Home / Chia Sẻ / Thư gửi người bạn Linh mục 25 năm

Thư gửi người bạn Linh mục 25 năm

 

 

       Cha H thân mến,

      preaching ministerAnh chị em cùng lớp trung học ngày xưa, nghe tin anh mừng kỷ niệm Ngân Khánh Linh Mục vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm sắp tới mừng lắm, nhắn mình viết gửi anh ít hàng nói lên tâm tình của bạn hữu và chúc mừng anh. Chả mấy khi chúng mình có dịp ngồi lâu giờ để tâm tình chia sẻ, dẫu rằng năm nào cũng vậy, lớp có dịp họp nhau, có cả cha TH; Thầy H cùng dự. Anh hoặc TH dâng lễ, sau đó tếu táo với nhau độ tiếng đồng hồ rồi chia tay nhau. Mỗi người mỗi việc của mình. Chỉ nhớ đến nhau trong kinh nguyện.

      Mới hôm nào mà nay đã 25 năm. Quả thật hai mươi lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! Tình Chúa cao cả là dĩ nhiên rồi, tình người mến thương. Tạ ơn Chúa vì những năm tháng lúc ấy, đất nước còn nhiều khó khăn nhưng đang trở mình trên con đường đổi mới. Nhiều thành kiến, nghi ngờ  chưa rũ bỏ được, Chúa đã soi sáng để Hội Thánh Chúa được bảo tòan, âm thầm phát triển, ít là tại Thành Phố này. Qua Đức Cố Tổng Giám Mục PhaoLô Nguyễn Văn Bình, Ngài liên tục kiến nghị nhà nước chấp thuận cho số các Thầy đã tu học trong các năm trước 1975, sau khi hòan thành chương trình hòan chỉnh tại Đại chủng viện (dù lúc đó ĐCV Thánh Giuse chưa được mở lại) được phong chức Linh Mục. Năm 1987 cả giáo phận vỡ òa niềm vui khi một lọat các Thầy được thụ phong, các Thầy Thực, Thủ, Rự (nhóm Xuân Bích cũ) có tên nhưng không có tên anh trong số đó. Anh em vui nhưng chưa trọn. Hôm chúng mình gặp nhau nhân lễ tạ ơn của Rự, bạn bè động viên nhau. Anh vui vẻ, tươi cười: ”các bạn cứ an tâm, việc của Chúa mà”. Sau này được đọc cuốn Đường Hy Vọng của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người mà các anh từng được thụ huấn và ngưỡng mộ khi đang tu học ở Nha Trang, những năm 70, mình mới rõ điều anh nói. Quả là “Việc của Chúa“, Chúa viết những nét thẳng trên những đường cong.

     Thật vậy, Huyền cơ mầu nhiệm của Thiên Chúa nào ai biết được, ngày 8 tháng 12 năm 1988 anh bước lên bàn Thánh nhận tác vụ Linh Mục. Bố Mẹ, thân quyến, họ tộc mừng vui. Cả Giáo xứ LH nơi gia đình ông bà Cố cư ngụ trước năm 1975 cũng hòa chung niềm vui ấy, trong đó có bọn mình. Thế là trọn vẹn, cả bốn anh em cùng tu học nay đã chung chiến hào. Sau những ngày tạ ơn, anh nhận nhiệm sở tại một xứ đạo lớn trong Thành phố. Nơi đủ tầm để thực tập mục vụ cho đầu đời Linh Mục. Anh đã trở lại xứ đạo cũ, nơi trổ sinh ơn gọi lúc thiếu thời để dâng lễ tạ ơn, cầu nguyện cho Cha Già Cố Giuse Maria, người đã gợi ý cho anh bước vào đời tu trì. Cám ơn Cha nguyên Hiệu Trưởng Bê-Na-Đô, Cha chánh xứ đương nhiệm cũng là nguyên Tổng Giám Thị Trường VĐ, những người Thầy đầu tiên và đáng kính, cám ơn mọi người, gặp gỡ bạn bè thân thiết, các em Lễ sinh, các bạn trẻ Ca đòan mà trước đó mỗi lần về giúp giáo xứ, anh có dịp hướng dẫn, sinh họat chung. Anh em cứ nói đùa “Cha TôMa tướng tá oai phong, âm giọng te-no, luôn tươi cười vui vẻ hẳn còn có nhiều triển vọng cho Giáo hội“. Niềm vui của Ông Cố, có con bước lên bàn Thánh chưa được lâu thì anh đã ngậm ngùi đưa tiễn người cha thân yêu rời cõi tạm trở về với Chúa. Nhớ mãi lần Cụ Ông ra đi, anh chạy đến nhờ mình viết giúp mấy lời cảm tạ nhân lúc kết thúc lễ an táng vì anh lu bu quá, không có thời giờ để ghi nhận, e thiếu sót. ”Bạn bè cần nhau lúc này” anh nói. Mình thật cảm động, liên tục bám sát tang lễ và giúp nhau cho trọn bổn phận. Sau ít ngày hòan tất lễ nghi, anh ghé cho mình chai rượu lễ và ít cuốn sổ trắng tinh với lời dặn khéo léo: ”ít cuốn sổ tặng cậu vì phải viết lách nhiều, còn chai rượu biếu bà xã để uống cho khỏe“. Mình vẫn nhớ như in ấy!

     Bước vào cuộc đời mục vụ, từ một Linh mục phụ tá, về quản nhiệm một họ đạo, làm chánh xứ một xứ đạo kỳ cựu tòan tòng, rồi sang một xứ đạo phố thị suốt ngày bán buôn tấp nập. Đến nay đang phục vụ một xứ đạo lớn trong Hạt, chúng mình biết anh đã gặp không ít khó khăn trên con đường phục vụ. Đã nhiều lúc muốn gặp nhau để an ủi, nâng đỡ nhau nhưng không có điều kiện. Anh em bảo nhau cầu nguyện cho anh luôn vững vàng. Mình biết những nỗi đau, những buồn phiền “dao sắc thâu qua lòng“ như Đức Maria chịu đựng trong Tin mừng thế nào, các Linh mục cũng từng cam chịu như thế. Những hiểu lầm, những ngộ nhận, những phiền trách của giáo dân, của người ở gần, kẻ ở xa. Ngay cả những anh em đồng hành với mình, khiến người Linh mục của Chúa cam chịu. Một trong những chứng từ ấy của Linh Mục Michel Quoist chúng mình từng đọc được trong tập ”suy nghĩ và cầu nguyện” của Cha Phao Lô Nguyễn Văn Thảnh, Tổng Tuyên úy TNTT những năm 70 nói về nỗi niềm một Linh mục vào một buổi chiều Chúa nhật. Và cũng chính nhờ ơn Chúa mà vượt qua được.

     Trong một lần đi dã ngọai của lớp cũ, một người bạn hỏi cha TH về sự tích lòai hoa “Forget me not”, cha cười chịu thua và mách nhỏ: ”Cậu cứ hỏi cha H, anh ấy biết nhiều, cái gì cũng biết (?) vì chịu đọc sách lắm! ”Thật thế, một vài lần đi dự lễ, nghe anh giảng, mình thật khâm phục về sự học hỏi của anh trong quá trình tự đào tạo (thường huấn), sau khi rời Đại chủng viện. Linh mục thời đại hôm nay phải là như thế. Cần mở rộng tầm nhìn, học hỏi, đào sâu Lời Chúa để ngày càng nhận ra ý Chúa nói gì hôm nay, hầu chia sẻ điều đó cho người Kitô hữu giáo dân đang khao khát Lời Người. Linh mục cũng cần nắm bắt các kiến thức khoa học xã hội, tự nhiên, thời sự cuộc sống… Có là một đòi hỏi quá đáng của một con người hôm nay? Và hơn hết, theo mình, Linh mục cần biết lắng nghe nhiều hơn, nhất là biết lắng nghe theo cương vị người chăn chiên như Đức Giêsu ”Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng biết Tôi“. Lắng nghe để học hỏi, lắng nghe để thông cảm, lắng nghe để ủi an, chia sẻ, lắng nghe để hiểu mình, hiểu người. Nghe nói anh không dùng điện thọai di động hay có mà chỉ một số người nào đó giới hạn biết số. Anh không dùng Email để khỏi phiền hà. Đúng không? Nói anh nghe, Đức Thánh Cha hàng ngày gửi tin nhắn trên Twitte, gửi Email, từng trực tiếp nói chuyện điện thọai với người giáo dân như anh bảo vệ, cô thư ký. Tất nhiên là qua văn phòng. Còn Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đã từng cho mình một tấm danh thiếp, có số điện thọai và số Email của Tòa Tổng Giám Mục để  “Anh có gì cứ gửi cho tôi“, lời Ngài dặn hôm vào mừng bổn mạng Ngài năm 2011. Ngày hôm nay, theo Đức Thánh Cha, các phương tiện thông tin, đặc biệt internet cũng là một khí cụ loan báo Tin Mừng. Nói lan man một chút, mình dừng lại ở đây kẻo lại mang tiếng là “lắm chuyện”.

    Anh H. thân mến,

    Mấy lần gặp nhau, anh khen một bài viết về cha Cố Vịnh, nguyên Hiệu Trưởng Trường Lê Bảo Tịnh, trong đó có trích bài hát của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn “Một đời người một rừng cây” để nói về sự nghiệp trồng người của cha Cố, nay đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa. Anh cũng đồng cảm với người viết vì thích bài hát này. Nhân ngày kỷ niệm 25 năm Linh Mục, mình cũng mượn một câu trong bài này tặng anh: “Cây có hiểu vì sao chim trời kéo về làm tổ?”. Và anh, người Linh Mục của Thiên Chúa, của Hội Thánh, của mọi người, hãy trở nên như “cây cải trong tin mừng”, lớn xum xuê đến độ chim trời kéo đến nương náu.

     Thân ái chào và chúc mừng anh, Linh Mục TôMa, mãi mãi nhận “CHÚA LÀ GIA NGHIỆP ĐỜI CON“ (Tv 15, 5) như châm ngôn sống, kể cả khi đón nhận tác vụ Linh Mục.

Phan-xa-Minh

(khóa 62-65 trường Văn Đức)

                                                                                                                                                                                                                       

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …