Home / Chia Sẻ / THÁNH THỂ – NẾM TRƯỚC HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG

THÁNH THỂ – NẾM TRƯỚC HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG

THÁNH THỂ – NẾM TRƯỚC HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNGLãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là cách thân mật nhất mà Thiên Chúa Ba Ngôi cho phép chúng ta nếm mùi Thiên Đàng ngay trên thế gian này. Bí tích cao cả này thực sự là “lời cam kết về vinh quang tương lai.”

Thánh Gioan Phaolô II diễn tả với cảm xúc chân thành về cách chúng ta được lên trời khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, khi chúng ta trở nên thành phần của “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (Kh 7:9-10) Khi chúng ta được nâng lên trời, thì chính trời sẽ xuống với chúng ta. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể – hoa trái kỳ diệu nhất của Thánh Lễ – là hương vị ngọt ngào nhất và là “thoáng nhìn qua của Thiên Đàng trên trần gian.”

Khi viết về Rước Lễ Lần Đầu, Thánh Têrêsa nói với chúng ta rằng “tất cả niềm vui trên Thiên Đàng” đã tràn vào lòng khi Chị rước Chúa. Không cầm được nước mắt, Chị nhận ra rằng khi rước Chúa Thánh Thể, “chính Thiên Đàng” đã ở trong tâm hồn Chị.

Thánh Tôma Aquinô cũng dịu dàng chiêm ngưỡng quyền năng của Bí tích Thánh Thể để nâng chúng ta lên trời và cho phép chúng ta sống trên trời ngay ở thế gian này. Bí tích Thánh Thể là bí tích quan trọng nhất trong tất cả các bí tích, là cao điểm và mục đích của mọi bí tích khác, vì trong đó chúng ta lãnh nhận Mình Máu Thánh của Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa.

Vì Chúa Giêsu là “Sự Sống Lại và Sự Sống,” (Ga 11:25) nên Thánh Thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự sống đời đời trên Thiên Đàng: “Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6:51)

Vì Chúa là nguồn mạch mọi ân sủng, (Ga 1:16) nên việc sốt sắng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể cũng làm sâu sắc ơn thánh hóa và đức ái trong chúng ta, làm say mê chúng ta với niềm vui trên trời. Suy ngẫm về những lời trong Kinh Thánh cho biết rằng “máu và nước chảy ra” từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa trên Thập Giá, (Ga 19:34) Thánh Tôma Aquinô nhắc lại tâm tình của Thánh Gioan Chrysostom (Kim Ngôn, Kim Khẩu): “Khi bạn đến gần Chén Thánh, hãy tiếp cận như thể bạn sẽ uống Máu từ cạnh sườn của Đức Kitô.”

  1. GẦN GŨI VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

Thánh Tôma Aquinô yêu thích những lời tuyệt vời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15:15)

Dĩ nhiên chúng ta muốn dành thời gian cho một người bạn yêu quý, và chỉ có sự hiện diện của người đó mới đủ làm chúng ta mãn nguyện. Theo một cách đặc biệt, chúng ta vô cùng trân trọng sự hiện diện và những lời cuối cùng của người bạn yêu quý. Chính thời điểm quý giá đó, khi một người thân yêu sắp mất, những lời nói của họ đã khắc sâu vào tâm trí của chúng ta, và tình cảm sâu sắc nhất của chúng ta được nhen nhóm trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta.

Đây là lý do Chúa đã chọn để ban cho chúng ta bí tích Mình Máu Thánh Ngài trong Bữa Tiệc Ly, trước khi Ngài chịu khổ nạn và chịu chết vì chúng ta.

Khi trở thành Con Người vì lợi ích của chúng ta, Chúa đã ban cho chúng ta món quà tinh tế là sự hiện diện thể lý của Ngài trong Bí tích Thánh Thể như nguồn sức mạnh và sự an ủi ngay bây giờ, cho đến khi chúng ta có thể tận hưởng sự hiện diện của Ngài trên Thiên Đàng một cách trọn vẹn, không bị cản trở. Ngài truyền ban cho chúng ta món quà thiêng liêng này ở trên thế gian này, kết hợp chúng ta với chính Ngài một cách mật thiết nhất trong Bí tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:56)

Điều kỳ diệu nhất trong tất cả các bí tích đem lại cho chúng ta sự hiện diện thân mật và “quen thuộc” về thể lý của Chúa, như dấu hiệu của lòng bác ái tối cao của Ngài đối với chúng ta. Cuối cùng, Ngài phó thác chính Ngài cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể này để Ngài có thể đưa chúng ta lên Thiên Đàng, nơi chúng ta sẽ tận hưởng Ngài giống như các thiên thần, bởi tầm nhìn không còn bị cản trở về vẻ đẹp của Ngài nữa.

  1. CHIA SẺ HIỆP THÔNG THIÊN ĐÀNG

Thánh Gioan Phaolô II kết thúc thông điệp của ngài về Bí tích Thánh Thể bằng cách trích dẫn lời Thánh Tôma Aquinô. Trong bài thánh ca lễ Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi), với lời chúc tụng “0 Salutaris,” Thánh Tôma tôn vinh Chúa đã ban chính Ngài cho chúng ta như người bạn đồng hành thân thiết, ban lương thực hằng ngày và phần thưởng Thiên Đàng cho chúng ta.

Trong đoạn thơ cho Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa, Thánh Tôma đã kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, Bánh các Thiên Thần, xin cho chúng con thấy Sự Tốt Lành của Ngài trong vùng đất của sự sống. Ngài nuôi dưỡng chúng con ở đây, xin biến chúng con ở đó thành những người bạn đồng hành thân thiết của các thánh.” Trở nên “bạn đồng hành của các thánh” là ân sủng Chúa ban cho chúng ta ngay cả bây giờ qua Bí tích Thánh Thể. Trong bí tích cao cả này, Chúa ban cho chúng ta chính Ngài như “sự nếm trước” niềm vui vĩnh cửu trên Thiên Đàng. Hơn nữa, Ngài còn cho chúng ta hiệp thông với những người ở trên trời một cách sâu xa.

Thánh Gioan Damascene viết rằng Bí tích Thánh Thể được gọi là Rước Lễ hoặc Hiệp Lễ, bởi vì khi rước Mình Máu châu báu Chúa, chúng ta hiệp thông và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Vì chúng ta trên trái đất này và những người được chúc phúc trên trời đều là chi thể của Nhiệm Thể Ngài, nên trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng “hiệp thông và kết hiệp với nhau.”

Sự thật này đã làm cho Chị Thánh Têrêsa rất cảm động. Chị tin rằng, vì những người ở trên trời là một Nhiệm Thể với Chúa, nên khi chúng ta rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể, những người thân yêu của chúng ta trên trời cũng hiện diện với chúng ta một cách rất sâu sắc. Chị Thánh Têrêsa viết về trải nghiệm tuyệt đẹp của chính mình khi rước lễ lần đầu: “Chẳng phải chính Thiên Đàng trong linh hồn tôi sao?” Đúng. Và bởi vì người mẹ thánh thiện của Chị chắc chắn đã ở trên trời, Chị nói với chúng ta: “Khi đón Chúa Giêsu đến viếng thăm, tôi cũng được mẹ tôi đến viếng thăm. Mẹ tôi đã chúc phúc và vui mừng vì hạnh phúc của tôi.”

Thật là niềm an ủi sâu sắc cho chúng ta! Khi chúng ta rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng có thể giao tiếp với những người thân yêu đã qua đời và họ chắc chắn đến với chúng ta để kết hiệp với Chúa của họ.

Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu liên kết chúng ta với các tín hữu ở dưới đất cũng như với những người ở trên trời. Thánh Gioan Kim Khẩu thúc giục chúng ta đến với đức tin và tình yêu sâu sắc đối với Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi có những món quà không chỉ là niềm vui mà còn là “sự hòa hợp, bình an và sự kết hiệp của linh hồn.” Khi sốt sắng rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được ân sủng để được kết hiệp mật thiết hơn với những người chúng ta yêu thương trên đời này, trong tình yêu mà tự nó là hương vị của Thiên Đàng. Do đó, bí tích châu báu này là bí tích của sự hiệp nhất Giáo Hội, vì “lợi ích thiêng liêng chung” của toàn thể Giáo Hội trong Chúa được trao ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể.

Chúng ta càng đón nhận Chúa Giêsu một cách yêu mến thì chúng ta càng trở nên hiệp nhất với những người thân yêu của chúng ta trên trái đất, đặc biệt là với những người mà chúng ta được diễm phúc chia sẻ Bí tích Thánh Thể. Việc rước Chúa qua bí tích này cũng liên kết chúng ta sâu sắc hơn với tất cả các chi thể trong Nhiệm Thể duy nhất của Chúa, trong điềm báo trước về sự kết hiệp yêu thương sẽ là của chúng ta trên Thiên Đàng.

  1. TẬN HƯỞNG NIỀM VUI THIÊN ĐÀNG

Một hiệu quả tuyệt vời khác của Bí tích Thánh Thể là làm cho tâm hồn chúng ta có niềm vui tâm linh sâu sắc hơn và “sự ngọt ngào” cho phép chúng ta nếm trải niềm vui Thiên Đàng ngay từ bây giờ: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9) Sự mãn nguyện sâu xa này, ngay cả khi đang gặp thử thách, vẫn tiếp tục sau khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và đặc biệt có thể được thưởng thức khi chúng ta dành thời gian để tôn thờ Thánh Thể Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II nói với chúng ta về kinh nghiệm thân mật của chính ngài: “Thật dễ chịu khi được ở với Ngài, được nằm gần ngực Ngài như người môn đệ yêu dấu (Ga 13:25) và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến hiện diện trong Ngài.” Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta về việc mỗi chúng ta thực sự rất cần biết thời gian này khi tôn thờ và yêu mến Thánh Thể Chúa: “Anh chị em thân mến, tôi đã trải qua điều này thường xuyên như thế nào, và rút ra sức mạnh, sự an ủi và sự hỗ trợ từ đó!”

  1. CHÚA BA NGÔI HIỆN HỮU

Có một hoa trái kỳ diệu khác của việc sốt sắng lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là sự hiện diện của cả Ba Ngôi trong chúng ta một cách sâu sắc hơn. “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” (Ga 14:10) Chúa Cha và Chúa Con ở đâu thì ở đó cũng có Chúa Thánh Thần.

Mặc dù chính Chúa Giêsu đến với chúng ta một cách nhiệm tích, nhưng có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa thấm sâu vào linh hồn chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể. Quyền năng của bí tích này lớn lao đến nỗi ngay cả khi chúng ta không thể lãnh nhận được một thế gian dài, ân sủng vẫn được gia tăng trong linh hồn chúng ta, và chúng ta càng trở nên nhà đáng yêu hơn và là Thiên Đàng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thánh Catarina Siena kể lại rằng, khi truyền phép trong Thánh Lễ, thánh nữ đã “nếm trải chiều sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi.” Chắc chắn đó là ân sủng ban cho bà mỗi khi bà muốn lãnh nhận Chúa hằng ngày. Thánh nữ bảo  đảm với chúng ta rằng phúc lành này có thể là của chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, “sức mạnh” của bí tích này là “hơi ấm của đức ái thiêng liêng” vẫn nằm sâu trong linh hồn chúng ta.

Nữ Tu MARY ANN FATULA, O.P.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Cuối tháng 04-2021

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN