Home / Tiêu Điểm / Thiên Chúa tha thứ hết – Hi vọng nơi lòng Chúa thương xót cho chúng ta tự do

Thiên Chúa tha thứ hết – Hi vọng nơi lòng Chúa thương xót cho chúng ta tự do

Hi vọng nơi lòng thương xót Thiên Chúa mở cho chúng ta những chân trời và cho chúng ta hi vọng.

Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

thien-chua-tha-thu-het

Suy niệm bài đọc một trong ngày trích sách Dân Số, kể về ông Balaam, được một vua thuê để nguyền rủa dân Israel, Đức Phanxicô nói rằng, ‘Balaam có lỗi của mình, và ông có tội nữa, bởi tất cả chúng ta đều có tội. Chúng ta tất cả đều là người có tội.’

Nhưng Đức Giáo hoàng trấn an tín hữu và bảo đừng hoang mang: ‘Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta.’

Balaam gặp được thiên thần của Thiên Chúa và đã đổi lòng. Ông thấy ra lỗi phạm của mình, thấy ra sự thật, và ông nói những gì ông thấy như một ngôn sứ: Dân Chúa sống trong lều trong hoang mạc và sau hoang mạc là hoa trái, vẻ đẹp và chiến thắng.

Balaam mở lòng mình, ông sám hối, và thấy sự thật, bởi với thiện ý người ta sẽ luôn thấy ra sự thật. Đức Giáo hoàng nói rằng: ‘Sự thật cho chúng ta hi vọng.

Hi vọng, đức cậy, là một nhân đức Kitô giáo, là ơn trọng từ Thiên Chúa cho chúng ta nhìn vượt quá các vấn đề, đau đớn, khó khăn, vượt quá tội lỗi của chúng ta. Hi vọng cho chúng ta thấy ra vẻ đẹp của Thiên Chúa.’

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng những ai có đức cậy cũng có tự do và sức mạnh để nhìn xa hơn những thời gian khó khăn, dù là bệnh tật hay vấn đề gia đình.

Và suy tư về việc thượng tế hỏi Chúa Giêsu xem Ngài lấy quyền gì mà làm những việc Ngài làm, Đức Giáo hoàng nói rằng: ‘Họ không có tầm nhìn, họ là những người bị khóa kín trong tính toán, họ là nô lệ cho sự cứng ngắc khắc nghiệt của mình.

Tính toán của con người, khóa cửa trái tim và đóng chặt với tự do. Còn hi vọng cho chúng ta sự nhẹ nhàng.’

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định về vẻ đẹp của tự do, của hi vọng cho mọi người trong Giáo hội.

Mặt khác, ngài lên án sự khắc nghiệt của những người trong Giáo hội. ‘Sự khắc nghiệt giáo sỹ không có đức cậy.’

‘Trong Năm Lòng Thương xót này, có hai con đường, một cho những ai hi vọng nơi lòng thương xót Chúa và biết rằng Chúa là Cha, và một đường cho những ai trú ẩn nơi sự nô lệ của tính khắc nghiệt chiếu luật và chẳng biết gì về lòng thương xót Chúa.’

Đức Giáo hoàng Phanxicô kết bài giảng bằng cách kể lại một chuyện ở Buenos Aires hồi năm 1992, trong thánh lễ cầu cho người bệnh.

Ngài đang ngồi giải tội nhiều giờ, và có một bà rất lớn tuổi đến, bà có ‘đôi mắt đầy hi vọng.’

Cha hỏi, ‘Bà ơi, bà đến xưng tội à?’ Bởi cha đang chuẩn bị rời tòa. ‘Vâng.’ bà đáp và cha nói: ‘Bà không phạm tội gì cả.’  Bà nói lại, ‘Cha ơi, chúng ta ai cũng phạm tội. Nhưng Chúa tha thứ hết.’ ‘Làm sao bà biết dược’ và bà trả lời: ‘Bởi nếu Chúa không tha thứ hết, thì thế giới này chẳng tồn tại.’

Rồi Đức Giáo hoàng Phanxicô kết lại: ‘Vậy đó, trước hai con người này, một người tự do với hi vọng nơi lòng thương xót Chúa, và một người khép kín nô lệ trong sự khắc nghiệt lề luật, chúng ta hãy nhớ đến những lời của một bà lão và bài học bà đã dạy cho cha: Thiên Chúa tha thứ hết, Ngài chỉ đang chờ chúng ta đến gần Ngài.’

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …