Home / Chia Sẻ / THÁNH THỂ CHÚA

THÁNH THỂ CHÚA

THÁNH THỂ CHÚAHằng năm, khi đến Thứ Năm Tuần Thánh – Maundy Thursday, Giáo hội Công giáo cử hành ba mầu nhiệm gắn bó chặt chẽ với nhau: thiết lập Bí tích Thánh Thể, thiết lập chức tư tế Kitô giáo, và giới răn quan trọng về đức ái. Ba điều gắn bó với nhau vì nhiều lý do, nhưng trên hết là “Thiên Chúa yêu cầu chúng ta yêu thương theo cách thức mà bản chất con người không thể làm nếu không được giúp đỡ.”

Ngôi Lời trở nên xác phàm, trở nên tế vật, và trở nên của ăn cho chúng ta. Ngài đã mặc lấy nhân tính của chúng ta để chúng ta có thể mang thần tính của Ngài. Ngài đã yêu thương bằng trái tim con người và ban trái tim đó cho chúng ta, để chúng ta có thể yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Ôi sự trao đổi kỳ diệu!

Không có chức linh mục thì không có Thánh Lễ, không có Thánh Lễ thì không có Thánh Thể, không có Thánh Thể thì không có sự sống trong chúng ta, không có sự sống trong chúng ta thì cũng không có tình yêu trong chúng ta. Tiệc Thánh trên bàn thờ tập trung các công trình cứu rỗi của Thiên Chúa: tất cả kết hợp với nhau giống như các sợi dây của một câu chuyện lớn ở chương cuối cùng. Niềm khao khát cứu độ liên lỉ và lòng quảng đại khôn tả của Ngài trong bí tích này có cách diễn tả nổi bật nhất. Ngài là Người Yêu, có thể làm cho thực tế theo ý muốn của Ngài để đạt tới, chạm vào, đi vào và chiếm hữu người được yêu.

Chúng ta có đánh giá cao những gì Ngài đã và đang làm cho chúng ta, trên bàn thờ của lễ, trong các yếu tố đơn giản của bánh và rượu? Ngay cả khi chúng ta sử dụng tất cả vẻ đẹp và sự tráng lệ của nghi lễ mà chúng ta có thể có được, thì vẫn còn quá ít so với món quà mà Ngài ban cho chúng ta là chính Ngài.

Chẳng phải Thiên Chúa đang mạo hiểm rằng những gì Ngài ban tặng miễn phí sẽ bị coi thường sao? Mọi người không coi trọng mọi thứ vì chúng có giá trị rất cao ư? Chúng ta nghĩ rằng một dinh thự hay một chiếc du thuyền là đặc biệt vì rất ít người có thể sở hữu được. Còn ân sủng thì sao? Theo ý nghĩa nào đó thì điều đó miễn phí; theo ý nghĩa khác thì điều đó có giá không thể tính toán. Vì giá của nó là linh hồn con người. Người mở tâm hồn mình ra đối với cuộc chiếm hữu của Thiên Chúa là người được Ngài viếng thăm, được sở hữu và được thánh hóa. Điều này đòi hỏi hành động quan trọng nhất và khó khăn nhất: quy phục.

Mặc dù được ban tặng nhưng chúng ta quý trọng ân sủng như thế nào? Chúng ta có coi nhẹ vì ân sủng không áp đặt vẻ đẹp lên chúng ta, không lấp lánh như vàng? Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thực hiện lời Ngài để làm điều đó: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Bất cứ điều gì chúng ta muốn làm trong cuộc sống, nếu không có Chúa Giêsu thì chúng ta không thể làm điều đó một cách có ý nghĩa. Bất cứ điều gì chúng ta làm mà không có Ngài thì sẽ bị mất, vô giá trị, gây ra nhiều thất vọng hoặc tuyệt vọng hơn là hoàn thành.

Tất cả sự thật và những điều tốt đẹp chúng ta có thể đạt được, có thể cảm nhận hoặc mơ ước, tất cả đều có ở tại bàn thờ, với dạng bí ẩn. Trong Thánh Thể là tổng thể của thực tại khi Thánh Thể trào ra từ tay Chúa và khi Thánh Thể đưa chúng ta trở lại với Ngài. Nếu chúng ta ăn uống sự thật đó thì Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Tất cả tình yêu mà chúng ta tìm thấy trong tình bạn thì đều có tình thiêng liêng ở nơi Ngài, chính Ngài khiến chúng ta trở thành bạn của Ngài, khiến chúng ta đáng được yêu, làm cho chúng ta biết yêu thương mình và yêu thương nhau. Không có Ngài thì không thể có tình yêu, cũng chẳng có tình bạn. Nếu bạn là một người đang yêu hoặc muốn được yêu – ai không phù hợp với cách mô tả này? – cũng biết rằng tình yêu của bạn đến từ Ngài và nên trở về với Ngài, cùng với tất cả những gì bạn yêu thương.

Đây là mầu nhiệm vô tận của Bữa Tiệc Ly: bữa ăn cuối cùng của Thầy với các môn đệ của Ngài, sự hiệp thông của Người Yêu với những người bạn yêu dấu của Ngài, sự mong đợi về hành động yêu thương cao cả của Ngài trên Thập Giá, nền tảng của sự hy sinh không huyết thống đó sẽ không bao giờ ngừng bay lên như hương thơm cho đến tận thế, khi Ngài đem tất cả các biểu tượng tới điểm kết thúc nơi Trời Mới và Đất Mới.

Giuđa là nốt nhạc chua chát duy nhất trong bản giao hưởng Thứ Năm Tuần Thánh. Ông ta là môn đệ hiểu rõ hơn những người khác. Ông ta thiếu kiên nhẫn với tất cả sự trang trọng và sự thăng hoa, ông ta muốn kết quả cụ thể ngay lập tức. Ông ta là hình mẫu và là cảm hứng của những con người thực dụng qua các thời đại, những người thích một chút yêu thương quan liêu hơn là một tâm hồn cao cả. Nếu ông ta sống ở thế kỷ khác, có thể ông ta đã được giao trách nhiệm làm cho phụng vụ an toàn đối với nền dân chủ, hiệu quả hơn, nhiều người tham gia hơn, phù hợp hơn với con người bình thường. Không có ân huệ miễn phí cho ông ta, giá ba mươi đồng bạc. Bây giờ, đó là điều bạn có thể xử lý và tính toán, như bất kỳ người thu thuế nào cũng có thể làm. Giuđa là “người bảo trợ” của tất cả những người theo chủ nghĩa ngang hàng – mọi thứ bằng nhau.

Chúa Giêsu không thỏa hiệp. Chủ nghĩa ngang hàng luôn thất bại, vì Giuđa đã thất bại khi ông ta ném trả túi tiền và treo cổ. Giuđa đã chọn cái chết vì tuyệt vọng. Chúa Giêsu đã chọn cái chết vì yêu thương, được giương cao trên Thập Giá để Ngài có thể kéo mọi người lên Vương Quốc của Ngài, nơi đó không thuộc thế gian này.

Thật không tốt nếu bạn cố gắng sống đời ngang trái, cứ để Chúa ở bên lề, rồi theo đuổi nhiều thứ hữu hạn khác. Chúa là trung tâm của thực tại, và chúng ta ở bên ngoài. Chúng ta cần phải vào bên trong, vào trung tâm, nếu chúng ta muốn trở nên thật nhất, thay vì những cái bóng hay những hình vẽ.

Ngài là nam châm thu hút chúng ta về phía Ngài, chúng ta là những mạt sắt ngang bướng chống lại từ tính của Ngài. Đừng kháng cự, hãy đầu hàng và để Ngài lôi kéo bạn. Ân sủng của Ngài không bao giờ thiếu. Sự lựa chọn tùy ý của bạn có thiếu không? Bạn có muốn trở thành một hình vẽ hay một con người bằng xương bằng thịt? Chắc chắn bạn muốn trở thành con người trọn vẹn. Cách duy nhất để trở thành con người trọn vẹn là được thánh hóa, được hiệp nhất với sự sống, với Đấng tạo nên con người.

Nhiều người Công giáo cảm thấy khổ sở vì không thể tham dự Thánh lễ, những người như vậy hầu như sẽ bỏ mọi thứ để có Thánh Lễ mà họ có thể tham dự vì lợi ích tinh thần của họ. Còn đối với những người có Thánh Lễ được cử hành xứng đáng mà ít tận dụng thì sao?

Chúng ta nên thành thật một cách tàn nhẫn với chính mình. Đôi khi chúng ta cảm thấy không có sức hấp dẫn đối với Thánh Lễ hay Bí tích Thánh Thể, đôi khi chúng ta ra ngoài ý thức về nghĩa vụ hoặc sự tôn trọng của con người. Nếu đó là cảm giác của bạn, đã đến lúc cầu xin Chúa, van nài Ngài thay lòng đổi dạ cho bạn. Hãy cầu xin Ngài làm mềm sức đề kháng của bạn, để bạn khao khát Ngài: “Lạy Chúa, Ngài biết nó trông như thế nào đối với con, con không thấy trong con có bất kỳ ước muốn thực sự nào về sự nên thánh. Xin cho con niềm khát khao đó. Xin làm cho con nên thánh, xin tác động để con làm những gì nên làm.” Đó là bước đột phá để đủ khiêm tốn mà nhận ra mình phải cầu xin trợ giúp, ngay cả khi bạn không cảm thấy cần trợ giúp.

Giáo Hội quy định việc tham dự Thánh Lễ vào các Chúa Nhật và các Ngày Thánh nhưng không buộc các ngày trong tuần. Lý do là theo luật của Chúa, chúng ta bắt buộc phải thường xuyên thờ phượng Thiên Chúa, và Giáo Hội xác định rằng việc thực hiện luật này tối thiểu là phải tham dự Thánh Lễ mỗi tuần một lần, vào ngày “Lễ Phục Sinh nhỏ” là Chúa Nhật. Tuy nhiên, không ai trở thành một vị thánh vĩ đại, một nhà truyền giáo vĩ đại, một người thổi bùng ngọn lửa vĩ đại trên thế giới này, nếu không làm điều tối thiểu. Thánh Thomas Aquinô, thần học gia lỗi lạc, đã cử hành Thánh Lễ buổi sáng cho mình rồi sau đó cử hành thánh lễ cho một tu sĩ bạn.

Tôi không đề nghị tất cả chúng ta nên đi lễ mỗi ngày hai lần. Vấn đề là thời kỳ khó khăn, giống như Thời Kỳ Đen Tối mới và đen tối hơn mà chúng ta đang ở, đòi hỏi mọi người phải mạnh mẽ về tinh thần, và những hành động anh hùng chỉ có thể được thực hiện bởi những linh hồn anh hùng. Những linh hồn như vậy có được sự nuôi dưỡng, sức mạnh và sự an ủi của họ từ bàn tiệc hy sinh của Thánh Lễ. Chúa chúng ta biết Ngài đang làm gì khi Ngài thiết lập Thánh Lễ vào Thứ Năm Tuần Thánh.

Chúa Giêsu biết chúng ta cần sự thúc giục như thế nào, chúng ta cần bao nhiêu cơ hội để chúng ta có thể được nhắc nhở mà tận dụng cho đủ. Đó là lý do Ngài đã thiết lập Giáo Hội, trong đó sự hy sinh của Con Ngài sẽ được đổi mới mỗi ngày, đó là lý do Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin bánh hằng ngày cho mình: Panem nostrum quotidianum da nobis hodie – Xin cho chúng con lương thực hằng ngày. Chúng ta biết rằng chúng ta phải cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, và cầu xin ân sủng của Ngài. Chúng ta biết mình cần những thứ đó. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta làm tất cả, không phải theo sở thích hay ý tưởng riêng của mình, nhưng theo cách mà chính Chúa Giêsu đã hình thành trong Thánh Tâm Ngài, được chính Ngài thiết lập và truyền cho chúng ta làm để tưởng nhớ Ngài, trước khi đạt tới thực tại đã được báo trước bằng cách dang tay trên Thập Giá và để Thánh Tâm bị lưỡi giáo đâm thâu.

Bạn và tôi được mời đến dự Tiệc Thánh. Hy lễ một-lần-là-đủ trên đồi Canvê được dâng lên Thiên Chúa, vì chúng ta. Trái của Cây Sự Sống dành cho chúng ta, để chúng ta ăn.

PETER KWASNIEWSKI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Tuần Thánh – 2021

▶ Nguồn Sống Mới – https://youtu.be/eUKdr9c8G2g

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN