“Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào!”.
Các nhà soạn nhạc vĩ đại không bắt đầu sáng tác vì được truyền cảm hứng, nhưng được truyền cảm hứng vì chăm chỉ làm việc. Beethoven, Wagner, Bach, và Mozart cần cù với công việc của mình như một kế toán viên cần cù mỗi ngày. Họ không lãng phí thời gian để chờ đợi nguồn cảm hứng; nhưng nhờ chăm chỉ, họ trở nên những con người ‘thổi hơi và truyền cảm hứng!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Đồng cảm với nhận định trên, Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt, những tính cách luôn cần cù; đó là những con người ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ vào đời sống Giáo Hội, đời sống mỗi người. Hơn hẳn các nhạc sĩ cần cù, Giáo Hội có một Phaolô, không chỉ nhờ vào sự cần mẫn của con người, nhưng còn được sức thiêng từ trên, Chúa Thánh Thần; Đấng mà Chúa Giêsu hôm nay nói đến, cũng là Đấng dạy dỗ, ‘thổi hơi và truyền cảm hứng!’.
“Tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện”. Với lời lẽ hết sức đạo đức, Phaolô ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ cho các tín hữu Êphêsô. Vị tông đồ đưa ra một tầm nhìn tuyệt vời về sự vĩ đại tột bậc của Chúa Giêsu, Đấng đang ngự trong vinh quang bên hữu Chúa Cha; cũng là Đấng trở nên một phần thân thiết trong đời sống người Kitô hữu. Và sẽ là một trách nhiệm đáng sợ khi mỗi người chúng ta trở nên hiện thân thực sự của Chúa Kitô cho thế giới, một trách nhiệm mà chúng ta thường xuyên ý thức; Phaolô nói, “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi!”.
Một vai trò nổi bật khác là Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho biết, vào những ngày khốn quẫn, khi chúng ta bị điệu ra trước vua chúa quan quyền, thì Ngài sẽ dạy cho biết phải nói thế nào! Tuyệt vời thay! Chính Chúa Giêsu đã sống niềm tin ấy trong cuộc đời Ngài đến mức hoàn hảo. Ngài bị bắt, chịu tra tấn, kết án sai và bị tra khảo bởi các thượng tế, Hêrôđê và Philatô. Trong các cuộc thẩm vấn, đôi khi Ngài nói; và những lúc khác, Ngài giữ im lặng. Và để chuẩn bị cho những cuộc tra khảo này, Chúa Giêsu đã không nghiên cứu trước những nhân vật sẽ đối chất Ngài; cũng không tìm cách lựa lời để nói những gì và không nên nói những gì. Ngài không chuẩn bị một cách xử thế nào khác ngoài sự kết hợp hoàn hảo với Chúa Thánh Thần và với Chúa Cha. Từ đó, Ngài được Thánh Thần ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ để mọi lúc, mọi nơi, luôn làm điều đẹp lòng Cha.
Anh Chị em,
“Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào!”. Mặc dù có thể sẽ không bị bắt bớ vì đức tin, nhưng chúng ta có thể sẽ phải trải qua nhiều hình thức thẩm vấn và kết án khác nhau từ anh chị em mình. Vào những lúc ấy, bạn bị thách thức phản ứng; và nhiều khả năng, bạn bị cám dỗ để tự vệ trong giận dữ hoặc tấn công lại. Vậy nếu những lời của Chúa Giêsu hôm nay được hiểu và được sống một cách thiết thực, nó có tác dụng xoa dịu và trấn an bạn trong bất kỳ trải nghiệm đắng cay nào về sự đoán xét. Vậy nếu bạn bị người khác đoán xét, cả khi những gì họ nói là đúng, thì điều quan trọng là bạn sẽ không phản ứng với một thái độ phòng thủ hay tức giận, nhưng tin tưởng rằng, Chúa Thánh Thần sẽ luôn dẫn dắt bạn trong khiêm nhường và nhẫn nhịn nếu bạn tìm cách làm theo gợi hứng của Ngài. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu bạn biết xây dựng cho mình một thói quen vững chắc là chú ý đến tiếng nói của Ngài, một tiếng nói bên trong linh hồn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi khi trải qua sự đoán xét của người khác, xin cho con được bình an vì tin rằng, Chúa Thánh Thần sẽ ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ để con nên giống Ngài hơn!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế