Home / Chia Sẻ / THINH LẶNG

THINH LẶNG

thinhlangTrong cuộc sống thường nhật ai ai cũng bị cuốn hút vào guồng máy xã hội, công ăn việc làm lôi kéo, và bận rộn với bổn phận và trách nhiệm trong đấng bậc của mình… bị kẹt cứng vào các lợi nhuận, sự hưởng thụ, sự tranh đua v.v…

Chúng ta không có thời giờ ngắm nhìn phong cảnh hay thưởng thức một bài thơ tuyệt tác, một bài văn hay, không có chút thời giờ nào cho con cái hay người thân, vì đôi khi đi làm về nhà, còn đem theo cả sấp hồ sơ…

Để quân bình trong cuộc sống, chúng ta cần phải có những nhịp dừng lại để giải độc tiếng ồn trong thể xác và trong tâm linh.

Dừng lại để dành thời giờ nghỉ ngơi giữa đồng quê, đi hái hoa bắt bướm với con cái, vợ chồng cùng đi dạo trên bờ biển để lắng nghe tiếng sóng vỗ bập bềnh vào bờ đá, tiếng  dào dạt của làn nước xô đẩy những hạt cát,  sung sướng cảm nhận sự cọ sát êm ái dưới đôi chân trần trên nền cát ướt mịn màng mát rượi…

Dừng lại để tìm lại vài điều thú vị trong sự lười biếng của tuổi thơ, nằm nướng trong chăn mền ấm áp vào những buổi sáng không phải tất bật vội vàng đến sở v.v…

Dừng lại để có dịp được nằm trên bãi cỏ xanh mượt mà, dưới gốc cây cổ thụ, ngắm nhìn những tia nắng xuyên qua cành lá đang rung rinh đong đưa theo chiều gió… mơ mộng thương nhớ đến những kỷ niệm đẹp trong đời mà đã bao năm vì bận rộn mình chưa hề nhớ đến…

Dừng lại để tìm lại những hành động, những cử chỉ hạnh phúc đơn sơ với người thân yêu, hay những thiếu sót đối với mọi người và với chính mình, hầu tự tìm ra sự sửa đổi…

Dừng lại để cảm nếm sự yên ắng cô đọng thật giản dị của đời thường… Lúc này, ta đang chìm sâu vào những khoảng lặng sâu xa của tâm hồn, ta đang hạnh phúc thưởng thức chính mình.

Lắng nghe tiếng vi vu của gió, tiếng ca hót của chim, tiếng róc rách của nước chảy, tiếng nhạc du dương của dương cầm, tiếng xôn xao của trẻ thơ chơi đùa…

Những tiếng ấy không thể phá vỡ sự im lặng mà chúng đang dệt thành thinh lặng trong nội tâm mình. Hãy để cho âm thanh và màu sắc của nó thấm vào hồn ta, vào thể xác thư giãn của ta.  Các bạn hãy thưởng thức và biết ơn thời gian “thinh lăng” tuyệt vời này nhé.

Thinh lặng có hai chiều kích ớng nội và hướng ngoại hỗ tương cho nhau,

Hướng ngoại, tương quan với người khác, với thế giới trong môi trường sống của mình.

Hướng nội, rút lui vào nội tâm, thinh lặng, suy tư.  Nhờ sự tương quan hướng nội và hướng ngoại này mà con người có thể tìm gặp chính mình và gặp Đấng Tạo Dựng nên mình giống hình ảnh Ngài.

Nhà văn St. Exupéry cho thấy sự thinh lặng hướng nội (nói cách khác, thinh lặng của sa mạc) là một nơi ưu tuyển đối với ông để đạt được sự chín chắn nhân bản và tâm linh.  Sa mạc là bậc thầy dạy chân lý và tình yêu.

Tôi tự nhủ rằng , những khoảng không gian rộng lớn của thinh lặng từng đi qua cuộc đời tôi, tôi nợ chúng tất cả những gì tốt đẹp mà tôi có.  Bất hạnh cho ai chưa từng biết đến thinh lặng…..

Thinh lặng đến với tôi như một bậc thầy đáng kính yêu, và giống như một phần trời tuôn xuống con người để làm cho tốt hơn.

Từng lớp mênh mông, thinh lặng đến từ trời cao, từ những khoảng không gian liên hành tinh, từ những vùng yên tĩnh của trăng lạnh.

 Thinh lặng đến từ sau không gian bên kia bờ thời gian, từ trước khi hiện hữu các thế giới, và từ nơi mà các thế giới sẽ không còn.

Bấy giờ tôi dừng lại lòng tràn đầy yêu thương và tôn kính.

(trích Những Nẻo Đường Thinh Lặng.  Michel Hubaut)

Pascal cũng có những trải nghiệm thinh lặng khi ông ở trong một cánh đồng bao la ở Phi Châu, nơi mà gió mạnh thổi xoáy, dưới trời sao những đêm ở Port Royal, 

Chính tại đấy mà tôi biết được những giờ thực sự trong cô tịch đầu tiên, tại đấy lần đầu tiên tôi đã lắng nghe sốt sắng thời khắc rơi vào sự thinh lặng vĩnh cửu của Sa Mạc.

