1. Buổi triều yết chung Thứ Tư 23 tháng 10
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao Đức Mẹ là mẫu gương cho tất cả người Công Giáo
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư, 23 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về vai trò của Đức Mẹ, như người Mẹ hiền của Giáo Hội. Ngài mô tả Đức Mẹ như là một gương mẫu đức tin, của lòng bác ái, và của sự hiệp nhất với Chúa Kitô. Dựa vào câu chuyện Đức Mẹ đi thăm bà Elizabeth, Đức Thánh Cha nói Giáo Hội phải nên giống Đức Maria nhiều hơn, và mang Chúa Giêsu trong tim mình.
Đức Thánh Cha nói:
“Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, khẳng định: ‘Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô” (n.63)
Mẹ Maria là mẫu gương đức tin. Đức tin của Mẹ Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ tập trung trọn con đường của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng thể hiện tình thương vô biên của Thiên Chúa.
Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang đến niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Giáo Hội cũng vậy: Giáo Hội được sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm trung tâm của Giáo Hội:mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội không mang Chúa Giêsu nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!
Mẹ Maria là mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường.. Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tâm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại.
2. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mối quan tâm của ngài với các nạn nhân của vụ cháy rừng đang hoành hành tại tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi.
Trong một thông điệp gửi đến Hội đồng Giám mục của Úc, tân Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, nói Đức Thánh Cha đang cầu nguyện “đặc biệt cho những người đã chết và cho những người đã mất nhà cửa và nơi làm việc của họ, cũng như cho nhiều nhân viên đang vất vả chống lại các đám cháy và chăm sóc cho những người đau khổ.”
Nhân viên cứu hỏa tại Australia đang tập trung vào một ngọn lửa lớn gần thị trấn Lithgow đang làm thành một bức tường lửa đến 300 km.
Các nhà chức trách cảnh báo hôm Chúa Nhật rằng nhiệt độ cao và gió đã có khả năng duy trì nguy cơ cháy cao trong nhiều ngày.
Ngọn lửa đã giết chết một người đàn ông, phá hủy tổng cộng 208 ngôi nhà ở bang New South Wales và làm hư hỏng 122 căn nhà khác kể từ hôm thứ Năm 17 tháng 10.
Thông điệp của Đức Thánh Cha gởi cho Hội Đồng Giám Mục Australia viết như sau
Từ Vatican, ngày 19 tháng 10 năm 2013
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu tôi thể hiện mối quan tâm của ngài đối với người dân của New South Wales và tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá của đám cháy rộng rãi trong vùng. Ngài đặc biệt cầu nguyện cho những người đã chết và cho những người đã bị mất nhà cửa và nơi làm việc, cũng như cho nhiều nhân viên đang vất vả chống lại các đám cháy và chăm sóc cho những người đau khổ.
Trong khi cầu xin ân sủng, tình liên đới và ơn bền đỗ tuôn đổ xuống các cộng đồng đang chịu thiệt hại trước những sự kiện này thử thách này, Đức Thánh Cha ban phép lành của ngài cho anh chị em.
+ Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
3. Trường Đại Học Dòng Tên tại Nhật kỷ niệm 100 năm
Năm nay, Đại học Sophia, trường Đại học Dòng Tên đầu tiên tại Nhật Bản sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của trường vào đúng ngày Lễ Các Thánh 1 tháng 11 tới đây. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Raffaele Farina, người Ý, làm đặc sứ của ngài tham dự lễ kỷ niệm của nhà trường.
Theo lịch sử, cha Joseph Dahlmann, một linh mục Dòng Tên người Đức đã đến Nhật Bản năm 1903. Ngài là tác nhân chính cho việc hình thành Đại học Sophia, một trường đại học nghiên cứu tư nhân đặt trụ sở tại Tokyo. Thực vậy, cha Dahlmann, là một trong 3 vị đồng sáng lập Đại học Sophia.
Khi ở Nhật, cha Dahlmann lưu ý đến nguyện vọng của người Công Giáo điạ phương muốn xây dựng một trường đại học Công Giáo như một cơ sở văn hóa của Giáo Hội Công Giáo tại đây. Ngài đã trình nguyện vọng này đến các phòng ban của Đức Giáo Hoàng và 2 năm sau, vào năm 1905, cha Dahlmann đã được yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô thứ 10. Cùng năm đó, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Giám Mục O’Connell của giáo phận Portland, Hoa Kỳ làm khâm sứ của Tòa Thánh tại Nhật Bản.
Đức Cha O’Connell đã yết kiến Minh Trị Thiên Hoàng. Khi nắm được những đường hướng chính sách giáo dục của Bộ Giáo Dục Nhật Bản, ngài đã báo cáo với các viên chức của Tòa Thánh về triển vọng việc xây dựng một trường đại học Công Giáo sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Piô X đã ban hành văn bản chính thức yêu cầu Dòng Tên khởi sự thành lập trường đại học Công Giáo đầu tiên tại Nhật Bản.
Những bước chuẩn bị cho việc thành lập trường đại học thực sự được bắt đầu vào năm 1908. Năm năm sau, vào năm 1913, các tu sĩ Dòng Tên chính thức khánh thành trường đại học Công Giáo đầu tiên tại Nhật với cha Hermann Hofmann làm hiệu trưởng đầu tiên. Trường đại học mới gồm có các khoa triết học, văn chương Đức và thương mại.
Kể từ khi được thành lập từ năm 1913, Đại học Sophia đã mang tính quốc tế và đặt ưu tiên liên kết với các đại học khắp nơi trên thế giới.
4. Đức Thánh Cha cám ơn các nhà truyền giáo trong buổi đọc kinh Truyền Tin Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo
Để làm nổi bật ý nghĩa ngày Thế Giới Truyền Giáo, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 20 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về công việc và di sản của Afra Martinelli, 78 tuổi, là một người phụ nữ Ý vừa bị giết chết ở Nigeria một vài tuần trước, sau khi đã hoạt động truyền giáo trong vùng này hơn 30 năm qua.
Đức Thánh Cha nói:
“Mọi người đã khóc trước cái chết của bà, cả các Kitô hữu và người Hồi giáo. Tất cả mọi người yêu mến bà. Bà rao giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống mình và với công việc của mình. Bà đã mở một trung tâm giáo dục. Đây là cách bà thúc đẩy Tin Mừng. Bà đã chiến đấu quyết liệt. Anh chị em hãy suy nghĩ về bà và chào đón bà với một tràng pháo tay của chúng ta.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về một vị tử đạo vừa được phong chân phước tại Budapest, là Stefano Sando. Ngài nói thêm rằng gương sáng cuộc sống của hai vị Kitô hữu này, nhấn mạnh rằng đời sống Kitô hữu là một trận chiến. Đó là một cuộc chiến chống lại không những các kẻ thù bên ngoài, mà cả những kẻ thù bên trong nội tâm chúng ta. Đức Giáo Hoàng nói phương thế tốt nhất để chiến thắng trong những cuộc chiến này là cầu nguyện.
Ngài nói:
“Trong cuộc hành trình hàng ngày của chúng ta, đặc biệt khi phải đối mặt với những gian truân, trong cuộc chiến chống lại cái ác bên trong và bên ngoài, Chúa không xa vời. Ngài bên cạnh chúng ta. Chúng ta chiến đấu bên cạnh Ngài và vũ khí tốt nhất của chúng ta là lời cầu nguyện, là điều khiến chúng ta cảm thấy gần gũi với Ngài, với lòng thương xót của Ngài, và sự trợ giúp của Ngài”.
Trước gần 100,000 người đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cũng đã dành thời gian để cổ vũ cho các vận động viên tham gia vào “cuộc chạy 100 mét nước rút vì Đức Tin.” Đức Thánh Cha cám ơn các vận động viên đã nhắc nhở mọi người rằng các tín hữu là những vận động viên về tinh thần.
Cuộc chạy 100m này lôi cuốn không chỉ những vận động viên tài tử nhưng cả các vận động viên chuyên nghiệp bao gồm cả Jason Gardener, người Anh, từng là vô địch thế giới về các môn thể thao trong nhà và cầu thủ tennis Mara Santangelo, người Ý.
Jason Gardener cho biết:
“Thể thao có sức mạnh thay đổi cuộc sống”
Mara Santangelo thì nhận định rằng:
“Đức tin mạnh mẽ giúp ta vượt qua tất cả mọi thứ. Nó mang lại cho ta động lực đẩy ta về phía trước, thậm chí vượt quá giới hạn của chính mình.”
5. Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón Tổng thống Cameroon và phu nhân
Sáng ngày 18 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Cameroon, là ông Paul Biya. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã chào đón tổng thống và hướng dẫn ông vào điện Tông Toà của Vatican. Đức Giáo Hoàng tiếp tổng thống với một nụ cười thật tươi khi hai vị bắt tay và chào nhau bằng tiếng Pháp.
Hai nhà lãnh đạo sau đó đã gặp gỡ trong khoảng 15 phút. Tuy ngắn ngủi, nhưng đó là 15 phút rất quan trọng vì tổng thống và Đức Thánh Cha đã đi đến những thoả thuận sau cùng cho một hiệp định về tình trạng pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Cameroon. Hiệp định này sẽ được ký kết trong vài ngày tới.
Thông cáo của Tòa Thánh cho biết thỏa thuận này đảm bảo khả năng của Giáo Hội có thể tiếp tục công việc của mình, không chỉ giới hạn trong phạm vi người Công Giáo, nhưng là trên toàn xã hội, về các lĩnh vực như giáo dục và y tế.
Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến những thách đố mà dân chúng trong vùng Hạ Sa Mạc Sahara đang phải đương đầu, cũng như vai trò của Cameroon trong việc giải quyết những thách đố này.
Sau cuộc họp, tổng thống đã giới thiệu phu nhân của mình, là bà Chantal, người nổi tiếng với những bộ quần áo rất hào nhoáng. Tuy nhiên, trong buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha, phu nhân tổng thống đã xuất hiện lần đầu tiên trong một bộ trang phục màu đen, với một mạng che mặt cũng màu đen. Dù vậy, mạng che mặt vẫn nổi bật vì lấp lánh với những hạt đắt tiền.
Gần một chục bộ trưởng chính phủ đã cùng đi với tổng thống. Đức Giáo Hoàng và người đứng đầu nhà nước châu Phi này trao đổi quà lưu niệm.
Tổng thống đã tặng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô một chiếc áo choàng thêu có hình Thánh Phanxicô, và một bức tượng nhỏ của Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng. Đức Giáo Hoàng đã tặng tổng thống một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài.
6. Đức Giáo Hoàng chúc mừng Thông Tấn Xã Công Giáo AsiaNews
AsiaNews là cơ quan truyền thông đa ngôn ngữ với các phiên bản tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Hoa và ngày 9 tháng 10 vừa qua đã cho ra mắt phiên bản tiếng Tây Ban Nha.
Hôm 11 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một điện văn cho AsiaNews, trong đó, ngài bày tỏ hy vọng rằng phiên bản tiếng Tây Ban Nha mới được AsiaNews cho ra mắt sẽ là một khí cụ giúp nâng cao nhận thức về nghĩa vụ truyền giáo, truyền bá Tin Mừng “đến những vùng ngoại ô của thế giới” trong khi tăng cường tình bác ái trong Giáo Hội. Phiên bản tiếng Tây Ban Nha của AsiaNews là một cơ hội để các Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh mở ra với mô hình truyền giáo phổ quát của Đức Thánh Cha.
Trong thông điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh ký thay mặt ngài, Đức Thánh Cha mời gọi cơ quan truyền thông Công Giáo này “tăng cường các nỗ lực để nâng cao nhận thức về hoạt động truyền giáo, ” truyền bá “thông điệp Tin Mừng cứu độ đến những vùng ngoại vi của thế giới, ” tăng cường ” sự hiệp thông chặt chẽ giữa các Giáo Hội địa phương, kết hiệp mật thiết với đấng kế vị Thánh Phêrô, ” và làm tăng thêm “sự quảng đại trong việc giúp đỡ lẫn nhau. “
Đức Thánh Cha đã ban phép lành Tòa Thánh cho AsiaNews, bạn bè và các cộng tác viên. Ngài cũng “yêu cầu tất cả cầu nguyện cho ngài và cho những thành quả trong sứ vụ phục vụ dân thánh của Thiên Chúa.”
Toàn văn điện văn của Đức Thánh Cha:
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thân ái chào đón ban tổ chức và các tham dự viên Hội nghị chuyên đề, mang tên “10 năm Châu Á, 10 năm câu chuyện của chúng tôi “, được tổ chức tại Rome từ ngày 09 tháng 10, nhân dịp ra mắt phiên bản tiếng Tây Ban Nha của cơ quan AsiaNews thuộc Viện Giáo Hoàng Thừa Sai.
Đức Thánh Cha cũng mời gọi ban tổ chức và các tham dự viên hãy tăng cường các nỗ lực để nâng cao nhận thức truyền giáo và các hoạt động truyền bá Tin Mừng, để Tin Mừng cứu độ đến được những vùng bên lề của thế giới, đồng thời tăng cường sự hiệp thông chặt chẽ giữa các Giáo Hội địa phương, kết hiệp mật thiết với đấng kế vị Thánh Phêrô, và tăng cường sự giúp đỡ quảng đại lẫn nhau.
Với những tâm tình này, kêu cầu sự phù trì của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giáo Hoàng xin anh chị em cầu nguyện cho ngài và cho những thành quả của sứ vụ phục vụ dân thánh của Thiên Chúa, trong khi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em.
+ Đức Hồng Y Tarcisio Bertone
Theo Đức Hồng Y George Pell của tổng giáo phận Sydney, AsiaNews có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Giáo Hội tại Á Châu.
Đức Hồng Y giải thích như sau:
“Tôi nghĩ rằng Á Châu, đặc biệt là ở Trung Quốc có một khoảng trống. Tôi nghĩ đến các Hồng vệ binh với cuộc cách mạng văn hóa, đến Mao Trạch Đông với cuộc Đại Nhảy Vọt đã phá hủy rất nhiều các tín ngưỡng truyền thống. Và một con số đông đảo, có lẽ trong tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang tìm kiếm điều gì đó để có thể tin một cách mạnh mẽ.”
Tin tức của AsiaNews không chỉ tập trung vào Vatican, nhưng thường xuyên đề cập đến các Giáo Hội địa phương, từ Trung Đông đến Bắc Triều Tiên. Với sự gần gũi của mình với vùng đất rộng bao la này Đức Hồng Y George Pell được coi là một nhân chứng cho sự phát triển của Giáo Hội tại lục địa này.
Ngài nói:
“Châu Á là một thế giới mới to lớn với Giáo Hội Công Giáo. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc nói riêng là một cánh đồng truyền giáo rất lớn. Sức sống của Giáo Hội tại Hàn Quốc và tại Phi Luật Tân rất mạnh mẽ.”
7. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Palestine
Hôm 17 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas tại điện Tông Toà của Vatican.
Đây là một cuộc họp rất quan trọng vì có liên quan đến an ninh và hoà bình trong toàn vùng Trung Đông. Một số vấn đề nghiêm trọng đã được hai vị thảo luận như sự căng thẳng bạo lực giữa Israel và Palestine và những thách đố mà các Kitô hữu trong khu vực phải đối mặt. Tuy nhiên cũng có những dấu chỉ khích lệ. Tổng thống Palestine đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tặng một cây bút để ký giấy tờ. Bên cạnh đó, trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp thủ tướng Do Thái. Do đó, các quan sát viên bày tỏ hy vọng sẽ có những thay đổi ngoạn mục trong thời gian tới.
Tổng thống Mahmoud Abbas nói:
“Tôi rất vui khi được gặp Đức Thánh Cha lần đầu tiên. Tôi rất vinh dự khi được đến đây tại Vatican này. “
Đức Thánh Cha đáp:
“Tôi cảm thấy rất vinh dự. Hy vọng tổng thống cảm thấy như ở nhà.”
Cuộc họp của hai vị kéo dài khoảng 30 phút. Một số vấn đề nghiêm trọng đã được hai vị thảo luận như sự căng thẳng bạo lực giữa Israel và Palestine và những thách đố mà các Kitô hữu trong khu vực phải đối mặt.
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Israel, Palestine và cộng đồng quốc tế phải đưa ra những quyết định dũng cảm để thực sự đạt được hòa bình. Cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine đã được tái tục trở lại. Đức Thánh Cha đã ám chỉ đến hy vọng hòa bình khi ngài trao đổi quà tặng với ông Abbas.
Đức Thánh Cha nói:
“Đây là món quà dành cho tổng thống, đó là một cây bút. Tôi chắc rằng tổng thống sẽ có rất nhiều tài liệu để ký. “
Tổng thống nói:
“Tôi hy vọng sẽ sử dụng bút này để ký một hiệp ước hòa bình với Israel. Chúng ta hãy hy vọng. “
Đức Thánh Cha khích lệ:
“Vâng, chắc sẽ sớm thôi”
Tổng thống đã tặng Đức Thánh Cha một món quà bao gồm hình ảnh Nhà thờ Giáng Sinh Bethlehem với dòng chữ “Thành phố hòa bình” và cuốn Kinh Thánh đầu tiên được xuất bản ở Palestine.
8. Đức Giáo Hoàng nói với phái đoàn đại biểu Tin Lành Luther: Sẽ có những thách thức phía trước, nhưng đừng hoảng sợ
Năm 2017 sẽ đánh dấu 500 năm sự ra đời của Tin Lành Cải Cách. Hôm 21 tháng 10, ủy ban Quốc tế Tin Lành Luther – Công Giáo về Hiệp Nhất, đã gặp Đức Giáo Hoàng để tăng cường mối quan hệ của họ vào thời điểm gần đến lễ kỷ niệm biến cố quan trọng này.
Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Tin Lành Luther và Công Giáo đã phát triển đáng kể trong những thập kỷ gần đây.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi cảm thấy một cảm giác sâu sắc về lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu Kitô vì các bước tiến đã được thực hiện để cải thiện mối quan hệ giữa Tin Lành Luther và Công Giáo trong những thập kỷ gần đây. Không chỉ thông qua đối thoại thần học mà còn nơi sự hợp tác huynh đệ trong nhiều lĩnh vực mục vụ, và trên tất cả, là trong cam kết của chúng ta để thăng tiến phong trào đại kết thiêng liêng.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người Công Giáo và Tin Lành Luther phải xin sự tha thứ lẫn nhau về những thiệt hại mà họ đã gây ra cho anh chị em mình. Ngài nói thêm rằng chắc chắn sẽ có nhiều thách thức ở phía trước, nhưng không cần phải hoảng sợ.
Vào cuối cuộc họp, Tổng thư ký của Liên đoàn Tin Lành Luther Thế giới đã tặng Đức Giáo Hoàng một món quà tượng trưng, để đánh dấu sự kiện gần đây ở Lampedusa, nơi hàng trăm người nhập cư châu Phi bị chết đuối.
Mục Sư Jorge Murgen nói:
“Tôi xin tặng Đức Thánh Cha ấm trà đơn giản này từ một người tị nạn. Tên cô ấy là Fatima. Cô ấy là Kitô hữu từ Somalia. Cô chạy trốn khỏi một trại tị nạn ở Kenya, Dadaab. Nó hiện là trại tị nạn lớn nhất thế giới, với hơn 400.000 người tị nạn.”
Đức Thánh Cha đáp:
“Chúng ta đang bị tấn công bởi những người không chấp nhận chúng ta, bất kể chúng ta là Tin Lành, Công Giáo, Chính thống hay Coptic. Chúng ta không thể chia rẽ.”
Đức Giáo Hoàng đã rất xúc động khi nhận được món quà. Ngài nói thêm rằng nó mang lại cho một chiều hướng mới cho phong trào đại kết, mà ngài mô tả như một phong trào đại kết trong tình trạng nhiều Kitô hữu phải chịu tử đạo.
9. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 11
Trong tháng 11, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô như sau,
Ý chung: Cầu nguyện cho các linh mục đang gặp gian truân thử thách. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục đang gặp gian truân thử thách được thêm mạnh mẽ trong đớn đau, vững vàng trong nghi nan và son sắt trung tín cho đến cùng.
Ý truyền giáo: Cầu nguyện cho các Giáo Hội ở Châu Mỹ La Tinh.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh biết sai đi các nhà truyền giáo tới các Giáo Hội khác, như là hoa trái của cuộc truyền giáo toàn lục địa.
10. Đức Giáo Hoàng nói rằng khi niềm tin trở thành một ý thức hệ, nó có thể làm cho Kitô hữu trở nên hung hăng và kiêu ngạo
Trong Thánh Lễ buổi sáng 17 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về khuynh hướng của một số Kitô hữu muốn biến đức tin của họ thành một thứ ý thức hệ. Ngài giải thích rằng điều này làm cho người Kitô hữu trở nên hung hăng và kiêu ngạo, và đẩy họ xa cách anh chị em mình. Gốc rễ của hành vi này, theo Đức Giáo Hoàng là sự thiếu vắng đời sống cầu nguyện.
Ngài nói:
“Khi niềm tin trở thành một ý thức hệ, thì đó là một ý thức hệ đáng sợ. Một ý thức hệ xua đuổi con người. Nó tạo ra những khoảng cách giữa người và người, giữa Giáo Hội và dân chúng. Một ý thức hệ Kitô giáo là một căn bệnh nghiêm trọng.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng có một sự khác biệt giữa cầu nguyện và những kinh nguyện trên đầu môi chót lưỡi. Người có khuynh hướng biến niềm tin thành ý thức hệ, không cầu nguyện, họ chỉ đơn thuần lặp lại những lời kinh đã ghi nhớ trong trí.
11. Đức Giáo Hoàng nói nếu anh chị em muốn đứng lên chống lại đói nghèo thì phải thay đổi lối sống
Đức Giáo Hoàng tin rằng tình trạng đói kém trên thế giới là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại. Một lần nữa ngài đã lên án cái gọi là “một xã hội loại bỏ” trong đó thực phẩm bị ném đi không chút đắn đo. Trong một bức thư gửi cho Tổng giám đốc của tổ chức Lương Nông Thế Giới gọi tắt là FAO, nhân ‘Ngày Lương thực Thế giới ” Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một vài khuyến nghị.
Ngài lưu ý rằng một phần ba sản lượng lương thực toàn cầu đang bị lãng phí. Điều đáng báo động là xu hướng này đang ngày càng gia tăng.
Đức Thánh Cha đã đưa ra một đề nghị cụ thể liên quan đến việc thay đổi lối sống, trong đó mỗi người cố gắng hạn chế mức tiêu thụ và loại bỏ ý tưởng “lợi nhuận bằng mọi giá.”
Một giải pháp toàn diện, theo Đức Thánh Cha, phải bao gồm việc có một hệ thống giáo dục tập trung vào tình liên đới và nhân phẩm. Ngài nhấn mạnh rằng mô hình này trước hết phải được diễn ra hàng ngày trong gia đình, trong đó mọi người phải quan tâm đến nhau, với một sự tôn trọng đúng mức.
Mô hình này cần được áp dụng ở quy mô cao hơn, vì gia đình là hạt nhân của xã hội.
12. Đức Thánh Cha ca ngợi Ủy ban Giám Mục phụng vụ Anh Ngữ
Đức Thánh Cha Phanxicô và nhiệt liệt cám ơn Ủy ban Quốc Tế về Anh ngữ trong phụng vụ, gọi tắt là ICEL (International Commission on English in the Liturgy) đã góp phần vào đời sống cầu nguyện của các tín hữu và củng cố sự hiệp nhất của Giáo Hội.
Ủy ban ICEL được thành lập cách đây 50 năm và qui tụ đại diện của 11 Hội Đồng Giám Mục nói tiếng Anh gồm Úc, Canada, Anh Quốc, Ấn độ, Ailen, New Zealand, Pakistan, Philippines, Scotland, Nam Phi và Hoa Kỳ. Để đánh dấu biến cố này, Ủy ban đang nhóm họp tại Roma trong những ngày này và sáng 18 tháng 10, 25 Giám Mục thành viên và các chuyên gia của Ủy ban đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“ICEL là một dấu chỉ của tinh thần giám mục đoàn, được thể hiện trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng.”
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng, công việc của ủy ban đã giúp vô số người Công Giáo hiểu biết đức tin của họ, và đổi mới khả năng truyền giáo của Giáo Hội.
Ngài kết luận bài phát biểu của mình bằng cách kêu gọi ủy ban tiếp tục phát huy sự đa dạng của Giáo Hội.
13. Đại sứ Hoa Kỳ Ken Hackett trình quốc thư lên Đức Thánh Cha Phanxicô
Hôm Thứ Hai 21 tháng 10, Tân đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh là Ken Hackett đã trình quốc thư của ông lên Đức Thánh Cha. Ông Ken Hackett đã được Hoa Kỳ chỉ định làm đại sứ tại Vatican 3 tháng trước đây.
– “Chào Đức Thánh Cha. “
– “Tôi rất vui khi được gặp anh.”
– “Cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều. Thật là một vinh dự tuyệt vời cho con.”
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và đại sứ Ken Hackett đã diễn ra rất thân mật. Hai vị đã đề cập đến một số vấn đề kể cả vấn đề tế nhị là việc các Giám Mục Hoa Kỳ kiên quyết phải được quyền tham gia vào quá trình hoạch định chính sách đất nước, và thúc đẩy việc tôn trọng nhân phẩm tại Hoa Kỳ. Những điều này thường dẫn đến những tranh cãi và xung đột giữa các Giám Mục Hoa Kỳ với tổng thống Obama.
Hackett là một gương mặt quen thuộc đối với người Công Giáo Hoa Kỳ và là người hiểu biết rộng rãi về Vatican. Ông là Chủ tịch và Giám đốc điều hành cho Catholic Relief Services, chi nhánh tại Mỹ của một nhóm hoạt động bác ái chính tại Vatican.
Sau cuộc tiếp kiến riêng, ông Hackett đã giới thiệu với Đức Thánh Cha phu nhân ông là Joan, hai đứa con, và người mẹ vợ của mình. Ông cũng giới thiệu các nhân viên Đại sứ quán và các thành viên trong gia đình của họ.
Hoa Kỳ đã không có đại diện chính thức tại Vatican trong gần một năm. Một vài ngày trước khi ông Ken trình quốc thư, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một video giới thiệu ông và phu nhân.
Ông Ken Hackett nói:
“Hoa Kỳ và Vatican hợp tác mạnh mẽ trên một loạt các vấn đề quan trọng toàn cầu, chẳng hạn như việc chống lại nạn buôn người trên thế giới, ngăn ngừa và giảm nhẹ các xung đột, và bảo vệ nhân quyền. “
Đại sứ quán Mỹ cũng đã khai trương một trang web với tiểu sử của vị tân đại sứ, cũng như blog của riêng cá nhân ông Hackett, trong đó ông cho biết ý định sẽ viết về những hoạt động của ông trong tư cách một đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh.
Đại sứ Hackett thay thế nhà thần học người Mỹ gốc Cuba Miguel Diaz, người đã từ chức hồi tháng mười một năm ngoái để trở thành một giáo sư đại học. Hackett là Đại sứ thứ chín của Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đầy đủ vào năm 1984.
14. Đức Thánh Cha Phanxicô: Việc bo thiết với tiền bạc hủy hoại anh chị em và gia đình
Trong thánh lễ sáng thứ Hai ngày 21 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tập trung bài giảng của ngài tại Casa Santa Marta về cách thế sự tham lam phá hủy cá nhân cũng như gia đình. Đức Thánh Cha nói rằng tiền có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp, nhưng chỉ khi người ta không quá bo thiết với nó.
Đức Thánh Cha nói:
“Sự tham lam trong mối quan hệ của ta với tiền bạc gây hại cho ta. Rất nhiều, rất là nhiều… Nó dẫn anh chị em đến tệ sùng bái ngẫu tượng, nó phá hủy mối quan hệ của anh chị em với người khác. Không phải là tiền gây ra những chuyện nhưng thế, nhưng là thái độ của chúng ta, là những gì chúng ta gọi chung là tham lam.”
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng lựa chọn nghèo chỉ vì muốn được nghèo củng chẳng tốt gì hơn. Nghèo chỉ tốt nếu như nó giúp chúng ta biết tập trung thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, thay vì sụp lạy “ngẫu tượng bò vàng”.
15. Sự hiện diện của trẻ em trong các buổi triều yết với của Đức Giáo Hoàng
Trẻ em ngày càng có một sự hiện diện đáng kể trong các buổi triều yết chung với Đức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô. Các em đi với gia đình hoặc đôi khi với trường học của mình.
“Cháu thực sự thích nhìn thấy Đức Thánh Cha. Cháu vui khi thấy ngài rất vui vẻ và cháu nghĩ rằng ngài rất thân thiện với mọi người! “
“Cháu thích thấy Đức Giáo Hoàng rảo quanh trong chiếc xe popemobile để chào đón tất cả mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ. “
Nhóm này du khách cho biết, đi du lịch với trẻ em, không phải là một thách đố cam go. Khi nói đến việc dẫn các em đi cùng, họ tin rằng các em “càng đi đông càng vui.”
“Những đứa trẻ này giống như linh vật của chúng tôi. Khi nói đến tính hợp đoàn, điều quan trọng là có được mọi người ở mọi lứa tuổi. Khi đưa trẻ em đến đây chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này với các em để truyền thống đức tin có thể được duy trì. “
Đối với hầu hết trẻ em, thành phố vĩnh cửu là một như một vùng đất phiêu lưu kỳ thú. Nhưng làm thế nào để bạn giải thích cho chúng về những khái niệm phức tạp như nghệ thuật của Michelangelo? Hoặc thậm chí giữ cho chúng vui lên khi xếp hàng chờ đợi trong dòng người lũ lượt tại Vatican ?
“Những gì chúng tôi đang làm là, chúng tôi yêu cầu các em viết mỗi ngày về những câu chuyện phiên lưu kỳ thú và vì vậy các em phải chú ý đến cuối ngày vì các em sẽ phải viết ra tất cả những điều mà chúng nhìn thấy. Chúng bận rộn đếm xe, trong khi chúng tôi quan sát các kiến trúc!”
Nhiều cha mẹ và thầy cô giáo biết rất rõ là đi du lịch với trẻ em thực sự đặt ra một số thách đố. Thiếu ngủ và lịch trình bữa ăn có thể không luôn luôn được tôn trọng. Điều này một gia đình từ Ấn Độ cho biết đó chỉ là một cái gì đó bạn cần học để rút kinh nghiệm.
“Cháu đã lăn ra ngủ. Thành ra, mọi thứ trong lịch trình đảo lộn hết.”
“Và chúng tôi không biết sẽ phải đua nước rút như thế này. Chúng tôi thực sự đã không có chuẩn bị. “
16. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Lão hóa là một phần của cuộc sống, không ai tránh khỏi
Trong Thánh lễ buổi sáng 18 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về hành trình cuộc sống từ thời tuổi trẻ cho đến tuổi già. Ngài giải thích rằng kinh nghiệm của ông Môi-se, Thánh Phaolô và Thánh Gioan Tẩy Giả nhắc nhở các Kitô hữu nhớ rằng không ai có thể thoát khỏi sự cô đơn và đau khổ lúc gần kết thúc cuộc đời.
Đức Thánh Cha nói:
“Thánh Tông Đồ Phaolô bắt đầu với niềm vui và nhiệt tình. Một lòng nhiệt thành vì có Chúa. Nhưng dù thế, ngài không thể thoát khỏi sự suy thoái. Điều này làm tôi suy nghĩ về những ngày cuối cùng của Thánh Tông Đồ. .. Ba hình ảnh đến trong tâm trí tôi: Môi-se, Gioan Tẩy Giả và Thánh Phaolô. Ông Môi-se, người lãnh đạo dũng cảm của dân Chúa, người đã chiến đấu chống lại kẻ thù của mình và thậm chí chống lại cả các thần minh, để cứu dân mình. Ông rất mạnh mẽ ! Nhưng về cuối đời, khi phải cô đơn trên núi Nebo, nhìn về miền đất hứa, nhưng không thể vào được vì ông đi không nổi. Rồi tới Thánh Gioan Tẩy Giả: Vào cuối của cuộc đời mình, ngài đã không thể thoát khỏi những muộn phiền và đau khổ”.
Đức Giáo Hoàng nói cảnh này làm ngài nhớ đến các linh mục và nữ tu cao niên. Những nhà hưu dưỡng nhắc nhở ngài về những đền thờ thánh thiện. Đức Thánh Cha đã mời gọi các Kitô hữu hãy đi thăm các vị ấy.
Nguồn: Vietcatholic