Home / Chia Sẻ / THỜI GIAN

THỜI GIAN

hThời gian không thuộc quyền sở hữu của chúng ta, nhưng chúng ta được quyền quản lý thời gian của cuộc đời mình. Ca dao đã xác định:

Thời gian thấm thoát thoi đưa

Nó đi đi mãi, chẳng chờ đợi ai!

Agatha Mary Clarissa Christie (1890-1976, thường được biết đến với tên Agatha Christie, là nhà văn trinh thám và nhà soạn kịch, người Anh, nói: “Thời gian là kẻ sát nhân giỏi nhất – Time is the best killer”. Đời người như bóng câu qua cửa sổ!

1975-2015. Bốn mươi năm. Một khoảng thời gian không dài cũng chẳng ngắn. Dài hay ngắn còn tùy mỗi người. Thời gian mãi mãi vẫn vậy, hoàn toàn bất biến, nhưng người ta cảm thấy thời gian có lúc nhanh, có lúc chậm, vì cảm xúc con người biến đổi theo thất tình và lục dục.

Nếu cuộc đời chỉ là sáu mươi năm theo cảm nhận của cố nhạc sĩ Y Vân (nhạc phẩm Sáu Mươi Năm Cuộc Đời) thì bốn mươi năm là 2/3 cuộc đời, con người đã qua bên kia con dốc của cuộc đời mình rồi: “Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu, hai mươi năm sau sầu dâng cao vời vợi, hai mươi năm cuối là bao!”. Với một con người, bốn mươi năm là độ tuổi trung niên.

Nếu tính theo tuổi thọ trung bình của con người: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90:10). Bốn mươi năm là nửa đời rồi. Nửa đầu trôi qua nhanh, vẫn chẳng làm nên trò trống gì, nửa sau lại càng trôi qua nhanh hơn nữa!

Gọi là trăm năm cuộc đời, nhưng chỉ là ước mơ, chứ mấy ai sống được trăm năm. Trong “khoảng đời” không dài ấy, niềm vui quá ít, mà nỗi buồn quá nhiều. Có người sống cả “khoảng đời” mà chẳng được chút an vui nào!

Hai mươi năm là một thế hệ. Bốn mươi năm là hai thế hệ. Ngày nào người ta gọi mình bằng anh/chị, rồi chẳng bao lâu người ta gọi mình là chú/cô, rồi bác, thế là chắc chắn mình già rồi. Và rồi người ta lại gọi mình là “bố”, là “ngoại” (theo cách gọi thân thương của người miền Nam), thấy mình còn già hơn nữa, gần đất mà xa trời thật rồi. Tuổi sinh học thì ai cũng già, không ai trẻ mãi với thời gian, nhưng làm sao giữ cho tuổi tâm lý không già thì mới là điều cần thiết, nhưng lại không dễ chút nào!

Cuộc đời luôn có nhiều biến cố, từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản đến quan trọng, từ vui đến buồn – mà đa số là buồn. Quả thật, “đời ai cũng có những tâm sự buồn” (nhạc phẩm “Hát Nữa Đi Em” của tác giả Phố Thu và Thanh Sơn).

Người ta – dù người vô thần – thường “giải thích” những điều xảy ra trong cuộc đời bằng “kiểu nói” chung là “số phận”, giống như “định mệnh” đối với nhà soạn nhạc Beethoven vậy (*). Có thể là duy lý hoặc duy tâm, nhưng có những điều xảy ra ngỡ như ngẫu nhiên mà không hề ngẫu nhiên. Chắc hẳn phải có điều gì đó bí ẩn, người ta chỉ biết gọi là “ý trời” mà thôi!

Trong ca khúc “Nhật Ký Đời Tôi”, nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự: “Ngược thời gian, trở về quá khứ phút giây chạnh lòng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không. Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi, trong phút cuộc đời tương lai trả lời thôi”.

Càng có tuổi, người ta càng nhớ về quá khứ, chắc hẳn luôn có chút gì đó nuối tiếc. Sự nuối tiếc làm người ta ray rứt, bâng khuâng, nhưng có vậy mới là cuộc đời, vì có mấy ai thỏa mãn với chính mình đâu! Quả thật, “ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” (chí sĩ Phan Bội Châu). Việt ngữ gọi là thế gian, trần thế hoặc trần gian thật chí lý: Thế gian nó gian thế đấy, cõi trần nó gian vậy đó. Và khi có “sự cố”, người ta vẫn thường thở dài mà nói: “Đời là thế! C’est la vie! It’s life!”.

Cũng nhạc sĩ Thanh Sơn, trong ca khúc “Tâm sự Đời Tôi”, ông thổ lộ: “Không còn có nhau, thôi nhé gặp nhau càng buồn. Chôn vùi kỷ niệm, kỷ niệm đường vắng không tên. Hàng cây cao vút như lặng im, biển tình tôi chết sau một đêm, phút giây ban đầu rồi đi vào thiên thu muôn kiếp bẽ bàng. Ở đây ông nói về tình yêu đôi lứa, nhưng chúng ta có thể hiểu về cuộc đời mỗi chúng ta, cũng buồn lắm, đôi khi buồn đến não lòng.

Nói về khoảng buồn, nhưng không nên dìm mình trong vũng buồn đó, mà phải tự cố ngoi lên để thoát khỏi nó, đừng để nó dìm mình “chết” trước khi mình chết thật theo quy luật muôn thuở: “Sinh ký, tử quy”.

1975-2015. Bốn mươi năm. Hình như con số bốn mươi có gì đó “rất lạ”. Kinh Thánh cũng nhiều lần đề cập con số bốn mươi, Cựu Ước đề cập nhiều lần hơn Tân Ước. Con số bốn mươi là con số rất quen thuộc trong Kinh Thánh.

Thiên Chúa báo cho ông Nô-ê biết trước: “Bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra” (St 7:4). Trận đại hồng thủy xảy ra là trời mưa ròng rã bốn mươi đêm ngày (St 7:12, 17; St 8:6).

Sau khi ký kết giao ước trên Núi Si-nai, ông Mô-sê ở với Thiên Chúa trên núi bốn mươi đêm ngày (Xh 24:18). Khi ngôn sứ Ê-li-a bị hoàng hậu I-de-ven cho người tìm giết, ông đã chạy trốn để thoát mạng và lên đường suốt bốn mươi ngày đêm, cho đến khi tới núi của Thiên Chúa là Khô-rếp [Si-nai] (1 V 19:8).

Ông Mô-sê ở trên núi Si-nai bốn mươi ngày bốn mươi đêm (Xh 24:18), và ông không ăn uống bốn mươi ngày (Xh 34:28). Trước khi tới đất hứa để định cư, dân Ít-ra-en đã ăn man-na suốt bốn mươi năm ròng rã (Xh 16:25). Dân Ít-ra-en đóng trại tại vùng sa mạc phía Nam, cận kề với Đất Hứa. Những người thám thính đi trước để thăm dò đất đai đã hoàn tất công việc sau bốn mươi ngày (Ds 13:25). Con số “bốn mươi” nói lên một giai đoạn chuẩn bị cho hành động đặc biệt của Thiên Chúa về một thời kỳ ân sủng.

Khi can thiệp cho thành Xơ-đôm, ông Áp-ra-ham cũng đặt ra “điều kiện” là bốn mươi người tốt lành (x. St 18:29), và xin Chúa tha thứ. Khi cưới Rê-bê-ca, I-sa-ác được bốn mươi tuổi (St 25:20), khi cưới Giu-đi-tha và Ba-xơ-mát, Ê-sau được bốn mươi tuổi (St 26:34). Ông Giuse truyền cho các thầy thuốc ướp xác cha ông là Gia-cóp trong bốn mươi ngày (St 50:2-3).

Con số bốn mươi cũng xuất hiện trong Tân Ước. Chúa Giêsu ăn chay bốn mươi ngày đêm trong hoang địa (Mt 4:2; Mc 1:13; Lc 4:2). Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được bốn mươi ngày (Cv 1:3).

1975-2015. Bốn mươi năm. Trong khoảng bốn mươi năm đó, tôi có “khoảng kỷ niệm” về bút danh Trầm Thiên Thu (15/5/2075 – 15/5/2015). Khi đó còn là một thiếu niên mới lớn, không hiểu sao tôi lại chợt nghĩ ra bút danh như vậy và dùng cho ca khúc đầu tay tôi viết được. Cho tới nay, tôi cảm thấy bút danh đó như một “định mệnh” đối với tôi, không thể khác hơn được.

Trong khoảng bốn mươi năm đó, tôi còn có một “khoảng riêng” khác là “khoảng ba mươi sáu năm” (16/6/1979 – 16/6/2015). Đó là chuyện liên quan tội vượt biên… Sáng ngày 16/6/1979, tôi và một số người được đưa tới Xuyên Mộc để lên tàu lúc đêm khuya. Chiều dần tàn, đêm dần buông. Trời mưa rả rích. Chúng tôi len lỏi qua cánh rừng ra bờ biển. Trời tối như mực. Vì mệt, tôi và hai người nữa nằm ngủ và thiếp đi. Khi chợt tỉnh giấc, chúng tôi bị bắt và bị trói, có nhiều còn người bị đánh đập, may thay tôi không bị đánh cái nào.

Tới nơi tập trung, bất cứ thứ gì đem theo đều bị tịch thu, dù là chiếc nhẫn bằng inox. Thế nhưng thật lạ, không hiểu sao người ta không tịch thu dây chuyền inox có Thánh Giá mà tôi đeo, họ cũng cho tôi được giữ cuốn Kinh Thánh. Nhờ đó, tôi có thời gian đọc Kinh Thánh trong thời gian ở tù. Chắc là Chúa muốn tôi sống Lời Chúa nhiều!

Ở trong nhà tù một tuần, phòng tôi được đưa ra ngoài để lao động. Mới chỉ một tuần trong phòng tối mà mắt tôi lóa khi tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Kinh khủng thật, thảo nào người ta có thể mù nếu tiếp xúc ánh sáng sau thời gian dài sống trong tăm tối.

Những ngày tiếp theo rất cực khổ. Tù có khác. Khó có thể tưởng tượng mức khổ như thế nào nếu không biết “bóc lịch”. Phòng chật, phải nằm ngược chiều nhau để xen chân vào nhau mới nằm được. Khi đi lao động, đường đầy đá lởm chởm, không được đi bộ mà cũng không được chạy, đi mà như chạy, chân rát đau mà vẫn phải chịu. Khi làm việc, mưa cũng phải làm, lạnh run cũng cứ tiếp tục làm. Có lần tôi làm chậm hơn người khác vì yếu sức, tôi tá hỏa tam tinh khi nghe “bùm” và thấy bùn đất sát chân tôi văng lên. Thì ra người ta bắn để cảnh cáo tôi. Các bữa ăn là chén bo bo hoặc miếng khoai mì, muối cũng không có. Ăn để sống thôi. Nước uống cũng không đủ, đừng nói nước tắm. Nước uống mà đục ngầu như nước giếng cạn. Vẫn phải uống vì khát. Khi đi lao động, thấy rau gì cũng hái ăn, vớ được con cua nhỏ nào cũng ăn. Sự thèm khát khiến người ta ăn gì cũng ngon. Cứ thế và cứ thế…

Rồi một lần nọ, tôi bị sốt nặng suốt vài ngày. Miệng đắng nghét. Cơ thể rã rời. Chân tay tê cứng. Đầu óc quay cuồng. Không một viên thuốc để uống. Nằm co ra như chó xích. Chợt một buổi sáng, tôi nghe gọi tên và được thông báo được tha. Thật lạ, cơn sốt biến mất. Sức khỏe hoàn toàn bình thường. Khi được tha về gia đình, tôi đã nếm đời tù tội được 117 ngày (16/6/1979 – 10/10/1979). Khoảng thời gian này là khoảng thời gian tôi làm khổ mẹ tôi nhất, vì bà đã tốn không biết bao nhiêu nước mắt vì tôi… Nhưng rồi sau cơn mưa trời lại sáng. Deo gratias!

Có lẽ lúc được phóng thích tôi mới hiểu được câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Rất lạ. Y như thấy thiên đàng vậy. Thế mới biết sự tự do cần thiết dường bao! Và Thiên Chúa vẫn hiện diện trong mọi biến cố…

TRẦM THIÊN THU

(*) Nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (1770-1827, người Đức) đã viết bản giao hưởng này khi ông cảm thấy mình có triệu chứng điếc. Và ông đã không nghe được, chỉ nhận biết âm thanh trong đầu mà thôi.

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …