Thánh Thomas Aquinas (Toma Aquino, 1225–1274) là phát ngôn viên xuất sắc của truyền thống Công giáo về Tín lý và Mặc khải. Ngài là 1 trong 4 thầy dạy vĩ đại của Giáo hội Công giáo thời Trung cổ (3 vị kia là Alexandre Hales, Albert Cả và Bonaventura), Ngài được tôn vinh là Tiến sĩ Giáo hội và Tiến sĩ Thiên thần. Thomas thông thái xuất chúng nhưng rất khiêm nhường.
Thomas Aquinas chào đời vào mùa xuân năm 1225 tại Rocca-secca, gần Aquino, một thị trấn ở miền Nam nước Ý. Thomas là con trai thứ ba trong một gia đình vị vọng: Ông bà Bá Tước Landolfo và Theodora.
Lúc 5 tuổi (1230), Thomas được song thân gửi vào Đan viện Biển Đức tại Cassino để thụ huấn. Song thân của Thomas hy vọng con trai sẽ trở thành Tu viện trưởng của Đan viện này, vì điều đó sẽ làm cho ảnh hưởng của thân phụ lan rộng hơn, và để làm vẻ vang dòng dõi quý tộc. Nhưng năm 1235, Thomas phải rời Đan viện vì có sự tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, trong đó có sự tham dự của các vị lãnh đạo thành Aquino. Là con vị lãnh chúa vùng Aquinas thuộc hoàng tộc Hohenstanfen nhưng Thomas không thích thế quyền.
Năm 1239, Thomas bắt đầu theo học tại phân khoa nghệ thuật Đại học Neapoli, và tốt nghiệp năm 1244, lúc đó Thomas vừa tròn 19 tuổi. Tại đây, ngài rất say mê triết học của Aristote. Cũng chính thời gian này Thomas khám phá ra ơn gọi tu trì.
Năm 1243, Thomas bỏ kế hoạch của gia đình và xin vào Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Dòng Đa-minh), mẹ ngài rất thất vọng. Thế nên mẹ ngài cho người bắt ngài về và biệt giam ngài ở nhà hơn 1 năm. Thậm chí gia đình còn thuê gái điếm vào quyến rũ Thomas, nhưng ngài đã lấy cây củi đang cháy trong lò sưởi mà đuổi đi. Ngài vẽ hình Thánh Giá trên tường và qùy xuống cầu nguyện. Thiên thần hiện ra thắt dây đồng trinh cho ngài. Vì thế, ngài còn được gọi là Tiến sĩ thiên thần. Sau 1 tháng, ả gái điếm đành chịu thua. Người chị thương em nên giúp Thomas trốn khỏi nhà.
Khi được tự do, ngài đi Paris rồi tới Cologne và hoàn tất việc học với Thánh Albert Cả. Ngài tốt nghiệp và làm giáo sư tại Paris khi mới ngoài 20 tuổi. Ngài sống trong dinh của ĐGH Urban IV, hướng dẫn các trường dòng Đa-minh ở Rome và Viterbo, tranh luận với các tu sĩ khất thực, tranh luận với một số tu sĩ Dòng Phanxicô về thuyết của Aristote, và chống lại giáo thuyết Manich, kể cả phái Averroist. Trong trường, Thomas rất ít nói. Ngài thường suy tư đến ngây người nên bị gán cho biệt danh “con bò câm xứ Silixia”. Giáo sư Albert biết lực học của Thomas nên nói trước lớp: “Hãy học theo Thomas trong cách suy nghĩ. Đó là một con bò, nhưng tiếng rống của con bò này sẽ vang dội khắp thế giới”. Quả thật, lời tiên báo đó của Thánh Albert Cả đã ứng nghiệm.
Năm 1248, Thomas theo thầy Albert về Cologne dạy học và tiếp tục nghiên cứu. Cũng tại đây, Thomas được lãnh tác vụ linh mục và dần dần trở nên nổi tiếng về sự thông thái và thánh thiện. Giáo quyền muốn dành cho Thomas nhiều chức tước và đặc ân, nhưng Thomas từ chối tất cả, chỉ muốn làm một tu sĩ bình thường, không danh vọng, không chức tước.
Trong thời gian làm giáo sư, Thomas đã đọc nhiều tác phẩm thuộc đủ các môn và đã sáng tác nhiều tác phẩm triết học và thần học rất có giá trị. Sinh thời, danh tiếng ngài vang dội, nhiều người đổ xô đến xin ý kiến ngài. Người ta hỏi:
– Theo giáo sư, nhàn rỗi là gì?
– Là cái búa mà kẻ thù bổ xuống đầu bạn.
– Cái gì tạo ra sức mạnh của giáo sư: Kinh nguyện, việc làm hay ý chí?
– Kinh nguyện. Ai không cầu nguyện thì như người lính ra trận không có vũ khí.
– Làm thế nào để được cứu độ?
– Phải khiêm nhường.
Khi ở Ý, ĐGH Urban IV giao cho ngài nhiều trọng trách – như giảng thuyết cho người Do thái, và muốn trao mũ gậy giám mục cho ngài nhưng ngài từ chối để được dạy học và lo việc cho nhà dòng. Tương truyền, Thomas đã đàm đạo với Đức Mẹ, các thánh và cả với Chúa Giêsu nữa. Có lần Chúa Giêsu hỏi: “Sách con viết, Ta rất hài lòng. Con muốn được thưởng gì?”. Thomas đáp: “Con chỉ muốn được yêu mến Chúa mà thôi”.
Công đóng góp to lớn của ngài cho Giáo hội Công giáo là những sách ngài viết, đặc biệt là bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae) được viết từ năm 1266–1273. Sự hiệp nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của kiến thức con người tự nhiên và được mặc khải, tất cả đã thấm sâu vào những gì ngài viết. Thánh Thomas, với tư cách là người-của-Phúc-Âm, đã trở thành người hăng hái bảo vệ chân lý mặc khải. Ngài hiểu biết sâu rộng đủ để thấy trật tự thiên nhiên đến từ Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, và thấy lý lẽ là tặng phẩm từ trời rất được yêu mến.
Nhưng tác phẩm cuối cùng của ngài là bộ Tổng luận Thần học, giải quyết toàn bộ Thần học Công giáo, lại chưa hoàn tất. Ngài ngừng viết tác phẩm này sau khi cử hành Thánh lễ ngày 6-12-1273. Khi được hỏi tại sao ngài ngừng viết, ngài khiêm nhường cho biết: “Tôi không thể tiếp tục… Những gì tôi đã viết có vẻ như rơm rác so với những gì tôi nhìn thấy và những gì tôi được mặc khải”.
Có một thời gian, sách của Thánh Thomas đã bị Giáo hội cấm vì cho là lạc giáo, nhưng sau đó lại công nhận và tuyên bố rằng ai không đọc sách của ngài sẽ bị lầm lạc. Bất kỳ ai tu học làm linh mục đều phải học Triết học và Thần học của ngài. Trước đây, các trường học đời cũng học Triết học của ngài, và ngay từ các lớp tiểu học, các học sinh đều đọc kinh cầu nguyện với ngài trước giờ học: “Lạy Thánh Thomas là quan thày các nhà trường…”.
Ngài đã được ĐGH Grêgôriô mời đến dự Công đồng Lyon II. Nhưng khi đang trên đường tới dự Công đồng, ngài bị bệnh và qua đời ngày 7-3-1274 tại Đan viện Xitô Fossa Nuova, lúc đó ngài 49 tuổi – tuổi mà người ta cho là “tuổi độc” (49 chưa qua, 53 đã tới). Ngài được ĐGH Gioan XXII tôn phong hiển thánh năm 1323, và được ĐGH Piô V tôn phong Tiến sĩ Hội thánh năm 1567 vì đạo lý uyên bác và vững chắc của ngài. ĐGH Leo XIII đã đặt ngài là bổn mạng các nhà thần học và các trường học Công giáo. Giáo hội cử hành lễ nhớ Thánh Thomas Tiến sĩ ngày 28 tháng 1 hằng năm.
Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo hội một Thomas thánh thiện và thông thái, nhưng lại rất khiêm nhường; xin giúp con biết noi gương Thánh Thomas.
Lạy Thánh Thomas, bổn mạng đáng kính của con, xin soi sáng và hướng dẫn con ngay từ khi con suy nghĩ, và dạy con biết hành động như ngài, tất cả chỉ vì Danh Chúa chứ không vì thứ gì khác.
Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Người và cứu độ nhân loại. Amen.
Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU