Home / Chia Sẻ / THẬP GIÁ VÀ NIỀM VUI

THẬP GIÁ VÀ NIỀM VUI

Theo tâm lý thông thường, ai trong chúng ta cũng thích nghe những lời ngọt ngào êm tai và đem lại niềm vui.  Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay lại gồm những ngôn từ xem ra khó chấp nhận: “Anh em tưởng Thày đến để ban hòa bình cho trái đất sao?  Thày bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem chia rẽ.”  Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta không khỏi lúng túng khi tìm cách hiểu đoạn Tin Mừng này.  Tuy vậy, nếu suy tư về hành trình đức tin, mỗi chúng ta đều công nhận một điều, để đến với Chúa Giêsu, phải chấp nhận nhiều hy sinh cố gắng.  Có những người theo Chúa Giêsu phải vượt qua nhiều trở ngại.  Những trở ngại đến từ nhiều phía: cha mẹ, anh em, họ hàng và bạn bè.  Như thế, để có thể theo Chúa Giêsu, phải chấp nhận những buông bỏ, để lựa chọn và gắn bó với Người.  Và thế là, vì theo Chúa Giêsu mà xảy ra mâu thuẫn, thậm chí xung đột căng thẳng giữa những thành viên trong cùng một gia đình.Thapgiavaniemvui

Có thể nói, Giêrêmia là một ngôn sứ trải qua nhiều cực nhọc gian nan nhất.  Vì trung thành chuyển tải sứ điệp của Chúa mà người đồng hương đã gọi ông là tên “tứ phía kinh hoàng.”  Đoạn sách thánh được đọc hôm nay kể lại việc người Do Thái căm ghét ông và lập mưu bỏ ông xuống giếng sâu, nhằm giết chết ông.  Nhờ lòng thương cảm của một người khác là ông Evét Mêléc, ông Giêrêmia đã được đưa lên khỏi hầm.  Trong lúc người Do Thái thích nghe những lời ngọt ngào, Giêrêmia lại tuyên bố những lời cảnh cáo, trách móc và đe dọa.  Tuy vậy, lời ông nói không phải là của cá nhân ông, mà ông chuyển tải ý định của Thiên Chúa.  Những lời ấy vừa nhằm giúp cho quốc dân tránh tai họa, vừa uốn nắn giúp họ tìm được sức mạnh nơi Thiên Chúa.  Ngôn sứ là người nói lời của Chúa.  Ngôn sứ cũng là người gánh chịu những hậu quả do lòng thù ghét của dân.  Tuy vậy, những ai trung thành với sứ mạng loan báo sứ điệp của Chúa sẽ được Ngài thương và cứu chữa.  Giêrêmia được cứu sống, đó là bằng chứng ơn phù trợ của Chúa dành cho những ai trung tín với Ngài.

Như thế, con đường theo Chúa vừa ngọt ngào vừa chông gai.  Chính Chúa Giêsu cũng đã đi trên con đường thập giá và đã tự nguyện chết trên thập giá để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa.  Chúa đã đau khổ để nâng đỡ cảm thông những người đau khổ.  Thập giá mang muôn màu sắc và muôn hình muôn vẻ.  Thập giá cũng hiện diện mọi nơi trong đời sống của chúng ta.  Có thể đó là những khác biệt trong suy nghĩ của những thành viên trong một gia đình hay một cộng đoàn; có thể đó là một người bạn đời hay một người hàng xóm có tính nết không mấy dễ chịu; có thể đó là một sự kiện xảy đến làm chúng ta gặp nhiều điều bất tiện…  Người Kitô hữu đón nhận thập giá không phải như con trâu mang cày ì ạch bước đi, nhưng như một người chia sẻ gánh nặng của người khác một cách vui vẻ và với mục đích xây dựng cuộc sống bình yên an hòa.

Tác giả thư gửi giáo dân Do Thái đã khẳng định: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.”  Tác giả cũng khuyên chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu chịu khổ hình để không sờn lòng nản chí khi gặp đau khổ gian nan (Bài đọc II).

Thày đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem đến cho trần gian, đó là lửa tình yêu và sức mạnh, là lửa nhiệt huyết rao giảng tình thương Thiên Chúa đối với con người.  Hôm nay, Người vẫn mong cho ngọn lửa ấy sáng lên nơi cuộc đời này.  Dẫu biết rằng giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ được đón nhận nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta không vì thế mà nản chí ngã lòng.  Hãy thắp lên ngọn lửa có tên Giêsu, để chiếu rọi mọi nơi tăm tối và mọi góc khuất của cuộc sống.  Hãy là một đốm lửa, dù nhỏ nhoi và mong manh yếu ớt, giữa những tăm tối bủa vây xung quanh, hầu sưởi ấm và thắp sáng cho những người lân cận.

Thập giá là biểu tượng của đau khổ, nhưng thập giá cũng đem lại hạnh phúc và niềm vui.  Chúa Giêsu đã vác thập giá và đã chết trên thập giá, nhưng Người đã sống lại vinh quang.  Thập giá chỉ là một chặng đường, dùng có nặng nề đến mấy cũng chỉ là nhất thời chứ không phải là đích điểm.  Đích điểm cuộc đời chúng ta chính là hạnh phúc viên mãn nơi Thiên Chúa.  Người có đức tin vững vàng sẽ làm cho thập giá nở hoa và tỏa hương thơm ngát.  Đó chính là hương thơm của sự thánh thiện, của lòng yêu mến và trung thành.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

ST. STEPHEN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ KÍNH THÁNH TÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI, 26/12, CỦA LM MINH ANH

LỰC HẤP DẪN “Họ nhất tề xông vào ông, lôi ông ra ngoài thành mà …