Home / Chia Sẻ / THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA

THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA

Divine Mercy 9Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trỗi vượt trong Giáo Hội.

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogow Iec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan.  Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.”  Ngày từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.  Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì.  Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện.  Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn.  Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK9 – Nhật Ký 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện.  Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận.  Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw.  Trong Nhật ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng.  Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn.” (NK17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện.  Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện.  Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina.  Chị đã sống thời kỳ năm tập trại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục.  Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina.  Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Chúa Giêsu đã uỷ thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới.  Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha.” (NK 1588).  “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha.  Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605) … “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha.” (NK 1567).

Sứ Mạng Của Thánh Nữ Faustina

Sứ mạng chính yếu của chị thánh là nhắc nhở cho chúng ta về những chân lý đức tin ngàn đời nhưng dường như đã bị lãng quên về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và truyền đạt cho chúng ta những hình thức mới mẻ của việc tôn sùng Lòng Thương Xót, ngõ hầu làm hồi sinh cuộc sống thiêng liêng trong tinh thần tin tưởng và nhân ái của Kitô giáo.

Bức Hình Chúa Giêsu Thương Xót.  Kiểu dáng bức hình được tỏ ra trong cuộc thị kiến của chị Faustina, ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong phòng tư của chị tại tu viện Plock.  Chị ghi lại lời Chúa truyền trong Nhật ký, “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” (NK47).  “Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Hai luồng sáng là nét nổi bật trong bức hình Chúa Kitô.  Chính Chúa Giêsu khi được hỏi về ý nghĩa bức ảnh đã giải thích: “Luồng sáng màu lam nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính.  Luồng sáng màu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Phúc cho linh hồn nào cư ngụ trong nơi nương náu của họ” (NK 299).  Bí tích Thánh Tẩy và bí tích Hòa Giải thanh tẩy linh hồn, còn bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn được nên giàu có sung túc.  Như vậy, hai luồng sáng tượng trưng cho các bí tích thánh thiện ấy và tất cả những ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng trong Thánh kinh được biểu thị bằng nước, cũng như giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại trong bửu huyết Chúa Kitô.  Theo ý Chúa Kitô, bức hình phải mang dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.”  Người còn tuyên bố, “Đó sẽ là một vật nhắc nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” (NK 742)

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.  Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được mạc khải cho thánh nữ Faustina.  Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha.  Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ: Chúa Giêsu đã phán, “…bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xóa sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở.  Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha.  Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và hình phạt.  Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở.  Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).

Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa.  Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho Thánh Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (NK 474-476). 

Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới.  Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại. 

Không chỉ những người đọc chuỗi kinh này, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ.  Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên giường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811).  Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “…nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731).

Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “…bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929) và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết’ (NK 754).

Giờ Thương Xót Vô Biên.  Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “…mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).

Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa: “… con hãy cố gắng hết sức – miễn là bổn phận cho phép – để suy ngắm Đàng Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đàng Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầu lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572).

Linh mục Giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:

1.Phải thưa lên với Chúa Giêsu

2.Phải được đọc vào lúc 3 giờ chiều.

3.Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện: đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

Truyền bá việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa.  Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).  Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa hướng đến mục tiêu canh tân đời sống đạo đức trong Giáo hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô Giáo.  Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Cracow, tháng 12 năm 1991

Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM

Xem thêm

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

  Đây là vị “Tiến Sĩ Thần Bí,” nhà thần học vĩ đại của gia …