Trên mảnh đất khô cằn này, nơi mà không bao giờ con người đặt cơ ngơi, tôi có cảm giác mình vượt ra khỏi các giới hạn thông thường của cuộc sống, và tiến lên, run rẩy vì chóng mặt, đến bờ của CÕI VĨNH HẰNG 

(trích Những Nẻo Đường Thinh Lặng.  Michel Hubaut)

Thinh lặng!  Thinh lặng!  Ta đang chìm sâu cả tâm hồn lẫn thể xác vào thinh lặng, như  đang ngâm mình trong bể tắm, hồi sức cho mìnhTa để cho mọi sự vật tỏ mình ra trong thinh lặng, chúng đang thỏ thẻ và ta đang lặng lẽ lắng nghe, đón nhận…

Chúng ta hãy biết quý trọng sự thinh lặng, hãy tập sống thinh lặng với Thiên Chúa, chắc chắn một ánh sáng kỳ diệu thế nào cũng chiếu tỏa trên bạn.

Hằng năm chúng tôi có những nhịp dừng lại trong thinh lặng, tham dự các khóa tĩnh tâm 3, 5 hay 7 ngày theo phương pháp Linh Thao (thao luyện linh hồn) của Thánh Inhazio Loyola, Thánh Tổ Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên).  Trong những ngày này chúng tôi hoàn toàn thinh lặng cả bên trong lẫn bên ngoài để linh hồn mình lắng nghe tiếng Thiên Chúa trong Lời Ngài.  Chỉ những giờ huấn đức của linh mục hướng dẫn, chúng tôi có thể hỏi hoặc chia sẻ một chút trong đề tài mà thôi.  Chúng tôi giữ thinh lặng một cách rất trân trọng và lịch sự, tôn trong sự thinh lặng của người khác nên tâm hồn rất êm ả, thanh thoát thể xác trong một không gian lặng lẽ, một thời gian êm trôi thật thanh bình, chan chứa một niềm vui sâu sắc trong trí tâm thân.  Chúng tôi đang ngụp lặn trong bể tình thương bao la của Thiên Chúa.  Tất cả chúng ta đều có nhu cầu cần sự thinh lặng, rất cần thiết như nhu cầu để yêu và được yêu.

Thinh lặng là một nghệ thuật đòi hỏi tâm hồn bạn tĩnh lặng, là lúc mặt hồ tâm hồn bạn không hề gợn sóng, mầu nhiệm của Thiên Chúa sẽ được chiếu tỏa trên đó, giúp bạn lắng nghe tiếng Chúa.

Xin Chúa phán môt lời thì linh hồn con…

 Tâm hồn bạn đang chìm đắm trong một không gian tĩnh tại để bạn có thể:

  • Dũng cảm mỉm cười tha thứ cho người đã làm tổn thương bạn nặng nề.
  • Để bạn có đủ bao dung không trả đũa một lời nguyền rủa, một lời sỉ nhục, một lời nói vô liêm sỉ.
  • Để bạn thành thật nhìn sâu vào tâm hồn bạn, hầu vớt ra khỏi đó những rong rêu của ích kỷ, của ghen tương, của tham sân si.
  • Để kiên nhẫn tập cho mình không bị ảnh hưởng bởi những cơn sóng dữ của cuộc đời.
  • Để trân trọng một tình cảm chân thành đối với người bị thương tích trong tâm hồn hay trong thể xác

Tuy nhiên, bất cứ một việc gì trong đời sống luôn luôn có mặt trái của sự việc, trong số những người thinh lặng ta gặp cả các vị thánh lẫn những tên tội phạm

Ta cần cảnh giác khi sự thinh lặng không xuất phát từ nội tâm chân chính, không hướng về Thiên Chúa và tha nhân, thì sự thinh lặng của con người sẽ là một sự hàm hồ, thiếu nhân đức.  Không phải bất cứ sự thinh lặng nào cũng đương nhiên là lành mạnh, là dấu chỉ của sự khôn ngoan hay của chiều sâu nội tâm.

Đó là những sự:

  • Thinh lặng khinh bỉ (không thèm nói, không đếm xỉa đến)
  • Thinh lặng dửng dưng (nhìn kẻ khác với cái nhìn trịch thượng)
  • Thinh lặng ngạo nghễ (của kẻ tự mãn, kiêu ngạo)
  • Thinh lặng lạnh lùng (không chấp nhận sự thinh lặng tốt của ai kể cả Thượng Đế)
  • Thinh lặng kiêu căng (không chấp nhận cái tốt của người khác)
  • Thinh lặng lười biếng (không muốn góp công, góp của giúp tha nhân)
  • Thinh lặng của kẻ ngu (không biết nói gì, nhưng câm lặng để mọi người tưởng mình sâu sắc)
  • Thinh lặng oán hờn (gặm nhấm vết thương và cách biệt người bất đồng ý kiến với mình)
  • Thinh lặng hèn nhát (thu mình để khỏi bị liên lụy)
  • Thinh lặng đồng lõa (đồng tình giữ kín với sự dữ)
  • Thinh lặng phản bội (trốn tránh không đưa ra chứng từ mà mọi người chờ đợi)

Trong thinh lặng ta có thể tẩy rửa mình, nhưng cũng có thể hủy diệt mình.

Elisabeth Nguyễn

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …