Home / Lá Thư Linh Hướng / Thư Mùa Chay

Thư Mùa Chay

Chúng ta đang ở trong Mùa Chay. Trong Mùa Chay, sứ điệp thống hối thường được lập đi lập lại. Đối với Giáo hội Công Giáo, chúng ta có nhiều hình thức thống hối. Theo Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, “Kinh Thánh và các Giáo phụ nhấn mạnh nhất ba hình thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí là những cách diễn tả sự hối cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân” (GLCG số 1434).

Chi tiết hơn nữa, số 1435 của Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo còn dạy: “Việc hối cải được thực hiện trong đời sống hằng ngày bằng những hành động giao hoà, quan tâm đến người nghèo, thực thi và bảo vệ công lý và lẽ phải, bằng việc thú nhận lỗi lầm với anh em, sửa lỗi cho nhau, kiểm điểm đời sống, tự vấn lương tâm, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì lẽ công chính. Con đường chắc chắn nhất của sự thống hối là vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa Giêsu”.

Hội thánh Công giáo cũng dành thời gian đặc biệt của Mùa Chay để kêu gọi con cái mình tham dự các buổi cử hành phụng vụ thống hối, các buổi hành hương thống hối cùng với những việc hãm mình tự nguyện như giữ chay và bố thí, chia sẻ huynh đệ (các công tác từ thiện và truyền giáo) (Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo số 1438).

   Những lời dạy của Giáo hội cho thấy việc thống hối tuy thuộc về nội tâm, về bên trong nhưng vẫn cần tỏ lộ ra bên ngoài qua những hành vi cụ thể. Nếu khi nói tới con người, chúng ta nói tới con người hồn xác, có bên trong có bên ngoài thì việc sám hối là việc của cả con người toàn diện, nghĩa là nó không dừng lại ở việc sám hối trong tâm hồn, nhưng còn biết tỏ lộ ra bên ngoài bằng những hành vi tỏ lộ lòng yêu thương. Và chúng ta cũng không hài lòng khi có những hành động bên ngoài như bác ái, truyền giáo mà không có sự thống hối bên trong.

Còn việc chay tịnh, việc ăn chay thì từ ngữ “ăn chay” trong ngôn ngữ Việt Nam có thể bị hiểu lầm. Người ta thường hiểu “ăn chay” là ăn theo kiểu của một tôn giáo khác đó là không ăn tất cả những sinh vật bị giết để thỏa mãn luật cấm sát sinh. Thật ra mỗi tôn giáo Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Kitô giáo… đều có kiểu “ăn chay” khác nhau.

Đối với người Công giáo, ăn chay là để diễn tả lòng thống hối (GLCG số 1434). Điều răn thứ tư của Hội thánh Công giáo cho thấy: “Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày thống hối do Hội Thánh qui định bảo đảm thời gian khổ chế và thống hối để chuẩn bị cho chúng ta mừng các lễ Phụng vụ, và giúp chúng ta làm chủ được các bản năng và đạt tới sự tự do của trái tim (GLCG số 2043).

Như thế thời gian ăn chay là thời gian rèn luyện: rèn luyện con người chống lại sự lôi cuốn của bản năng, chống lại sự mù quáng chạy theo bản năng. Người ta thường biện minh cho việc làm theo bản năng bằng câu: đói ăn, khát uống, ham thích tính dục thì tìm cách thỏa mãn… Thế nhưng dù đói khát, chúng ta cũng chọn lựa thức ăn thức uống lành sạch để ăn và để uống, chúng ta không dùng thức ăn thức uống độc hại để tránh bệnh tật, thậm chí để tránh cái chết. Ham muốn tính dục nếu tách ra khỏi đời sống gia đình thì làm tan nát gia đình và sau đó là làm tan nát xã hội. Đàng khác, nếu “ngày ngày yến tiệc linh đình” là để diễn tả niềm vui, thì việc chay tịnh cho thấy một tâm hồn trầm lắng, suy tư, thống hối về cuộc đời xa cách Thiên Chúa và xa cách Lời Chúa dạy của mỗi người. Thực hành ăn chay là để tập làm chủ bản năng của mình để cuộc sống chúng ta là cuộc sống bình an, lành mạnh để tâm hồn chúng ta được thanh thản đi theo Chúa.

Như thế, người Công giáo thực hành ăn chay và kiêng thịt hay chỉ thực hành kiêng thịt mà thôi với ý hướng khác với tôn giáo khác. Người Công giáo ăn chay là giới hạn phần lương thực đưa vào cơ thể (chỉ một bữa no và hai bữa đói) cũng như khi kiêng thịt là không ăn thịt những động vật như heo, bò, gà…. còn ăn cá, tôm, cua, ếch… và các thứ hải sản là vì ý hướng đó. Và cũng với ý hướng đó việc ăn chay không chỉ là hình thức bên ngoài mà còn phải thực hành với “tấm lòng tan nát khiêm cung”. Việc ăn chay không phải nhắm mục đích làm đẹp, cũng không nhắm mục đích tiết kiệm, mà nhắm đến việc chia sẻ. Ăn chay bố thí thường đi đôi với nhau. Nếu chúng ta bố thí một ít tiền rồi yên tâm cho cả Mùa Chay thì chúng ta chỉ làm được cái hình thức bên ngoài. Thế nhưng nếu chúng ta chay tịnh để chia sẻ cho người khác thì chúng ta đã đạt được cả hình thức và nội dung. Thực hành ăn chay bố thí sẽ thực sự tác động trên đời sống chúng ta làm chúng ta sống gắn bó hơn với lời dạy của Chúa.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …