Home / Chia Sẻ / THIÊN CHÚA CẢM THƯƠNG

THIÊN CHÚA CẢM THƯƠNG

ThienChuacamthuongTừ ba tuần nay, chiến tranh bùng nổ tại Ucraina, một phần đất của Liên Xô cũ.  Quốc gia gây hấn là Liên bang Nga.  Đây là một cuộc chiến không cân sức, giữa một cường quốc và một đất nước nhỏ bé.  Sau ba tuần kể từ khi chiến dịch quân sự do Nga phát động, máu người vô tội chảy khắp nơi.  Hàng triệu người dân Ucraina phải rời bỏ nhà mình đang ở để đi lánh nạn ở các nước láng giềng.  Không ai nghĩ máu chảy đầu rơi một cách thảm khốc trong một thế giới hiện đại và tự coi là văn minh.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã thân hành đến trước đại sứ Nga ở Rôma để phản đối chiến tranh và kêu gọi: hãy dừng lại.  Cả thế giới đều chăm chú theo dõi cuộc chiến.  Các tổ chức quốc tế đều can thiệp và mong muốn cuộc chiến tranh này sớm kết thúc.  Con người đang huỷ diệt chính mình và huỷ diệt tương lai.

Với Đức tin và lòng phó thác nơi Thiên Chúa, người Kitô hữu chúng ta cùng cầu nguyện.  Xin Chúa soi sáng các nhà lãnh đạo các quốc gia để cùng nhau đối thoại và xây dựng hoà bình.  Lời Chúa của Chúa nhật thứ ba Mùa Chay giới thiệu với chúng ta: Thiên Chúa là Đấng cảm thương trước nỗi thống khổ của con người.  Trong bụi gai rực lửa, Chúa tỏ cho ông Môisen biết ý định của Ngài, là sẽ giải phóng dân Do Thái, để đưa họ đến miền đất Ngài đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông.  Bài đọc I trích sách Sáng thế cho thấy đây là lần đầu tiên Thiên Chúa mạc khải cho con người về danh xưng của Ngài.  Ngài vừa là “Đấng Tự Hữu”, có nghĩa là Đấng quyền năng, không phải do bất cứ ai tạo thành.  Ngài cũng là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, nghĩa là Đấng đã hành động trong lịch sử và đã thực hiện những điều tốt lành đối với các Tổ Phụ.  Khi xưng mình là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, Thiên Chúa diễn tả lòng từ bi của Ngài.

Nếu Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, thì con người phải sám hối để xứng đáng đón nhận lòng xót thương của Ngài.  Lời mời gọi sám hối được nhắc đi nhắc lại bởi chính Chúa Giêsu.  Sám hối là từ bỏ tội lỗi, chân thành canh tân đổi mới cuộc đời.  Tâm lý thông thường, chúng ta hay để ý đến những điều xảy ra rồi bình luận theo cái nhìn thiên kiến của mình.  Hai sự kiện được Chúa nêu, là sự kiện Philatô tàn sát những người Galilêa và tháp Siloê sập đổ đè chết người.  Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, những gì xảy ra chung quanh chúng ta đều là những lời cảnh báo và kêu gọi chúng ta hãy nhìn lại mình.  Bên cạnh chúng ta, bất kỳ lúc nào cũng có thể có những Philatô tàn sát và những cây tháp đổ sập.  Nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy luôn tỉnh thức sẵn sàng, vì không biết ngày nào giờ nào là lúc lâm chung của chúng ta.  Những ai tỉnh thức và sám hối sẽ không bị bất ngờ khi Chúa đến.

Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.  Đó cũng là nội dung của Thánh vịnh 102 được hát trong phần Đáp ca.  Ngài là Đấng nâng đỡ những người bị áp bức.  Ngài giải phóng những người tù tội và ban ơn cho hết thảy chúng sinh.  Mùa Chay nhắc cho chúng ta tình thương bao la của Chúa, đồng thời sám hối ăn năn để xin Chúa ban những ơn cần thiết, nhờ đó chúng ta có thể vượt qua những thử thách gian nan trên đường đời.

Thánh Phaolô nhìn sự kiện ra khỏi Ai cập với con mắt đức tin, để khẳng định: Chúa vẫn đang tiếp tục dẫn dắt chúng ta ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, không còn qua những trung gian hay phương tiện của thời Cựu ước xa xưa, nhưng nhờ Chúa Giêsu.  Thời nào cũng vẫn có những người cứng lòng bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa.  Người Kitô hữu phải học bài học của lịch sử, để nghiệm thấy rằng, mỗi chúng ta đều phải thận trọng khôn ngoan.

“Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân Ta.”  Chúng ta hãy cầu xin để nỗi thống khổ của những nạn nhân chiến tranh, ở Ucraina và trên thế giới, vang đến Chúa.  Xin Ngài ra tay cứu giúp và ban cho thế giới được hoà bình.  Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật, ngày 13-3 vừa qua đã nói: “Với nỗi đau tận trái tim, tôi hợp với tiếng nói chung, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh.  Nhân danh Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ và chấm dứt các vụ đánh bom và tấn công…  Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi: hãy dừng cuộc thảm sát này!”

Chiến tranh không phải là hình phạt của Thiên Chúa.  Chiến tranh đến từ sự kiêu ngạo và ích kỷ của con người.  Chiến tranh đi ngược lại với giáo huấn của Chúa Giêsu.  Từ cuộc chiến tranh quân sự, chúng ta liên tưởng tới những xung đột trong gia đình, trong cộng đoàn và trong môi trường xã hội.  Sám hối đích thực là cố gắng góp phần xoá bỏ những xung đột ấy, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

9-1-2025 7-48-59 AM

Suy niệm Tin Mừng Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh, của Lm Minh Anh

THẾ TỤC & THẦN KHÍ “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo …