Home / Lá Thư Linh Hướng / Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó

Vừa qua, các đoàn thể Công giáo tiến hành họp nhau tại Hồ Tràm để học tập về truyền giáo. Các thành viên có dịp ôn tập, suy nghĩ thêm về truyền giáo. Tháng này tôi xin được chia sẻ suy nghĩ của mình về truyền giáo dựa trên Lời Chúa Lc 4, 18a; “Thánh thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó”.

laThu

 Khi nói tới truyền giáo, chúng ta thường hay nghĩ rằng truyền giáo là nhiệm vụ của vị thánh truyền giáo, của Giáo hội chung chung, hay của những người chuyên môn, ít ai nghĩ tới mình. Cách suy nghĩ đó rất sai lầm vì truyền giáo là nhiệm vụ của hết mọi người chúng ta. Dù sống ơn gọi linh mục hay giáo dân, chúng ta mỗi người đều được mời gọi truyền giáo theo cách riêng của mình: Đây là bản tính của Giáo hội. Điều đó cũng dễ hiểu vì khi chúng ta sống tốt đời kitô hữu thì người ta sẽ nhìn chúng ta mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời. Đó là cách chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa Cha trên trời. Truyền giáo trước tiên bằng sự hiện diện. Chúng ta hiện diện, sống với người khác, làm việc chung với người khác trong phong cách kitô hữu, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô. Nhờ sự hướng dẫn đó mà dù ăn, dù uống, dù nói, dù ngủ, dù thức… chúng ta đều biểu lộ bản chất Đức Kitô bên trong của mình hay nói cách khác người ta không chỉ nhìn thấy chúng ta bên ngoài mà thấy bản chất thiêng liêng, hay thấy hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chúng ta. Sự hiện diện đúng nghĩa là loan báo tin mừng.

 Thế nhưng đó không phải là cách duy nhất. Truyền giáo còn là tìm cách dùng lời nói để trình bày cho người khác biết niềm tin của chúng ta, biết sự thật mà chúng ta đang theo đuổi: Truyền giáo bằng lời rao giảng. Lời rao giảng này không chỉ là bài thuyết trình dài nhưng nhiều khi chỉ là một câu ngắn gọn. Tuy ngắn nhưng chất chứa cả cuộc sống trong đó. Nhiều người chỉ cần một câu là đủ sống cả đời. Đại khái những câu như: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được gì? Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro… Nhiều người sống đời tội lỗi nhưng khi trở lại với Chúa, người ấy có những lời khuyên, lời chia sẻ có sức lay động “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo” Cuộc sống của người tội nhân trở lại cùng với lời nói của họ trở nên vô cùng nặng ký, có sức lay chuyển con người hơn là bài nói chỉ hay mà thôi.

Trong việc rao giảng Tin mừng, chúng ta cũng cần có những bài giảng hay, những lời nói, những câu trả lời thắc mắc có tính thuyết phục, những câu chuyện có thật của những vị thánh mà trong ngoài đời đều biết: Thánh Phanxicô Assisi, Mẹ Têrêsa Calcutta… những vị xả thân tranh đấu cho người nghèo, người bị áp bức… Trong một thế giới ích kỷ, việc xả thân hy sinh cho người khác theo gương Đức Kitô trở nên một gương sáng có sức thu hút mãnh liệt. Đồng thời trong mọi lời nói cử chỉ, chúng ta cũng cần kèm theo thái độ khiêm tốn như Chúa Giêsu dạy. Tránh những lời nói có tính chê bai, hạ nhục người khác. Trong cuộc đời đi tìm Thiên Chúa, chúng ta được may mắn nhận được sự hướng dẫn của Chúa nhưng chúng ta đừng vì đó mà coi thường người khác bởi vì chính Thiên Chúa cũng đang hướng dẫn người khác đi trên con đường tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ.

Như thế, lời rao giảng Tin mừng không thể là lời làm cho người nghe xa Thiên Chúa, mà trái lại đây phải là lời phù hợp với người nghe, phù hợp với trình độ văn hóa, tri thức của người nghe: người ta không thể hiểu ý niệm về Chúa nếu chúng ta dùng ngôn ngữ thần học kinh viện cho người chưa biết. Ở Việt Nam, nói về Chúa, về Thượng đế, về thưởng người lành phạt kẻ dữ, về chữ hiếu… thường là kiểu nói dễ hiểu của người Việt Nam. Chúng ta có thể đi từ ý niệm đơn giản về ông trời đến Thượng đế và Thiên Chúa qua mạc khải… Những đề tài khác như thưởng phạt, chữ hiếu… cũng thế. Chúng ta thử xem lại việc Thánh Phaolo đã làm khi đến Athen (Cv 17, 16-32):

17:16 Trong khi ông Phaolô đợi hai ông ở Athen, ông nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần.

17:17 Vậy ông thảo luận trong hội đường với những người Dothái và những người tôn thờ Thiên Chúa, và ngoài quảng trường mỗi ngày với những người qua lại.

17:18 Có mấy triết gia thuộc phái Khoái lạc và phái Khắc kỵ cũng trao đổi với ông. Kẻ thì nói: “Con vẹt đó muốn nói gì vậy?” Người khác lại bảo: “Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ”, vì ông Phaolô loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu và về sự Phục Sinh.

17:19 Họ mời ông đi với họ đến Hội đồng Arêôpagô và nói: “Chúng tôi có thể biết thứ đạo lý mới ông dạy là gì không ?

17:20 Quả ông có đem đến cho chúng tôi một số điều lạ tai; vậy chúng tôi muốn biết những điều đó nghĩa là gì”.

17:21 Thật thế, mọi người Athen và kiều dân ở đó chỉ để thời giờ bàn tán hay nghe những chuyện mới nhất.

17:22 Đứng giữa Hội đồng Arêôpagô, ông Phaolô nói: “Thưa quý vị người Athen, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết.

17:23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.

17:24 “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên.

17:25 Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự.

17:26 Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ.

17:27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta.

17:28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: “Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người”

17:29 Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.

17:30 “Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối,

17:31 vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết”.

17:32 Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy.

Thánh Phaolo làm cho mọi người chú ý khi khởi đi từ tượng “Kính thần Vô danh” của người Athen để nói về Thiên Chúa. Thế nhưng ngài bị từ chối và bài giảng của ngài không hoàn toàn thành công khi đá động tới kẻ chết sống lại. Dù vậy Sach Công vụ cho biết :

17:34 Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Điônixiô, thành viên Hội đồng Arêôpagô và một phụ nữ tên là Đamari cùng những người khác nữa. 

Muốn rao giảng Tin mừng từ trình độ người nghe chúng ta cần tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu suy nghĩ của họ để khởi đi từ đó.

   Việc rao giảng Tin mừng rất quan trọng đối với kitô hữu, vậy thì theo gương Chúa Giêsu, các kitô hữu rao giảng Tin mừng cho ai, đối tượng để chúng ta rao giảng Tin mừng là những người nào?

Dựa trên Lời Chúa (Lc 4, 18a): “Thánh thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó”. Câu trên mời gọi chúng ta, theo gương Chúa Giêsu, rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó. Vậy ai là người nghèo?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Theo tự điển Việt-Việt (Vietgle) thì nghèo khó là:

– vật chất thiếu thốn. Thí dụ: phận nghèo thì tới chỗ mô cũng nghèo (tục ngữ)

– thiếu về mặt nào đó. Thí dụ: bài viết nghèo ý tưởng

Suy nghĩ thông thường trong đời sống, chúng ta thường hiểu nghèo theo nghĩa thứ nhất. Những người nghèo, chúng ta thường hiểu trước tiên là nghèo về của cải vật chất. Những người xin giúp đỡ, chúng ta thường hiểu họ thiếu thốn về của cải vật chất: nhà cửa rách nát hay không nhà; đau bệnh mà không có hay thiếu thuốc men hay phương tiện chữa trị; trẻ em thiếu học… Giúp đỡ cho người nghèo, chúng ta thường nhắm tới những người đó, giúp cho họ cái ăn, cái mặc. Chính vì thế mà chúng ta thường coi người có nhà cửa sang trọng, đi xe hơi, ở nhà lầu, con cái học hành đến nơi đến chốn… là những người đầy đủ, không cần gì nữa.

Có vẻ tương tự như vậy, truyền giáo thường được hiểu là đến những nơi còn rất khó khăn, vùng sâu vùng xa, đời sống phải phấn đấu nhiều về kinh tế nên việc đạo thường lơ là. Giúp đỡ việc truyền giáo chúng ta thường hiểu là giúp đỡ tiền bạc, vật chất cho những nơi ấy. Chúng ta hy vọng nhờ giúp đỡ mà đời sống đạo khá hơn việc đi lễ đọc kinh cũng khá hơn. Chúng ta thường nói: Có thực mới vực được đạo.

Tuy vậy mệnh đề trên không phải hoàn toàn đúng. Kinh nghiệm của các đoàn thể công giáo tiến hành cho thấy giúp đỡ về vật chất không đương nhiên vực được đạo. Vả lại, nếu rao giảng Tin mừng là chỉ rao giảng Tin mừng cho những người thiếu thốn vật chất thì những người thừa tiền thừa bạc, thừa của cải vật chất, chúng ta không phải rao giảng Tin mừng hay họ không cần đến Tin mừng cứu độ sao?

Vì thế nghèo theo nghĩa thứ 2 mang tính phổ quát hơn: nghèo là thiếu về mặt nào đó. Theo nghĩa này ai trong chúng ta cũng có thể nghèo.

– nếu thiếu về tiền bạc thì đó là những người nghèo tiền nghèo bạc

– nếu thiếu về tình yêu thì đó là những người nghèo tình yêu

– nếu thiếu về văn hóa thì đó là những người nghèo văn hóa

– nếu thiếu về sự hiểu biết thì đó là những người nghèo về sự hiểu biết

– nếu thiếu về chân lý thì đó là những người không biết đi tìm chân lý

Và còn nhiều cái thiếu khác.

Suy nghĩ như thế chúng ta thấy không ai trong chúng ta có thể cho mình là đầy đủ. Đời sống chúng ta có khi dư đầy của cải vật chất nhưng lại thiếu tình yêu khi chỉ biết yêu mình, thậm chí đôi khi vì lo cho lợi ích của mình mà làm hại người khác. Có những người giàu không muốn giúp cho người nghèo với lý do “khi tôi nghèo không ai giúp đỡ nên giờ tôi giàu không giúp đỡ ai”. Tuy vậy, có những người thấy mình lúc khó về của cải thì gia đình êm ấm, bây giờ đầy đủ cả nhưng gia đình chuẩn bị tan rã.

Có những người rất nghèo, đời sống thiếu thốn của cải vật chất nhưng lòng bác ái có thừa. Họ luôn sống tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thậm chí lá rách đùm lá nát. Đó là những người lúc nào cũng sẳn sàng giúp đỡ người khác, sẳn sàng chịu cực chịu khổ đối với những người đau khổ: tham gia chương trình giúp người nghèo, người bệnh, người khuyết tật, những chương trình từ thiện…

Có những người rất giàu, nhà cửa đẹp, sang trọng nhưng cách ứng xử vẫn là cách ứng xử của người thiếu văn hóa khi họ đối xử thô lỗ với những người chung quanh, với người dưới quyền mình. Ăn uống giành giật nhau trong những bữa buffet chẳng hạn, cười nói ồn ào lớn tiếng trong những nơi công cộng…

Có những người thiếu hiểu biết về cuộc sống, thiếu hiểu biết về cứu cánh đời mình, họ sống như không có người cuối cùng, không có ngày ra đi vĩnh viễn: sống không lo chi ngày mai. Ngày nay người ta thường nói nhiều về điều này và cuộc sống của một số người đi vào trong ăn chơi trụy lạc vì “chơi đi kẻo muộn”, tuổi trẻ chỉ có một lần, thà chết vì Sida chẳng thà chết đói,… Khi chúng ta thấy phát triển nhiều nơi ăn chơi trong xã hội, chúng ta cần thấy rằng người ta đang sống không cho ngày mai, không vì người khác. Người ta có thể làm bất cứ điều gì thậm chí giết người để cung phụng cho nhu cầu ăn chơi của mình. Đây là những người không quan tâm đến Chúa là cùng đích của cuộc đời, không quan tâm đến cứu cánh đời mình.

Đôi khi chúng ta gặp một người thiếu sự chân thật, họ thích nói dối để đạt mục đích: nói dối để tìm được việc làm, nói dối để được lên chức, nói dối để bán được hàng giá cao, hàng xấu nói thành hàng tốt, hàng giả, hàng nhái… Những người giả hình có lẽ cũng thuộc hạng người này. Đó là những người bên ngoài có vẻ đạo đức nhưng bên trong đầy xấu xa, độc ác. Người ta thường nói họ là hạng “khẩu Phật tâm xà” bên ngoài thì quyên tiền cho người nghèo nhưng thực ra dùng tiền ấy để xây nhà cho mình, cho cha mẹ, anh em mình. Cuộc sống giả dối ấy là đã giả dối luôn với Chúa: đi theo Chúa vì có miếng ăn như tông đồ Giuđa.

Phân tích như thế chúng ta thấy nếu rao giảng Tin mừng là rao giảng cho người nghèo thì ai cũng cần được rao giảng Tin mừng vì ai cũng là người nghèo, người thiếu thốn: có lẽ chúng ta còn thiếu tình yêu, có lẽ chúng ta còn thiếu sự thật, có lẽ chúng ta còn thiếu hiểu biết về Chúa, có lẽ chúng ta còn chưa hiểu Chúa hơn để chúng ta yêu mến Chúa nhiều hơn…

Như thế để đạt được kết quả trong việc rao giảng Tin mừng, chúng ta cần phải đổi mới cách hiểu về việc rao giảng. Việc trước tiên là chúng ta phải hiểu người khác, những người cần được rao giảng Tin mừng, những người mà chúng ta muốn đem Tin mừng cho họ. Từ hiểu biết người khác chúng ta cũng hiểu luôn tình trạng nghèo khó, thiếu thốn của họ. Sau đó chúng ta cần phải khởi đi từ điều tốt nơi người khác vì đó là những điều Thiên Chúa đã soi dẫn trong lương tâm của họ. Nếu họ sống giả hình, chúng ta khơi dậy sự thật nơi con tim của họ, khơi dậy sự cao cả của sự thật. Nếu họ không hướng về cứu cánh của đời người, chúng ta nên hướng về phẩm giá con người: con người có giá trị cao cả vì Thiên Chúa đã mang thân phân con người. Nếu họ thiếu tình yêu, chúng ta khơi dậy tình yêu của Chúa Giêsu trong tâm hồn họ…

Tóm lại tính khẩn thiết của việc rao giảng Tin mừng là giúp con người thoát cuộc sống tối tăm đi vào trong ánh sáng của Chúa và mỗi kitô hữu chúng ta là ánh sao dẫn đường đưa người khác đến với Chúa.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …