Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay

Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, Chương trình truyền hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tiết mục sau đây:

  • 1-Buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần, ĐTC nói: Sự sợ hãi cái chết khiến cho con người cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa
  • 2- ĐTC kêu gọi đừng nói hành nói xấu
  • 3- ĐTC khuyên các bậc cha mẹ không nên cãi cọ trước mặt con cái
  • 4- Chính sách ngoại giao hàng đầu của tòa Thánh Vatican
  • 5- Tòa Thánh công bố tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về tuổi trẻ
  • 6- Quân Iraq tái chiếm được ngôi mộ tiên tri Giôna
  • 7- Philipines ngăn chặn các trang mạng có hình ảnh khiêu dâm để bảo vệ trẻ em
  • 8- Giới thiệu cuốn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên giám 2016
  • 9- CĐCGVN tại Melbourne cứu trợ đồng bào Miền Trung Việt Nam

Sau đây xin mời qúi vị nghe phần tin tức của chúng tôi.

Buổi tiếp kiến chung hằng tuần ĐTC nói: Sự sợ hãi cái chết khiến cho con người cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa

Trong buối tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 18 tháng 1 năm 2017, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với 8 ngàn tín hữu và du khách hành hương trong đại thính đường Phaolô 6, ngài nói:

Sự sợ hãi kinh hoàng trước cái chết vén mở cho thấy nhu cầu hy vọng nơi Thiên Chúa của sự sống, khiến cho con người cầu nguyện, xin cứu giúp, và nhận biết Chúa đích thật và duy nhất của trời và đất. Dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa và của mầu nhiệm phục sinh cái chết có thể trở thành “chị chết” và dịp nhận biết niềm hy vọng gặp gỡ Chúa.

Trong bài huấn dụ ngài đã giới thiệu gương mặt của ông Giôna là vị ngôn sứ đã tìm cách tránh né lời mời gọi của Thiên Chúa và khước từ phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa như kể trong sách Giôna, là cuốn sách ngắn chỉ có 4 chương, nhưng giầu giáo huấn liên quan tới lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng tha thứ.

Giôna là một ngôn sứ “đi ra”, và cũng là một ngôn sứ chạy trốn! Đó là một ngôn sứ đi ra, mà Thiên Chúa gửi ra vùng ngoại biên, là Ninivê để hoán cải dân chúng thành phố lớn này. Nhưng đối với một tín hữu do thái như Giôna Ninivê diễn tả một thực tại đe dọa, là kẻ thù gây nguy hiểm cho Giêrusalem, và vì thế phải hủy diệt, chứ không được cứu thoát. Vì thế, khi Thiên Chúa gửi Giôna đi rao giảng trong thành phố ấy, thì ngôn sứ vốn biết lòng lành của Chúa và ước mong tha thứ, tìm cách trốn tránh nhiệm vụ của mình và chạy trốn.

Thật thế, trong khi vượt biển đã xảy ra một trận bão khủng khiếp, và Giôna xuống hầm tầu để ngủ. Trái lại, các thủy thủ, các người ngoại giáo này, khi thấy mình sắp chết “mỗi người khẩn cầu thần linh của họ” (Gn 1,5).

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: quá thường khi chúng ta dễ xem thường việc hướng tới Thiên Chúa trong nhu cầu, làm như thể nó chỉ là một lời cầu nguyện nhắm tới lợi lộc, và vì thế bất toàn. Nhưng Thiên Chúa biết sự yếu đuối của chúng ta, Ngài biết rằng chúng ta nhớ đến Ngài là để xin cứu giúp, và với nụ cuời khoan dung của môt người cha Ngài đáp trả một cách nhân hậu.

Khi Giôna thừa nhận trách nhiệm của mình và để mình bị ném xuống biển, hầu cứu thoát các bạn đồng hành của ông, bão tố dịu xuống. ĐTC giải thích như sau:

Cái chết cận kề đã khiến cho các người ngoại giáo cầu nguyện, và làm cho ngôn sứ sống ơn gọi phục vụ tha nhân của ông, mặc dù tất cả, bằng cách hy sinh chính mình cho họ, và dẫn đưa những người sống sót tới chỗ nhận biết Chúa và chúc tụng Ngài. Các thuỷ thủ đã cầu nguyện vì sợ hãi hướng tới các thần linh của họ, giờ đây với lòng chân thành kính sợ Chúa, họ nhận biết Thiên Chúa thật, dâng lễ tế và lời khấn nguyền. Niềm hy vọng đã khiến cho họ cầu xin để khỏi chết, lại vén mở cho thấy nó quyền năng hơn nữa, và làm ra một thực tại đi xa hơn những gì họ hy vọng: họ không chỉ không thiệt mạng trong trận bão, mà còn rộng mở cho việc nhận biết Chúa thật và duy nhất của trời đất.

Tiếp đó cả dân chúng thành Ninivê trước viễn tượng bị huỷ diệt, họ cũng sẽ cầu nguyện.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời.

– Đức Thánh Cha kêu gọi đừng nói hành nói xấu

ĐTC kêu gọi các tín hữu làm chứng về Chúa Giêsu bằng gương sáng trong cuộc sống, và đừng nói hành nói xấu người khác nếu muốn một giáo xứ hoàn hảo. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây qua bài giảng ứng khẩu trong thánh lễ chiều Chúa Nhật 15-1-2017 tại giáo xứ Santa Maria, ở khu Setteville di Guidonia, thuộc giáo phận Roma. ĐTC khẳng định rằng: “Là Kitô hữu trước tiên là làm chứng về Chúa Giêsu. Một giáo xứ không có khả năng làm chứng nếu trong giáo xứ có những vụ nói hành nói xấu nhau”. Ngài hỏi mọi người: “Anh chị em có muốn một giáo xứ hoàn hảo hay không? Nếu muốn thì đừng nói hành nói xấu người khác. Nếu Anh chị em có điều gì chống đối ai, thì hãy nói trực diện với họ hoặc với cha Sở, chứ đừng nói với những người khác. Đó là một dấu chỉ Chúa Thánh Linh hiện diện trong giáo xứ. Các tội lỗi khác chúng ta đều có, nhưng tội phá hoại cộng đoàn chính là tội nói hành nói xấu nhau”.

Trong dịp thăm viếng giáo xứ, này ĐTC nhắc nhở họ hãy tha thứ cho nhau sau khi xảy ra những cuộc cãi lẫy hoặc xung đột trong gia đình.

– Đức Thánh Cha khuyên các bậc cha mẹ không nên cãi cọ trước mặt con cái

Ngài nói: “Không bao giờ để cho con cái nghe thấy các bạn cãi cọ nhau”, ĐTC khuyên các phụ huynh: “Con trẻ sẽ đau khổ, chúng cảm thấy bị bỏ rơi khi cha mẹ chúng tranh cãi nhau.” Lời khuyên này đã được nêu lên khi ĐTC tiếp xúc với các phụ huynh của 45 trẻ em được rửa tội năm 2016 tại Giáo Xứ Santa Maria de Setteville de Guidonia, ngày 15 tháng 1, 2017.

ĐTC cũng yêu cầu các phụ huynh hãy làm hòa sau một cuộc tranh cãi, ngài nói: “Không bao giờ để cho một ngày qua đi mà không làm hòa. Vì cuộc chiến tranh lạnh của ngày hôm sau sẽ nguy hiểm hơn.”

– Chính sách ngoại giao hàng đầu của tòa Thánh Vatican

Tin Vatican – Đức TGM Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh Vatican đã cho cơ quan tin tức National Catholic Register của Hoa Kỳ biết chính sách ngoại giao ưu tiên của ĐTC Phanxicô. Ngài nói đường lối ngoại giao ưu tiên của ĐTC Phanxicô là cổ vũ hoà bình thế giới, chấm dứt chiến tranh tại Syria. ĐTC cũng rất quan tâm đến an sinh của các người di dân và tỵ nạn, đồng thời vận động chấm dứt chủ nghiã khủng bố.

Được hỏi ĐTC dùng biện pháp nào để đạt được các mục tiêu đó. Đức TGM Paul Gallager trả lời vũ khí quan trọng nhất là đối thoại.

– Tòa Thánh công bố tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về tuổi trẻ

Ngày 13 tháng Giêng vừa qua, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố tài liệu chuẩn bị cho Phiên Thường Lệ lần thứ 15 của Thượng Hội Đồng Giám Mục về tuổi trẻ, được tổ chức trong tháng Mười năm 2018. Chủ đề của Thượng Hội Đồng là “Người Trẻ, Đức Tin, và Sự Biện Phân Ơn Gọi”.

Trong một lá thư bỏ ngỏ gửi giới trẻ thế giới để giới thiệu chủ đề của Thượng Hội Đồng, ĐTC Phanxicô đã thúc giục họ lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và “lên đường hướng về một tương lai vô định nhưng là một tương lai chắc chắn sẽ dẫn ta tới thành toàn, một tương lai mà chính Người sẽ đồng hành với chúng con”. Nhắc lại lời mời gọi mà Chúa Giêsu từng ngỏ với các môn đệ của Người, Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Cha chắc chắn rằng bất kể sự náo động và hỗn loạn xem ra đang thắng thế trên thế giới, lời mời gọi này tiếp tục vang lên trong thẳm sâu lòng các con để các con mở lòng các con ra đón nhận niềm vui trong sự viên mãn của nó”.

Trong lá thư của ngài, Đức Giáo Hoàng thách thức giới trẻ biến đổi thế giới, sống thực các lý tưởng “của tâm hồn tươi trẻ và trẻ trung của chúng con, những tâm hồn không dung túng bất công, không thể cúi đầu trước ‘nền văn hóa vứt bỏ’ cũng như đầu hàng việc hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.

– Quân Iraq tái chiếm được ngôi mộ tiên tri Giôna

Hôm thứ Hai 16 tháng Giêng, lực lượng đặc biệt của Iraq đang chiến đấu với bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Mosul đã tái chiếm được khu hầm mộ của tiên tri Giôna. Phát ngôn viên Sabah al-Noman của quân Iraq cho biết: “Chúng tôi đã tái chiếm được khu vực hầm mộ tiên tri Giôna. .. và treo cờ Iraq lên trên ngôi mộ”

Tháng Bảy năm 2014, chỉ vài tuần sau khi tràn ngập Mosul, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã đặt bom phá hủy khu hầm mộ này, tạo ra một sự phẫn nộ trên toàn cầu.

Tính cho đến sáng thứ Hai 16 tháng Giêng, 90% phần phía Đông đã được giải phóng. Giao tranh vẫn còn tiếp tục tại 2 quận cuối cùng là Shurta và Andalus, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS, hoàn toàn không còn đường rút lui, đang chiến đấu cho đến chết. Đài truyền hình Iraq chiếu trực tiếp cảnh giao tranh, trong đó, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang tử thủ bên trong khách sạn 5 sao Nineval International, là khách sạn nổi tiếng nhất của Mosul.

– Philipines ngăn chặn các trang mạng có hình ảnh khiêu dâm để bảo vệ trẻ em

Tin Manila, Philipines – Chính quyền Philipines đã ngăn chặn đường dẫn vô các trang mạng có hình ảnh khiêu dâm ở cả máy tính và các máy thiết bị xách tay vì luật khiêu dâm trẻ em. Ủy Ban Viễn Thông Quốc Gia đã nói với CNN là họ đã ra lệnh cho tất cả các chủ cung cấp dịch vụ mạng trên toàn quốc ngăn chặn đường vào các trang mạng ấy bắt đầu từ ngày 14 tháng Giêng.

Tin tức và những nghiên cứu cho hay việc truy cập vào các trang mạng khiêu dâm đang có chiều hướng gia tăng, cũng như ảnh hưởng nguy hại của việc xem những trang này, trong đó bao gồm việc làm giảm chất xám trong não, gây chứng nghiện hình ảnh khiêu dâm, hành vi bạo lực tính dục và làm giảm ý chí.

Trong những năm gần đây, một số hệ thống nhà hàng gồm Mac Donalds, Starbucks, Perana và Chick-fil-A đã giới thiệu việc loại bỏ nội dung khiêu dâm trên các trang nhà của họ.

Các hệ thống khách sạn lớn như Hyatt, Marriott và Omni cũng cắt bỏ mục xem phim khiêu dâm trong các phòng khác sạn của họ, viện lý do là có sự thông đồng giữa việc khiêu dâm với nạn buôn người.

– Giới thiệu cuốn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên giám 2016 do Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, người phụ trách cho Ban Biên soạn và Thực hiện cuốn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên giám 2016 đã gửi thư giới thiệu về cuốn Niến Giám này như sau:

Sách in có kích thước 16x25cm, dày 1.238 trang, trên giấy trắng với 32 trang in 4 màu. Bìa cứng, bao bên ngoài. Nội dung sách gồm 3 phần: tổng cộng 50 chương.

Phần I, có 9 chương: trình bày về Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.
Lịch sử, niên biểu, 266 Giáo Hoàng, các công đồng chung và các thượng Hội đồng Giám mục, phẩm trật, giáo triều Rôma, các tổ chức mới của Toà Thánh Vatican, các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Giáo Hội Chính thống, các Giáo Hội Cải Cách và các tôn giáo khác, Đức Maria và bí mật Fatima nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra, số liệu về Giáo Hội Công Giáo của 207 quốc gia trên thế giới, lịch Phụng vụ 2017, thống kê Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.

Phần II, có 14 chương: trình bày về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong dòng lịch sử.
Lược sử, niên biểu, các thánh Tử đạo, GHVN và công cuộc Tân Phúc Âm hóa, danh sách các Giáo phận, các Giám mục, tổ chức Hội đồng Giám mục Việt Nam, các chủng viện và việc đào tạo chủng sinh, các dòng tu nam nữ và canh tân đời sống thánh hiến, các tổ chức Công Giáo Tiến hành (24), các dân tộc thiểu số và việc Tân Phúc Âm hoá, GHVN trong tình hiệp thông với các tôn giáo, Đức Maria là Mẹ Giáo Hội Việt Nam, các số liệu thống kê về Giáo Hội Việt Nam.

Phần III, có 27 chương: trình bày về Hiện tình Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Có 26 Giáo phận trình bày về giáo phận của mình: lịch sử, hoạt động, danh sách các Giáo xứ, Giáo họ (3.000), danh sách và địa chỉ các Linh mục (5.000), các cơ sở dòng tu trong Giáo phận (1.000), số liệu thống kê của Giáo phận.
Chương cuối cùng: Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại: lịch sử, hoạt động, danh sách địa chỉ các cộng đồng và Linh mục hải ngoại (1.000).
Đây là một công trình biên soạn rất công phu của nhiều Giám mục, Linh mục và giáo dân chuyên môn để tổng hợp và mở ra một hướng mới cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhân dịp 400 Tin Mừng được chính thức loan báo ở Việt Nam (1615-2015

Nguồn: VietcatholicNews

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …