JIMMY AKIN
Giáo hội dạy rằng Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin Kitô giáo. Nhưng làm sao chúng ta biết mầu nhiệm này? Lịch sử thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì? Làm sao chứng minh? Đây là 12 điều cần biết:
1. Danh từ Tam Vị Nhất Thể xuất phát từ đâu?
Trinity (Tam Vị Nhất Thể) có từ gốc Latin là trinitas, nghĩa là “ba” (triad), tiếng Hy Lạp tương đương là triados.
2. Khi nào sử dụng từ này lần đầu tiên?
Không rõ, nhưng có thể vào khoảng năm 170 sau công nguyên. Theophilus ở Antioch đã viết: “Bộ ba là Thiên Chúa, Lời Ngài, và Sự Khôn Ngoan của Ngài, còn thứ tư là của con người, những người cần ánh sáng, và có thể đó là Thiên Chúa, Lời, Sự Khôn Ngoan, Con Người” (To Autolycus 2:15).
3. Tam Vị Nhất Thể là gì?
Giáo lý của Giáo hội Công giáo (GLCG) giải thích: Giáo hội giải thích đức tin về Chúa Ba Ngôi bằng cách tuyên xưng niềm tin vào tính duy nhất Một Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Ba Ngôi Thiên Chúa là MỘT Thiên Chúa duy nhất vì mỗi Ngôi đều bằng nhau về thần tính. Ba Ngôi khác nhau về mối quan hệ phù hợp với nhau. Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con, Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Ngôi Cha và Ngôi Con (GLCG, số 48).
4. Tam Vị Nhất Thể có là mầu nhiệm chính của đức tin Kitô giáo?
Đúng vậy. Giáo lý Công giáo giải thích: “Mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin Công giáo và đời sống là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Các tín hữu được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (GLCG, số 44).
5. Khi nào Giáo hội không sai lầm về Chúa Ba Ngôi?
Tín điều Chúa Ba Ngôi được xác định trong hai giai đoạn: Tại Công đồng Ni-xê I (năm 325 sau công nguyên) và tại Công đồng Constantinope I (năm 381 sau công nguyên).
Công đồng Ni-xê I xác định thần tính của Chúa Con và viết một phần Kinh Tin Kính về Chúa Con. Công đồng này được triệu tập để phản ứng lại tà thuyết Arian (1), tà thuyết này cho rằng Ngôi Con là Đấng siêu nhiên nhưng không là Thiên Chúa.
Công đồng Constantinople I xác định thần tính của Chúa Thánh Thần và viết một phần Kinh Tin Kính về viết một phần Kinh Tin Kính về Chúa Thánh Thần. Công đồng này phản ứng lại tà thuyết Macedonianism (2), tà thuyết này không công nhận thần tính của Chúa Thánh Thần.
6. Tam Vị Nhất Thể được chứng tỏ như thế nào?
Tam Vị Nhất Thể chỉ có thể được chứng tỏ qua sự mặc khải của Chúa Giêsu, không thể được chứng tỏ bằng lý lẽ tự nhiên hoặc chỉ qua Cựu Ước. Giáo lý Công giáo nói: Thiên Chúa đã để lại các dấu vết về Tam Vị Nhất Thể trong công cuộc sáng tạo và trong Cựu Ước, nhưng Tam Vị Nhất Thể là mầu nhiệm không thể hiểu bằng lý luận hoặc theo niềm tin của dân Israel trước khi Con Thiên Chúa giáng sinh làm người và gởi Chúa Thánh Thần tới.
Mầu nhiệm này được Chúa Giêsu mặc khải và là nguồn của các mầu nhiệm khác (GLCG, số 45). Mặc dù từ ngữ được dùng để diễn tả giáo lý về Chúa Ba Ngôi được phát triển theo thời gian, chúng ta có thể chứng minh các phương diện khác nhau về giáo lý này từ Kinh Thánh.
7. Làm sao chúng ta có thể chứng tỏ bằng Kinh Thánh rằng chỉ có một Thiên Chúa?
Đúng thật là chỉ có một Thiên Chúa và đã được xác định trong Cựu Ước. Ví dụ, sách Isaia nói: “Chính các ngươi là nhân chứng của Ta, là bề tôi Ta đã tuyển chọn, để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta: trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành, và sau Ta cũng vậy” (Is 43:10).
Thiên Chúa đã nói Ngài là Vua của dân Israel và Đấng cứu độ, là Chúa các chúa: “Đức Chúa là Vua, là Đấng cứu chuộc Ít-ra-en, và là Đức Chúa các đạo binh, Người phán thế này: Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta” (Is 44:6).
8. Làm sao chúng ta chứng tỏ Ngôi Cha là Thiên Chúa?
Tân Ước nhiều lần tuyên xưng Ngôi Cha là Thiên Chúa. Ví dụ, Thánh Phaolô tuyên xưng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2 Cr 1:3). Và Thánh Phaolô cho biết: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:4-6).
9. Làm sao chúng ta chứng tỏ Ngôi Con là Thiên Chúa?
Tân Ước có nhiều chỗ nói về vấn đề này, ví dụ ngay đầu Phúc Âm theo Thánh Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:1 và 14).
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu nói với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:27-28).
10. Làm sao chúng ta chứng tỏ Ngôi Ba là Thiên Chúa?
Trong sách Công Vụ, Chúa Thánh Thần được mô tả là Thiên Chúa: Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13:2).
Nhưng ông Phêrô nói: “Anh Kha-na-ni-a, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao? Sao anh lại rắp tâm làm việc ấy? Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa” (Cv 5:3-4).
11. Làm sao chúng ta chứng tỏ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi?
Có thể phân biệt nhờ lời Chúa Giêsu nói với Chúa Cha: Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11:25-26).
Chúa Giêsu cho biết Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi (tiếng Hy Lạp: Parakletos). Ngài cầu xin với Chúa Cha và Chúa Cha ban “Đấng Bảo Trợ” – tức là Chúa Thánh Thần. Điều này cho thấy Ba Ngôi riêng biệt: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14:16-17).
12. Làm sao chúng ta chứng tỏ Chúa Con nhiệm sinh từ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con?
Đúng thật là Ngôi Con được nhiệm sinh từ Chúa Cha. Ngôi Hai trong Ba Ngôi sẽ không là Ngôi Con nếu Ngài không được nhiệm sinh từ Ngôi Cha. Đúng thật là Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, như Chúa Giêsu nói: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15:26).
Đó là cách mô tả về “Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con”. Đây là các hoạt động ngoại vi của Ba Ngôi phản ánh mối quan hệ lẫn nhau. Cũng có thể nói rằng Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)
__________________________
(*) Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Ni-xê (năm 325 sau công nguyên) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Ni-xê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân chứng của Giavê (Jehovah’s Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể (Một Chúa Ba Ngôi).
(2) Macedonianism: Tà thuyết của Macedonius, giám mục ở Constantinople (qua đời khoảng năm 362). Tà thuyết này chối bỏ thần tính của Chúa Thánh Thần. Không như Macedonius, phần lớn người theo giáo phái này vẫn công nhận thần tính của Chúa Kitô. Tà thuyết này bị chống đối bởi Thánh Athanasiô, Basil, Thánh Grêgôriô thành Nyssa, và bị Công đồng Constantinople I lên án năm 381. Tà thuyết này còn được gọi là Pneumatomachianism (tiếng Hy Lạp nghỉa là “chống lại Chúa Thánh Thần”).