Home / Chia Sẻ / THẬP GIÁ và TỰ DO ĐÍCH THỰC

THẬP GIÁ và TỰ DO ĐÍCH THỰC

THẬP GIÁ và TỰ DO ĐÍCH THỰCTôi đọc cuốn “The Unbroken Thread: Discovering the Wisdom of Tradition in an Age of  Chaos” (Sợi Dây Không Đứt: Khám Phá Sự Khôn Ngoan Của Truyền Thống Trong Thời Đại Hỗn Độn) của tác giả Sohrab Ahmari. Trọng tâm của cuốn sách là xem xét các câu hỏi được đặt ra bởi chủ nghĩa hiện đại tiến bộ thông qua những hiểu biết của các nhà tư tưởng vĩ đại từ nhiều truyền thống qua các thời đại.

Cuốn sách này rất đáng đọc, nhưng điều tôi thấy nổi bật nhất là cuộc gặp gỡ đầy kịch tính của Ahmari với sự tự do trên Thập Giá qua gương sáng của Thánh Maximilian Kolbe. Một cuộc gặp gỡ kịch tính đến nỗi vợ chồng anh đặt tên cho con trai đầu lòng là Maximilian.

Ahmari từ Iran nhập cư Hoa Kỳ với nền văn hóa tự do cấp tiến. Anh hoàn toàn chấp nhận sự tự do mới tìm thấy này và hòa nhập vào nền văn hóa thế tục, bỏ lại truyền thống mà ông đã sống 13 năm trước đó. Cuối cùng, cuộc sống tự do và làm bất cứ điều gì anh muốn cuối cùng đã mất đi vẻ hào nhoáng, và anh thấy mình đang đặt câu hỏi về những triết lý nền tảng của Tây phương. Anh kết hôn với một phụ nữ nhập cư từ Trung Quốc, rồi cả hai đều gia nhập Công giáo. Trong quá trình chuyển đổi sang Kitô giáo, Ahmari phát hiện Thánh Maximilian Kolbe.

Tôi đã 31 tuổi, trên đỉnh cao của việc trở thành một người cha và một Kitô hữu, lần đầu tiên tôi biết câu chuyện về Thánh Maximilian Kolbe và khiến tôi hoàn toàn thích thú. Đó không phải là câu chuyện người ta có thể đọc rồi bỏ qua một bên.

Trong văn hóa tự do nền tảng chỉ dựa trên việc có thể làm bất cứ điều gì mình muốn – điều đó chủ yếu có nghĩa là tìm kiếm niềm vui, sự thoải mái, giàu có, quyền lực và an toàn. Cuộc đời Thánh Maximilian Kolbe rất ít ý nghĩa đó. Là người Công giáo, chúng ta có thể coi thường và quên đi tính cơ bản của các thánh. Tất cả các thánh đều mâu thuẫn với thế giới quan phổ biến trong thời đại của họ. Đối với chúng ta ngày nay, việc hy sinh bản thân cho người khác vì quên mình mà yêu thương là trái ngược với những gì văn hóa kêu gọi chúng ta làm.

Hãy cân nhắc câu thần chú “tình yêu là tình yêu.” Không có gì hy sinh trong sự kêu gọi đặc biệt này. Về cơ bản, dạng “tình yêu” này làm giảm con người xuống các ham muốn, khoái lạc và ước muốn buộc người khác phải tuân theo sự hiểu biết của họ, thậm chí cả niềm tin đạo đức lâu đời, đối với sự hiểu biết của cá nhân. Theo bản chất, tình yêu là hy sinh. Đó là mong muốn những gì tốt đẹp, chân thực và đẹp đẽ cho người khác. Theo Thánh Tôma Aquinô, đó là “muốn điều tốt cho người khác vì người khác.” Định nghĩa này có ý nghĩa gì trong thực tế?

Lời mời gọi yêu thương này không thiếu Thập Giá. Chúng ta không thể yêu thương nếu chúng ta không sẵn sàng hy sinh. Tình yêu tự bản chất là phải đau khổ. Chúng ta không thể yêu vợ/chồng, con cái, cha mẹ, bạn bè, linh mục, con cái thiêng liêng, và người lân cận nếu chúng ta không muốn đón nhận thập giá. Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những gì chúng ta muốn vì lợi ích của người khác. Mục tiêu cuối cùng của tình yêu thương dành cho người khác phải là ước muốn thấy họ đạt được sự sống vĩnh cửu.

Ngay cả trong Giáo Hội ngày nay, chúng ta cũng thường né tránh, làm ngơ hoặc chạy trốn Thập Giá. Chúng ta muốn thoải mái, an toàn, an ninh và những thứ của thế giới này cũng giống như những người không tin tưởng. Tương tự, chúng ta thường mua sự dối trá từ nền văn hóa của chúng ta cho rằng chúng ta có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu và tìm thấy tự do ngoài Thập Giá. Chúng ta cố vượt tới sự phục sinh để tìm kiếm những gì của thế giới này hơn là tìm kiếm Đức Kitô. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy niềm vui, bình an và tự do đích thực nếu không có Thập Giá.

Ahmari đã phát hiện nơi Thánh Maximilian Kolbe có chân lý trung tâm của đời sống thánh thiện: Chúng ta trở nên hoàn toàn là con người và thực sự tự do khi chúng ta chịu đóng đinh với Chúa Kitô. Ahmari viết về cuộc gặp gỡ với Thánh Maximilian Kolbe thế này…

Điều khiến tôi đau lòng nhất, điều mà tôi không thể dứt ra khỏi đầu khi biết về Thánh Kolbe, đó là sự hy sinh của ngài thể hiện một dạng tự do kỳ lạ nhưng hoàn hảo. Một người đàn ông bình thường, một khi Fritzsch đi ngang qua anh ta đứng trong hàng, có thể sẽ choáng váng với vận may của anh ta và ăn hết khẩu phần ăn đêm một cách háo hức hơn, khi biết mình đã đến gần với cái chết. Tuy nhiên, Thánh Kolbe đã leo lên đỉnh cao tự do của con người. Ngài đã leo lên bằng cách tự ràng buộc mình vào Thập Giá, bằng cách khước từ chính mình, với quyết tâm tinh thần mãnh liệt vượt qua bản năng sinh tồn tự nhiên của ngài. Sự đầu hàng rõ ràng của ngài đã trở thành chiến thắng của ngài. Như bị đóng đinh vào Thập Giá, ngài nói với những kẻ bắt giữ ngài: “Tôi tự do hơn các bạn.” Trong lúc đó và tại địa điểm của cái ác, trong khoảng trố rỗng của sự vô nhân đạo tối đen như mực đó, Thánh Kolbe xác định quyền tự do đạo đức của mình và chiếu tỏa ý nghĩa của việc trở thành con người trọn vẹn.

Thánh Maximilian Kolbe đã không nắm giữ cuộc sống. Ngài không tìm kiếm sự an toàn cho riêng mình. Ngài tìm cách cho đi cuộc sống của mình vì yêu thương. Ngài đã sống Thập Giá và cuối cùng đã hiến dâng mạng sống của mình như một vị tử đạo kết hiệp với Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh. Nền văn hóa của chúng ta, và thường là các Kitô hữu chúng ta, có thể tự hỏi sự tự do này như thế nào?

Khi chúng ta suy gẫm về cuộc Khổ nạn của Chúa, một điều gì đó vừa gây bối rối sâu sắc vừa có sức mạnh khủng khiếp xảy ra. Chúng ta bắt đầu thấy rằng Đức Kitô đã hoàn toàn tự do bởi vì Ngài tìm kiếm ý muốn của Chúa Cha. Ngài đã đầu hàng vì tình yêu để mang lại sự cứu độ cho chúng ta. Ngài cho phép người ta đánh đập, khạc nhổ, chế nhạo, xỉa xói và đóng đinh Ngài vì Ngài hiểu rằng sự tự do cuối cùng của chúng ta là thoát khỏi tội lỗi và sự chết phụ thuộc vào sự sẵn lòng chết của Ngài vì chúng ta. Ngài đau khổ vì yêu người khác vì Ngài biết điều đó sẽ đem lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để sống cùng một lời mời gọi triệt để, đau khổ và khó khăn. Không có cách nào khác, nếu không thì chúng ta có nguy cơ mất linh hồn.

Thánh Maximilian Kolbe hiểu rõ sức mạnh của Thánh Giá. Ngài biết rằng sự hy sinh của ngài kết hiệp với Đức Kitô chịu đóng đinh sẽ đem lại sự cứu rỗi cho người khác. Ngài muốn trao sự sống của ngài cho người khác vì tình yêu như tia sáng rạng rỡ trong bóng tối dày đặc. Ngài hiểu ở mức độ sâu xa nhất của con người rằng chết vì yêu thương người khác là lời mời gọi cao cả nhất mà một người có thể nắm lấy vì yêu mến Chúa. Nỗi sợ hãi thường tấn công chúng ta, đặc biệt là sợ chết, khiến chúng ta bất lực. Mặc dù chúng ta có hoàn toàn trao sự sống của mình hoặc qua những hy sinh nhỏ nhặt mỗi ngày hay không, chính nhờ việc cho đi này mới làm cho chúng ta thực sự trở nên tự do.

Phiên bản của sự tự do mà nền văn hóa của chúng ta tán thành ngày nay thực sự chỉ là chế độ nô lệ. Đó là nô lệ tội lỗi và sự chết. Rất nhiều người trong chúng ta bị nô lệ bởi ẩm thực, truyền hình, mạng xã hội, quyền lực, thú vui, tình dục, tiền bạc, danh dự và những thứ vật chất. Ngay cả những người Công giáo cũng vẫn tin tưởng một cách sai lầm rằng chúng ta được tự do nếu chúng ta an toàn, thoải mái và an ninh. Tuy nhiên, cuộc sống này không an toàn, thoải mái hoặc an ninh. Chúng ta chỉ tự do nếu chúng ta có thể đi trên Con Đường Thập Giá trong sự an bình và vui vẻ bất kể điều gì có thể xảy ra. Chúng ta chỉ tự do nếu chúng ta có thể từ bỏ những thứ trần tục vì lợi ích của người khác. Cuối cùng chúng ta chỉ tự do khi chúng ta chọn cái chết cho chính mình và yêu như Đức Kitô đã yêu.

Phần lớn cuốn sách của Ahmari tập trung vào truyền thống để phản ứng với các triết lý thịnh hành của thời đại chúng ta, lời chứng riêng của ông làm chứng cho sức mạnh của Thập Giá. Từ lâu, Giáo Hội ở Tây phương đã đặt Thánh Giá xuống vì quá khó khăn, không thoải mái và không được ưa chuộng. Bây giờ chúng ta cần Thánh Giá hơn bao giờ hết. Chúng ta cần phải mạnh dạn sống cuộc đời bị đóng đinh với Chúa Kitô. Điều đó vô cùng khó khăn và chúng ta sẽ nhiều lần té ngã, nhưng chúng ta phải chỉnh lại tầm nhìn của mình với Đức Kitô và hiểu rằng sự tự do của chúng ta chỉ có thể tìm thấy khi chúng ta từ bỏ mọi sự vì Ngài và làm theo ý Ngài, dù cho điều đó có thể dẫn đi đâu. Cuối cùng, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến Thập Giá.

CONSTANCE T. HULL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Trung tuần tháng 09-2021

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …