Home / Chia Sẻ / THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN

THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN

TChiendienThiên Chúa có hiện hữu không?  Nếu có, tại sao Ngài dửng dưng với nỗi thống khổ của con người?  Đó là câu hỏi nhiều người thường đặt ra, khi đối diện với đau khổ thử thách trong cuộc đời.  Không dễ đưa ra một câu trả lời cho câu hỏi trên.  Đau khổ là một thực tại gắn liền với cuộc sống con người.  Dù cao sang giàu có đến mấy, con người ta không tránh khỏi đau khổ.  Nếu thoát khỏi đau khổ do thiếu thốn vật chất, thì lại vướng vào đau khổ về tinh thần.  Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa luôn hiện diện giữa con người và Ngài sẽ ra tay cứu giúp họ vào lúc Ngài muốn.

Chúng ta còn nhớ rõ buổi chiều ngày 27-3-2020, khi đại dịch Covid-19 đang lên đến đỉnh điểm tại châu Âu và châu Mỹ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự một buổi cầu nguyện chưa từng có trong lịch sử.  Tại quảng trường thánh Phêrô, trong thời tiết mưa và lạnh của Rôma, chỉ mình Đức Thánh Cha với mấy người phụ tá hiện diện.  Đức Thánh Cha đã cùng với cả thế giới Công giáo cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt.  Một buổi cầu nguyện đầy cảm xúc.  Trong giờ cầu nguyện này, Bài Tin mừng theo Thánh Máccô được đọc lên để diễn tả bối cảnh thế giới.  Đức Giêsu ở trên thuyền với các môn đệ.  Bão ập đến.  Chúa đang ngủ.  Các môn đệ kinh hãi kêu với Chúa: chúng con chết mất!  Chúa Giêsu đã dẹp yên bão tố bằng một lời ra lệnh.  Biển trở lại an bình.  Diễn giải Lời Chúa, Đức Thánh Cha trấn an chúng ta: Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện với nhân loại đang gánh chịu đại họa do dịch bệnh.  Như Người ở trên cùng một chiếc thuyền với các môn đệ, nay Chúa cũng đang hiện diện giữa chúng ta.  Sau khi truyền lệnh cho sóng gió và biển yên lặng, Chúa quở trách các môn đệ: “Sao nhát thế! Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”  Từ bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi thế giới hãy tin tưởng vào Chúa, hãy liên đới với nhau trong lúc hoạn nạn và chắc chắn Chúa sẽ giải cứu chúng ta.

Trong truyền thống của một số nền văn hoá cổ xưa, biển là quyền lực của sự dữ.  Biển cũng như một quái vật, nuốt chửng vào lòng những nạn nhân bị đắm tàu thuyền hay đuối nước.  Qua mạc khải của Thánh Kinh, Thiên Chúa quyền năng thống trị biển.  Ngài ra lệnh cho chúng và chúng phải vâng phục.  Điều này được thể hiện trong Bài đọc thứ nhất trích sách ông Gióp: “Ta phán: ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa.”  Thiên Chúa cũng điều khiển mọi thế lực hùng mạnh mà con người thường tôn thờ như các thần linh.  Thánh vịnh 106 được chọn làm Đáp ca trong thánh lễ cũng diễn tả ý tưởng này.  Nội dung Thánh vịnh làm cho ta liên tưởng tới câu chuyện ngôn sứ Giôna: ông đi tàu thuỷ sang một hướng khác để trốn khỏi lệnh truyền của Chúa sai ông đi Ninivê.  Bão tố đã nổi lên và biển chỉ yên lặng khi thuỷ thủ ném ông Giôna xuống biển.  Qua sự kiện này, quyền năng của Thiên Chúa thể hiện, khiến người ngoại tôn vinh và thờ lạy Ngài.

Đại dịch Covid-19 đã hoành hành thế giới từ 2 năm nay. Đ ại dịch ấy chắc chắn sẽ kết thúc, nhờ nỗ lực cố gắng của con người.  Người tín hữu chúng ta tin rằng Thiên Chúa tác động qua các nhà chuyên môn để nghiên cứu ra những loại thuốc phòng chống và chữa trị dịch bệnh.  Dịch bệnh sẽ hết, cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục và như thế sóng gió bão táp vẫn vây bủa cuộc sống của chúng ta.  Thực vậy, đời sống con người được sánh ví như một cuộc vượt biển.  Trong cuộc vượt biển này, có biết bao sóng gió thử thách vây bọc chúng ta.  Có những lúc chúng ta cảm thấy như Chúa vắng bóng trong cuộc đời, giống như các môn đệ kêu van với Chúa: “Thày ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”  Khi kêu lên những lời đó, các ông nghĩ rằng Chúa đang ngủ và bỏ rơi các ông.  Tuy vậy, vào lúc các ông đang gặp gian nguy, Chúa đã can thiệp.  Biển trở lại an bình, và niềm vui cũng trở lai với mọi người.

Thiên Chúa không dửng dưng trước nỗi thống khổ của con người.  Bằng chứng là Ngài đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người và chịu khổ hình vì chúng ta.  Phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi thử thách gian nan, đó là lời khuyên của Thánh Phaolô với giáo dân Côrinhtô.  Thánh Phaolô đã đạt tới sự viên mãn của Đức tin, khi khẳng định: “Từ đây, chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người” (Bài đọc II).  Tin vào Chúa Giêsu là đoạn tuyệt với quá khứ, cũng là thay đổi quan niệm về Người, để nên giống Người trong suy nghĩ cũng như trong hành động hàng ngày. Đó là lý tưởng của đời sống Kitô hữu chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …