Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 04/10 – 10/10/2013

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 04/10 – 10/10/2013

Đức Bergoglio và các nạn nhân chế độ độc tài Á Căn Đình

1. Đức Thánh Cha triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ngoại thường

Đứng trước những thách đố cam go của gia đình ngày nay, hôm 8 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường, sẽ tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014.

Chủ đề của khóa họp là: “Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng”.

Trong lịch sử Giáo Hội cận đại, cho đến nay đã có 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường: Lần thứ Nhất vào năm 1969 để thảo luận về các Hội Đồng Giám Mục và đoàn thể tính của hàng Giám Mục; và lần thứ Hai hồi năm 1985 về việc áp dụng Công đồng chung Vatican II, 20 năm sau khi bế mạc Công Đồng.

Ngoài ra đã có 13 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thường kỳ, thông thường mỗi 3 năm nhóm một lần. Lần thứ 13 đã diễn ra hồi tháng 10 năm 2012 về việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Chiều thứ Hai 7 tháng 10 và sáng thứ Ba 8 tháng 10, Đức Thánh Cha đã đích thân tham dự khóa họp của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới. Từ lâu ngài đã bày tỏ ý muốn cải tổ phương thức tiến hành các Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Đức Thánh Cha đã thuyên chuyển Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic người Croát làm Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, sau 9 năm làm Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, và ngài bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldissero, cho đến nay là Tổng thư ký Bộ Giám Mục, làm Tân Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô đã giúp các nạn nhân thoát khỏi chế độ độc tài Á Căn Đình như thế nào?

Sau khi Đức Hồng Y Bergoglio được bầu vào ngôi Giáo Hoàng rất nhiều tin đồn đã nổi lên tại Á Căn Đình. Vị tân Giáo Hoàng đã bị một số nhóm cáo buộc là đã có thái độ hợp tác với chế độ độc tài quân sự của Á Căn Đình trong hai thập niên 70 và 80.

Tuy nhiên, Nello Scavo, một nhà báo, tác giả của cuốn sách “Bergoglio’s List” vừa được công bố tại Á Căn Đình đã đưa ra ánh sáng một sự thật trái ngược hoàn toàn với những lời cáo buộc được một số người đưa ra sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng vào tháng Ba năm nay.

Tựa cuốn sách vừa được xuất bản “Bergoglio’s List” được đặt theo cuốn phim nổi tiếng của Hoa Kỳ là “Schindler’s List” ra đời vào năm 1993 trong đó kể lại câu chuyện có thật của Oskar Schindler sinh năm 1908 và qua đời tháng 10 năm 1974. Oskar Schindler là một thương gia người Đức, là gián điệp của Đức, và là đảng viên Quốc Xã Đức. Tuy nhiên, là một người Công Giáo, đức tin đã thôi thúc ông tìm cách cứu thoát hơn 1,200 người Do Thái tại Ba Lan. Ông được chính phủ Do Thái tôn vinh là “Người công chính giữa các dân nước” và thi hài ông được chôn cất tại nghĩa trang người Công Giáo trên núi Sion, tại Jerusalem theo nghi thức quốc táng của Do Thái. “Schindler’s List” là danh sách dài những người được Oskar Schindler cứu thoát. Như vậy, tựa sách “Bergoglio’s List”, có thể hiểu là “Danh sách những người đã được Đức Tổng Giám Mục Bergoglio cứu thoát”.

Nello Scavo cho biết:

“Tôi muốn nghiên cứu về chủ đề này bởi vì nó có vẻ thú vị. Ban đầu, tôi nghĩ: Lạy Chúa, các Hồng Y có lẽ có sai lầm gì chăng? Vào cái đêm đầu tiên sau một ngày nghiên cứu, tôi đã thấy những cáo buộc là không có cơ sở. Tôi đã nói với toà báo là tôi muốn tiếp tục câu chuyện này, với tất cả những rủi ro có thể có. Sau cùng, có thể là chúng ta sẽ tìm thấy những bằng chứng xác thực, và mạnh mẽ hơn chống lại Đức Bergoglio.”

Sau sáu tháng nghiên cứu của mình, Nello Scavo phát hiện ra rằng các cáo buộc chống lại Đức Giáo Hoàng đã quá xa sự thật: Trong thực tế, ông đã thu thập được những chứng cứ và gặp gỡ những người khẳng định với ông rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng bí mật cứu họ khỏi sự đàn áp của bọn quân phiệt Á Căn Đình.

Nello Scavo nói:

“Một trong những người đầu tiên được Đức Bergoglio cứu hiện đang sống ở Rôma. Ông có một người em sinh đôi. Họ trông rất giống nhau. Không biết làm thế nào để giúp anh ta, Đức Bergoglio đã cho anh ta mặc giả làm một linh mục và đưa cho anh ta căn cước cá nhân của mình. Nhờ đó, ông đã vượt qua biên giới trốn sang Brazil. Đây có lẽ là người đầu tiên Đức Bergoglio giúp theo phản xạ bản năng của ngài.”

Đức Thánh Cha Phanxicô là người duy nhất biết tất cả các chi tiết về những gì đã xảy ra trong những năm đó. Nhưng ngài lại là một trong những những người miễn cưỡng nhất không muốn giúp đỡ trong việc điều tra này. Ngài chưa bao giờ trả lời các cuộc tấn công từ các phương tiện truyền thông, sau khi được chọn làm Giáo Hoàng.

Nello Scavo cho biết:

“Trong hai năm 2006 và 2007, tức là 30 năm sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự, một số linh mục và giám mục đã phát hiện ra những gì Đức Tổng Giám Mục Bergoglio đã làm để cứu giúp những người bất đồng chính kiến. Họ đã đi hỏi ngài tại sao ngài đã không bao giờ lên tiếng về những chuyện đó. Ngài luôn thích giữ im lặng. Một trong những lý do tôi tin là do tâm lý và nền tảng dòng Tên của ngài, không thích gây thêm bất kỳ những tranh cãi ồn ào nào nữa về những chuyện đã là quá khứ và đã quá đau đớn. Đó không phải là phong cách của một giáo sĩ khi tự giới thiệu mình như một loại siêu nhân trước những nguy hiểm trong thời gian đó vì thực ra có những người còn phải chịu đựng nhiều hơn ngài. “

Cuộc điều tra của Scavo chưa kết thúc. Cho đến nay ông đã phát hiện ra rằng Đức Giáo Hoàng đã giúp hơn một trăm người thoát khỏi sự đàn áp, và rằng phương pháp cứu người của Đức Tổng Giám Mục Bergoglio được cải thiện theo thời gian. Những người được cứu bởi Đức Giáo Hoàng tiếp tục lên tiếng nói lên kinh nghiệm của họ trước lịch sử về những gì thực sự đã xảy ra vào khoảng thời gian đó.

3. Buổi triều yết chung thứ Tư 9 tháng 10

Trong buổi sáng Thứ Tư 9 tháng 10, dù trời kéo mây xám xịt như báo hiệu mưa có thể ập xuống bất cứ lúc nào, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn di chuyển chung quanh quảng trường Thánh Phêrô trên chiếc xe mui trần của ngài để chào đông đảo các tín hữu đến dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần.

Đức Thánh Cha giải thích rằng Giáo Hội là “Công Giáo” vì Giáo Hội là phổ quát, Giáo Hội bao trùm tất cả mọi người, bất kể những khác biệt về dân tộc, văn hóa, và địa dư. Ngài nói thêm rằng Giáo Hội đem lại cho tất cả mọi người những gì họ cần để phát triển trong sự thánh thiện. Ngài thúc giục tất cả mọi người hãy cầu nguyện với Thiên Chúa để làm cho họ Công Giáo hơn, và đón nhận tất cả mọi người trong lời ngợi khen Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là “Công Giáo” nói cách khác, Giáo Hội là phổ quát. Chúng ta có thể hiểu tính chất Công Giáo này trên ba khía cạnh. Đầu tiên, Giáo Hội là Công Giáo vì Giáo Hội công bố đức tin tông truyền trong tổng thể đức tin ấy, Giáo Hội là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô trong các bí tích và đón nhận những ân sủng thiêng liêng cần thiết để phát triển trong sự thánh thiện cùng với anh chị em chúng ta. Thứ hai, Giáo Hội cũng là Công Giáo vì sự hiệp thông của Giáo Hội bao trùm toàn thể nhân loại, và Giáo Hội được sai để mang đến cho thế giới niềm vui ơn cứu độ và sự thật của Tin Mừng. Cuối cùng, Giáo Hội là Công Giáo vì Giáo Hội hòa hợp cách tuyệt vời sự đa dạng của những ân sủng Chúa ban để xây dựng dân Ngài trong hiệp nhất và hài hòa. Chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta Công Giáo hơn – để chúng ta nên giống như một đại gia đình cùng nhau phát triển trong đức tin và tình yêu, và thu hút những người khác đến với Chúa Giêsu trong tình hiệp thông với Giáo Hội, và để chào đón những ân sủng và những đóng góp của tất cả mọi người, ngõ hầu có thể tạo ra một bản giao hưởng vui tươi chúc tụng Thiên Chúa vì sự thiện hảo, ân sủng, và tình yêu cứu độ của Ngài .

4. Tường thuật chuyến hành hương của Đức Thánh Cha tại Assisi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hôm thứ Sáu 4 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành 13 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ sáng cho đến 8 giờ tối, để viếng thăm Assisi cách Roma 200 cây số, quê hương vị Thánh mà ngài đã chọn làm tông hiệu và cũng là vị bổn mạng triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 19 đến viếng thăm Assisi nhưng ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên mang tên vị thánh nghèo này.

Lúc 7 giờ 45 sáng, máy bay trực thăng chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống sân vận động gần Viện Serafico là nơi chăm sóc những trẻ khuyết tật trong vùng. Tại đây, Đức Thánh Cha đã được Chủ tịch Thượng viện Italia, Ông Piero Grasso, Đức Giám Mục sở tại và ông thị trưởng Assisi cùng với nhiều quan chức đạo đời và đông đảo tín hữu tiếp đón. Tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm này có 8 Hồng Y thuộc Hội đồng cố vấn, giúp ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

5. Thăm các trẻ em khuyết tật

Serafico là một viện săn sóc các trẻ em khuyết tật do cha Ludovico da Casoria dòng Phanxicô thành lập ngày 17-9-1871 đúng vào ngày kỷ niệm thánh tổ phụ chịu 5 dấu thánh và hiện có 60 em.

Đức Thánh Cha đã vào nhà nguyện của Viện để cầu nguyện ít phút trước khi gặp gỡ các em khuyết tật, cũng như với những người săn sóc và một số bệnh nhân khác. Ngài thân ái chào thăm mọi người, hôn các em bé bệnh nhân trong bầu khí thật cảm động.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Ông thị trưởng và bà giám đốc Viện Serafico, Đức Thánh Cha bỏ qua bài diễn văn dọn sẵn, và ứng khẩu nói với mọi người:

“Trên bàn thờ chúng ta thờ lạy Mình Chúa Giêsu, nơi các em này, chúng ta thấy những vết thương của Chúa. Các em cần được những người nói mình là Kitô hữu lắng nghe và đón nhận”.

Đức Thánh Cha nhận xét tiếp rằng “rất tiếc là xã hội bị ô nhiễm vì thứ văn hóa gạt bỏ, trái ngược với văn hóa tiếp đón. Nạn nhân của thứ văn hóa gạt bỏ này chính là những người yếu thế, mong manh nhất. Trong bối cảnh đó, ngài kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị và chính quyền đặt những người bị thiệt thòi ở vị trí trung tâm của những quan tâm về chính trị và xã hội.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chúng ta cần phải nói rằng: Những vết thương này không thể bị lờ đi”.

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha còn dừng lại chào thăm từng em khuyết tật và các bác sĩ, y tá, thân nhân và những người săn sóc các em.

6. Gặp gỡ người nghèo

Liền đó, ngài đến viếng Đền thánh Damiano, trước khi đến tòa Giám Mục Assisi để gặp những người nghèo được Caritas trợ giúp. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại phòng gọi là “cởi bỏ”, nơi thánh Phanxicô đã cởi bỏ y phục trả lại cho thân phụ để có thể hoàn toàn sống theo lý tưởng thanh bần.

Đức Thánh Cha Phanxicô ứng khẩu kêu gọi các Kitô hữu hãy cởi bỏ những thứ trần tục, phù phiếm và nông cạn.

Ngài nói:

“Thật là xấu hổ khi một Kitô hữu, một Kitô hữu thực sự, một linh mục, một nữ tu, một giám mục, một Hồng Y, hay một Giáo Hoàng lại theo đuổi con đường trần tục, là một con đường giết người. Tinh thần thế gian chỉ dẫn đến chỗ chết! Nó giết chết linh hồn người ta! Nó giết chết con người! Nó giết chết Giáo Hội!”

Ngày nay Giáo Hội phải cởi bỏ một nguy hiểm rất trầm trọng đe dọa mỗi người trong Giáo Hội, đó là tinh thần thế gian. Kitô hữu không thể sống với tinh thần của thế gian. Tinh thần này đưa chúng ta đến chỗ háo danh, quyền lực, hà hiếp, kiêu ngạo. Đó là một thứ ngẫu tượng chứ không phải là Thiên Chúa, và tội thờ ngẫu tượng là tội nặng nhất! Tất cả chúng ta đều phải cởi bỏ tinh thần thế tục, vì nó trái ngược với tinh thần các Mối Phúc, và đối kháng với tinh thần của Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nói thêm:

Nhưng có người nói: Chúng ta không thể làm một Kitô giáo nhân bản hơn sao, trong đó không có thánh giá, không có Chúa Giêsu, không có sự cởi bỏ? Nhưng làm như thế, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu của tiệm bánh ngọt, như những chiếc bánh ngọt thật đẹp, nhưng không phải là Kitô hữu đích thực.”

Đức Thánh Cha đến thăm Assisi sau cuộc họp với Hội Đồng Hồng Y, nên giới truyền thông Ý tiên đoán là ngài sẽ đưa ra những thông cáo có tính cách mạng tại Assisi.

Đức Thánh Cha hóm hỉnh nói về những tin đồn này như sau:

“Họ nói: ngài sẽ đến và lột trần Giáo Hội tại đó! Sẽ loại bỏ phẩm phục các Hồng Y, và chính ngài … Đây là một cơ hội tốt để mời gọi Giáo Hội cởi bỏ chính mình. Nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta, từ người đầu tiên chịu phép rửa. Tất cả chúng ta đều phải đi theo con đường của Chúa Giêsu, Đấng đã đi trên con đường cởi bỏ, đã trở thành người tôi tớ, người phục vụ, đã muốn hạ mình cho đến tận cùng là thập giá “

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại tình trạng đau buồn của những người thất nghiệp, những người bị ruồng bỏ và nạn nhân của chế độ nô lệ. Ngài cũng đề cập đến tai nạn chết người vừa xảy ra tại Lampedusa, nơi hàng trăm người nhập cư bị chết.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay là một ngày than khóc”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha yêu cầu tất cả mọi người can đảm để lột sạch khỏi mình những cám dỗ của thế gian mà ngài gọi là “những thứ bệnh phong và ung thư của xã hội.”

7. Thánh lễ

Giã từ những người nghèo tại Tòa Tổng Giám Mục Assisi, Đức Thánh Cha đã đến Vương cung thánh đường thánh Phanxicô lúc 10 giờ 20. Tại đây ngài được cha Tổng quyền dòng Phanxicô Viện tu cùng với cha Bề trên thánh tu viện tiếp đón. Đức Thánh Cha đã chào thăm đông đảo các tu sĩ của dòng trong Thánh đường trên, trước khi đi xuống hầm đền thờ để quì cầu nguyện trước mộ của thánh Phanxicô.

Sau đó, ngài bắt đầu cử hành thánh lễ tại Quảng trường trước đền thờ, cùng với các Hồng Y tháp tùng, tất cả các Giám Mục miền Umbria, và hàng trăm linh mục triều và dòng. Trong số các giới chức chính quyền hiện diện, đặc biệt có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, là Ông Nicola Letta. Các tín hữu ngồi hết mọi chỗ trong quảng trường trước Đền thờ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương thánh Phanxicô mặc lấy Chúa Giêsu, gắn bó với Chúa, tìm an bình đích thực bắt nguồn từ Chúa, và tôn trọng thiên nhiên, nhất là con người. Ngài nói:

“Thánh Assisi là một nhân chứng vĩ đại thể hiện sự tôn trọng kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa và cách Ngài dựng nên chúng, mà không có những thí nghiệm và những huỷ diệt. Xin Thiên Chúa cho chúng ta có thể giúp thiên nhiên trở nên đẹp đẽ hơn. Để gần với phiên bản của những gì Thiên Chúa tạo ra. “

Vị Thánh thành Assisi chứng tỏ lòng tôn trọng đối với tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo dựng và con người được mời gọi giữ gìn và bảo vệ, nhưng nhất là ngài đã chứng tỏ lòng tôn trọng và yêu mến đối với mỗi người. Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới để nó trở thành nơi tăng trưởng trong hòa hợp và an bình.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Con người được mời gọi để chăm sóc nhau. Con người phải được đặt tại trung tâm của Sáng Tạo, đó là những gì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, đã mong ước. Chúng ta hãy tôn trọng tất cả mọi người. Chúng ta hãy chấm dứt tất cả các cuộc xung đột vũ trang đang làm nhiều vùng đất đẫm máu. Xin cho tất cả các loại vũ khí im tiếng. Xin cho oán ghét nhường chỗ cho tình yêu.”

Chúng ta hãy nghe tiếng kêu của những người đang khóc lóc, đau khổ và chết vì bạo lực, vì khủng bố hoặc chiến tranh, tại Thánh Địa, vốn được thánh Phanxicô rất yêu mến, tại Siria, toàn vùng Trung Đông và trên thế giới.

Cuối thánh lễ, có nghi thức tặng dầu cho đèn được đốt tại mộ thánh Phanxicô bổn mạng Italia. Đức Thánh Cha đã làm phép dầu này, và Ông thị trưởng thành Assisi đã mang đến đổ vào đèn và thắp lên.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã đến dùng bữa trưa với những người nghèo tại Trung tâm tiếp đón đầu tiên của Caritas, gần Nhà ga xe lửa Đức Mẹ các Thiên Thần.

Lúc 2 giờ 15 phút chiều, ngài tiếp tục cuộc thăm viếng tại Đan viện Carceri nơi sườn núi Subasio. Đan viện này được kiến thiết trên những hang đá nơi thánh Phanxicô đến cầu nguyện. Theo truyền thống thánh nhân đã nói chuyện với chim chóc tại đây.

8. Gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân dấn thân

Sau đó, Đức Thánh Cha đến nhà thờ chính tòa thánh Rufino của giáo phận Assisi, để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và các thành viên Hội đồng mục vụ của giáo phận.

Đông đảo anh chị em giáo dân đã chào đón ngài.

Tháng Tư năm ngoái, một cặp vợ chồng người Mỹ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một chiếc nón, Đức Giáo Hoàng ngay lập tức đã đổi cho họ chiếc mũ ngài đang đội.

Hình ảnh đó đi khắp thế giới, và kể từ đó, nhiều người đã làm như vậy. Thật không may cho một người thanh niên lần này, chiếc mũ quá rộng, nên Đức Giáo Hoàng đành phải trả lại.

Trong âm nhạc và các bài ca rộn rã, anh chị em giáo dân tại Assisi đã hân hoan chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền thờ Thánh Rufino nơi Thánh Phanxicô thành Assisi đã được rửa tội.

Đức Thánh Cha hỏi anh chị em giáo dân:

“Anh chị em có biết ngày Rửa Tội của mình không? Ít thế! Bây giờ anh chị em có một số bài tập về nhà làm đây.”

Bắt đầu một bài diễn văn rất sinh động, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tầm quan trọng của Bí Tích Rửa Tội, bởi vì bí tích ấy báo hiệu sự chào đời của mỗi cá nhân chúng ta trong lòng Giáo Hội Mẹ .

Sau đó, ngài nhấn mạnh đến ba khía cạnh chính trong cuộc sống tâm linh, đó là lắng nghe Lời Chúa, đồng hành với nhau như một, và mang đức tin đến những vùng ngoại ô .

Ngài nói:

“Đọc Kinh Thánh thôi chưa đủ. Chúng ta cần phải lắng nghe tiếng Chúa Giêsu, Ngài là Đấng nói với ta trong Kinh Thánh. Chúng ta cần phải là ăng-ten tiếp nhận đúng Lời Chúa, và cũng là ăng-ten để truyền đạt Lời Ngài.”

Điểm thứ hai, theo Đức Thánh Cha Phanxicô là đặc biệt quan trọng đối với các tu sĩ. Họ là một phần của một cộng đoàn, trong một cộng đoàn lớn hơn là Giáo Hội. Và để tiến lên, tất cả các thành viên phải tiến bước trong sự đoàn kết, với Chúa Kitô ở bên cạnh họ.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở tất cả các tu sĩ về nghĩa vụ truyền giáo của họ. Họ phải thực hành tấm gương của thánh Phanxicô là đến các vùng ngoại ô, ra khỏi các khu vực đầy đủ tiện nghi, để rao giảng Lời Chúa.

Ngài nhấn mạnh:

“Đừng để thành kiến, thói quen, hoặc tâm tính cứng nhắc ngăn chặn anh chị em. Hoặc nói theo kiểu mục vụ rằng ‘chúng tôi đã luôn luôn thực hiện theo cách này.’ Anh chị em chỉ có thể đi đến những vùng ngoại ô nếu anh chị em mang Lời Chúa trong trái tim mình và đồng hành với Giáo Hội, như Thánh Phanxicô. “

Đôi khi, Đức Giáo Hoàng bỏ qua một bên bài phát biểu đã được chuẩn bị của mình để ứng khẩu nói với đám đông. Ngài nói về khao khát của mình là các linh mục phải biết tên của toàn bộ anh chị em giáo dân trong cộng đoàn của họ.

Khi nói về sự cần thiết phải tha thứ và xin sự tha thứ để giữ tình đoàn kết với nhau, Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự thất vọng của mình khi thấy những đôi vợ chồng giận hờn, oán ghét, chiến đấu chống lại nhau và sau đó chia tay sau nhiều năm chung sống. Ngài đã chia sẻ một số lời khuyên cho vợ chồng mới cưới.

Đức Thánh Cha nói:

“Muốn tranh luận thì cứ tranh luận, chén dĩa bắt đầu bay, cứ để chúng bay. Nhưng không bao giờ chờ cho đến cuối ngày rồi mà vẫn chưa tái lập hòa bình. Đừng bao giờ! “

Gần cuối buổi lễ, cộng đoàn hát mừng bài sinh nhật truyền thống “Happy Birth Day to You” để chúc mừng Đức Giáo Hoàng, vì ngài mang tông hiệu Phanxicô.

9. Viếng thăm Vương cung thánh đường thánh nữ Clara

Sau cuộc gặp gỡ tại Nhà thờ chính tòa Assisi, lúc quá 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đến viếng thăm Vương cung thánh đường thánh nữ Clara, viếng mộ của thánh nữ và cầu nguyện tại Nhà nguyện trước Thánh giá thánh Damiano, chào thăm các nữ Đan sĩ tại đây.

Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha nói các nữ tu phải thể hiện niềm vui và một diện mạo nhân bản xuất phát từ việc nhận biết Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi chị em bước vào cuộc hành trình suy niệm về Chúa Giêsu Kitô, cầu nguyện và sám hối với Ngài, lòng nhân bản của chị em phát triển. Nữ tu dòng kín được mời gọi là con người với lòng nhân bản tuyệt vời, một tấm lòng nhân bản như Giáo Hội Mẹ chúng ta. Làm thế nào để một nữ tu thể hiện lòng nhân bản của mình? Thông qua niềm vui, và ngày càng hân hoan hơn nữa! Tôi thật buồn khi nhìn thấy các nữ tu với khuôn mặt buồn rười rượi. Họ có thể mỉm cười, nhưng đó là một nụ cười giả tạo như những nụ cười của một tiếp viên hàng không. Không! Chị em hãy cho thấy nụ cười hân hoan đến từ niềm vui nội tâm nhé? “

Đức Giáo Hoàng đã ngồi trong cùng một căn phòng nơi lưu giữ Thánh Giá Damiano là cây thánh giá lớn mà khoảng 800 năm trước đây, khi Thánh Phanxicô đang cầu nguyện trước Thánh Giá này thì ngài nghe thấy một giọng nói: ” Phanxicô, hãy tái thiết nhà thờ của Ta. “

Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi các nữ tu chăm sóc cho đời sống cộng đoàn, bất chấp những thách đố ngày nay.

Ngài nói:

“Hãy tha thứ, hãy cho thấy sự kiên nhẫn. Thật không phải dễ dàng sống trong một cộng đoàn. Ma quỷ lợi dụng sự khác biệt của chị em. Chị em có thể sẽ nói: “Tôi không muốn thô lỗ, nhưng … ‘ Không được! Bởi vì nó chẳng đi đến đâu. Nó chỉ dẫn đến sự chia rẽ. Hãy nâng niu tình bạn và tình yêu mến nhau giữa các chị em. Một tu viện không phải là một luyện ngục, nó phải là một gia đình.”

Vào cuối cuộc họp Đức Giáo Hoàng đích thân chào đón từng nữ tu. Đầu tiên, với những chị bệnh hoạn đau yếu, sau đó ngài chăm chú lắng nghe những chia sẻ của mỗi chị trong tu viện.

10. Gặp gỡ 12 ngàn người trẻ miền Umbria

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha được tiếp tục tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ các thiên thần của dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô, cách đó 4 cây số, rồi gặp gỡ 12 ngàn người trẻ miền Umbria vào lúc gần 6 giờ chiều tại quảng trường trước Đền thánh và ngài đã trả lời các câu hỏi do 4 bạn trẻ nêu lên.

Xe Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải dừng lại nhiều lần để ngài có thể ôm những trẻ em khuyết tập và nói chuyện với những người trẻ tuổi . Nhiều người trong số họ đã không bỏ lỡ cơ hội để đưa cho Đức Thánh Cha một bức thư.

Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi của họ xoay quanh một số chủ đề. Đầu tiên , từ một cặp vợ chồng trẻ, hỏi về ơn gọi hôn nhân . Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời rằng sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ là một ơn gọi, như ơn gọi linh mục .

Nó dựa trên tình yêu, tình yêu dành cho nhau, và tình yêu đối với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha than thở rằng xã hội ngày nay chú trọng thái quá đến quyền cá nhân, hơn là gia đình. Ngài nhớ lại một kinh nghiệm đã từng có với một cặp vợ chồng sắp cưới .

Đức Thánh Cha kể:

– Anh chị có biết rằng hôn nhân là chuyện chung thân một đời không?

– Vâng, chúng con yêu nhau, nhưng chúng con sẽ ở bên nhau bao lâu tình yêu kéo dài. Khi nó kết thúc, chúng con đưòng ai nấy đi

– Đó là sự ích kỷ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng hôn nhân có những rủi ro nhưng ngài kêu gọi giới trẻ đừng sợ trước một bước ngoặc quan trọng trong đời như thế nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng sẽ ở bên cạnh họ .

Câu hỏi khác liên quan đến việc làm sao nhận ra ơn gọi của mình. Đức Thánh Cha đã trả lời rằng mỗi người có kinh nghiệm riêng lôi kéo họ đến với Thiên Chúa, nhưng nó không thể hoạch định được. Tuy nhiên, cũng giống như hôn nhân, đó là một cam kết suốt đời .

Đức Thánh Cha nói:

“Một lần tôi nghe một chủng sinh tốt nói rằng con muốn trở thành một linh mục trong vòng mười năm. Sau đó, con sẽ suy nghĩ về ơn gọi của mình một lần nữa. Đó là thứ văn hóa tạm bợ. Chúa Giêsu đã không cứu độ chúng ta tạm thời, Ngài cứu chúng ta dứt khoát và chung cuộc.”

Câu hỏi khác đặt ra là những gì các bạn trẻ có thể làm để truyền giáo. Đức Thánh Cha yêu cầu họ nói về đức tin của họ trong gia đình, với bạn bè, hoặc với những người họ gặp gỡ. Nhưng quan trọng nhất, là những lời của Thánh Phanxicô mà ngài đưa ra để nhắc nhở họ:

“Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng. Và nếu cần thiết hãy nói thành lời. Bạn cũng có thể rao giảng Tin Mừng mà không cần lời nói? Đúng thế! Hãy nêu gương. Đầu tiên bằng gương sáng, sau đó bằng lời nói.”

Sau khi trả lời câu hỏi của họ, Đức Thánh Cha đã chào đón nhiều bạn trẻ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha viếng Đền thánh Rivotorto trước khi đáp trực thăng trở về Vatican, vào lúc 8 giờ tối. Rivotorto là nơi có những căn nhà nhỏ thánh Phanxicô và các bạn đồng hành đầu tiên của ngài đã từng cư ngụ.

11. Đừng bỏ qua tiếng nói của Thiên Chúa nhưng hãy để Ngài ‘viết’ lên cuộc sống của anh chị em

Trong thánh lễ sáng thứ Hai mùng 7 tháng 10 tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ với một nhóm các nhà báo. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về câu chuyện ông Giô-na, người được Thiên Chúa ủy thác thực hiện một nhiệm vụ. Nhưng cảm thấy sợ hãi, ông đã bỏ trốn. Đức Thánh Cha yêu cầu các Kitô hữu phải sẵn sàng lắng nghe những gì Thiên Chúa đang nói với họ.

Ngài nói:

“Tôi tự hỏi bản thân mình, và tôi muốn hỏi tất cả anh chị em: Chúng ta có để cho Thiên Chúa viết lên cuộc sống của chúng ta không? Hay chúng ta muốn tự viết lấy? Điều này liên hệ đến tâm tình hiếu thảo với Thiên Chúa. Chúng ta có ngoan ngoãn lắng nghe Lời Ngài? Nhiều người nói rằng, ‘Chắc chắn rồi!’. “Nhưng anh chị em có sẵn sàng để lắng nghe và cảm nhận ra tiếng nói của Ngài không? Anh chị em có sẵn sàng để tìm kiếm Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày không, hay chỉ có những ý tưởng của riêng của anh chị em mới có quyền quy định tất cả mọi thứ, không để cho Chúa nói gì với anh chị em? “

Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng ngay cả những người cầu nguyện thường xuyên vẫn có nguy cơ bịt tai lại với Thiên Chúa. Ngài nói rằng thể hiện cụ thể trong việc lắng nghe Lời Chúa là việc giúp đỡ những người nghèo.

12. Vị vua Châu Phi đầu tiên triều yết Đức Thánh Cha

Sáng thứ Hai mùng 7 tháng 10, Vua Lesotho, Letsie Đệ Tam là vị vua châu Phi đầu tiên đến thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Vua đã được chào đón tại Điện Tông Tòa, cùng với Hoàng Hậu Masenate Mohato Seeiso.

Trong cuộc gặp gỡ hai vị đã nói về tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Hai vị cũng thảo luận về các vấn đề như giáo dục và y tế.

Nhà vua đã tặng Đức Giáo Hoàng ba tấm thảm với hoa văn rất đẹp từ mảnh đất Lesotho của mình.

– “Chúng được dệt tại Lesotho. Con hy vọng Đức Thánh Cha có thể tìm thấy một nơi thích hợp trong Vatican để treo. “

– “Vâng, chúng sẽ có một vị trí xứng hợp ở đây.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng nhiều cỗ tràng hạt cho hoàng gia Lesotho và một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài. Như thường lệ, ngài xin nhà vua và hoàng hậu cầu nguyện cho ngài.

13. Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Thứ Hai mùng 7 tháng 10 đã là một ngày bận rộn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bên cạnh buổi tiếp kiến nhà vua và hoàng hậu Lesotho, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ do Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hướng dẫn.

Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật và vui tươi vì Đức Thánh Cha thường xuyên pha trò với các giám mục. Đức Thánh Cha đặc biệt nói đùa về kiến thức tiếng Anh của ngài.

Bên cạnh Đức Hồng Y Timothy Dolan còn có Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, Tổng Giám Mục Peter Sartain của Seattle, và Đức Cha Michael Bransfield của giáo phận Wheeling-Charleston.

14. Đức Thánh Cha buồn bã trước tin tàu chở người di dân bị đắm ở bờ biển Ý. Ngài nói: ‘Thật đáng xấu hổ’

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự thất vọng của ngài khi biết tin lại có một con tàu bị đắm gần đảo Lampedusa của Ý khiến gần hơn 200 người di dân bị thiệt mạng. Tháng Bảy vừa qua, ngài đã tới thăm hòn đảo này để cầu nguyện cho vô số người đã mất tích trên biển.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi hết sức đau đớn khi nghĩ về nhiều nạn nhân trong vụ đắm tàu bi thảm ở Lampedusa hôm nay. Xấu hổ là từ ngữ xuất hiện đầu tiên trong đầu tôi: Thật là đáng xấu hổ!”

Gần 500 người di dân trên con tàu bị lật úp, ít nhất 200 người chết. Thêm vào đó, 13 người khác bị sát hại hôm thứ Hai khi họ cố gắng tiếp cận hòn đảo.

Đức Thánh Cha đưa ra những nhận xét này khi kết thúc buổi lễ đánh dấu 50 năm của Thông điệp Hoà bình Tại Thế. Ngài đã yêu cầu những người hiện diện cầu nguyện cho gia đình của các nạn nhân và những người tị nạn trên toàn thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Thiên Chúa cho những người bị thiệt mạng: những người lớn và trẻ em. Cho các gia đình và tất cả những người tị nạn. Chúng ta hãy tham gia vào những nỗ lực ngăn chặn để những thảm kịch tương tự không lặp lại. Chỉ có sự hợp tác có tính quyết định từ tất cả mọi người mới giúp ngăn chặn được chúng”.

Đề cập đến chủ đề của Thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu phải dấn thân hơn nữa cho công lý và sự liên đới. Ngài nói thêm rằng nhìn vào thế giới hôm nay, ngài tự hỏi liệu con người đã học được những bài học gì từ Thông điệp này.

Đức Gioan 23 đã viết Thông điệp Hòa Bình Tại Thế (Pacem in Terris) cách đây 50 năm vào thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh.

15. Kế hoạch cải cách của Đức Giáo Hoàng lớn hơn so với dự kiến

Hôm 3 tháng 10, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh đã cho biết Đức Thánh Phanxicô không có kế hoạch cải cách Tông Hiến của Tòa Thánh. Thay vào đó, ngài đang lên kế hoạch soạn thảo một tài liệu hoàn toàn mới, nhằm giải quyết việc quản trị của Giáo Hội.

Cha Federico Lombardi cho biết: “Ý tưởng không giới hạn ở chỗ cập nhật Tông Hiến ‘Pastor Bonus’ hiện hành với vài thay đổi nhỏ đây đó. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng dự định sẽ soạn thảo một hiến pháp mới bao gồm những đổi mới thích hợp. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mong đợi một tông hiến mới”.

Giáo triều Rôma không còn là một cơ chế quyền bính, nhưng phải là một trung tâm ‘phục vụ’ cho Giáo Hội hoàn vũ. Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ không còn là một cơ cấu quyền lực tập trung nhưng cũng chỉ là bộ phận trong giáo triều.

Hội đồng Hồng Y nên là một ‘trung gian’ được chỉ định để điều phối mối quan hệ giữa Đức Thánh Cha và các cơ quan của Giáo Hội. Hội đồng tám Hồng Y cũng đang phân tích làm thế nào để vai trò và công việc của giáo dân có thể được công nhận trực tiếp hơn trong Giáo Hội.

Cha Federico Lombardi nói thêm: “Các cơ quan sẽ có sự chú ý đặc biệt để có thể đáp ứng đầy đủ cho giáo dân và sự phục vụ mà họ mang đến cho Giáo Hội. Hiện nay, chúng ta đã có Hội đồng Giáo hoàng về Giáo Dân, nhưng mối quan hệ của Hội đồng và sự hiện diện của anh chị em giáo dân có thể được tăng cường để anh chị em tham gia nhiều hơn vào Giáo triều Rôma”.

Cuộc họp ba ngày giữa Đức Thánh Cha và Hội đồng cố vấn mới của ngài đã kết thúc hôm thứ Năm. Vào ngày thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng và các vị Hồng Y đã tông du đến thành Assisi của Ý, để cùng nhau cầu nguyện trước mộ của Thánh Phanxicô.

Hội đồng sẽ gặp Đức Thánh Cha vào tháng Mười Hai tới, và sau đó là tháng Hai năm 2014.

16. Đức Giáo Hoàng nói rằng những ví dụ mạnh mẽ nhất của đức tin vẫn xung quanh chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu buổi đọc Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 6 tháng 10 bằng cách đề cập đến chuyến thăm gần đây của ngài đến Assisi. Ngài mô tả chuyến viếng thăm này như một hồng ân và cám ơn sự nồng nhiệt tiếp đón của thành phố này.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi nghĩ đến chuyến tông du lần đầu tiên tại Assisi, tôi cho đó là một hồng ân tuyệt vời khi có thể thực hiện cuộc hành hương này trong ngày lễ kính Thánh Phanxicô.”

Trình bày những suy tư trên Tin Mừng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha giải thích rằng khi ta có đức tin, ngay cả khi nó chỉ nhỏ như một hạt cải, ta cũng có thể dời núi chuyển non. Ngài yêu cầu các Kitô hữu cầu nguyện để đức tin của họ có thể tăng triển. Sau đó, Đức Thánh Cha nói thêm rằng thường khi, những ví dụ mạnh mẽ nhất của đức tin vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày .

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

“Tôi nghĩ đến những người mẹ và người cha đang phải đối mặt với tình huống khó khăn hoặc ngay cả những người bệnh, một số bệnh nặng rất nặng, là những người đem lại sự thanh thản cho những người gặp gỡ họ. Những người này, chính vì đức tin của mình, đã không khoa trương hành động của họ.”

Đức Giáo Hoàng cũng cầu nguyện cho hàng trăm người nhập cư qua đời tuần trước gần đảo Lampedusa của Ý. Khoảng 200 người thiệt mạng khi thuyền của họ bị lật úp. Hàng trăm người vẫn đang mất tích.

Đức Thánh Cha buồn bã nói:

“Tôi cũng muốn nhắc nhớ, với tất cả anh chị em đang hiện diện ở đây, những người đã thiệt mạng hôm thứ Năm. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện trong im lặng cho anh chị em của chúng ta.”

Vì Tháng Mười được xem là tháng truyền giáo nên Đức Thánh Cha đã đặc biệt cám ơn các nhà truyền giáo về công việc của họ và trên hết vì gương sáng đức tin rạng ngời của họ.

17. Đức Thánh Cha nói Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, không phải là một ‘sự kiện xã hội’

Sáng thứ Năm 03/10/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta, cùng với Hội đồng Cố vấn mới của ngài gồm tám vị Hồng Y. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nói về sự nguy hiểm của việc nhớ đến Lịch sử ơn Cứu độ như là điều gì đó xa xôi trong quá khứ.

Ngài giải thích rằng khi ký ức này sống động, Thánh Lễ trở thành một cử hành chứ không phải là một sự kiện xã hội đơn thuần.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi ký ức trở nên xa xôi, khi chúng ta không có sự gần gũi với ký ức, nó đi vào một quá trình biến đổi để đơn thuần chỉ còn là một sự hồi tưởng”.

Sau đó Đức Thánh Cha nói rằng Hy Lễ của Chúa Giêsu trên Thập Giá, không thể là điều gì đó khiến người ta quen thuộc đến mức không chú ý đến nữa, vì đó là cuộc gặp gỡ mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh và niềm vui.

Nguồn Vietcatholic

 h1

 

 

 

Xem thêm

TGNTVatican19102021

Toà Thánh công nhận phép lạ chữa lành ngoạn mục, Y Khoa không thể giải thích của ĐGH Albino Luciani

Lễ tuyên Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất Việc tuyên chân …