Home / Chia Sẻ / Thánh Thiện và Dễ Thương

Thánh Thiện và Dễ Thương

 

ThanhThien & DeThuongChúng ta đang sống trong một thời đại có xu hướng muốn giảm sự thánh thiện xuống chỉ còn là sự tử tế và vẻ dễ thương. Théo cách nghĩ này, sự thánh thiện sẽ có những dạng khác nhau: Hòa hợp với mọi người, tử tế, dễ thương, hữu ích, đáng yêu, rộng lượng, vui vẻ, hơi kiểu cách, nhã nhặn, khôi hài, chịu đựng, điềm tĩnh, nhân hậu, thân thiện, kiên nhẫn, tha thứ, biết điều, và những thứ tương tự. Có thể tóm gọn: “Chủ nghĩa đại khái là người tốt về cơ bản”. Như vậy, mục đích tốt có vẻ là sự tử tế hơn là sự thánh thiện.

Nếu bạn nghĩ nó không như vậy, hãy nghe người ta bàn tán trong đám tang: “Anh X. là người vĩ đại… Chúng ta sẽ nhớ mãi cách khôi hài của anh… Anh quý mến mọi người và làm mọi thứ cho người khác!”. Cũng tốt. Nhưng anh X. có cầu nguyện không? Anh có dạy con kính mến Chúa không? Anh có làm gương cho người khác sống thánh thiện? Có thể có nhưng người ta không thường xuyên nói về điều đó, nhất là trong khi thi hài người quá cố chưa an táng. Mọi người chỉ thấy anh X. là “người vĩ đại”. Nhưng mục đích cuộc sống không chỉ là trở nên người vĩ đại, mà là phải người thánh thiện.

Ngày nay, không có phẩm chất nào được liệt kê trên là sai trái hoặc tồi tệ. Nhưng vấn đề là chúng ta đã coi sự thánh thiện thấp hơn những điều đó, và chỉ cần là “người vĩ đại”. Chắc chắn rằng những người thánh thiện phải siêng năng cầu nguyện, không được tức giận hoặc phạm tội. Dễ thương có hai dạng: Tính tình và ngoại hình. Có người nhìn xinh xắn mà không dễ thương – theo bề ngoài chứ chưa nói tới tâm hồn. Có người dễ thương về ngoại hình mà không hề dễ thương về tính tình. Có người không dễ thương bề ngoài, thậm chí còn xấu xí, nhưng lại rất dễ thương về tâm hồn. Nhưng người thánh thiện thì luôn dễ thương.

Người thánh thiện không tìm cách tranh giành, và không phù hợp theo tiêu chuẩn người đời đặt ra. Chắc chắn Chúa Giêsu rất tử tế, nhân hậu và xót thương. Dĩ nhiên Ngài rất thánh thiện. Sự thánh thiện không thỏa hiệp với sự thật, không im lặng để người khác muốn làm gì thì làm. Chúa Giêsu không chết trên Thập giá vì Ngài là “người tử tế”. Ngài nói sự thật trong tình yêu. Ngài tố cáo thói giả hình, lừa dối, tội lỗi và bất công. Nhưng Ngài chúc lành cho các trẻ em, chúc lành cho những người biết yêu thương chân thành và những người biết ăn năn sám hối.

Chúa Giêsu không đồng lõa với bất kỳ cái xấu nào, Ngài cũng không về phe những người có chức, có quyền. Việt ngữ thật độc đáo khi dùng danh từ kép như “chức quyền” và “quyền hành”. Người ta có “chức” nên cũng có “quyền”, và người ta dùng “quyền” để “hành” người khác, chứ đúng ra là phải phục vụ như Chúa Giêsu dạy: “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:42-45). Nhưng thực tế nào có vậy, thậm chí người ta còn “hành hạ” nhau đủ kiểu, phe cánh và nghi kỵ nhau đủ kiểu, càng lớn càng có “thế” để “hạ thủ bất hoàn”, ngay cả trong các hội đoàn, các giáo xứ và các cộng đoàn tu trì!

Chúa Giêsu không chỉ dạy phải yêu người mà còn phải “cao cấp” hơn: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44), “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:27-28), “Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả” (Lc 6:35). Thánh sử Luca ghi lại lời Chúa rõ ràng, chi tiết và đầy đủ hơn. Thế mới là “thánh thiện”. Khó thật. Nhưng phải cố, vì Chúa Giêsu cũng truyền lệnh: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Chắc hẳn Chúa Giêsu không nói chơi cho vui, vì Ngài là người-không-thích-đùa-dai!

Sự thánh thiện thúc đẩy người ta thay đổi từ nội tại tới ngoại tại. Người cố gắng hoàn thiện có những cách thể hiện “không giống ai”, điều mà có thể khiến người khác không hiểu hoặc cảm thấy “khó ưa”. Người cố gắng sống thánh thiện không hùa theo người khác, không phe cánh, không bè đảng, dám “đơn thương, độc mã”, dám nói thẳng nói thật như chí sĩ Chu Văn An ngày xưa đã dám dâng sớ xin vua chém đầu bảy nịnh thần vậy.

Sự thánh thiện là ngọn lửa nóng có thể thay đổi người nào chạm vào nó. Thực sự phải biết khao khát sự thánh thiện để khả dĩ sống thánh thiện và làm công dân Nước Trời mai sau – và cả ngay khi còn ở thế gian này. Tất nhiên, sự thánh thiện quan trọng hơn vẻ dễ thương rất nhiều!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN