Home / Chia Sẻ / THẾ CHỖ CHÚA GIÊSU TRÊN THẬP GIÁ

THẾ CHỖ CHÚA GIÊSU TRÊN THẬP GIÁ

Cỏ lùngTruyện kể rằng có thầy ẩn tu nọ tên là Cébastien thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi.  Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng thánh giá với tước hiệu là “Tượng Chúa ban ơn.”

Thấy dân chúng có lòng tin thường tới cầu xin ơn lành, thầy Cébastien cũng thêm lòng tin cậy.  Một hôm, nhân lúc vắng người, thầy đến quỳ gối trước tượng thánh giá và đơn thành khẩn nguyện:

  • Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thập giá.

Rồi thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên thánh giá mong được đáp lời.  Một lúc sau thầy nghe như từ trên thánh giá có tiếng phán bảo:

  • Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên thập giá, nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết.

Thầy Cébastien đã hứa, và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên thập giá.  Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến quỳ trước tượng thánh giá cầu nguyện.  Nhưng không ai hay biết về việc thế chỗ đổi ngôi giữa Chúa Giêsu và thầy Cébastien.

Một hôm có người đến quỳ cầu nguyện.  Xong, ông đứng dậy ra về bỏ quên lại dưới ghế cái túi đầy những đồng tiền vàng.  Thấy vậy, thầy vẫn yên lặng.  Một lúc sau có người nghèo đói vào nhà nguyện.  Ông ta vui mừng trố mắt nhìn túi tiền tưởng là của Chúa ban cho, rồi xách túi tiền ra đi.  Kế đó có chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì phải xuống tàu đi xa.  Chàng thanh niên vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền.  Không thấy đâu, ông nghĩ là chàng thanh niên đã lấy trộm, nên điệu chàng đến trình cảnh sát.  Không cầm lòng được nữa, từ trên thập giá, thầy Cébastien hô lớn tiếng:

  • Đứng lại!

Mọi người ngạc nhiên dừng lại, và thầy phân trần sự việc.  Sau đó người phú hộ ra đi tìm người nghèo đói để lấy lại túi tiền, và chàng thanh niên cũng vội vã ra đi cho kịp chuyến tàu.  Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng phán bảo thầy Cébastien:

  • Con hãy xuống ngay khỏi thập giá! Con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ im lặng như lời con hứa.

Thầy Cébastien vội vã phân trần:

  • Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?

Thưa anh chị em, nhiều khi chúng ta cũng nóng vội không chịu đựng nổi trước hiện tượng người tốt kẻ xấu chung sống lẫn lộn, cỏ dại và lúa tốt mọc chen nhau trong cánh đồng thế giới.  Chúng ta đặt câu hỏi: “Chúa có muốn chúng con nhổ cỏ vứt đi không?  Chúa có muốn chúng con tiêu diệt hay trục xuất những người gian ác, tội lỗi ra khỏi cộng đoàn không?”  Chúa trả lời: “Cứ để đấy, đợi đến mùa gặt sẽ hay.”  Dụ ngôn cỏ dại trong ruộng lúa đã đánh trúng vào điểm thắc mắc của người Do Thái và các môn đệ Chúa Giêsu: Làm sao trong Nước Trời, Nước của Thiên Chúa lại có thể lẫn lộn lúa tốt với cỏ dại được?  Làm sao chính Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời đang đến rồi mà chẳng thấy hiện tượng tiên báo là những người gian ác, tội lỗi phải bị tiêu diệt.  Ngôn sứ Isaia cũng mơ ước và loan báo một “Dân Chúa chỉ gồm những người công chính” (Is 60,31).  Và ngay cả Gioan Tẩy Giả, những ngày chuẩn bị cho Chúa Giêsu xuất hiện cũng rao giảng: “Ngài đang cầm sẵn chiếc nia trong tay, để rê sạch lúa trong sân: lúa tốt Ngài thu vào kho lẫm, còn lúa lép, trấu rác, Ngài sẽ đốt bằng lửa không bao giờ tắt” (Mt 3,12).

Vậy mà Ngài, Đấng Thiên Sai Cứu Thế lại làm trật lất hết trọi; chả có tiêu diệt người tội lỗi, lại còn lo cứu gỡ họ.  Cứu gỡ cả những thứ phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận, cả thứ mà người ta cho là trời phạt nhãn tiền, đến độ mang án tật nguyền từ lòng mẹ: đui mù, què quặt, cùi hủi, mọi người đều ghê tởm xa tránh…  Thay vì đáng lẽ chỉ cho phép một ít người có chức vị cao cấp nhất mới được hầu tiệc với mình, thì Ngài lại đi lân la nhậu nhẹt với những người tội lỗi và bất lương.  Đối với kẻ thù, đáng lẽ ra phải không đội trời chung và tiêu diệt tận gốc rễ mới phải, mới khôn và mới đúng đạo, đàng này Ngài lại còn đòi phải cầu nguyện cho nó, thậm chí phải yêu thương nó.

Hôm nay, với dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, Chúa Giêsu đã giải đáp những thắc mắc sâu sắc đó và đã mặc khải tâm tình của Thiên Chúa: ngoại trừ Đấng thấu suốt tâm can con người, không ai được quyền tự phong chức vụ quan tòa để xét xử hay xếp hạng anh em ai là lúa tốt, ai là cỏ lùng.  Bao lâu còn đang sống, còn đang lựa chọn và hành động, con người vẫn chưa đạt tới mức độ cố định đã hết hẳn tật xấu hay dứt khoát trở thành gian ác.  Nóng vội kết án anh em là hành động trái ngược với tấm lòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa: đòi nhổ cỏ lùng giữa mùa lúa đâm bông là đòi dạy không Thiên Chúa và phá hoại cả đồng lúa và mùa gặt của Ngài.

Tiếp theo là hai dụ ngôn hạt cải và men trong bột, hai dụ ngôn song sinh cùng mang một ý nghĩa: Hạt cải trong dụ ngôn này là thứ cải cay, dùng làm gia vị (moutarde): Tương hạt cải vừa thơm vừa nồng, là một gia vị quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới.  Trong thực tế, cây cải này chỉ phát triển thật giới hạn, nhưng Chúa Giêsu lại diễn giải như một thứ cây có khả năng phát triển kỳ diệu đến độ trở thành cây lớn cho chim trời về xây tổ, để nói về chiều kích tương lai kỳ diệu của Nước Trời.

Dụ ngôn men trong bột cũng bao hàm một ý nghĩa tương tự.  Một chút men, không đáng kể so với số lượng bột trộn chung, đủ cho cả trăm người ăn no.  Số lượng men thật khiêm tốn, tác dụng thật thầm lặng, nhưng hiệu quả lại vô cùng kỳ diệu, mãnh liệt.

Cả hai dụ ngôn vẫn là một đường lối, một chủ trương: nhỏ bé ở bước thầm lặng, nhưng tiềm ẩn một mầm sống mãnh liệt, vượt xa mọi ước lượng và chiến thắng mọi sức cản thù địch.  Yếu tố quan trọng vẫn là thời gian và tình thương của Thiên Chúa.  Thiên Chúa kiên trì chờ đợi đến mùa gặt lúa mới nhổ cỏ lùng.  Đó là vì tình thương của Thiên Chúa kiên trì chờ đợi con người tội lỗi trở về.  Thời gian Ngài kiên trì chờ đợi là để tích cực tạo điều kiện tối ưu cho cây lúa nuôi hạt, cho hạt cải thành cây, cho mầm sống nhân lên gấp bội, và cho men biến bột thành men, cho bột dậy lên làm nên bánh nuôi con người.

Nói chung, cả ba dụ ngôn hôm nay là một lời mời gọi chúng ta phải biết nhìn về tương lai, biết tin vào tương lai; kiên nhẫn chờ đợi gắn liền với tin tưởng vào tương lai.  Căn bệnh rồi sẽ khỏi, chiến tranh có thể chấm dứt.  Bất công và kỳ thị sẽ không thể kéo dài vĩnh viễn.  Bất công sẽ có thể nhổ đi được, kẻ phạm tội có thể hối cải, người thất vọng sẽ tìm lại được hy vọng.

Nhưng, thưa anh chị em,

Tin vào tương lai cũng là hoạt động cho niềm tin trở thành hiện thực.  Nhẫn nại kiên trì không có nghĩa là khoanh tay ngồi im chờ đợi trong thái độ thụ động.  Người Kitô hữu tin ở sự thắng thế của cái tốt, tin ở một tương lai tốt đẹp, tin ở công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, cũng phải là người hoạt động một cách tích cực trong công cuộc xây dựng một xã hội trong đó cái xấu mất dần khả năng gieo rắc nọc độc của nó.  Nước Trời đang trổ bông hạt nơi những nỗ lực của nhân loại không ngừng giành lấy từng tấc đất chống lại cỏ lùng.  Và bổn phận của chúng ta là liên đới với mọi người anh em để cùng nhau chen vai thích cánh nỗ lực làm tăng trưởng cây lúa, hạt cải và tấm men của Nước Trời.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …