Home / Chia Sẻ / THEO THẦY GIÊSU

THEO THẦY GIÊSU

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận.  Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được.  Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng.  Nó vào được trong vườn nho.  Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại.  Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì?  Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng.”

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự.  Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Follow-Jesus - CardBannerChúa Giêsu dạy các môn đệ: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?”  Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi.  Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”  Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất.  Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất.  Trái lại, nhiều khi phải chịu mất trước, rồi mới được sau.  Mất nhỏ để được lớn.  Mất ít để được nhiều.  Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất.  Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất.  Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời.  Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả.  Mọi sự, nếu họ mất vì Thầy Giêsu, thì họ sẽ được lại.  Mất tạm thời để giữ được mãi mãi.  Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo.”  Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải “đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”  Theo Thầy không phải để vinh thân phì gia.  Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha.  Thầy là sự thật giải thoát muôn dân.  Muốn theo Thầy, không những phải “từ bỏ chính mình”, tức là “tư tưởng của loài người”, mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai.  Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá.  Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát.  Muốn theo Thầy “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường từ bỏ.

Từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ, thì ta sẽ chết.  Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử.  Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới.  Nhờ đó, cơ thể lớn dần lên.  Trong quá trình phát triển, con người phải đi qua từng giai đoạn, bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận.  Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước.  Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa.  Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này, bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn.  Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác. (sợi chỉ đỏ).

Làm môn đệ Thầy Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải “từ bỏ mình.”  Cái phần “mình” được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần “Chúa” được gia tăng bấy nhiêu.  “Từ bỏ mình” hoàn toàn thì sẽ trở thành “Kitô khác” hoàn toàn.

Như thế, từ bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường sự sống

 

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh.  Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang.  Phải qua sự chết, mới đến sự sống.  Phải qua tủi nhục, mới đến vinh quang.  Phải qua gian khổ, mới đến hạnh phúc.  Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

Theo Thầy Giêsu, các môn đệ bị người đời chê là khờ dại vì sống từ bỏ và vác thập giá hàng ngày.  Thế nhưng họ vui mừng sống một nghịch lý căn bản “mất mạng sống mình vì Thầy.”  Con người ta cứ tưởng rằng, chiếm hữu càng nhiều thì càng làm cho mình giàu có thêm.  Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống.  Nhiều người đánh đổi mạng sống để có của cải vật chất.  Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian.  Nhưng “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?  Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).  Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là “mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 16,25).  Như thế, phải chăng Thầy có sức thu hút khiến người ta không thể cưỡng lại được?  Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.  Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20,7).  Thầy có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để “ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Mt 16,21) từ cõi chết.  Cả thế giới cũng không đem lại sự sống.  Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ “tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25), vì Thầy là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).  Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ vì Thầy là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất, mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội.  Mất hiện tại, để được tương lai.  Mất đời này, để được đời sau.  Mất phàm tục, để được thần thiêng.  Mất tạm bợ, để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.  Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.  Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.  Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết.  Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

******************************************

“Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con.  Amen.” (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Xem thêm

TẤM LÒNG THANH

TẤM LÒNG THANH

  Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn …