Hằng năm, Giáo Hội cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá vào ngày 14 tháng 9, và lễ tưởng niệm Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15 tháng 9.
Sự kết hợp của hai lễ này, ngay cả ở các cấp độ khác nhau theo lịch phụng vụ và lịch thánh, hướng dẫn chúng ta đúng đắn về các cấp độ sùng kính và tình yêu của chúng ta đối với Đấng Cứu Thế và Đức Mẹ. Ngài là Đấng Cứu Độ của chúng ta, được tôn thờ và sùng kính; Đức Mẹ là môn đệ đầu tiên của Ngài và là tấm gương của chúng ta. Cả hai lễ này đều có lịch sử lâu dài và đáng suy ngẫm.
PHỤC HỒI THÁNH GIÁ
Lễ hội Chiến Thắng Thánh Giá được tổ chức tại Rôma vào cuối thế kỷ VII để kỷ niệm việc Hoàng đế Byzantine Heraclius thu hồi Thánh Giá vào năm 629. Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine, đã tìm thấy Thánh Giá Thật ở Giêrusalem vào thế kỷ IV, nhưng người Ba Tư đã chiếm giữ nó và chỉ trả lại sau khi Heraclius đánh bại vua Ba Tư Khosrau II. Hoàng đế đã trả lại nó cho Giêrusalem, và lễ hội này tưởng nhớ sự kiện đó. Khi đến gần thành thánh, mặc áo choàng đẹp và đeo đầy đồ trang sức, hoàng đế thấy mình không thể tiến xa hơn nữa cho đến khi Zacharias, Thượng phụ Giêrusalem, bảo Heraclius hãy khiêm nhường bằng cách cởi bỏ lễ phục hoàng gia và đi chân đất hành hương.
Nhưng ở một cấp độ sâu hơn, lễ này gợi lại chiến thắng của Chúa Giêsu trước cái chết và sự ứng nghiệm lời tuyên bố vĩ đại của Ngài: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32, dùng làm Bài Ca Hiệp Lễ trong lễ này). Phụng vụ Thánh Lễ cho lễ này bao gồm cả chiến thắng và đau buồn trong các bài đọc và lời cầu nguyện, vì Chúa Giêsu vừa chịu khổ nạn vừa đánh bại tội lỗi và cái chết. Bài đọc thứ nhất, Ds 21:4-9, gợi lại câu chuyện về Môsê và con rắn đồng (Seraph) được treo trên một cây sào khi dân Israel, những người đã phàn nàn với Thiên Chúa về đau khổ của họ, ngước nhìn con rắn và được chữa lành mà Thiên Chúa đã gửi đến để thử thách họ.
Thánh Vịnh đáp ca là lời nhắc nhở về cách Thiên Chúa đã tha thứ dân Ngài vì họ phản bội: “Họ nịnh hót và nói dối Ngài bằng bằng miệng lưỡi… Nhưng vì thương xót, Ngài đã tha thứ tội lỗi họ và không tiêu diệt họ…”
Bài đọc thứ hai là bài thánh ca vĩ đại về sự khiêm nhường và tôn vinh của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’.” (Pl 2:6-11) Trong Nghi lễ Latin đặc biệt, còn gọi là Nghi lễ Tridentine, giáo đoàn quỳ gối khi nghe câu “Muôn vật phải bái quỳ.”
Cuối cùng, trong Ga 3:13-17, Chúa Giêsu tạo ra mối liên hệ giữa Môsê và con rắn đồng với chính Ngài, khi Ngài nói với Nicôđêmô rằng Ngài phải được nâng lên để những ai tin vào Ngài sẽ có sự sống đời đời. Từ đoạn văn đó xuất hiện đoạn Ga 3:16 tuyệt vời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Giống như việc tưởng niệm Thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Suy Tôn Thánh Giá nhắc nhở chúng ta về sự mâu thuẫn kỳ diệu trong cốt lõi đức tin: Chúng ta được cứu chuộc nhờ sự đau khổ và hy sinh của Chúa Giêsu Kitô dâng lên Chúa Cha.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 29-10-2008, ĐGH Benedict XVI đã nhận xét: “Thập giá, vì tất cả những gì nó tượng trưng, do đó cũng vì thông điệp thần học mà nó chứa đựng, là sự ô nhục và điên rồ. Tông đồ Phaolô nói như vậy với một sức mạnh ấn tượng đến nỗi thật tốt khi nghe trực tiếp từ những lời của ngài: ‘Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.’ (1 Cr 1:18-23).”
NGƯỜI MẸ ĐAU BUỒN
Ngày 15 tháng 9 nhắc lại nỗi buồn của Đức Mẹ dưới chân Thập Giá như sự ứng nghiệm lời tiên tri của ông Simêon tại Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2:35) Tin Mừng trong lễ này có thể là mô tả về “Mẹ của Ngài và môn đệ mà Ngài yêu mến” đứng bên thập giá (Ga 19:25-27) hoặc Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ. (Lc 2:33-35)
Bài ca Stabat Mater – thường được hát khi cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá – có thể được hát sau Thánh Vịnh. Theo Lumen Gentium (Hiến chế Tín lý của Công đồng Vatican II về Giáo Hội), “Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc hành hương đức tin và trung thành kiên trì trong sự kết hợp với Con Yêu cho đến thập giá, nơi Mẹ đứng, theo kế hoạch của Thiên Chúa, đau buồn vô cùng với Con Một của Mẹ, kết hợp với hy lễ của Ngài bằng trái tim người mẹ, và yêu thương dâng hiến Hy Lễ mà chính Mẹ đã sinh ra.” (số 58)
Các bài đọc và lời cầu nguyện trong Thánh Lễ tập trung vào nỗi đau buồn đặc biệt của Đức Mẹ, nhưng cũng tập trung vào vinh quang của Đức Mẹ, như câu Alleluia nói: “Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ thật diễm phúc; Mẹ đã không chết mà vẫn giành được triều thiên tử đạo bên Thánh Giá Chúa.”
Lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi trở nên rất phổ biến trong dòng Xitô và dòng khất thực Tôi Tớ Đức Mẹ hồi thế kỷ XIII. Lễ tưởng niệm đầu tiên được các tu sĩ dòng Tôi Tớ Đức Mẹ cử hành. Sau đó, ĐGH Piô VII đã thêm lễ này vào Lịch Rôma năm 1814. ĐGH Piô X đã chuyển lễ này sang ngày 15-9-1913. Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ đã tặng chúng ta Chuỗi Kinh Đức Mẹ Sầu Bi, khuyến khích suy ngẫm về bảy sự kiện trong cuộc đời của Đức Maria:
1. Lời Tiên Tri của Ông Simêon. (Lc 2:34-35)
2. Cuộc Chạy Trốn Sang Ai Cập. (Mt 2:13-15)
3. Lạc Mất Chúa Giêsu Trong Đền Thờ. (Lc 2:43-45)
4. Đức Mẹ Gặp Chúa Giêsu Trên Đường Lên Đồi Canvê. (Đàng Thánh Giá)
5. Chúa Giêsu Chết Trên Thập Giá. (Ga 19:25-30)
6. Đức Mẹ Ôm Xác Chúa Giêsu Trong Tay. (Mt 27:57-59)
7. Mai Táng Chúa Giêsu Trong Mộ Đá. (Ga 19:40-42)
Trong nghệ thuật tôn giáo, Đức Mẹ Sầu Bi được mô tả theo ba cách: như Stabat Mater, đứng bên Thánh Giá; trong Pietà như một đối tượng của lòng thương cảm (nổi tiếng nhất trong tác phẩm điêu khắc của Michelangelo, nhưng cũng rất cảm động trong bộ phim “The Passion of the Christ” của Mel Gibson); và như Mater Dolorosa, Mẹ Sầu Bi, thường có bảy thanh kiếm (bảy nỗi đau) đâm xuyên qua Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Chuỗi Stabat Mater đã được các nhà soạn nhạc từ Antonin Dvorak đến Domenico Scarlatti, từ Joseph Haydn đến Arvo Pärt và những người khác, theo nhiều phong cách từ đa âm thời Phục Hưng đến thanh xướng kịch (oratorio) gần như opera.
Lời ca nhập lễ cho Lễ Suy Tôn Thánh Giá nói: “Chúng ta hãy vinh danh Thập Giá Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, nơi Ngài có ơn cứu độ, sự sống và sự phục sinh của chúng ta, qua Ngài chúng ta được cứu độ và giải thoát.” (x. Gl 6:14) ngay cả khi chúng ta than khóc với Đức Mẹ: “Dưới chân Thập Giá, Mẹ đứng đó, giữ vững vị trí của Mẹ, đứng khóc than gần Chúa Giêsu cho đến cùng.”
STEPHANIE MANN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ SimplyCatholic.com)