Trước mặt Thiên Chúa chí thánh, chẳng có ai nhân lành, “chỉ một mình Thiên Chúa nhân lành” (Mc 10:18). Ngoài ra, ai cũng lần mò tìm về Nhà Cha qua con đường tội lỗi và thứ tha: “Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3). Các thánh là những “anh hùng đức tin”. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, và về con đường nên thánh cũng vậy, mỗi người mỗi cách. Có các vị thánh sống đạo đức từ nhỏ, nhưng cũng có các thánh đã từng sống tội lỗi một thời, nhưng rồi họ đã hoán cải và họ đã nên thánh. Đừng nản chí, thất vọng, hãy tin tưởng và cố gắng để nên thánh bằng cách vươn lên từ đống xà bần tội lỗi!
Thánh Augustinô: Ăn chơi phóng đãng
Chẳng ai “xa lạ” với vị thánh đã từng “ngang ngược” này. Có thể nói rằng Thánh Augustinô (354-430) là người “nổi tiếng” nhất về quá khứ tội lỗi, nhưng “phúc đức tại mẫu”, ngài có được người mẹ đạo đức là Thánh Monica. Thánh Augustinô giỏi giang, thông minh, nhưng từ bỏ sự giáo dục Kitô giáo để sống buông tuồng, ăn chơi trụy lạc, có con ngoại hôn với một phụ nữ trẻ, nhưng lại kết hôn với một phụ nữ giàu sang, vì phụ nữ này có của hồi môn. Nhờ người mẹ kiên trì cầu nguyện, theo con tới mọi nơi, và người mẹ đã được Thiên Chúa cho mãn nguyện. Augustinô đã hoán cải, trở thành linh mục, rồi làm giám mục GP Hippo. Ngài viết cuốn “Confessions” (Tự Thuật hoặc Tự Thú) nổi tiếng cho tới ngày nay. Ngài đã từng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con đức khiết tịnh, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Và ngài hối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Với kinh nghiệm bản thân, Thánh Augustinô nhận định: “Không thánh nhân nào không có quá khứ, không tội nhân nào không có tương lai”. Thánh Augustinô được Giáo hội tôn phong là tiến sĩ Giáo hội và là bổn mạng của “dân ăn chơi” (vì ngài đã từng ăn chơi xả láng), lễ ngày 28 tháng Tám.
Thánh Maria Ai Cập: Gái điếm nổi tiếng
Thánh nữ Maria (344-421) làm gái mại dâm từ lúc mới 12 tuổi, và “hành nghề” này 17 năm. Một lần hành hương tới Giêrusalem dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá. Thật ra bà không có ý tốt, mà chỉ muốn đi với đoàn hành hương để kiếm khách thôi. Nhưng rồi bà đã hoán cải khi thấy Thánh tích Thánh Giá mà đoàn hành hương kính viếng. Khi đó, bà muốn vào nhà thờ nhưng người quá đông, và có sức mạnh bí ẩn giữ chân bà ở ngoài nhà thờ. Nhìn thấy tượng Đức Mẹ, bà xin ơn tha thứ và hứa từ bỏ cuộc sống tội lỗi nếu bà vào được trong nhà thờ. Và bà đã vào được, từ đó bà quyết tâm trở về với Chúa. Bà sống ẩn dật, ăn chay, hãm mình và cầu nguyện suốt 47 năm. Thánh Maria Ai Cập là bổn mạng của những người chống lại cám dỗ về tình dục, lễ ngày 1 tháng Tư.
Thánh Angela Foligno: Kiêu ngạo và ngoại tình
Thánh Angela (1248-1309) được ghi tên vào sổ bộ các thánh năm 2013, không cần qua các thủ tục thông thường. Bà sinh tại Foligno, miền Trung Ý, không xa Assisi. Cuộc đời bà luôn đi tìm sự giàu sang, vật chất và niềm vui. Bà sinh trưởng trong một gia đình giàu có, kết hôn với người thượng lưu, có vài đứa con. Lúc 40 tuổi, dù giàu có nhưng bà cảm thấy cuộc sống trống rỗng, nên bà quyết tâm tu thân tích đức. Ba năm sau, chồng và các con đều chết hết, bà bán hết gia sản và gia nhập Dòng Ba Phanxicô. Bà thành lập một nhóm phụ nữ làm từ thiện và phục vụ người nghèo. Thánh Angela là bổn mạng các bà góa, lễ ngày 8 tháng Một.
Chân phước Bartolo Longo: Linh mục của quỷ
Sinh trưởng trong một gia đình Công giáo đạo đức, Bartolo Longo (1841-1926) vẫn lần Chuỗi Mân Côi với gia đình mỗi buổi tối. Nhưng tuổi trẻ ham vui, ngài xa rời đức tin trong những năm học đại học. Ngài quan tâm những điều huyền bí nên đã trở thành linh mục của giáo phái Satanist (tôn thờ ma quỷ). Gia đình và bạn bè luôn cầu nguyện cho Bartolo trở lại, và Thiên Chúa đã nhậm lời họ. Để chấn chỉnh đời sống tội lỗi, Bartolo xin gia nhập Dòng Ba Đa-minh và giúp các sinh viên nhận biết cái xấu của giáo phái này mà tránh, đồng thời mở các trại mồ côi, trường học và viện tế bần.
Hồi trẻ, Bartolo theo ngành Luật, bỏ đức tin và theo giáo phái Satanist. Bartolo nhiệt thành đến mức tự phong mình là linh mục của Satan. Ông hầu như đánh mất chính mình, chỉ còn như chiếc bóng của mình. Một người bạn Công giáo thấy ông đáng thương về tâm linh, tâm lý và thể lý, đã xin ông đến gặp Lm Radente, một tu sĩ khôn ngoan của Dòng Đa-minh. Sau một thời gian, Bartolo đã xưng thú tội lỗi và được linh mục này linh hướng. Bartolo hoán cải, gia nhập Dòng Ba Đa-minh, lấy tên là Brother Rosario.
CP Bartolo viết: “Ơn gọi của tôi là gì? Viết về Đức Mẹ, ca tụng Đức Mẹ, yêu mến Đức Mẹ”. CP Bartolo đến với người nghèo, người bị bỏ rơi, và người khốn khổ nhất trong thành phố Pompei. Ngài dạy họ cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Nhờ sự giúp đỡ của nữ bá tước Countess Mariana de Fusco, Bartolo đảm nhận việc xây Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi tại Pompei. Và rồi thành phố này đã trở nên Thành Phố Kinh Mân Côi.
Thấy các nữ tu Dòng Đa-minh chăm sóc người nghèo, CP Bartolo đã mở trường cho các em trai. CP Bartolo viết rất nhiều để ca tụng Đức Mẹ Mân Côi. Lời cầu nguyện của CP Bartolo với Đức Mẹ Mân Côi đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Ngày 7-10-2003, khi đến Pompei để bế mạc Năm Mân Côi, ĐGH Gioan Phaolô II đã dùng lời cầu nguyện của CP Bartolo. Tại Ý, hằng năm vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng Mười, mọi hoạt động như tạm ngưng vào buổi trưa, mọi người già hoặc trẻ, giàu hoặc nghèo, khỏe mạnh hoặc đau yếu, đều dùng lời cầu nguyện của CP Bartolo để dâng lên Đức Mẹ Mân Côi. CP Bartolo qua đời ngày 5-10-1926, trong Tháng Mân Côi.
Trong lễ tuyên chân phước cho Tông Đồ Kinh Mân Côi Bartolo tại Longo năm 1980, ĐGH Gioan Phaolô II đã gọi ngài là “l’uomo della Madonna” (Người của Đức Mẹ) và nói: “Tay cầm Chuỗi Mân Côi, CP Bartolo muốn nói với chúng ta rằng: Hãy đánh thức niềm tin của chúng ta vào Đức Mẹ”. Lễ CP Bartolo Longo ngày 5 tháng Mười.
TRẦM THIÊN THU