Năm 2021 là năm tôn vinh Tình Phụ Tử của Thánh Giuse. Mặc dù Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu không cần sự chú ý, nhưng sự bảo vệ tích cực về tình phụ tử luôn hữu ích.
Tại nhiều quốc gia, ngày nay vai trò của người cha đang bị khủng hoảng. Về cơ bản, hậu quả là những đứa trẻ không cha là một tai họa xã hội. Tông thư Patris Corde – Với Trái Tim Người Cha, mà ĐTC Phanxicô ban hành để đánh dấu sự khởi đầu của Năm Thánh Giuse, là cách sùng kính nhưng nói ngắn gọn và rõ ràng về sự khủng hoảng làm cha.
ĐTC Phanxicô viết: “Những người cha không được sinh ra, mà được tạo ra. Một người đàn ông không trở thành một người cha chỉ đơn giản bằng cách đem một đứa trẻ vào thế giới, mà bằng cách nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ đó.” Và có điểm chính này: “Ngày nay trẻ em thường có vẻ mồ côi, thiếu vắng người cha.”
Tất nhiên có một số trẻ mồ côi đúng nghĩa, nhưng những đứa trẻ mồ côi mà đức giáo hoàng nói đến là số lượng càng ngày càng tăng về những đứa trẻ có cha, mặc dù còn sống và khỏe mạnh, nhưng không làm việc.
Những con số gợi ý về các chiều kích của vấn đề ở Hoa Kỳ. Tính đến năm 2019, có khoảng 16 triệu trẻ em Mỹ không có cha ở nhà – tỷ lệ 1/4. Mặc dù điều đó có thể xảy ra vì một số lý do, nhưng cho đến nay, lý do lớn nhất vẫn là sự đổ vỡ gia đình và sinh con ngoài giá thú.
Quốc gia này lần đầu tiên được cảnh báo về vấn đề đó vào năm 1965, khi Daniel Patrick Moynihan – lúc đó là phó bộ trưởng lao động và sau đó là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ – xuất bản tài liệu “The Negro Family: The Case for National Action” – còn gọi là Báo Cáo Moynihan, đã xem xét sự đổ vỡ gia đình ở những người Mỹ gốc Phi. Khi đó, tỷ lệ sinh con ngoài giá thú của người da đen là 25%, và hiện nay là 70%. Ngày nay vấn nạn đó cũng tăng vọt trong số những người Mỹ gốc Tây Ban Nha (52%) và người da trắng (hơn 28%).
Người Công giáo cũng không miễn trừ. Những năm trước đây, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng trường của tôn giáo mà hai cháu trai tôi theo học (ở một vùng ngoại ô khá giả) có một nhóm hỗ trợ cho trẻ em của các gia đình có cha/mẹ đơn thân. Tôi không biết có bao nhiêu trường có dịch vụ đó, nhưng chắc chắn nhu cầu không giảm.
Hệ lụy của tất cả những vấn đề này gây hại không chỉ cho cá nhân mà cho cả xã hội. Cách tai hại được nhà phê bình xã hội Mary Eberstadt gợi ý trong một bài luận đáng quan ngại trên tạp chí First Things. Trích dẫn dữ liệu khoa học xã hội, bà lập luận rằng một bộ ba chết chóc bao gồm mất niềm tin vào Thiên Chúa (Cha trên trời), lòng yêu nước giảm sút (lòng ái quốc) và tỷ lệ người cha mất tích ngày càng tăng đã tạo ra “sự khủng hoảng mối quan hệ cha con” và là mối đe dọa cho quốc gia.
Bà viết: “Cuộc sống không cha và lòng trung thành với đất nước không phải là các hiện tượng trung lập về xã hội, sự khôn ngoan tự do thông thường sẽ khiến họ trở nên như vậy, mà là nhiều người trẻ – đặc biệt là các thanh niên – bị tước đoạt những lý do để sống như những công dân có lý trí và hữu ích với hệ quả có thể thấy qua tình trạng bất ổn xã hội và bạo lực càng gia tăng.”
Một năm tôn vinh Tình Phụ Tử của Thánh Giuse sẽ không giải quyết được những vấn đề này, nhưng ít ra cũng có thể giúp tập trung sự chú ý vào họ. Chắc chắn chúng ta có thể cầu xin Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm được giải pháp hữu hiệu.
RUSSELL SHAW
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Lễ Thánh Giuse, 01-05-2021