Home / Chia Sẻ / THÁNH SIMON VÀ GIUDA TÔNG ĐỒ

THÁNH SIMON VÀ GIUDA TÔNG ĐỒ

 

THÁNH SIMON VÀ GIUDA TÔNG ĐỒTrong danh sách nhóm 12, Simon Nhiệt Thành được xếp vị trí thứ 10 (con số 10 tròn trịa).  Gọi là Simon Nhiệt Thành để phân biệt với Simon Đá Tảng, tức là Simon Phêrô, vị Tông Đồ Cả.  Còn Giuđa Thađêô được xếp thứ 11, nghĩa là gần cuối.  Hai vị Tông Đồ này luôn luôn được xếp gần sát nhau.  Có lẽ vì thế mà các ngài được Giáo Hội mừng chung một ngày, 28.10.

 

Có điều là Kinh Thánh lại nói rất ít về hai vị Tông Đồ này.  Đặc biệt đối với thánh Simon Nhiệt Thành, dường như ngài đã bị các Thánh Sử lãng quên.  Ngài chỉ được nhắc đến vài ba lần, khi liệt kê danh sách các Tông Đồ.  Theo Thánh Truyền thì Simon Nhiệt Thành chính là người phụ rể tại tiệc cưới Cana (Cana cũng chính là quê quán của ngài), và sau khi chứng kiến phép lạ nước hoá thành rượu, ngài đã đi theo Chúa Giêsu.  Ngài cũng là người được mệnh danh là nhiệt thành, nhiệt thành đến độ cực đoan (Zêlot).  Dĩ nhiên là nhiệt thành cho sứ mạng giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.  Ngài thấy Chúa Giêsu có những phẩm chất của một vị lãnh tụ đáng tin cậy, có khả năng đánh đuổi đế quốc Rôma đô hộ và tái lập vương quốc Israel hùng cường.  Chúa Giêsu không ngần ngại chọn gọi ngài và hướng sự nhiệt thành của ngài, thay vì lo kiến tạo một vương quốc trần thế, thì lo xây dựng một vương quốc trời cao, vương quốc mà chính Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này.  Quả vậy sau này chính ngài đã hết mình cho Tin Mừng Nước Trời đến độ hiến dâng cả mạng sống mình.  Truyền thuyết cho biết ngài đã chết trên thập giá, cái chết giống Thầy mình.  Một tình yêu đối với tổ quốc, với đồng bào được Chúa Giêsu nâng lên thành tình yêu phổ quát, tình yêu đối với mọi dân, mọi nước.  Một mộng tưởng phục vụ cho một quốc gia Do Thái bé nhỏ được Chúa Giêsu nâng lên thành lý tưởng phụng sự cho một quốc gia không biên giới, đó chính là Nước Trời.

 

Còn thánh Giuđa Thađêô thì sao?  Chúng ta cũng không biết gì nhiều ngoại trừ chi tiết ngài là em của thánh Giacôbê hậu, và là bà con của Đức Giêsu.  Cha của ngài là ông Clêôpha, và mẹ của ngài cũng có tên là Maria.  Bà này đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu lúc Người chịu chết, rồi sau đó đã ra mồ để xức xác Chúa bằng dầu thơm.

 

Nếu thánh Simon được gọi với cái tên là Simon “nhiệt thành” thì có lẽ thánh Giuđa phải được gọi là Giuđa “trung thành.”  Ngài đã trung thành trong tình yêu mến, để bù lại cho một Giuđa khác, Giuđa Isacriôt, kẻ bất trung bội phản trong tình yêu.  Tin Mừng cho thấy có lần ngài đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian” (Ga 14,22).  Chúa Giêsu trả lời ngài rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23).  Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn gián tiếp nói với Giuđa Thađêô rằng khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được câu hỏi tại sao.  Và khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được các mạc khải cao trọng hơn thế nữa.  Có “Cha Thầy và Thầy ở cùng” lẽ nào lại không hiểu được!  Quả thật, sau này ngài đã hiểu, vì ngài đã yêu mến Thầy mình thực sự.  Ngài đã yêu mến Thầy mình cho đến cùng.  Dù có trải qua bao phong ba bão tố của cuộc đời, ngài vẫn không bỏ cuộc, không bội phản như Giuđa Iscariôt.  Tương truyền cho biết ngài cùng với thánh Simon Nhiệt Thành hăng say rao giảng Tin Mừng đến tận miền Ba Tư và trung kiên làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.

 

Ở Việt Nam, người ta ít biết về ngài, và cũng ít người chọn ngài làm thánh Quan Thầy.  Thế nhưng ở Mỹ, ngài là một vị thánh rất được sùng kính.  Rất nhiều nhà thờ ở Mỹ đặt bàn thờ dâng kính ngài.  Lý do thánh Giuđa được sùng kính ở Mỹ như thế là vì ngài nổi tiếng là một vị thánh hay cứu giúp người ta, cả những người lương dân, trong những trường hợp khó khăn, trong hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng.

 

Chuyện kể rằng có một người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính.  Bà đã đến một nhà thờ ở New York làm tuần Cửu Nhật cầu khấn thánh Giuđa, xin ngài giúp cho bà một số tiền là 10.000 đôla để bà giải quyết một vấn đề quan trọng.  Mỗi ngày bà đến cầu nguyện trước tòa kính thánh nhân.  Sang đến ngày thứ chín, bà thấy trên bàn thờ vị thánh có một chiếc phong bì, mở ra thì bà thấy trong đó có 10.000 đôla, đúng với số tiền mà bà xin.  Bà mừng quá, chạy vào nhà xứ kể cho cha xứ nghe sự việc, tin rằng đây là tiền của thánh Giuđa cho bà.  Tuy nhiên, cha xứ cho biết ngài vừa nhận được cú điện thoại của một người báo tin cho hay ông ta cũng vừa được thánh Giuđa ban cho một ơn như ý, và để tỏ lòng biết ơn, ông có dâng kính thánh nhân 10.000 đôla.  Nhưng vì không gặp được cha xứ, nên ông ta đặt số tiền đó trên bàn thờ thánh nhân, trong một phong bì, và xin cha ra lấy và cất giữ.  Như vậy, theo cha xứ, số tiền kia là của giáo xứ, bà ta phải đưa lại cho giáo xứ; còn người đàn bà thì lại quả quyết tiền đó là của thánh Giuđa giúp bà.  Vì vậy, để phân xử, hai người quyết định đưa nhau ra toà.

 

Người ta theo dõi vụ kiện qua báo chí và lấy làm thú vị về sự việc hi hữu này.  Họ không biết tòa sẽ phải giải quyết bằng cách nào trước một sự việc vừa mang tính pháp lý vừa mang tính thiêng liêng như thế này?  Đột nhiên, cha xứ tuyên bố rút đơn kiện, đồng ý để số tiền cho bà kia.  Bà ta bình thản nói rằng bà đã biết chắc chắn số tiền sẽ thuộc về bà, vì thánh Giuđa sẽ giúp bà cho đến cùng.

 

Thiết nghĩ thánh Giuđa không làm một phép lạ tỏ tường, nhưng ngài đã muốn dùng số tiền người ta dâng kính ngài, để tặng lại cho người phụ nữ trong lúc gặp sự khốn khó đã hết lòng tin tưởng chạy đến cùng ngài.

 

Chúng ta có thêm một địa chỉ nữa để chạy đến kêu xin sự trợ giúp, khi ta gặp gian nan khốn khó.  Câu chuyện vừa kể giúp ta có thêm niềm xác tín.  Dĩ nhiên không chỉ đơn thuần là xin ngài giúp tháo gỡ những khó khăn về cuộc sống vật chất, mà còn là những khó khăn về đời sống đức tin, đời sống đạo.  Đặc biệc xin ngài giúp chúng ta có được lòng nhiệt thành và trung thành như ngài: nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, đồng thời trung thành bền chí đi theo Đức Kitô đến cùng.  Amen.

 

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …