Tuần Thánh với đỉnh điểm là Tam Nhật Thánh (La ngữ: Triduum Paschale hoặc Triduum Sacrum – Anh ngữ: Easter Triduum, Holy Triduum hoặc Paschal Triduum).Đó là đỉnh cao của Lòng Chúa Thương Xót, liên quan Sự Chết và Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Tam Nhật Thánh đa sắc màu biểu trưng cho các cảm xúc của con người: cười – khóc, vui – buồn, sướng – khổ, sinh – tử,…
Đời là thế!Cuộc đời con người nhiêu khê với thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Đối với con người thì đành “bó tay” (khoanh tay, chắp tay) mặc dù không hề muốn thúc thủ. Thế mới biết con người hữu hạn, chẳng là gì cả. Do đó, chúng ta càng cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là cứu cánh cho tội nhân chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài – Jezu ufam Tobie – Jesus, I trust in You – Jésus, j’ai confiance en Toi”. Chúng ta thực sự diễm phúc vô cùng!
- CHÚA VÁC THẬP GIÁ
Trình thuật Mt 27:27-32 cho biết hành trình khổ nạn của Chúa Giêsu lên đồi Can-vê. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắn nhủ và động viên chúng ta phải từ bỏ mình, bởi vì chỉ có từ bỏ mình thì mới khả dĩ theo Ngài, mà theo Ngài thì không thoải mái, không sung sướng, không an nhàn, không thảnh thơi, mà ngược lại, theo Ngài thì phải vác thập giá, nghĩa là luôn phải chịu thiệt thòi, luôn gặp khốn khó, xui tận mạng. Chắc chắn ai theo Ngài thì phải can đảm lắm, không thể ung dùng hoặc tà tà được đâu!
Trên hành trình đau khổ lên đồi Can-vê,người ta thấy Chúa Giêsu kiệt sức nên bắt một người từ miền quê lên để dự Lễ Vượt Qua. Ông này tên là Simôn, gốc Kyrênê.Họ đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu. Dân chúng đi theo đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Ngài, nhưng Ngài quay lại và nói với họ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta những lời như vậy: “Con hãy thật lòng than khóc vì tội con chứ Ta không cần con thương khóc gì Ta đâu!”.
Mặc dù Chúa Giêsu chịu đau khổ vì chúng ta, nhưng Ngài vẫn chấp nhận gánh nặng vì thương xót chúng ta, tình yêu của Ngài hoàn toàn dành cho chúng ta vô điều kiện. Thập Giá gồm hai thanh gỗ ghép lại, nặng cả trăm ký, kéo lê đi thì sức nặng cũng còn khoảng 70–80 kg. Không phải dễ vác đi lên đồi cao trên con đường gồ ghề sỏi đá như vậy.
Trên đường từ dinh Philatô tới Đồi Sọ, Đức Mẹtrực tiếp chứng kiến nỗi đau khổ và nhục nhã mà Con Trai phải chịu. Chúng ta có thể tưởng tượng đôi mắt và khuôn mặt của Đức Mẹ thế nào? Chắc chắn Mẹ đau khổ lắm, khác gì những lưỡi gươm đâm nát cõi lòng.
Cầu xin Đấng Đau Khổ thêm can đảm cho chúng ta đủ sức vác thập giá đời mình đến cuối đường trần, và Mẹ Đau Thương nâng đỡ chúng ta trên con đường thập giá trần thế này,cùng lên Can-vê với Đức Giêsu Kitô.
- CHÚA CHỊU ĐÓNG ĐINH
Tin Mừng cho biết cảnh tượng bi hùng đó (Mt 27:33-35; Ga 19:31-37; Lc 23:33-46). Chúng ta không chịu nổi như Chúa, chỉ dám xin biết “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Gốc rễ của tính xác thịt chính là “cái tôi”. Nó là một trong ba kẻ thù nguy hiểm nhất – ma quỷ, thế gian,xác thịt), nhưng “tính xác thịt” lại nguy hiểm hơn, vì nó là nội gián, là chính chúng ta. Kẻ thù này ở gần nhất và dễ thấy nhất, nhưng lại là kẻ thù khó chiến thắng nhất. Rất cần ơn Chúa nâng đỡ và tăng lực không ngừng.
Tính xác thịtcó đủ hình dạng và đủ kích cỡ, từ đơn giản tới phức tạp. Nó chỉ “chết thật” khi chúng ta dám “đóng đinh” nó vào Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô. Mặc dù đã ghim chặt được nó rồi cũng chưa thể an tâm, phải đợi cho nó “chết thật” thì chúng ta mới có thể thanh thản bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu. Nó nhỏ mà to, bé mà sống dai – tương tự như con đỉa, giết nó chết rồi nó lại hóa ra vô số con đỉa khác. Xem chừng tính xác thịt chẳng là gì nhưng nó có thể làm sụp đổ mọi lâu đài mà chính chúng ta dày công xây dựng lâu dài, thậm chí xây dựng cả đời. Thật đáng ghê sợ, vì có thể trắng tay bất cứ lúc nào!
Theo lời kể của Thánh sử Gioan: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu: “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19:25-27). Đó là lời trăn trối đầy yêu thương mà Chúa Giêsu dành cho Đức Mẹ và Thánh Gioan – người đại diện chúng ta lãnh nhận trách nhiệm đối với Đức Mẹ.
Chính Chúa Giêsu đón nhận tất cả chúng ta là con cái của Đức Mẹ, đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta gần gũi và thân mật với Đức Mẹ. Ngài muốn chúng ta với tư cách là con cái, phải nắm chặt tay Đức Mẹ, để không lạc đường trong cuộc lữ hành trần gian này. Ngài cũng muốn chúng ta hãy trao phó cuộc đời mình cho Đức Mẹ, để nhờ Mẹ mà chúng ta có thể đến với Con Yêu Dấu của Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta. Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm và khiêm nhường, hãytha thiết cầu xin Mẹ nguyện giúp cầu thay để chúng ta đủ sức chiến thắng tội lỗi nhờ ơn Vô Nhiễm của Mẹ, và cầu xin Mẹ giúp chúng ta triệt tiêu thói kiêu ngạo nhờ đức khiêm nhường của Mẹ. Được như vậy thì chúng ta chắc chắn được gần kề bên Chúa Giêsu, thanh thản nghỉ ngơi trong Thánh Tâm Ngài, cùng với Đức Mẹ.
Khi tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta cảm thấy cõi lòng nhẹ nhàng chứ không trĩu nặng, có buồn là buồn cho sự yếu đuối của mình mà thôi. Thánh Phaolô cho biết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8; 2 Tm 2:11). Đóng đinh tính xác thịt là chịu đóng đinh và chết với Chúa, và rồi sẽ được phục sinh với Ngài. Cầu xin Người Tôi Trung Đau Khổ nâng đỡ!
Tạ ơn Thiên Chúa đã thương xót mà cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tam Nhật Thánh – 2019