Home / Chia Sẻ / THANH LỌC Ý MUỐN

THANH LỌC Ý MUỐN

THANH LỌC Ý MUỐNBất cứ làm điều gì, hãy làm bằng cả tấm lòng, như làm cho Chúa chứ không phải cho loài người, Chúa sẽ thưởng phần gia nghiệp.

Ý muốn trong sáng mà Thánh Phaolô đề nghị ở đây là điều xác định giá trị và công lao của các hành động và mức độ phần thưởng của chúng ta, có thể mô tả rất đơn giản là có mục đích, có ý muốn và động lực trong mọi việc chúng ta làm: để làm vui lòng Chúa. Ý muốn trong sáng là biểu hiện của đức tính giản dị.

Có các mức độ trong sáng của ý muốn. Ý muốn của chúng ta càng trong sáng càng ít có cái tôi và ý riêng trong lý do hoặc động lực hành động của chúng ta. Ý muốn của chúng ta càng trong sáng thì hành động của chúng ta càng có giá trị và càng đem lại nhiều vinh quang cho Thiên Chúa.

Tín nhân nên sống vì mục đích đó. Lý do chính mà mọi thụ tạo được dựng nên: để vinh danh Thiên Chúa. Ngài đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài, để chúng ta có thể tôn vinh Ngài. Do đó, chúng ta có thể tham dự vào hạnh phúc của Ngài. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1 Cr 10:31) Nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta xứng đáng với sự bình an vượt qua sự hiểu biết, sự bình an mà Thiên Chúa trao tặng và ban cho do chúng ta như chúng ta được tiền định để sống và hoàn thành mục đích tồn tại của mình, sự bình an đó là sự yên tĩnh của trật tự thích hợp.

Vì vậy, bình an là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu để làm vui lòng Thiên Chúa chứ không phải là người khác hoặc chính mình. Bằng cách làm việc với ý muốn trong sáng, chúng ta vinh danh Thiên Chúa, đem lại niềm vui cho Ngài, cho các thiên thần và các thánh trên Thiên Đàng.

  1. NHẬN BIẾT Ý MUỐN TRONG SÁNG

Chúng ta có thể thắc mắc rằng liệu có cách nào mà chúng ta có thể biết mình có ý muốn trong sáng hay không. Suy cho cùng, chúng ta rất dễ tự lừa dối mình trong chuyện này. Có thể nói rằng chúng ta đang làm những gì chúng ta làm cho Chúa, nhưng có thật vậy không? Có cách nào để biết chắc? Có dấu hiệu nào để chúng ta có thể tự tin biết mình đang làm những điều vui lòng Thiên Chúa?

Thực sự cũng có những dấu hiệu không thể lầm. Chúng ta có thể biết mình có đang làm việc để chỉ làm vui lòng một mình Thiên Chúa hay không bằng thái độ của chúng ta đối với những gì chúng ta làm, đối với kết quả chúng ta đạt được, đối với thành công của người khác, và đối với phần thưởng hoặc sự chấp thuận mà chúng ta có thể nhận được hoặc không nhận được từ những việc chúng ta làm.

  1. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI VIỆC LÀM

Trước tiên, ý muốn trong sáng của chúng ta có thể được đánh giá bằng thái độ của chúng ta đối với những gì chúng ta làm hoặc được giao để làm. Nếu chúng ta có ý muốn trong sáng, nếu chúng ta đang làm những gì chúng ta muốn làm vui lòng Thiên Chúa chứ không phải chính mình, chúng ta sẽ không có ưu tiên cho việc này hoặc việc kia, vì đó là việc Thiên Chúa Toàn Năng giao cho chúng ta làm. Chúng ta bằng lòng dù Ngài có giao cho chúng ta nhiệm vụ này hay nhiệm vụ khác. Biết rằng nhiệm vụ của mình là làm theo ý Chúa, chúng ta rất vui khi thực hiện với cả con tim và sức lực của mình. Nếu chúng ta hỏi “Tại sao tôi phải làm điều đó?” thì chúng ta đang rời xa sự đơn giản và sự trong sáng của ý muốn.

Một lần nữa, nếu ý muốn của chúng ta là trong sáng, chúng ta đặt nỗ lực tương tự vào một nhiệm vụ khó nhọc như chúng ta thực hiện một nhiệm vụ dễ dàng; chúng ta đặt cùng một nỗ lực, nhiệt tình và sự chú ý vào một nghĩa vụ mờ nhạt, ẩn giấu, không hào hứng như chúng ta thực hiện một nghĩa vụ danh dự, hoặc một nhiệm vụ mang lại cho chúng ta lời khen ngợi, đưa chúng ta vào tâm điểm và khiến người khác ngưỡng mộ. Nếu chúng ta có ý muốn trong sáng, sự nhiệt thành của chúng ta đối với bất kỳ công việc nào sẽ không được đo lường bằng niềm vui riêng, sự hài lòng hoặc phần thưởng riêng.

Thông tin quan trọng duy nhất chúng ta cần là: Điều chúng ta sắp làm có làm theo ý Chúa hay không? Nếu đúng như vậy, và chúng ta đang làm điều đó để làm vui lòng Ngài, thì điều đó không có gì khác biệt cho dù đó là quét nhà, diễn thuyết hay giảng dạy một lớp học. Nếu chúng ta có ý muốn trong sáng, chúng ta sẽ nỗ lực và nhiệt tình giống như mỗi người trong số họ và tôn vinh Thiên Chúa giống như các thiên thần đã che mặt bằng đôi cánh và ca tụng: “Thánh, thánh, thánh!”

Nếu chúng ta miễn cưỡng làm những việc không tên, việc khó khăn, không thú vị hoặc không muốn, thì giống như một nô lệ bị đánh và miễn cưỡng chịu gánh nặng, chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta không làm việc để làm vui lòng Thiên Chúa, mà chúng ta đang làm việc để làm vui lòng mình. Chúng ta có thể biết điều này từ thực tế rằng, vì chúng ta không hài lòng trong trường hợp này, chúng ta không làm việc chăm chỉ hoặc nhiệt tình. Chúng ta đang cố gắng hoàn tất công việc nhanh hết sức hoặc bỏ dở càng nhiều càng tốt.

Vì vậy, chúng ta có một trắc nghiệm: Làm thế nào chúng ta có thể biết mình đang làm việc để làm vui lòng bản thân hay làm vui lòng Thiên Chúa? Bằng thái độ của chúng ta đối với những gì mình không muốn làm.

  1. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI KẾT QUẢ

Một trắc nghiệm khác về sự trong sáng của ý muốn là thái độ của chúng ta đối với kết quả đạt được. Nếu chúng ta đang làm việc để làm vui lòng Thiên Chúa, chúng ta sẽ không buồn nếu những gì chúng ta làm không có kết quả tốt. Điều đó đúng cho dù chúng ta đang may vá, lau nhà, quét dọn, hay dạy học. Nếu có ý muốn trong sáng, chúng ta sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta thất bại.

Nếu chúng ta cảm thấy khó chịu khi việc mình làm không tốt, hãy nhớ rằng Thiên Chúa không buồn đâu. Nếu chúng ta làm việc để làm vui lòng Ngài, vậy tại sao chúng ta lại khó chịu?

Tạ ơn Chúa vì Ngài không phán xét chúng ta bằng kết quả. Ngài chỉ nhìn vào nỗ lực mà chúng ta thực hiện với kiến thức chúng ta có, tức là ý muốn và động lực chúng ta có trong tâm trí và ý chí của mình. Chúng ta có ngu ngốc đến mức nghĩ rằng Thiên Chúa phụ thuộc vào những nỗ lực nhỏ bé của chúng ta để đạt được bất kỳ thành công nào không? Tất cả những gì Ngài muốn là cách phục vụ yêu thương của chúng ta, những nỗ lực của trái tim và linh hồn chúng ta muốn làm vui lòng Ngài. Nếu chúng ta dành cho Ngài điều đó thì không thể có thất bại, miễn là chúng ta làm theo ý Ngài, bất kể kết quả có thế nào.

Đó là điều chúng ta phải yên tâm. Tất cả những gì Chúa muốn là nỗ lực và ý muốn trong sáng của chúng ta, bởi vì: “Nếu mắt anh sáng thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối thì tối biết chừng nào!” (Mt 6:22:23) Nếu ý muốn của chúng ta sai, dù chúng ta có đạt được thành công gì đi chăng nữa thì cũng chẳng là gì đối với Thiên Chúa. Mặt khác, dù công việc có vẻ thất bại như thế nào, nhưng nếu chúng ta làm đúng với ý muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa thì đó là thành công.

Điều quan trọng không phải là chúng ta thành công như thế nào, mà là cách chúng ta cố gắng làm những gì Chúa muốn chúng ta làm để làm vui lòng Ngài. Không phải chúng ta làm được bao nhiêu trong số những gì chúng ta muốn làm có giá trị với Thiên Chúa, mà là chúng ta cố gắng thực hiện những gì Ngài muốn chúng ta làm tốt như thế nào. Vì vậy, chúng ta biết rằng chúng ta có ý muốn trong sáng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến việc làm tốt nhất đối với bất cứ việc gì Chúa giao cho chúng ta, kết quả do Ngài định, cho dù việc đó thành công hay thất bại. Nếu chúng ta có ý muốn trong sáng, chúng ta chấp nhận tất cả với sự bình tĩnh, với tâm trí thanh thản, biết rằng Thiên Chúa được tôn vinh không phải bởi những gì chúng ta làm nhưng bởi ý muốn của chúng ta và nỗ lực mà chúng ta thực hiện những gì Ngài giao cho chúng ta.

Mặt khác, nếu chúng ta cảm thấy buồn khi mọi thứ không diễn ra tốt đẹp, khi mọi thứ diễn ra không mấy rực rỡ, đó là vì động lực và ý định của chúng ta muốn đạt được thành công cá nhân. Rồi khi chúng ta không làm được điều đó, chúng ta sẽ thất vọng và buồn bã. Đó là dấu hiệu chắc chắn rằng ý muốn của chúng ta không trong sáng, và chúng ta không làm việc cho Thiên Chúa.

Do đó, chúng ta có thể biết mình có đang làm việc cho Thiên Chúa với ý muốn trong sáng hay không bằng thái độ của chúng ta đối với kết quả mà chúng ta đạt được trong công việc, bằng thái độ của chúng ta đối với thất bại và thành công. Nếu việc chúng ta làm thành công, chúng ta nên cảm tạ Chúa về điều đó và tôn vinh Ngài. Khi các tông đồ trở lại khoe rằng họ có thể trừ quỷ, Chúa Giêsu nói ngay: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10:20) Đó là điều duy nhất để chúng ta vui mừng, chứ không phải bởi những thành công vụn vặt trên thế gian mà chúng ta có thể đạt được, vinh dự nhỏ bé, vô ích mà chúng ta có thể tích lũy. Chớ vui mừng về những điều như thế, mà hãy vui mừng vì chúng ta đã được ghi danh trên Thiên Đàng.

Tương tự, chúng ta cũng nên vui mừng với Thiên Chúa nếu điều chúng ta làm không thành công. Nếu chúng ta đã làm điều đó vì Ngài thì Ngài đã được tôn vinh. Vấn đề không phải là chúng ta không được tôn vinh vì sự thất bại của chúng ta: “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.” (Ga 3:30)

  1. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI KHÁC

Một trắc nghiệm khác về sự trong sáng của ý muốn là sự vui mừng của chúng ta về thành công của người khác mà không ghen tị hoặc đố kỵ với họ. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến niềm vui tốt đẹp của Thiên Chúa, chúng ta sẽ vui mừng vì sự thành công của người khác về học tập, công việc, sự thành công rõ ràng của họ trong việc thực hành nhân đức và khắc phục lỗi lầm của họ.

Mặt khác, nếu chúng ta không an tâm về thành công của họ, cảm thấy ghen tị với nó, chỉ mong họ không thành công như vậy, thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta không tìm kiếm sự vinh hiển của Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta có trong tâm trí, ít là trong tiềm thức, muốn vươn lên dẫn đầu, và chúng ta đang làm việc để vinh danh chính mình thay vì vinh danh Thiên Chúa. Bởi vì họ dường như đang đe dọa vị trí của chúng ta nên chúng ta không hài lòng về điều đó, hoặc chúng ta ghen tị với họ, bực tức về thành công của họ.

Nếu có ý muốn trong sáng, chúng ta sẽ phản ứng như ông Môsê đã làm đối với thành công của người khác. Có người đến gặp ông phàn nàn rằng có người đang nói tiên tri, ông Môsê nói: “Mọi người có thể nói tiên tri!” Thật ra ông muốn nói: “Thiên Chúa sẽ ban điều đó cho mọi người để tôn vinh Ngài bằng cách nói tiên tri như Ngài đã ban cho tôi để có thể tôn vinh Ngài.” Vì vậy, nếu chúng ta có ý muốn trong sáng, nếu chúng ta đang làm việc để làm vui lòng Thiên Chúa, chúng ta sẽ vui mừng khi Ngài được tôn vinh bởi bất kỳ ai, ngay cả bởi những người mà chúng ta không thích.

  1. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI PHẦN THƯỞNG

Rõ ràng là chúng ta có thể kiểm tra ý muốn trong sáng của mình theo những cách sau: bằng thái độ của chúng ta đối với những gì chúng ta phải làm, cho dù nó có theo ý thích của chúng ta hay không; bằng thái độ của chúng ta đối với kết quả chúng ta đạt được, cho dù chúng có thành công hay không; và bằng thái độ của chúng ta đối với thành công của người khác. Cuối cùng, chúng ta có thể kiểm tra sự trong sáng của ý muốn bằng thái độ của chúng ta đối với phần thưởng hoặc lời cảm ơn mà chúng ta nhận được cho những gì chúng ta làm.

Nếu chúng ta làm việc để làm vui lòng Thiên Chúa chứ không làm vui chính mình, chúng ta thờ ơ với sự ca ngợi hoặc đổ lỗi cho người khác. Nếu sau khi làm xong công việc nào đó, chúng ta buồn hoặc bực bội vì không được người khác chú ý, vì họ không ca ngợi chúng ta về điều đó, hoặc vì họ không cho chúng ta biết chúng ta tuyệt vời như thế nào, đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta không làm việc vì Thiên Chúa mà vì phần thưởng hoặc sự chú ý nào đó. Tại sao chúng ta lại buồn khi chúng ta không được chú ý hoặc ca ngợi?

Nếu chúng ta làm việc vì Thiên Chúa, thực sự có ý muốn trong sáng, chúng ta làm những gì Ngài muốn chúng ta làm theo cách tốt nhất, ngay cả khi không ai biết, không ai nói gì về điều đó. Vậy thì tại sao người khác phải cảm ơn chúng ta vì đã làm nhiệm vụ của mình khi chúng ta không làm việc cho họ?

Chúng ta làm việc cho Thiên Chúa. Ngài không có thói quen thi thoảng bước xuống trái đất rồi vỗ nhẹ vào lưng chúng ta và nói: “Đó là công việc tuyệt vời. Cứ làm như thế!” Khi Ngài không làm điều đó rõ ràng, chúng ta biết rằng Ngài vẫn biết ơn. Chúng ta biết điều này nhờ đức tin, chính đức tin đó sẽ thúc đẩy chúng ta có ý trong sáng khi muốn làm việc để chỉ làm vui lòng một mình Thiên Chúa mà thôi.

Chính sự trong sáng của ý muốn làm cho chúng ta thờ ơ với cái xấu xa ma quỷ, sự tôn trọng của con người, mà chúng ta thường làm để mọi người sẽ nghĩ tốt về chúng ta, hoặc chúng ta tránh những gì chúng ta nên làm vì sợ mọi người sẽ nghĩ xấu về chúng ta. Nếu chúng ta hành động chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa, chúng ta sẽ tiêu diệt con quỷ của sự tôn trọng trần tục đó.

Chúng ta không chỉ nên cố gắng bắt đầu với ý muốn đó mà còn phải thường xuyên làm mới nó trong quá trình hành động của mình. Chúng ta nên làm mới nó đặc biệt thường xuyên nếu chúng ta bị cám dỗ nổi loạn trong lúc làm điều gì đó mà chúng ta không thích; lúc chúng ta bị cám dỗ bực bội với kết quả mà chúng ta đạt được, hoặc buồn bã vì thất bại của mình; lúc chúng ta thường bị cám dỗ để cảm thấy buồn vì chúng ta không được khen. Tạ ơn Chúa khi chúng ta không thành công, tạ ơn Chúa vì những gì chúng ta không thích, đó là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy chúng ta đang làm việc để làm vui lòng Ngài và chúng ta có ý muốn trong sáng. Có được điều đó, chúng ta có thêm niềm an ủi: nếu chúng ta có thể cảm tạ Chúa về những việc chúng ta không muốn làm, chứng tỏ rằng chúng ta có ý muốn trong sáng, đồng thời chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta cũng có ý muốn trong sáng và làm việc để làm vui lòng Ngài trong những việc chúng ta muốn làm.

LM PHILIP DION

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Song Ngoại Gioakim và Anna – 2021

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …