Home / Chia Sẻ / THƯƠNG ĐỜI CỨU NGƯỜI

THƯƠNG ĐỜI CỨU NGƯỜI

THƯƠNG ĐỜI CỨU NGƯỜIPhúc Âm là Thư Tình của Thiên Chúa gởi cho nhân loại. Tình yêu và lòng thương xót là “chất” luôn thấm đẫm trong từng câu chữ, nhất là trong Phúc Âm theo Thánh Luca. Thật vậy, Chúa Giêsu đã minh định: “Con Người đến để TÌM và CỨU những gì đã mất.” (Lc 19:10)

Là thầy thuốc nên Thánh Luca rất quan tâm vấn đề y đức: Lương y như Từ Mẫu. Ông đề cao 3 điều: [1] Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ mọi người, giao hòa nhân loại với Thiên Chúa; [2] Thiên Chúa là Đấng nhân từ và thương xót; [3] Tinh thần từ bỏ mình và sống nghèo khó. Quả thật, trong Phúc Âm này có ba dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót: [1] Con chiên bị mất, (Lc 15:4-7) [2] Đồng bạc bị mất, (Lc 15:8-10) và nổi bật là [3] Người cha nhân hậu. (Lc 15:11-32) Phúc Âm của Thánh Luca được viết vào khoảng giữa năm 70 và 75 sau công nguyên.

Như chúng ta đã biết, Thánh Luca là người Hy Lạp, là tân tòng, là môn đệ của Thánh Phaolô, là tác giả Phúc Âm thứ ba và sách Công Vụ. Ông là dân trí thức, giỏi viết văn mà cũng khéo kể chuyện. Ông đề tặng cả hai tác phẩm cho một nhân vật thế giá, cũng là tân tòng, tên là Thêôphilô. Theo Hy ngữ, Thêôphilô nghĩa là “người yêu mến Chúa.” Rất có thể ông là tân tòng đại diện cho nhóm độc giả mà thầy thuốc Luca nhắm tới, muốn họ am tường giáo huấn của đạo mới – đạo yêu thương của Thiên Chúa.

Qua trình thuật Lc 4:14-21, Thánh Luca cho biết rằng Đức Giêsu được quyền năng Thần Khí thúc đẩy nên Ngài trở về miền Galilê. Hôm đó, mọi người tôn vinh Ngài vì nghe Ngài giảng dạy chí lý và chí tình trong hội đường, do đó tiếng tăm Ngài đồn ra khắp vùng lân cận. Hữu xạ tự nhiên hương, đó là điều tất nhiên. Mọi người phải tâm phục khẩu phục, không ai có thể phủ nhận.

Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là “chiếc nôi” của cuộc đời, dù nó đẹp hay xấu, lớn hay nhỏ. Nadarét là quê hương của Chúa Giêsu. Ngài vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày sabát. Người ta trao cho Ngài sách ngôn sứ Isaia. Ngài mở ra, gặp ngay đoạn này: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18-19)

Ngôn sứ Isaia đã đề cập Năm Hồng Ân. (Is 61:1-3) Đó là năm đặc biệt mà chúng ta gọi là Năm Thánh. Đọc xong, Ngài cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài. Lúc đó, Ngài nói ngay: “Hôm nay đã ỨNG NGHIỆM lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Kinh Thánh là Thánh Ngôn của Thiên Chúa, cũng là Thánh Ý của Ngài muốn đối với mỗi chúng ta. Chẳng chóng thì chày, Kinh Thánh luôn ứng nghiệm đến từng chi tiết.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định rằng Ngài đến thế gian không phải là để bãi bỏ luật Cựu Ước hoặc luật Môsê, nhưng để kiện toàn lề luật. Mọi chi tiết đều nên trọn, như có lần Ngài đã xác định: “Trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi MỌI SỰ ĐƯỢC HOÀN THÀNH.” (Mt 5:18)

Có thể nói rằng chúng ta luôn sống trong Năm Hồng Ân, bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu Năm Hồng Ân. Tuy nhiên, vì điều kia hay sự nọ mà chúng ta đã và đang có những lúc quên mất. Có những lúc giật mình hồi tâm, chúng ta mới thấy mình thật tệ đối với Thiên Chúa. Vì thế, ước gì ai cũng tự nhủ như Thánh Vịnh gia: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.” (Tv 119:11) Đồng thời cũng mong sao chúng ta can đảm bảo vệ sự sống, bảo vệ chân lý và công lý như Chúa Giêsu đã truyền dạy, để thế giới không còn áp bức, bóc lột, bất công, bất nghĩa, bất chính,… mọi người được sống đúng với nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, được sống tự do đích thực.

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia đã thông báo: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một NĂM HỒNG ÂN của Đức Chúa, một NGÀY BÁO PHỤC của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi YÊN ỦI mọi kẻ khóc than, TẶNG cho những kẻ khóc than ở Sion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não. Người ta sẽ gọi họ là CÂY THÁNH RỪNG THIÊNG, là vườn cây Đức Chúa trồng để làm cho Người được vinh hiển.” (Is 61:1-3) Thật tuyệt vời!

Chi tiết được đề cập trong sách Nơkhemia: “Ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Étra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc TỪ SÁNG SỚM TỚI TRƯA, và toàn dân LẮNG TAI NGHE sách Luật. Kinh sư Étra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này.” (Nkm 8:2-4a) Luật Chúa rất cần nghiên cứu và tuân thủ hàng ngày, giữ luật Chúa là yêu mến Ngài. Mà luật Chúa là yêu người. Thánh Gioan phân tích rạch ròi: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.” (1 Ga 2:4-5)

Còn nữa, sách Nơkhemia cho biết: “Ông Étra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. Bấy giờ ông Étra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: ‘Amen! Amen!’ Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa.” (Nkm 8:5-6) Lời Chúa được mọi người kính trọng, họ đã chứng tỏ bằng hành động cụ thể.

Toàn dân hiểu được Luật Chúa, nhờ ông Étra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích những gì các ông đọc. Tổng đốc Nơkhemia, tư tế kiêm kinh sư Étra, cùng các thầy Lêvi, giảng giải Luật Chúa cho dân chúng và nói: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em ĐỪNG SẦU THƯƠNG KHÓC LÓC.” Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật. Ông Étra còn khuyên họ về ăn mừng: “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là NGÀY THÁNH HIẾN cho Chúa chúng ta. Anh em ĐỪNG BUỒN BÃ, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.” (Nkm 8:8-10)

Thiên Chúa ban ơn thánh chan hòa cho những người tuân giữ Thánh Luật của Ngài, và ngày thánh hiến là ngày vui mừng, hạnh phúc, không thể u sầu, khóc lóc. Luật Chúa là huấn lệnh kỳ diệu. Thánh Vịnh cho biết: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời. Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.” (Tv 19:8-10) Biết được như vậy thì an tâm, cứ tuân giữ với niềm vui trong lòng.

Thế nhưng con người thường hứa trước, quên sau, nói nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu. Vì thế, chúng ta phải cầu xin và khấn nguyện: “Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa, và bao tiếng lòng con thầm thĩ mong được thấu đến Ngài.” (Tv 19:15)

Có ngày này, tháng nọ, năm kia là để nhắc nhở chúng ta đừng quá vui, quá buồn hoặc quá lo mà quên Chúa. Ngày xưa, chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở qua lệnh truyền của Ngài dành cho mọi người – không trừ ai, ở mọi nơi và mọi thời, ai cũng phải loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, đặc biệt là thực hiện công lý và hành động cụ thể: “Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18-19)

Đó là trách nhiệm của mọi người, không đặc cách hoặc loại trừ ai. Mọi người đều có mối liên hệ nào đó với nhau – dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp, đặc biệt là trong mối quan hệ tâm linh, vì tất cả chúng ta đều là các chi thể trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô so sánh cụ thể: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr 12:12-13)

Chỉ có một thân thể nhưng có nhiều cơ phận. Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Giả như chân có nói: ‘Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể,’ thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: ‘Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể,’ thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: ‘Tao không cần đến mày,’ đầu cũng không thể bảo hai chân: ‘Tao không cần chúng mày’.” (1 Cr 12:12-21) Phân biệt, ganh tị nhau như vậy thì chỉ có “chết” mà thôi.

Có ngụ ngôn kể rằng, răng ỷ mình cứng nên chê môi và lưỡi mềm nên cứ phải dựa vào nó. Trời lạnh, môi và lưỡi co lại, răng dù cứng nhưng chịu buốt giá và rụng dần, còn môi và lưỡi mềm nhưng vẫn an toàn. Tục ngữ nhận định chí lý: “Cười người hôm trước, người cười hôm sau.” Sông có khúc, người có lúc, nay thế này, mai thế khác, đừng ảo tưởng, chớ ỷ mình mà rồi có lúc không biết giấu mặt nơi nào. Hối không kịp. Hiểu được thì đã muộn rồi. Nhân vô thập toàn, ai cũng có lúc phải cậy nhờ người khác về việc này hay chuyện nhỏ. Chẳng ai tự túc mọi sự suốt đời đâu!

Thật vậy, Thánh Phaolô cho biết cụ thể: “Những bộ phận xem ra YẾU ĐUỐI NHẤT thì lại là CẦN THIẾT NHẤT; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1 Cr 12:22-26) Cơ thể chúng ta có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận là một bài học phong phú mà chúng ta phải học để sống. Tất cả đều mang tính liên đới.

Thiên Chúa thật kỳ diệu khi tạo dựng con người với các cơ phận khác nhau: Mỗi người có HAI tay, HAI chân, HAI tai, HAI mắt, HAI lỗ mũi, nhưng chỉ MỘT miệng. Đúng là Thiên Chúa muốn chúng ta LÀM nhiều, ĐI nhiều, NGHE nhiều, NHÌN nhiều, NGỬI nhiều, nhưng NÓI ÍT hoặc KHÔNG NÓI. Tương tự, não bộ có HAI bán cầu não mà chỉ có MỘT trái tim: Phải SUY NGHĨ nhiều và YÊU THƯƠNG không ngừng.

Thánh Phaolô kết luận: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?” (1 Cr 12:27-30) Chắc chắn mỗi người đều có một hoặc hai tặng phẩm riêng, mỗi người như viên gạch, ở chỗ này hoặc chỗ kia, nhưng viên nào cũng có tầm quan trọng riêng, và cùng liên kết để làm nên bức tường và tòa nhà.

Một khi nhận thức được như vậy, không ai còn dám kiêu ngạo về bất cứ điều gì nữa. Quả thật, kiêu ngạo là ngu xuẩn, là khốn nạn, và chắc chắn bị Thiên Chúa loại trừ. (x. Lc 1:52) Ước gì chúng ta triệt tiêu được “cái tôi” để không còn tự ái vặt, và có thể triệt tiêu thói kiêu căng. Ý thức được vậy sẽ dễ dàng thương xót người khác như Chúa muốn.

Cuộc sống luôn phải canh tân và thích nghi với mọi hoàn cảnh, người ta đề nghị ba quyết định cần phải hành động: [1] theo ý Chúa muốn, [2] theo cách Chúa muốn, [3] vì ý Chúa muốn. Và có thêm bốn nỗ lực khác cũng rất thú vị là MẠNH MẼ HƠN về thể lý, về trí tuệ, về cảm xúc, và về tâm linh. Muốn có hòa bình thì phải thực hiện công lý, thể hiện công bình và bác ái, và cũng là thể hiện lòng thương xót đối với mọi người – nhất là đối với những người hèn mọn, những người đơn độc đứng bên lề xã hội,…

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, xin thúc giục mọi người biết tận dụng thời gian để tận hưởng ơn Ngài trao ban vì Lòng Thương Xót và sống xứng đáng là con cái Ngài suốt hành trình trần gian này, vì Ngài đã thương cứu chúng con thì chúng con cũng phải thương cứu lẫn nhau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …