Home / Chia Sẻ / THỜI GIAN và KITÔ GIÁO

THỜI GIAN và KITÔ GIÁO

THỜI GIAN và KITÔ GIÁOVì cần thiết, con người đã dựa vào hệ thống ngày tháng và niên đại như một phương tiện để theo dõi thời gian của chính mình. Chúng ta theo dõi xem mình đang ở đâu qua từng thời đại, bằng mặt đồng hồ, bằng cách đặt tên cho các thế hệ và bằng cách đếm hàng thế kỷ và thiên niên kỷ. Bạn có thường xuyên nghĩ về hệ thống mà chúng ta sử dụng để tính thời gian này? Hệ thống tính niên đại phổ quát duy nhất mà các chính phủ, doanh nghiệp, du lịch và giáo dục dựa vào đó vẫn thống trị cho đến ngày nay, đo lường theo Công Nguyên (CE – Common Era) và Trước Công Nguyên (BCE – Before Common Era) để cung cấp tài liệu tham khảo chung về thời gian. Nhưng bạn có biết rằng trước đó đã có rất nhiều loại hệ thống niên đại? Điều gì rất quan trọng ở cái này khiến nó dính vào nhau?

Tóm lại, đó là Sự Nhập Thể. Giây phút Thiên Chúa làm người và toàn bộ lịch sử cứu độ đã vĩnh viễn thay đổi. Thời gian mà chúng ta đo lường ngày nay được liên kết với một biến cố tôn giáo, siêu nhiên: sự giáng sinh của Thiên Chúa làm người, sự giáng sinh của Con Thiên Chúa, sự kiện Ngôi Lời nhập thể, sự nhập thể của Chúa Kitô, sự xuất hiện của Đấng Mêsia.

Phúc Âm Mátthêu ghi lại sự ra đời của Chúa Giêsu xảy ra vào cuối triều đại Hêrôđê Đại đế, Vua xứ Giuđê, qua đời năm 4 TCN (Trước Công Nguyên, Ante Christos). Các hệ thống niên đại được sử dụng vào thời điểm này ở Đế chế La Mã là La Mã và Hy Lạp. Theo hệ thống La Mã trước đây, Chúa Giêsu thành Nadarét sinh khoảng năm 749-751 a.u.c. (ab urbe condita, từ sự thành lập huyền thoại La Mã bởi Romulus và Remus). Theo hệ thống niên đại của Hy Lạp, Chúa Giêsu sinh vào cuối Olympiad thứ 193 hoặc đầu Olympiad thứ 194 (Olympiad diễn ra 4 năm một lần kể từ khi thành lập gần 770 năm trước). Tóm lại, khoảng năm 6 tới năm 4 TCN.

Ngay từ đầu sách Tin Mừng, Thánh Luca tuyên bố sẽ cung cấp cho độc giả một câu chuyện chính xác và đầy đủ về cuộc đời Chúa Giêsu, và đã cung cấp hai câu chuyện khác nhau về sự ra đời của Chúa Giêsu dẫn đến hai ngày tháng trái ngược nhau. Giống như Thánh Mátthêu, Thánh Luca sử dụng những câu chuyện nhiều tình tiết, đưa vào những câu chuyện về những chuyến viếng thăm của thiên thần Gabriel với ông Dacaria – cha của Gioan Tẩy Giả, và Trinh Nữ Maria – Mẹ của Chúa Giêsu. Theo những câu chuyện này, Chúa Giêsu sinh ra sáu tháng sau khi Gioan Tẩy Giả ra đời, xảy ra vào gần cuối triều đại của Vua Hêrôđê, phù hợp với hệ thống xác định niên đại của Thánh Mátthêu. Tuy nhiên, không giống như Thánh Mátthêu, lời tường thuật của Thánh Luca trong chương II và III cũng cung cấp các sự kiện theo trình tự thời gian về ngày sinh của Chúa Giêsu. Tin Mừng Thánh Luca ám chỉ sự đồng thời với một số sự kiện: việc người La Mã thành lập miền Giuđê sau gần nửa thế kỷ cai trị của Hêrôđê và Hêrôđê Áckilaô; Augustô Xêda ra lệnh điều tra dân số; cuộc nổi dậy sau đó của Giuđa người Galilê, và bổ nhiệm Quiriniô làm tổng trấn Syria. Hệ thống xác định niên đại của Luca theo các sự kiện công cộng diễn ra đồng thời cũng phức tạp như hệ thống của các sử gia La Mã giỏi nhất thế kỷ I. Theo Thánh Luca, Chúa Giêsu sinh năm 760 a.u.c. hoặc hai năm sau Olympiad thứ 196 (tức là năm 6 Anno Domini/Common Era – Công Nguyên).

Vấn đề mà các nhà nghiên cứu niên đại phải đối mặt, bên cạnh những mâu thuẫn trong Phúc Âm Thánh Mátthêu và Thánh Luca cũng như việc hai tác giả Phúc Âm khác là Thánh Máccô và Thánh Gioan không tường thuật về sự ra đời của Chúa Giêsu, đó là các sử gia và khoa học gia cổ đại không đồng ý về việc sử dụng hệ thống niên đại nào cho các sự kiện. Sử gia vĩ đại Thucydides, người Athen, đã dựa vào triều đại của các quan giám sát Spartan và các quan tổng trấn Athen để cung cấp niên đại trong tài liệu của ông về Chiến Tranh Peloponnesia. Sử gia Polybius, người Hy Lạp, trong cuốn Lịch Sử của ông đã sử dụng hệ thống tính niên đại phổ quát chính xác hơn và (theo quan điểm người Hy Lạp) của các kỳ Olympiad. Sử gia Livy, người La Mã, viết dưới thời trị vì của Augustô, và sử gia Tacitô, viết khoảng một trăm năm sau dưới triều đại của Domitian, đã sử dụng hệ thống xác định niên đại của các sự kiện từ khi thành lập thành phố Rôma (a.u.c.), ngoài các kỳ Olympiad. Tuy nhiên, trong những thế kỷ tiếp theo, vì không muốn dựa vào hệ thống niên đại của ngoại giáo, các văn sĩ Kitô giáo đã muốn có một hệ thống niên đại dựa trên các sự kiện tôn giáo.

Eusebius của Caesarea, viết dưới thời trị vì của Constantine, đã thêm vào hệ thống niên đại ngoại giáo và niên đại của Josephus một sơ đồ niên đại giả định bắt đầu từ sự ra đời của Tổ Phụ Ápraham. Tuy nhiên, 300 năm sau khi sự kiện Nhập Thể, Eusebius vẫn cố gắng xác định ngày sinh của Chúa Kitô.

Vào thời Eusebius, Giáo hội và Đế chế, sau khi chuyển đổi dưới thời Constantine, đặc biệt quan tâm việc xác định niên đại của Sự Phục Sinh. Các thần học gia và biên niên sử gia đã sử dụng hệ thống xác định niên đại của Hy Lạp, La Mã và Do Thái, cho đến khi Dionysius Exiguus, thế kỷ VI, cố gắng căn cứ việc tính toán ngày lễ Phục Sinh không theo các hệ thống cũ mà theo một hệ thống mới dựa trên sự kiện lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đó là Sự Nhập Thể của Chúa Kitô. Ông sử dụng Lc 3:1 (Gioan Tẩy Giả xuất hiện năm 15 dưới triều đại Tibêriô, 28-29 CN) kết hợp với Lc 3:23 (Chúa Giêsu khoảng 30 tuổi khi bắt đầu sứ vụ), để ước tính năm 1, nghĩa là năm đầu tiên hay năm của Chúa chúng ta – Anno Domini.

Còn có hệ thống thời gian được phát triển bởi Aureliô Augustinô, hoặc Thánh Augustinô, đây là phương pháp để hiểu ý nghĩa thời gian về sự ra đời của Chúa Giêsu nhằm tránh việc phụ thuộc vào các hệ thống xác định niên đại cả cổ xưa lẫn hiện đại. Thánh Augustinô nhận ra rằng Nhập Thể và Phục Sinh thực sự không thể được hiểu theo lý trí và logic, những thứ làm nền tảng cho niên đại và hệ thống niên đại. Thánh Augustinô đã phát triển cách khác (ngoài cách tường thuật, lịch sử theo trình tự thời gian) để hiểu về Nhập Thể và ý nghĩa của nó mà tránh việc xác định niên đại chính xác.

Trong cuốn Tự Thuật (Confessions), Thánh Augustinô cung cấp một mô hình thời gian cá nhân để cung cấp cho mỗi người một mô hình trải nghiệm cá nhân về cuộc đời và ý nghĩa của Chúa Kitô mà không liên quan nhiều đến niên đại, lịch sử và các sự kiện công cộng chính thức. Nó phụ thuộc vào ý tưởng Hy Lạp cổ về Logos (Lời) được phát triển bởi Philo Judaeus ở Alexandria và tông đồ Gioan. Philo đã viết về Logos: “Thiên Chúa tạo ra ngay lập tức, không chỉ bằng cách truyền lệnh, mà còn bằng cách nghĩ về nó.” (Philo, n.d., III.13) Và Thánh Gioan viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1:1)

Ngôi Lời đơn giản là tồn tại mọi lúc nhưng bằng cách mặc lấy xác phàm, đi vào thời gian, tương tác với thời gian, đem ánh sáng vào thời gian, trong khi trước đó chỉ có bóng tối. Bóng tối, thời gian, nhường chỗ cho ánh sáng, sự vĩnh hằng. Sự ngu dốt chịu thua kiến thức. Thời gian là bóng tối vì chúng ta không thể nhìn thấy những gì ở phía trước. Tương lai không biết, quá khứ chỉ là ký ức. Hiện tại là dự đoán ngắn gọn nhất thời về những gì có thể xảy ra. Nhưng nếu ánh sáng đi vào bóng tối, nếu sự không thời gian đi vào thời gian, con đường phía trước sẽ được soi sáng, được chúng ta nhận biết, soi đường trong bóng tối. Tương lai, luôn tăm tối, được mở ra cho ánh sáng, và sự thiếu hiểu biết hoàn toàn nhường chỗ cho một số kiến thức về những gì sẽ xảy ra. Không phải những gì có thể. Bởi vì màn đêm hàm ý sự thiếu hiểu biết, ngụ ý rằng chúng ta vẫn đang phỏng đoán dựa vào kinh nghiệm. Không, bây giờ chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra nhờ ánh sáng.

Tất cả các nền văn hóa đều phải vật lộn để biết Ngôi Lời. Các dân tộc đa thần quan niệm về một vị thần vốn có trong tự nhiên, kiểm soát vạn vật, bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai. Người Do Thái xác định đó là Đức Giavê. Người Hy Lạp coi trí óc là cái vô hạn, cái tốt – Logos. Triết học Á Đông gọi nó là Đạo, Con Đường, cội nguồn, Brahman. Kitô giáo đưa ra một quan điểm độc đáo, đó là quan điểm về Đấng Siêu Việt hành động theo thời gian mà không bị giới hạn, hành động một cách tinh tế đối với bản thân, kết nối bản thân với Đấng Siêu Việt – một kết nối trực tiếp về thể lý và tinh thần.

Đối với tôi trong việc giảng dạy và viết lách, tôi thích sử dụng Ante Christos và Anno Domini (BC/AD, không phải là BCE/CE) – vì làm sao có thể hiểu được thời gian một cách thực sự nếu không có Nhập Thể, Ngôi Lời trở thành xác thịt?

RUSSELL M. LAWSON

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …