Home / Chia Sẻ / Thời Gian…

Thời Gian…

Thoi-GianNgười Latin có câu: “Tempus fugit”. Câu đó tương đương cách nói của người Việt: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa”. Câu đó xuất xứ từ bài thơ “Georgica”, có thể được xuất bản năm 29 trước công nguyên (TCN), của thi sĩ Vergil (Publius Vergilius Maro, sinh ngày 15 tháng 10 năm 70 TCN, mất ngày 21 tháng 9 năm 19 TCN).

Đêm tĩnh mịch. Thi thoảng gió lùa qua cửa sổ phả vào khiến tôi thu mình lại như để né tránh. Vầng trăng khuyết e ấp từ xa nhìn hờ hững. Vạt sương bâng khuâng lờ lững giữa bao la. Tôi ngồi lặng thẫn thờ nghe xa vắng… Không dưng chợt thèm ngụm cà-phê. Khoảng lòng vời vợi. Tiếng côn trùng hòa tấu nhạc-khúc-bí-ẩn. Trang viết bất động và lạnh cóng như chiếc độc bình đứng lặng ở góc bàn phủ đầy bụi thời gian, thiếu vắng một cành hoa!

Đêm. Lạnh. Vắng. Lòng tôi vẫn từng đợt sóng xô mãi đến cõi vô biên. Sóng không tên. Nhớ và quên. Quên và nhớ. Tôi không thúc thủ mà vẫn khoanh tay. Hàm số buồn chưa tìm được ẩn số. Quỹ tích đam mê và lũy thừa gian truân vô cực. Số phận con người bọt bèo và khoảng trăm năm nghiệt ngã quá!

Tôi là ai mà còn trần tục quá? Phải chăng hạt-bụi-tôi kết tinh bằng tội lỗi và đam mê nên cứ đám chìm trong dòng lãng mạn? Tôi hoài vọng tìm thấy mình và nhận diện chính mình. Chưa gặp hay không nhận ra mình vì mù quáng? Giai điệu âm u nào đó cứ mênh mang, và vần điệu không tên nào đó cứ níu kéo tôi mãi mà không chịu buông tha. Người ta trẻ mãi, chỉ có thời gian mới già nua. Vâng, già đến nỗi quên cả chính mình, ngỡ mình là ai đó. Ai cũng có những lúc “điên”!

Ký ức và hoài niệm cứ giành với kỷ niệm. Nỗi nhớ vu vơ, đằng đẵng, nhức buốt, vút cao như ngọn tháp chót vót, vừa mầu nhiệm vừa hư ảo. Cuộc đời như kim tự tháp, càng muốn thoát ra càng lạc sâu vào mê cung. Vòng đời lẩn quẩn như tấm lưới, con cá giẫy giụa tìm lối thoát đến đuối sức. Không bi quan mà vẫn ôm nỗi sầu tưởng chừng vô vọng. Vết thời gian hóa thành trầm tích!

Một tờ lịch rơi xuống. Thời gian giảm bớt 24 giờ. Tiếng thời gian vẫn vô tình đều nhịp. Không giờ. Những cái mới đang khởi đầu mà những cái cũ chưa muốn chia tay. Bịn rịn và nuối tiếc những gì còn dang dở. Động từ khiếm khuyết và còn sử dụng ở thì tương lai xa…

Thời gian ơi! Đừng bao giờ nỡ vùi dập ước mơ tôi. Hãy cứ để tôi khát vọng không ngừng – dù có thể hy vọng tôi không viên mãn, thậm chí có thể không hiện thực, nhưng xin cho tôi cảm nhận và hiểu rằng thành công LÀ và TÙY vào mức độ vươn lên từ đống-xà-bần hoài bão, từ những gì chưa trọn vẹn, để khả dĩ ngay trong những gì bất khả dĩ.

Tôi ơi! Dẫu thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng. Hãy giữ tâm hồn luôn thanh thản, bình an. Chưa viết xong trang đời nhưng đừng hạn hán hy vọng và thiện chí. Hãy SỐNG CHO, SỐNG VỚI và SỐNG VÌ… Dấn thân vô vị lợi, cảm thông và vị tha để có niềm hạnh phúc sống động. Vâng, “chỉ có cuộc sống luôn sống cho người khác mới đáng sống” (Einstein).

Viên-đá-cuội-tôi đã và đang lăn mòn trên những con dốc đời, đừng lo có lăn hết hay không, quan trọng là còn lăn hay không. Tôi muốn hoàn tất hồ-sơ-cuộc-đời dù nhiều trang chưa thể hoàn tất, đầy trăn trở, bao băn khoăn chất chồng. Cũng là một hệ lụy, một phạm trù riêng trong triết-lý-khổ-đau. Tôi muốn sử dụng nó có ý nghĩa bằng cách đi xuyên suốt nó dù đi một mình. Thiết tưởng, khổ đau là con đường dẫn đến hạnh phúc, vì có khổ đau thì người ta mới cảm nhận thế nào là hạnh phúc và mức độ hạnh phúc. Văn hào Victor Hugo nói: “Đừng khi nào cười kẻ đau khổ, và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười”.

Thời gian không thuộc quyền hạn con người, nhưng ai cũng được hưởng quỹ thời gian đồng đều – không thiếu một phút, không hụt một giây. Với quỹ thời gian đó, có người dùng làm điều ác, có người dùng làm điều thiện, có người dùng lãng phí, có người dùng làm sinh lợi, có người muốn “giết” thời gian, có người lại tranh thủ,… Mức độ và cách thức khác nhau. Phúc và họa là do chính mình sử dụng thời gian!

Thời gian là của Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng “ấn định thời gian” (Xh 9:5). Thời gian có thể giúp chúng ta nên khôn ngoan hoặc hóa ngu xuẩn, tùy cách sử dụng thời gian. Sách Huấn Ca cho biết: “Nhờ biết lợi dụng thời giờ rảnh rỗi mà kinh sư đạt được khôn ngoan” (Hc 28:34).

Thánh Phaolô khuyên: “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6:10). Động từ “cho” (trao, tặng, biếu) là một dạng yêu thương, động từ “cho” thực sự quan trọng vì nó liên quan đức ái: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:35). Người ta có câu nói thật chí lý, đáng để suy ngẫm: “Hãy cho nhau những gì ta đang có, lỡ mai này không có để cho nhau”.

Ngày xưa, có những người tụ họp nhau lại và hỏi Chúa Giêsu về thời gian khôi phục vương quốc Israel, nhưng Ngài xác định: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8).

Đông qua, Xuân tới. Giã từ năm cũ để nghinh đón năm mới. Đất trời giao thừa và lòng người cũng giao thừa… Hạnh phúc trào dâng, đan quyện, không thể không chia sẻ cho nhau nên mọi người hân hoan chúc nhau: “Cung Chúc Tân Xuân – Chúc Mừng Năm Mới”.

Ước gì đó là lời chúc chân thành phát xuất từ đáy lòng mỗi chúng ta, chứ không giả tạo, chỉ ở đầu môi chót lưỡi mà thôi!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …