Home / Chia Sẻ / THÁNH IRÊNÊ – TIẾN SĨ HIỆP NHẤT

THÁNH IRÊNÊ – TIẾN SĨ HIỆP NHẤT

IreneThứ Năm, 07-10-2021, ĐTC Phanxicô cho biết rằng ngài có kế hoạch tuyên bố Thánh Irênê của Lyon là Tiến Sĩ Giáo Hội với tước hiệu “Doctor Unitatis” – nghĩa là “Tiến Sĩ Hiệp Nhất.”

ĐTC Phanxicô đã đưa ra thông báo này trong một bài phát biểu trước Nhóm Công Tác Thánh Irênê, một nhóm các thần học gia Công giáo và Chính thống, những người đã cùng nhau thực hiện một nghiên cứu về tính công nghị và tính ưu việt.

ĐTC Phanxicô nói: “Người bảo trợ của bạn, Thánh Irênê của Lyon – người mà tôi sẽ sớm tuyên bố là Tiến Sĩ Giáo Hội với tước hiệu Tiến Sĩ Hiệp Nhất – đến từ Đông phương. Ngài thi hành chức vụ giám mục ở Tây phương, là nhịp cầu thần học và tâm linh tuyệt vời giữa Đông phương và các Kitô hữu ở Tây phương.”

Thánh Irênê là một giám mục và văn sĩ ở thế kỷ II, được cả Công giáo và Chính thống giáo tôn kính, nổi tiếng là người bác bỏ các dị giáo của thuyết Ngộ Giáo (Gnosticism) với sự bảo vệ nhân tính và thần tính của Chúa Kitô.

Năm ngoái, các giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ việc Thánh Irênê được tôn phong Tiến Sĩ Giáo Hội theo yêu cầu của Hồng y Philippe Barbarin, tổng giám mục lúc bấy giờ của Lyon, miền Nam nước Pháp, và đã gửi sự chấp thuận của họ đến Vatican để giáo hoàng xem xét.

ĐTC Phanxicô nói: “Tên Irênê có chứa từ ‘hòa bình.’ Chúng ta biết rằng hòa bình của Chúa không phải là hòa bình ‘thương lượng,’ kết quả của các thỏa thuận nhằm bảo vệ lợi ích, mà là hòa bình hòa giải, gắn kết với nhau trong sự hiệp nhất. Đó là sự bình an của Chúa Giêsu.”

Đức giáo hoàng đã nói về tính công nghị và tính ưu việt trong cuộc họp của ngài với Nhóm Công Tác Thánh Irênê, một nhóm công tác chung của Công giáo và Chính Thống giáo thuộc Viện Nghiên Cứu Đại Kết tại Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas ở Rôma.

IrênêĐTC Phanxicô nói: “Một cách tiếp cận hiệu quả đối với tính ưu việt trong các cuộc đối thoại thần học và đại kết nhất thiết phải dựa trên suy tư về tính công nghị. Không có cách nào khác. Tôi đã thường xuyên bày tỏ niềm xác tín của mình rằng trong một Giáo Hội công nghị, ánh sáng lớn hơn có thể được chiếu sáng khi thực hiện quyền tối cao của Thánh Phêrô.”

Quyền tối cao Phêrô đề cập thẩm quyền tuyệt đối của giáo hoàng với tư cách là mục tử và thủ lãnh có pháp quyền trực tiếp và ngay lập tức đối với toàn thể Giáo Hội.

Quyền tối cao của Giám mục Rôma là một trong những vấn đề chính gây bất đồng khiến các Kitô hữu Chính Thống giáo ly khai với Giáo hội Công giáo. Chính Thống giáo Đông phương có mô hình Giáo hội có hội đồng giám mục, thay vì cơ quan có quyền lực tập trung.

ĐTC Phanxicô đã cảm ơn nhóm về cuộc nghiên cứu mới được ban hành gần đây là “Phục Vụ Hiệp Thông: Tái Tư Duy về Mối Quan Hệ giữa Quyền Lực Nguyên Thủy và Tính Công Nghị.”

ĐTC Phanxicô nói: “Thông qua sự kiên nhẫn mang tính xây dựng đối thoại, đặc biệt là với các Giáo Hội Chính Thống, chúng ta đã hiểu đầy đủ hơn rằng trong Giáo Hội, tính ưu việt và tính công nghị không phải là hai nguyên tắc cạnh tranh để giữ cân bằng, mà là hai thực tại thiết lập và duy trì lẫn nhau trong việc phục vụ hiệp thông. Cũng giống như tính ưu việt giả định trước việc thực hiện tính công nghị, do đó tính công nghị đòi hỏi thực thi tính ưu việt.”

ĐTC Phanxicô hy vọng rằng công nghị sắp tới của Giáo hội Công giáo về tính công nghị sẽ cho phép người Công giáo trên toàn thế giới suy ngẫm về tính công nghị và quyền tối cao Thánh Phêrô.

Đức giáo hoàng sẽ khởi động tiến trình thượng hội đồng kéo dài ba năm của Giáo Hội vào cuối tuần này bằng một thánh lễ vào ngày 10-10-2021. Tất cả các giáo phận cũng đã được mời dâng thánh lễ khai mạc vào Chủ Nhật, 17-10-2021.

ĐTC Phanxicô nói: “Tôi tin tưởng rằng, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tiến trình thượng hội đồng sẽ bắt đầu trong những ngày tới ở mọi giáo phận Công giáo cũng sẽ là cơ hội để suy ngẫm sâu hơn về khía cạnh quan trọng này, cùng với các Kitô hữu khác.”

ĐTC Phanxicô lưu ý rằng nhóm các học giả Chính Thống giáo và Công giáo đã chọn Thánh Irênê làm thánh bảo trợ: “Các bạn thân mến, với sự giúp đỡ của Chúa, các bạn cũng đang nỗ lực phá bỏ những bức tường ngăn cách và xây dựng những nhịp cầu hiệp thông.”

ĐHY Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về việc thúc đẩy hiệp nhất Kitô giáo, cũng tham gia buổi tiếp kiến giáo hoàng với Nhóm Công Tác Thánh Irênê.

Đức hồng y đã lập luận rằng việc tăng cường tính công nghị là “đóng góp quan trọng nhất” mà Giáo hội Công giáo có thể thực hiện để đối thoại đại kết, đặc biệt là đối thoại với Chính Thống giáo.

ĐHY Koch viết trên tờ báo L’Osservatore Romano ngày 18-01-2021: “Thượng hội đồng này sẽ không chỉ là một sự kiện quan trọng trong Giáo hội Công giáo, nhưng nó sẽ chứa đựng thông điệp đại kết quan trọng, vì tính công nghị là vấn đề cũng thúc đẩy tính đại kết, và thúc đẩy nó đi vào chiều sâu.”

ĐHY Koch chỉ ra Tuyên Ngôn Ravenna năm 2007, trong đó các thần học gia Công giáo và Chính Thống giáo đồng ý rằng giám mục của Rôma là “protos” – người đứng đầu trong các giáo trưởng, trước khi có sự phân tách giữa Đông và Tây.

“Việc đôi bên đối thoại lần đầu tiên có thể cùng nhau tuyên bố rằng Giáo Hội được xây dựng theo tính công nghị ở mọi cấp độ, do đó cũng ở cấp độ hoàn vũ, và Giáo Hội cần có một vị đứng đầu là điều quan trọng trong việc đối thoại giữa Công giáo và Chính Thống giáo.”

Đức Hồng Y Koch cho biết rằng, để bước đi này có thể sinh hoa kết quả trong tương lai, cần phải đào sâu mối quan hệ giữa tính công nghị và tính ưu việt.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ NCRegister.com)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN