Home / Chia Sẻ / THẬP GIÁ và CHÂU LỆ

THẬP GIÁ và CHÂU LỆ

Con Chết Thê Lương Treo Thập Giá

Mẹ Sầu Thảm Não Nát Tâm Can

THẬP GIÁ & CHÂU LỆLễ Suy Tôn Thánh Giá (14-09) và lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15-09) liền kề nhau. Thập Giá liên quan máu – màu đỏ, sầu bi liên quan nước mắt – màu trắng. Cả máu và nước mắt đều có vị mặn, chất giữ cho nhiều thứ khỏi bị hư. Tương tự, đau khổ làm cho người ta không bị thoái hóa, thế nên Chúa Giêsu luôn động viên người ta từ bỏ chính mình, vác thập giá và cố gắng chịu đau khổ.

Elisabeth Kübler-Ross (1926-2004, Thụy Sĩ) nhận định: “Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có.”

Theo Elisabeth Kübler-Ross, người tiên phong về lĩnh vực nghiên cứu cận tử (near-death studies), có năm giai đoạn của Mô Hình Đau Buồn (cũng gọi là Mô Hình Kübler-Ross), giả định rằng những người chịu đau buồn trải qua một chuỗi cảm xúc: từ chối, giận dữ, mặc cả, trầm cảm và chấp nhận. Mặc dù thường được tham khảo trong văn hóa đại chúng, các nghiên cứu không thể chứng minh thực nghiệm về sự tồn tại của các giai đoạn này, và một số nhà nghiên cứu cho rằng điều đó đã lỗi thời. Vấn đề đau khổ là điều bí ẩn, con người không thể hiểu nổi, chắc chắn có lợi ích thực sự nên Chúa Giêsu mới động viên chúng ta từ bỏ mình và vác thập giá hằng ngày. (Mt 10:38; Mt 16:24; Lc 9:23; Lc 14:27) Chắc chắn Ngài không xúi dại.

  1. THẬP GIÁ

Nhà hùng biện trứ danh Cicero (106-43 trước công nguyên, Rôma) đã mô tả thập giá là “cực hình ghê rợn và độc ác nhất” (crudelissimum et teterrimum supplicium) được dùng để xử tử tội nhân mà người Phênixi đã sử dụng trước, sau đó người Rôma cũng dùng, nhưng chỉ dùng hình phạt này cho kẻ nô lệ, dân bị trị, những người thấp hèn và những kẻ phạm các tội nặng nhất như trộm cướp, ít khi áp dụng cho công dân Rôma.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh, cây Thánh Giá được làm bằng gỗ tùng rất nặng, thanh dọc dài 4,5 m, thanh ngang dài 2,5 m, cả Thập Giá nặng khoảng 100 kg. Vác kéo lê thì giảm sức nặng khoảng 30 kg. Như vậy, Chúa Giêsu còn chịu sức nặng 70 kg đè trên thân xác đã yếu ớt vì đòn vọt, vác khệ nệ dọc con đường dài khoảng 700 m, vậy mà Ngài đã phải quỵ ngã đến 3 lần.

Thông thường, khoảng giữa thập giá có một miếng gỗ để tội nhân tì mông vào cho dễ đóng đinh, và đóng mỗi chân một đinh. Ngày nay các nhà kỹ thuật đã đưa miếng gỗ đó xuống làm đế đỡ chân và hai chân đóng chồng lên nhau, đó là vì tính mỹ thuật – tức là để nhìn cho “đẹp mắt” mà thôi, chứ không thể đóng hai chân chồng lên nhau. Vả lại, đinh không nhọn sắc như ngày nay, mà là bù-loong. Các lỗ đinh đã làm sẵn, một tay Chúa bị gắn vào Thập Giá rồi, người ta kéo tay kia ra cho tới lỗ đinh khác, cả chân cũng vậy. Thân xác Chúa bị kéo giãn căng, đau đớn lắm.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã lật ngược thế cờ. Thập Giá lại chính là vinh quang, là chiến thắng, chứ không là thất bại như loài người suy tưởng. Thi sĩ kiêm kịch tác gia Pièrre Corneille (1606-1684, Pháp quốc) đã có nhận xét thú vị và chí lý: “Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh quang.” Thật vậy, cuộc sống cho chúng ta thấy rằng không có niềm hạnh phúc nào mà lại không có dấu vết của sự đau khổ. Người Việt cũng nói: “Thất bại là mẹ thành công.”

Lúc trước, khi đàm đạo với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã xác định: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:13-15) Chính Chúa Giêsu quả quyết việc tin vào Ngài là mối phúc, vì ai tin Ngài sẽ được lên trời với Ngài. Tiền nhân đã giữ vững tin để nêu gương cho chúng ta ngày nay.

Mưa dầm thấm sâu. Đức tin cũng vậy, có tin mới yêu mến. Vì thế, chính Chúa Giêsu lại tiếp tục minh định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3:16-17) Rất rõ ràng rồi, không còn gì khả nghi nữa. Tuy nhiên, tin Chúa Giêsu thì phải kiên trì đồng hành với Ngài hết chặng đường thập giá: Một nhánh vươn lên trời đưa chúng ta đến với Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô; một nhánh đưa chúng ta đến với tha nhân, nhất là những người hèn mọn và đau khổ nhất.

Hai nhánh của thập giá không thể tách rời, thiếu bất cứ nhánh nào cũng không còn là thập giá nữa. Khi chúng ta đứng dang tay cầu nguyện, vóc dáng chúng ta nhìn như cây thập giá và giống chữ Y – Yêu. Thật tuyệt!

  1. LỆ SẦU

Nước mắt biểu hiện nỗi buồn – hiếm khi là niềm vui. Là biểu tượng buồn nhưng trong veo và quý giá, được ví như những hạt châu, nên người ta gọi nước mắt là châu lệ. Voltaire (1694-1778, Pháp) nói: “Nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của sự đau buồn.”

Nước mắt là đặc sản mà Tạo Hóa đã ban tặng con người để bảo vệ đôi mắt, vì thị giác rất quan trọng trong cuộc sống đời thường: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay.” (tục ngữ) Tác giả Colley cho biết: “Words that weep and tears that speak. – Lời nói để khóc và nước mắt để nói.” Thật kỳ lạ, và cũng tuyệt vời biết bao!

Cả cuộc đời Đức Mẹ ướt đẫm nước mắt, trường kỳ đau khổ – từ khi thụ thai cho tới lúc chứng kiến Con Yêu chịu chết. Đức Mẹ chịu đựng bảy niềm đau như bảy lưỡi gươm nhọn, và luôn được Đức Mẹ giữ kín trong lòng, cứ suy đi rồi nhớ lại.

  1. Lời tiên tri của ông Simêon về “lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” Đức Mẹ. (Lc 2:35)
  2. Đi tỵ nạn ở đất nước Ai Cập ngoại giáo: thiếu thốn, nghèo khổ, vất vả, gian nan,…
  3. Lạc mất Con Trẻ Giêsu trong Đền Thờ, suốt ba ngày đằng đẵng đi tìm Con.
  4. Gặp Chúa Giêsu nhọc nhằn vác Thập Giá lên Can-vê mà không thể giúp Con.
  5. Chúa Giêsu bị đóng đinh, những nhát búa cũng như đóng đinh làm tan nát lòng Mẹ.
  6. Đón nhận Thánh Thể Chúa Giêsu trong tình trạng bất động.
  7. An táng Con Yêu trong mộ, rồi được Thánh Giuse Arimathê dìu ra khỏi mộ.

Trên Đồi Sọ vào chiều ngày Thứ Sáu, Thánh Gioan đã chứng kiến và kể lại: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Mẹ.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh.” (Ga 19:25-27) Lời trăn trối đó như lưỡi gươm xoáy vào lòng, đau đớn lắm, nhất là đối với Người Mẹ thân yêu.

Thế nhưng đó cũng là lời trăn trối tạo niềm hạnh phúc cho nhân loại: Đức Mẹ là Mẹ chung của tất cả chúng ta, cũng có nghĩa là chúng ta là huynh đệ với nhau – bất kể là tín nhân, khác đạo hoặc vô thần. Là huynh đệ thì tất nhiên phải yêu thương nhau chân thành, không thể giả vờ hoặc nói suông hoặc đãi bôi.

Vâng lời Thầy Giêsu, kể từ lúc đó, môn đệ Gioan đã ân cần rước Đức Mẹ về nhà mình để phụng dưỡng. Mẹ con có nhau, chia sẻ vui buồn kiếp người. Trách nhiệm đó cũng là của mỗi chúng ta, tất nhiên chúng ta không có cơ hội phụng dưỡng Đức Mẹ về thể lý, nhưng chúng ta có trách nhiệm phụng dưỡng về tâm linh: yêu mến Đức Mẹ và quyết tâm thực hiện những lời Đức Mẹ khuyên – cụ thể là Mệnh Lệnh Fátima. Thi hành những gì Đức Mẹ khuyên là vâng lời Đức Mẹ, và hoàn toàn có lợi cho chính chúng ta.

Lạy Thiên Chúa, Nguồn Sống của chúng con, xin giúp chúng con biết sám hối, hãm mình, chịu sỉ nhục, vác thập giá và đóng đinh tính xác thịt. Lạy Đức Mẹ, xin giúp chúng con hòa nhịp khiêm nhường và hòa âm cung thương điệu sầu vào Bản Trường Ca Đau Khổ của Chúa và Mẹ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Tháng Chín – 2020

Xem thêm

THE LIGHT OF THE WORLD

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

MỞ TỪ BÊN TRONG “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ!”. “The Light of …