Home / Tiêu Điểm / Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần I, chương 1

Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần I, chương 1

 

PHẦN I

Giáo Hội trong cuộc đối thoại với gia đình

4. Mầu nhiệm tạo dựng sự sống trên trái đất làm ta hết sức thán phục và ngạc nhiên. Gia đình xây dựng trên hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà là một nơi tuyệt vời và không thể thay thế được của tình yêu bản vị, một tình yêu có khả năng lưu truyền sự sống. Tình yêu không thể bị giản lược thành một thứ ảo tưởng tạm bợ, tình yêu cũng không phải là một cùng đích trong chính nó, tình yêu tìm kiếm sự đáng tin cậy của một “anh/em” có bản vị. Trong đoan hứa yêu nhau hỗ tương, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, tình yêu mong được lâu dài suốt đời, cho tới tận lúc chết. Uớc nguyện nền tảng muốn lập nên những mạng lưới yêu thương, vững chắc và liên thế hệ trong gia đình tự xuất hiện một cách liên tục và đầy ý nghĩa, vượt lên trên mọi ranh giới văn hóa và tôn giáo cũng như các thay đổi xã hội. Trong sự tự do của lời “có” được tự do trao đổi suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, tình yêu của Thiên Chúa vừa hiện diện vừa được cảm nghiệm. Đối với đức tin Công Giáo, hôn nhân là một dấu hiệu thánh thiêng qua đó, tình yêu Thiên Chúa dành cho Giáo Hội của Người được thể hiện. Gia đình Kitô hữu, do đó, là thành phần sống động của Giáo Hội: một “Giáo Hội tại gia”.

Cặp vợ chồng và cuộc sống hôn nhân không phải là các thực tại trừu tượng, chúng mãi bất toàn và dễ bị thương tổn. Vì lý do này, ý chí hoán cải, trở về, luôn là điều cần thiết, để tha thứ và để bắt đầu lại. Trong trách nhiệm làm mục tử của mình, chúng tôi quan tâm tới cuộc sống các gia đình. Chúng tôi muốn lắng nghe thực tại cuộc sống họ và các thách đố của họ, và đồng hành với họ bằng đôi mắt yêu thương phát xuất từ chính Tin Mừng. Chúng tôi muốn mang tới cho họ sức mạnh và giúp họ đảm nhiệm sứ mệnh hôm nay của họ. Chúng tôi muốn đồng hành với họ bằng một tấm lòng rộng mở trong chính các âu lo của họ, giúp họ can đảm và hy vọng, bắt đầu với lòng thương xót của Thiên Chúa. 

Chương 1

Gia đình và bối cảnh văn hóa nhân học
Bối cảnh văn hóa xã hội

5. Vâng phục điều Chúa Thánh Thần đòi hỏi nơi mình, chúng tôi tiếp cận các gia đình ngày nay trong tính đa dạng của họ, vì biết rằng “Chúa Kitô, Ađam mới… mạc khải trọn vẹn con người cho chính Người” (GS 22). Chúng tôi chú ý tới các thách đố hiện thời đang ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của cuộc sống. Chúng tôi biết rõ xu hướng chính của các thay đổi văn hóa và nhân học, mà vì chúng các cá nhân ít được các cơ cấu xã hội trợ giúp hơn so với quá khứ trong cuộc sống xúc cảm và gia đình của họ. Mặt khác, điều cũng bó buộc không kém đòi phải làm là xem xét các phát triển của chủ nghĩa duy cá nhân quá trớn, đang phá hoại các dây nối kết trong gia đình, tạo ra lý tưởng muốn đề cao một chủ thể được xây dựng theo ý muốn riêng của người ta, làm suy yếu sức mạnh của bất cứ dây nối kết nào. Chúng tôi nghĩ tới các cha mẹ, các ông bà, các anh chị em, các thân nhân gần xa, và tới sợi dây nối kết giữa hai gia đình do hôn nhân tạo nên. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên thực tại sống này: sức mạnh của các dây nối kết gia đình vẫn tiếp diễn khắp nơi để giữ cho thế giới tiếp tục sống. Vẫn liên tiếp còn có sự tận tụy lớn lao, biết quan tâm tới phẩm giá mọi con người: đàn ông, đàn bà, và trẻ em, mọi nhóm và thiểu số sắc tộc, như bảo vệ việc gia tăng quyền lợi của mọi con người nhân bản ngay bên trong gia đình. Lòng trung thành của họ sẽ không đáng tôn vinh nếu họ không xác nhận một niềm tin rõ ràng vào giá trị của cuộc sống gia đình, nhất là tin tưởng vào ánh sáng Tin Mừng ngay trong các nền văn hóa khác nhau. Chúng tôi biết rõ các thay đổi mạnh mẽ do các biến động văn hóa và nhân học mang đến cho mọi khía cạnh của cuộc sống, và chúng tôi vẫn luôn xác tín rằng gia đình là hồng phúc của Thiên Chúa, là nơi Người biểu lộ sức mạnh của ơn thánh cứu rỗi của Người. Ngay bây giờ, Chúa vẫn mời gọi người đàn ông và người đàn bà bước vào hôn nhân, đồng hành với họ trong cuộc sống gia đình, và ban chính Người cho họ như một hồng phúc khôn tả; đó là một trong các dấu chỉ thời đại cho ta thấy: Giáo Hội đang được mời gọi “tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng Tin Mừng; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó” (GS 4).

Bối cảnh tôn giáo

6. Đức tin Kitô Giáo vẫn mạnh mẽ và sống động. Ở một số nơi trên thế giới, người ta có thể thấy ảnh hưởng tôn giáo bị sa sút đáng kể trong môi trường xã hội, một việc gây nhiều hậu quả đối với cuộc sống gia đình. Xu hướng này có khuynh hướng đẩy chiều kích tôn giáo vào phạm vi tư riêng và trong gia đình, và mang theo nó nguy cơ gây trở ngại cho chứng tá và sứ mệnh của các gia đình Kitô Giáo trong thế giới ngày nay. Trong khung cảnh xã hội tiêu thụ tân tiến, người ta có nguy cơ đặt mọi hy vọng vào việc mưu cầu thái quá sự thành công xã hội và sự thịnh vượng kinh tế. Ở những vùng khác của thế giới, các hậu quả tiêu cực của trật tự kinh tế thế giới bất công đang dẫn tới nhiều hình thức sùng đạo nơi những người quá khích về tôn giáo và chính trị, họ thường thù nghịch đối với Kitô Giáo. Bằng cách tạo ra bất ổn và gieo rắc vô trật tự và bạo động, họ là nguyên nhân gây ra những khốn cùng và đau khổ lớn lao cho đời sống các gia đình. Giáo Hội được mời gọi đồng hành với sự sùng đạo sống động trong các gia đình để hướng nó tới ý nghĩa Tin Mừng.

Thay đổi nhân học

7. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau, mối liên hệ và sự thuộc về là hai giá trị quan trọng để tạo nên bản sắc cho các cá nhân. Gia đình cung hiến cho con người khả năng tự thể hiện mình và góp phần vào việc phát triển người khác trong xã hội nói chung. Cùng một bản sắc Kitô Giáo và Giáo Hội nhận được khi chịu Phép Rửa đã trổ bông trong vẻ đẹp của cuộc sống gia đình. Trong xã hội ngày nay, ta có thể chứng kiến nhiều thách đố khác nhau và các thách đố này tự biểu lộ nhiều ít tại các nơi khác nhau trên thế giới. Trong một số nền văn hóa, không ít người trẻ tỏ ra chống đối bất cứ cam kết dứt khoát nào liên quan tới các liên hệ cảm giới, và thường quyết định sống với một người bạn đường trong những mối liên hệ bất thường. Sinh suất giảm, và hậu quả của nhiều yếu tố khác, trong đó có việc kỹ nghệ hóa, cuộc cách mạng tình dục, việc sợ thặng dư dân số, các vấn nạn kinh tế, việc xuất hiện não trạng ngừa thai và phá thai. Xã hội tiêu thụ cũng có thể làm người ta không muốn có con chỉ để được tự do và duy trì lối sống riêng của mình. Một số người Công Giáo thấy khó có thể sống theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân và gia đình, và khó thấy được sự nhân lành trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa dành cho họ nơi giáo huấn này. Tại một số nơi trên thế giới, hôn nhân đang sa sút, trong khi ấy, ly thân và ly dị thì càng ngày càng trở nên thông thường hơn. 

Các mâu thuẫn văn hóa

8. Các điều kiện văn hóa có ảnh hưởng tới gia đình cho ta thấy một hình ảnh khác tại nhiều nơi trên thế giới, cũng như dưới ảnh hửơng rộng lớn của truyền thông. Một đàng, hôn nhân và gia đình rất được qúy chuộng và vẫn còn ý niệm trổi vượt này là gia đình biểu tượng cho một nơi an toàn dành cho các tâm tư sâu sắc và đem lại thỏa mãn hơn cả. Đàng khác, các lối hình dung này nhiều khi chỉ là những hoài mong thái quá và do đó là những yêu sách hỗ tương quá đáng. Các căng thẳng phát sinh từ nền văn hóa chiếm hữu và hưởng thụ có tính cá nhân chủ nghĩa thái quá tạo ra nơi gia đình một cảm thức nôn nóng và ưa gây hấn. Cũng cần phải nhắc đến thứ viễn kiến duy nữ, luôn tố cáo chức phận làm mẹ như một cái cớ nhằm bóc lột phụ nữ và làm cho họ không tự thể hiện được một cách trọn vẹn. Ngoài ra, còn có khuynh hướng càng ngày càng coi việc sinh con chỉ là một phương tiện để tự thể hiện mình, một điều phải đạt cho được bằng bất cứ cách nào. Ngày nay, một thách đố văn hóa rất có ý nghĩa đang thóat thai từ ý thức hệ “phái tính”, một ý thức hệ bác bỏ sự khác nhau và tính hỗ tương tự nhiên giữa người đàn ông và người đàn bà. Cứ đà này, ta sẽ có một xã hội không khác nhau về phái tính, và do đó tước mất nền tảng nhân học của gia đình. Một ý thức hệ như thế dẫn tới những dự án giáo dục, những kế hoạch pháp luật chỉ biết cổ vũ bản sắc cá nhân và thân mật cảm giới hoàn toàn tách rời khỏi sự dị biệt sinh học giữa nam và nữ. Bản sắc con người bị giản lược vào chọn lựa cá nhân, một chọn lựa thay đổi với thời gian. Trong viễn kiến đức tin, sự khác nhau của con người vế giới tính mang theo nó hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (xem St 1:26-27). “Điều này cho ta hay: không phải chỉ người đàn ông, ngay trong họ, mới là hình ảnh của Thiên Chúa, mà cả người đàn ông và người đàn bà, như một cặp, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa… Ta có thể nói rằng: không có sự phong phú hóa hỗ tương trong mối liên hệ này, trong tư tưởng và hành động, trong tâm tư và việc làm, trong cả đức tin nữa, thì cả hai đều sẽ không thể hiểu được cách sâu sắc làm đàn ông và làm đàn bà thực sự có nghĩa gì. Nền văn hóa hiện đại ngày nay đã mở ra những không gian mới mẻ, những tự do mới mẻ và những sâu sắc mới mẻ để phong phú hóa cái hiểu về sự dị biệt này. Nhưng nó cũng đem vào nhiều nghi vấn và khá nhiều ngờ vực…Loại bỏ sự khác nhau này… là vấn nạn, chứ không phải là giải pháp” (Đức Phanxicô, triều kiến chung, 15 tháng Tư, 2015).

Các tranh chấp và căng thẳng xã hội

9. Phẩm tính cảm giới và thiêng liêng của cuộc sống gia đình bị đe dọa nặng nề bởi việc gia tăng tranh chấp, thiếu tài nguyên, và các phong trào di dân. Các cuộc bách hại tôn giáo đầy bạo lực, nhất là chống lại các gia đình Kitô hữu, đã làm cho nhiều vùng của hành tinh trở thành hoang địa hoàn toàn, tạo nên nhiều phong trào và làn sóng tị nạn khổng lồ, gây nhiều áp lực nặng nề cho các quốc gia tiếp nhận họ. Các gia đình nào trải qua các thử thách này thường thường bị buộc phải mất gốc và lâm vào thế gần như bị tan vỡ. Lòng trung thành với đức tin của các Kitô hữu, sự kiên nhẫn của họ và sự gắn bó của họ đối với xứ sở nguyên gốc là điều đáng ca ngợi về đủ mọi phương diện. Các cố gắng của các nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo để truyền bá và bảo vệ nền văn hóa nhân quyền vẫn chưa đủ. Vẫn còn cần phải tôn trọng quyền tự do lương tâm và cổ vũ việc sống chung hòa hợp giữa mọi công dân dựa trên quyền công dân, quyền bình đẳng và công lý. Các chính sách bất công về kinh tế và xã hội, ngay trong các xã hội phồn thịnh, vẫn đang đè nặng lên việc dưỡng dục con cái cũng như chăm sóc người bệnh và người cao niên. Việc lệ thuộc rượu chè, ma túy, bài bạc nói lên xiết bao các mâu thuẫn và bất ổn xã hội, ảnh hưởng tới cuộc sống các gia đình. Việc tích lũy của cải trong tay một ít người và việc tẩu tán tài nguyên vốn được dành cho các dự án gia đình đã làm gia tăng cảnh nghèo của nhiều gia đình trong rất nhiều khu vực trên thế giới. 

Sự mỏng manh và sức mạnh của gia đình

10. Trong cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội ngày nay, gia đình, cộng đồng căn bản của con người, đang chịu nhiều đau khổ vì sự yếu đuối và mỏng manh của mình. Tuy nhiên, nó vẫn biểu lộ được khả năng tìm được nơi mình lòng can đảm để đương đầu với các thiếu sót và trách nhiệm của các định chế đối với việc đào tạo con người, phẩm chất các mối liên kết xã hội, việc chăm sóc các thành viên yếu đuối nhất. Bởi thế, điều đặc biệt chủ yếu là phải đánh giá đúng mức sức mạnh của gia đình để có thể hỗ trợ sự mỏng manh của nó. Xét trong nền tảng, sức mạnh này nằm ở khả năng yêu thương của gia đình và khả năng dạy dỗ việc yêu thương nhau. Bất kể gia đình bị thương tổn ra sao, nó vẫn luôn có thể lớn mạnh bằng cách khởi đi từ tình yêu. 

(Còn tiếp)

Vũ Văn An

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …