Têrêxa mồ côi mẹ năm lên 4 tuổi, và gia đình dọn về thành Lisieux. Têrêxa có ý định đi vào dòng kín tại đây mặc dù tuổi còn nhỏ. Nhưng gia đình cũng như Đức cha Hugonin đều chống lại dự án này nên Têrêxa quyết định xin phép thẳng với ĐGH. Năm 1887, cùng với cha và chị Céline, Têrêxa đi hành hương Roma và trong buổi tiếp kiến ngày 20 tháng 11 năm 1887, Têrêxa xin ĐGH Leo XIII cho phép vào dòng kín mặc dù lúc đó mới được 14 tuổi. Nhưng cô chỉ nhận được một câu trở lời mơ hồ và được dẫn ra ngoài, nước mắt dàn dụa.
Trở về Lisieux, Têrêxa được phép ĐGM cho vào dòng kín vào ngày 9-4-1888, lúc đó chị mới được 15 tuổi và 3 tháng. 24 nữ tu tiếp đón Têrêxa. Cuộc sống trong đan viện có nhiều cam go về mặt vật chất cũng như về kỷ luật. Chị Têrêxa ngày càng tiến triển trên con đường yêu mến Chúa. Ước muốn cứu rỗi các linh hồn thúc đẩy Têrêxa định xin tới dòng kín Camêlô ở Sàigon, nhưng vì bệnh lao phổi, nên chị Têrêxa phải bỏ ý định này, và từ tháng 4 năm 1897, Têrêxa không thể tham dự đời sống cộng đoàn nữa. Chị qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 lúc mới được 24 tuổi đời. Chỉ 27 năm sau đó, Đức Pio XI đã tôn phong Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên bậc hiển thánh và 2 năm sau ngài tôn thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo, giống như thánh Phanxicô Xavie, Tông đồ miền Viễn Đông.
Các tác phẩm của Thánh Têrêsa
Ngày 30 tháng 9 năm 1898, tức là đúng một năm sau khi Chị Têrêxa qua đời, Mẹ Agnès Chúa Giêsu và Mẹ Marie Gonzague đã cho ấn hành theo thông lệ một thư luân lưu về nữ tu quá cố và gửi tới tất cả các đan viện kín Camêlô. Chỉ khác một điều là bức thư này dày tới 476 trang. Tác phẩm đó mang tựa đề “Truyện một tâm hồn” và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn sách này được Mẹ Agnès soạn lại dựa trên 3 thủ bản A, B, C. Mãi tới năm 1956, cha Francois de Sante Marie mới trình bày bản phê bình, gồm các nguyên bản với phần dẫn nhập và chú thích.
+ Thủ bản A là tác phẩm được Têrêxa viết ra theo lời yêu cầu của Mẹ Agnès để kể lại những năm đầu tiên trong cuộc đời thánh nữ. “Truyện mùa xuân của một bông hoa trắng nhỏ”, do Têrêxa dùng những giờ phút rảnh rỗi giữa công việc và kinh nguyện để viết lại.
+ Thủ bản B được Thánh Nữ Têrêxa kết thúc vào trung tuần tháng 9 năm 1896: Trong một cuộc tĩnh tâm trong cô tịch, Têrêxa nhận được lá thư của chị Marie Thánh Tâm xin Têrêxa chia sẻ những ánh sáng thiêng liêng đã nhận được trong cuộc tĩnh tâm ấy. Ngay ngày hôm ấy, 13-9-1896, Têrêxa trả lời cho chị Marie, thông báo cho chị kinh nguyện dài mà Têrêxa đã viết ngày 8-9-1896 trước đó để kỷ niệm ngày khấn dòng, đồng thời kèm theo một thư dài. Thư này cùng với kinh nguyện vừa nói họp thành điều mà người ta gọi là “Thủ Bản B”. Trong thủ bản này Têrêxa cũng kể lại một giấc mơ và mô tả các mong ước, các ơn gọi mà Têrêxa ước mong được sống.
+ Thủ bản C do Têrêxa viết ra trong những tháng trước khi qua đời và lần này chị cũng viết vì đức vâng lời. Sứ mạng huynh đệ mà Têrêxa mô tả chính là một chứng tá sâu xa về đặc sủng Camêlô do Thánh Nữ Têrêxa Avila đã đề xướng khi cải tổ dòng Camêlo.
Ngoài ra, còn có các Thư của Têrêxa được công bố toàn bộ vào năm 1948, gồm 266 thư và miếng giấy nhỏ để ghi.
Các thư này được gửi cho những người thân yêu trong gia đình, 7 giáo sĩ, 3 tu huynh và hai bạn gái. Còn thiếu khoảng 60 thư Thánh Nữ Têrêxa viết cho cha giải tội và một số thư viết cho các “người anh thừa sai.” Tất cả các thư cho thấy, mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng Têrêxa đã thi hành nhiệm vụ hướng dẫn các linh hồn qua các thư từ đó.
Tập vở vàng gọi là Những Lời Sau Cùng, là tập hợp các lời cuối cùng của Têrêxa ghi lại trên cuốn vở của Mẹ Agnès. Tập này được chính Mẹ Agnès soạn lại, qua đó người ta thấy được chân dung của Thánh Nữ Têrêxa như một phụ nữ bị đóng đinh và chịu đau khổ khôn lường.
Năm 1952, cuốn Huấn dụ và Ghi niệm được công bố, rút từ những tuyên bố mà các nữ tập sinh dòng kín Camêlô ở Lisieux đã cung khai trong cuộc điều tra phong chân phước cho Têrêxa.
Thánh nữ Têrêxa cũng viết 54 bài thơ, được thu thập lại và trình bày trong ấn bản phê bình vào năm 1979. Ngày nay, sau 20 năm trời nghiên cứu, toàn bộ các tác phẩm của Thánh nữ Têrêxa đã được xuất bản theo nguyên tắc phê bình khoa học và được dịch ra các thứ tiếng.
Lm Trần Đức Anh, OP