Home / Chia Sẻ / Thánh Sử Gioan Tông Đồ, Bổn Mạng Của Tôi

Thánh Sử Gioan Tông Đồ, Bổn Mạng Của Tôi

giao ho thanh gioan tong doCho đến bây giờ phía bên trên bàn thờ Chúa của gia đình tôi vẫn còn dán hàng chữ ba màu xanh, vàng, hồng cắt bằng xốp: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU. Hàng chữ được dán cách đây đã 10 năm vào dịp lễ thành hôn của vợ chồng tôi. Sau này qua những lần đọc Tân Ưóc, tôi bắt gặp câu này được lặp đi lặp lại hai lần trong Thư 1 của Thánh Gioan: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8); “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16). Phía bên trên bàn thờ gia tiên, nơi đặt di ảnh ông bà nội và ba tôi, có gắn linh ảnh thánh sử Gioan tông đồ. Trong gia tộc nhà tôi, từ thời ông nội, đến thời ba tôi và anh em ruột tôi, tất cả đều mang tên thánh Gioan Tông đồ.

Hằng năm, vào ngày 25 tháng 12, kính đại lễ Chúa Giêsu giáng trần, làm lu mờ phần nào ngày lễ kính thánh sử Gioan tông đồ 27 tháng 12. Vì là vị thánh bổn mạng của tôi, nên ít nhiều tôi cũng tìm hiểu cuộc sống lúc sinh thời của thánh nhân qua Tin Mừng của các thánh sử và qua các giai thoại viết về ngài.

     * VỊ TÔNG ĐỒ NGƯ PHỦ BỎ CHA ĐI THEO CHÚA. Tin Mừng thánh Mathêu kể: “Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác, con ông Giêbêđê là ông Giacôbê và người em là Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là Giêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4, 21-22). Cùng với anh mình, Gioan đã không do dự đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu, từ bỏ những gì mình đang có: nghề nghiệp mưu sinh, gia đình, để theo Ngài. Dẫu biết rằng con đường theo Chúa Giêsu là mịt mù, vô định như có lần chính Ngài trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20) khi “một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo’’’(Mt 8, 19).

      Thậm chí sau này người mẹ của Gioan là bà Salomê ngỡ rằng Ngài Giêsu sẽ làm vua dân Do thái nên đã có lần bái lạy và kêu xin Người: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20, 21). Chúa Giêsu đã minh định: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20, 22). Một lần nữa, Gioan và người anh Giacôbê không ngần ngại. “Họ đáp: ‘Thưa uống nổi’” (Mt 20, 22). Cho dù không biết chén mà Thầy của họ sẽ uống và họ muốn chung phần là chén ngọt hay chén đắng. Thế đó! Gioan đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, từ bỏ mình, vác thập giá theo Chúa, sẵn sàng chia sẻ chén đắng cùng Thầy. Một ý chí dứt khoát từ bỏ những quyến luyến trần gian và một tấm lòng sẵn sàng chấp nhận đồng cam cộng khổ suốt trên hành trình làm môn đệ của Chúa Giêsu.

  *MÔN ĐỆ ĐƯỢC CHÚA YÊU DẤU. Cùng với Phêrô và Giacôbê, Gioan là môn đệ được Thầy Giêsu nhiều lần bày tỏ niềm ưu ái một cách đặc biệt. Chỉ có ba người được Thầy dẫn lên núi Tabor và được chứng kiến cảnh “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Hơn thế nữa, ba người còn được chiêm ngưỡng cảnh  “ông Môisê và ông Êlia  hiện ra đàm đạo với Người: (Mt 17, 3). Ân huệ vô cùng, Gioan cùng hai môn đệ kia được nghe  “có tiếng từ đám mây phán rằng: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”’ (Mt 17, 5). Đó là tiếng phán của Thiên Chúa Cha, uy nghiêm đến nỗi người trần thế như Gioan và hai vị đồng hành đã phải kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất!

    Gioan là môn đệ được Chúa yêu dấu và tin tưởng. Chính Ngài đã giao phó cho Gioan cùng với Phêrô chuẩn bị tổ chức  lễ tiệc Vượt Qua lần cuối cùng trước khi Ngài ra công đường chịu tuyên án tử hình. Và  trong bữa tiệc còn được gọi là bữa “tiệc ly” này, khi Chúa Giêsu buồn rầu tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13, 21). Gioan đang tựa đầu vào lòng Thầy Giêsu, nghiêng mình vào ngực Thầy và mạnh dạn hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” (Ga 15, 25). Trong khi các môn đệ cùng bàn “nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (Ga 15, 22) mà không dám mở lời.

   Có lẽ vinh dự lớn nhất mà Chúa Giêsu dành cho người môn đệ yêu dấu là gởi gắm Đức Mẹ trước khi Ngài về Trời. Gioan thuật lại cảnh tượng cảm động này: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người… Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con Bà.’ Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình’’’ (Ga 19, 25-27).

    *THÁNH SỬ “TÌNH YÊU”. Gioan đã có một định nghĩa tuyệt hảo về Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu. Có lẽ những ngày tháng theo Chúa Giêsu làm môn đệ, được sống gần gũi và được Ngài thương mến, Gioan đã được lan truyền và thấm đẫm tình yêu của Thiên Chúa Con, nên tâm tình và trí óc của Gioan đã thấu đáo toàn vẹn Thiên Chúa là Tình Yêu. Những bút tích của thánh sử này luôn bàng bạc những câu từ về tình yêu thương do Thầy mình phán dạy: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy… Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Cây nho thật – Ga 15, 9-12); “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Những lời cáo biệt – Ga 13, 35).

          Gioan còn viết ba bức thơ, trong đó bức thơ 1 có một đoạn mô tả về nguồn mạch đức ái: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa… Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu… Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4, 7-12). Gioan sống rất thọ. Tương truyền lúc về già không đi được, Gioan được các đệ tử mang đến nhà thờ, “ông lão” này thường lặp đi lặp lại: “Các con hãy yêu thương nhau”. Nhiều người bực mình, hỏi ông sao cứ mãi nói câu đó. Gioan trả lời: “Đó là lệnh truyền của Chúa, và như vậy là đủ”.

 *GIAI THOẠI VỀ GIOAN. Có một giai thoại kể rằng: trong một cuộc du hành, Gioan đã rửa tội cho một thiếu niên, rồi trao phó cho vị giám mục sở tại coi sóc. Nhưng khi trở về, Ngài được vị giám mục này buồn sầu cho biết cậu thiếu niên đã trở thành một tên cướp. Lập tức, dù đã già nua, Gioan vẫn cởi ngựa đi tìm đứa con đỡ đầu.

          Khi thấy Ngài, đứa con chạy trốn. Gioan quyết chí đuổi theo cho bằng được và khuyên nhủ: “Con ơi! Tại sao con chạy trốn cha già trong tay không có khí giới? Nếu được cha sẽ vui lòng chết cho con như Chúa Giêsu sai cha đến với con”. Giai thoại kể tiếp: tên cướp xúc động, dừng lại, bỏ khí giới, ôm choàng Gioan và theo Ngài trở về.

          Thánh sử Gioan Tông đồ là bổn mạng của tôi theo truyền thống  gia đình. Ngài còn là bổn mạng của những người cầm viết, hẳn là trong đó có tôi.

Gioan Long Vân,

giáo xứ Nhân Hòa.

 

Xem thêm

Chualentroi

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII Phục Sinh- LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa lên Trời, việc dưới đất kết thúc, sứ mạng mới khai mào LỄ CHÚA …