dụng mà cũng có thể vứt bỏ tùy ý, phần lớn tùy thuộc ý muốn của các cá nhân hay của các cặp, không nhất thiết phải dị tính hay cưới xin đàng hoàng. Hiện tượng này mới xuất hiện gần đây như một điều hoàn toàn mới lạ đối với cảnh vực con người, và càng ngày càng trở nên phổ thông hơn. Tất cả các hiện tượng này gây ảnh hưởng sâu xa tới tính năng động của các mối liên hệ, tới các cơ cấu của đời sống xã hội và tới hệ thống luật pháp, là những hệ thống luôn tìm cách can thiệp và qui định các thực hành đã xẩy ra và các tình huống đủ loại. Về vấn đề này, Giáo Hội biết rõ sự cần thiết phải đưa ra những lời nói đúng sự thật và đem lại hy vọng. Giáo Hội phải khởi đi từ xác tín này: con người phát xuất từ Thiên Chúa và luôn sống trước mặt Người: “sự sống con người là điều thánh thiêng, vì ngay từ thuở ban đầu, nó đã bao hàm ‘hành động sáng tạo của Thiên Chúa’ và vẫn luôn ở trong một mối liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cùng đích duy nhất của nó. Chỉ có Thiên Chúa mới là chúa tể của sự sống từ đầu tới lúc nó kết liễu: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể nhận bậy cho mình quyền được trực tiếp tiêu hủy một mạng sống nhân bản vô tội” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chỉ Thị Donum Vitae (Hồng Phúc Sự Sống), Dẫn Nhập, số 5; xem Đức Gioan Phaolô II, Tin Mừng Sự Sống, 53).
Thách đố mục vụ
34. Đề xuất nào trình bầy lại từ đầu các câu hỏi lớn về ý nghĩa sự sống con người đều tìm được đất tốt trong các hoài bão sâu xa nhất của nhân loại. Các giá trị cao thượng của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo luôn phù hợp với cuộc tìm kiếm vốn là đặc điểm của kinh nghiệm nhân bản, ngay trong thời nặng ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa khoái lạc. Điều bắt buộc là phải chào đón người ta một cách đầy hiểu biết và nhậy cảm đối với thực tại đời sống họ, và biết cách hỗ trợ họ trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa của họ. Đức tin nuôi dưỡng lòng khát khao Thiên Chúa và ý nguyện muốn cảm thấy mình trọn vẹn thuộc về Giáo Hội nơi những người đang kinh qua thất bại hoặc những người đang rơi vào các tình huống cực kỳ khó khăn. Sứ điệp Kitô Giáo luôn chứa đựng trong nó thực tại và năng động tính của lòng thương xót và sự thật, là những điều hội tụ nơi Chúa Kitô: “sự thật đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội cậy nhờ tình yêu này, một tình yêu vươn tay ra tha thứ và tự hiến, và là trung gian cho nhân loại. Bởi thế, bất cứ Giáo Hội ở đâu, lòng thương xót của Chúa Cha cũng phải hiển hiện ở đấy” (MV 12). Trong việc huấn luyện để bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, việc chăm sóc mục vụ phải lưu ý tới tính đa dạng trong các tình huống cụ thể. Một đàng, nếu cổ vũ các phương cách để đảm bảo việc huấn luyện hôn nhân cho người trẻ là điều cần thiết, thì đàng khác, ta phải đồng hành với những người sống một mình hay không có ý định lập gia đình hạch nhân mới, mà thường gắn bó với gia đình gốc của họ. Cũng thế, Giáo Hội nên có một nền chăm sóc mục vụ đặc biệt cho các cặp không thể có con, giúp họ khám phá ra kế hoạch Thiên Chúa muốn dành cho tình huống của họ, trong việc phục vụ toàn thể cộng đồng. Ai cũng cần cái nhìn có hiểu biết, biết lưu ý tới các tình huống tuy xa cách đời sống Giáo Hội nhưng không luôn cố ý, mà thường là bị dẫn dụ và đôi lúc bất ngờ xẩy đến. Theo viễn ảnh đức tin, họ không bị loại trừ: tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương và hiện diện ngay ở tâm điểm của thừa tác mục vụ của Giáo Hội.
(Còn tiếp)
Vũ Văn An
Nguồn: Vietcatholic News