Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí minh, chí thiện, toàn năng, yêu thương vô biên, và chỉ muốn chúng ta sống dồi dào (x. Ga 10:10). Ngài luôn canh chừng chúng ta, không để chúng ta “lỡ chân trật bước” hoặc “chợp mắt ngủ quên” (Tv 121:3-4). Vậy tại sao Ngài vẫn “vô tư” nhìn chúng ta lâm cảnh khốn cùng, cả tinh thần và thể lý?
Dĩ nhiên chúng ta không thể hiểu hết Thánh Ý Ngài sâu thẳm nhiệm mầu. Nhưng chắc chắn Ngài làm gì thì cũng chỉ vì yêu thương chúng ta, muốn chúng ta nên người, dù có khi chúng ta gặp những điều không vừa ý mình. Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao” (1 Sm 2:6-7; Kn 16:13; x. Tv 30:4).
Vâng, Ngài có toàn quyền trên chúng ta: “Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao” (1 Sm 2:7). Nghe nói vậy, có thể chúng ta cảm thấy Chúa có vẻ như một người “thích đùa dai” hoặc “chơi ép” chúng ta. KHÔNG. Ngài muốn dạy chúng ta bài học sống và triết lý sống, và mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa (Mt 19:26; Lc 1:37; Mc 10:27).
Cầu nguyện hết ngày đến đêm thâu, hết tháng này qua năm nọ, vậy mà chúng ta vẫn lạc trong mê cung cuộc đời, mãi chẳng thấy chút ánh sáng nào le lói cuối đường hầm. Buồn lắm! Vậy khi nào Thiên Chúa mới ra tay can thiệp?
ĐAM MÊ
Đam mê có thể tốt hoặc xấu. Ở đây muốn nói đam mê xấu, tức là mê đắm thái quá, dẫn tới u mê tăm tối, mù quáng. Đó là một dạng “nghiện”, say mê đắm đuối, gọi là “si” – một trong “tam độc” Tham-Sân-Si. Có nhiều dạng đam mê, nó khiến chúng ta như đi trong đêm tối, hành động sai mà cứ tưởng là đúng. Đó là dạng ngu muội trong đường tội lỗi. Thật đáng sợ!
Ngày nay có nhiều loại đam mê “tối tân” lắm: Nghiện game, nghiện “còm” (computer), nghiện internet, nghiện ma túy, nghiện tình dục, nghiện chống đối, nghiện khoe khoang, nghiện chưng diện, nghiện mua sắm,… Vì thế mà chúng ta luôn phải biết tự cai nghiện bằng Linh Dược Giêsu. Thánh Phaolô xác định: “Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17). Lòng thương xót của Thiên Chúa có từ đời đời tới đời đời, bất di bất dịch, luôn trải qua từ đời nọ tới đời kia (Lc 1:50), ân sủng của Ngài sẽ chữa lành và biến đổi những ai thành tâm tìm kiếm Ngài. Đừng sợ, tội lỗi chỉ là “chuyện nhỏ” mà thôi, như Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Lòng thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới”. Và đừng quên tướng cướp Dismas, ngay khi bị đóng đinh bên Chúa Giêsu, chỉ một lời xin lỗi là Ngài cho vô Thiên Đàng ngay lập tức. Sướng rơn!
TIỀN ĐỊNH
Vấn đề tiền định là một trong các vấn đề khó hiểu thấu. Sự tiền định liên quan sự quan phòng, và chúng ta vẫn thường nói ghép là “quan phòng tiền định”. Tuy nhiên, phải biết rằng Thiên Chúa chỉ tiền định điều tốt chứ không tiền định điều xấu, có hại cho chúng ta. Thiên Chúa nói rõ với ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1:5).
Khi soi mình trước gương, bạn thấy mình đáng ghét, đáng thương hay dễ thương? Chắc chắn bạn luôn thấy mình dễ thương, xinh đẹp, chứ không bao giờ đáng ghét hoặc đáng thương. Thật vậy, người ta luôn dùng mọi biện pháp để làm cho mình được “đẹp trong mắt mọi người”. Bôi son, thoa phấn, kẻ lông mày, gắn lông mi, nhuộm tóc, căng da, “độn” phần này phần nọ,… Làm vậy không là để “tự tôn” mình sao? Chung Vô Diệm, Thị Nở, hoặc mụ phù thủy vẫn thấy mình là “đệ nhất mỹ nhân” kia mà! Tuy nhiên, với Thiên Chúa thì chúng ta luôn đáng thương. Thiên Chúa thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35, 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12). Nngài biết rõ chúng ta hơn chúng ta tự biết mình, Ngài biết rõ chúng ta từ khi chúng ta chưa được thành phôi bào trong lòng mẹ. Ngài quan phòng và đặt chúng ta vào vị trí nào tốt nhất để có lợi cho chính chúng ta, chứ những việc chúng ta làm chẳng “xi-nhê” gì đối với Ngài đâu. Đừng ảo tưởng!
XUNG KHẮC
Với nhiều mức độ, trong mối quan hệ nào cũng có sự xung khắc hoặc xung đột, dù đó là mối quan hệ thân thiết nhất, thậm chí vợ chồng đã “nên một” mà vẫn không tránh khỏi xung khắc. Thánh Phaolô xác định: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:31-32).
Châm ngôn Đông phương có câu: “Người hơn loài vật ở tiếng nói, nhưng nếu tiếng nói không theo lương tri thì loài vật đáng quý hơn”. Còn tục ngữ Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Cái lưỡi của người câm tốt hơn cái lưỡi của đứa dối trá”. Hai cách so sánh rất mạnh mẽ. Có Lưỡi mới có Lời, vì Lời mà người ta có thể Lọc Lừa. Việt ngữ rất độc đáo với mẫu tự L. Quả thật, “miệng là cái cửa họa và phúc” (Quách Yên). Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12:36-37).
Nói là gieo, nghe là gặt. Người khôn thì thích “gặt”. Biết lắng nghe là việc làm không dễ, vì người ta thích nói để chứng tỏ chính mình, dễ dẫn tới khoe khoang, thậm chí là “nổ” – tức là khoác lác. Như vậy, nói nhiều đâu có hay, người ta gọi là “bà tám”, là “lắm miệng” hoặc “nhiều chuyện”. Tục ngữ Lào nói: “Trâu mọng thích chọi, người ác thích nhiều lời”. Vì thế, Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi ngườiAnh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” (Cl 4:5-6). Noi gương Đức Maria “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19), hãy cố gắng lắng nghe để Thiên Chúa hành động trong mọi động thái của chúng ta!
KHÓ KHĂN
Cuộc sống có nhiều lúc khó khăn, nhiều dạng khó khăn, và nhiều mức độ khó khăn, rõ ràng nhất là khó khăn về tài chính. Chúa Giêsu xác định rạch ròi: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6:19-21).
Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, tất nhiên Ngài không cấm chúng ta làm giàu, nhưng Ngài biết rõ ma lực của đồng tiền, nó là “rễ sinh ra mọi điều ác” (1 Tm 6:10), nó có thể gây mọi hệ lụy nguy hiểm khác, kể cả mất đức tin, vì thế mà Chúa Giêsu đã nói chắc với “đại gia” trẻ tuổi nọ: “Người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:23-26; Mc 10:23-27; Lc 18:24 -27). Quả thật, tiền bạc KHÔNG THỂ mua được ân huệ của Thiên Chúa (x. Cv 8:20).
Tiền bạc luôn có sức hút mạnh mẽ với con người của mọi thời đại, khó có thể cưỡng lại, nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại mà người ta coi trọng bề ngoài và dùng đồng tiền để “chèn ép” người khác. Vì thế, người ta có thể bất chấp mọi thứ để có được tiền bạc, không ngại cướp giật hoặc thậm chí là giết người.
Khi khó khăn về tài chính, người ta như đi vào ngõ cụt, ở thế bí, không muốn buông xuôi mà đành thúc thủ. Khổ thật! Việt ngữ luôn ghép chữ “nghèo” luôn đi với chữ “khó” hoặc “khổ”. Độc đáo và thâm thúy lắm. Nhưng là Kitô hữu, chúng ta may mắn biết được Thiên Chúa, Đấng mà Thánh Phaolô xác nhận: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3:8). Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết tín thác vào Ngài, như chúng ta vẫn cầu nguyện bằng Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót. Tin thật chứ đừng đọc suông. Hãy tin tưởng, Ngài không bỏ rơi chúng ta, mà Ngài muốn chúng ta tôi luyện chúng ta, và khi nào chúng ta biết tín thác vào Ngài thật lòng thì Ngài sẽ ra tay can thiệp: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5).
TẠM KẾT
Chúng ta bất trác và bất túc, luôn cần Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-2).
Thiên Chúa rất muốn mọi ước mơ của chúng ta biến thành hiện thực, nhưng với điều kiện là chúng ta phải biết Ngài là ai và chúng ta là ai: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Ngài mãi mãi”.
TRẦM THIÊN THU
Mùa Vọng, 1-12-2014