Thánh Giuse là người lao động là điểm thứ sáu được Đức Thánh Cha đề cao. Khía cạnh này đã được Đức Lêô XIII nhấn mạnh khi ban hành Thông điệp xã hội đầu tiên, Rerum Novarum, nói về mối quan hệ của Thánh Giuse với công việc. Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuối sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình. Giuse nhắc nhở chúng ta rằng : chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không khinh thường công việc.
Quả thật, ngày nay kinh tế khó khăn, người cha đứng mũi chịu sào nơi đầu ngọn gió phải làm việc cực nhọc, kiếm từng miếng cơm manh áo cho gia đình, họ chỉ muốn gia đình được ấm no, hạnh phúc. Bởi họ là trụ cột, là điểm tựa của mọi người trong gia đình khi gặp khó khăn.
Khi nói Thánh Giuse là người thuộc tầng lớp lao động, Ngài đã gánh vác nặng nề sự thiếu thốn của bản thân và Thánh Gia Thất là vì Đức Thánh Cha thấy xã hội hôm nay vẫn còn nhiều người cha không chịu lao động, không làm hết trách nhiệm, không phát huy được vai trò quan trọng của mình. Một số người say xỉn về đánh đập vợ con khiến gia đình bất hòa, làm cho con cái tổn thương về mặt tình cảm. Một số thì không quan tâm tới gia đình, làm ảnh hưởng đến tình cảm của mọi người, nhất là trẻ em. Những người cha như thế sẽ làm gương xấu cho thế hệ mai sau, không giáo dục được con cái, khiến chúng học theo những điều xấu, trở thành người không có ích cho xã hội.
Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người “khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động” (x. Patris Corde, số 6), khi lao động, con người tham gia vào chính công trình cứu độ của Thiên Chúa, và phẩm giá con người được đề cao. Lao động là cơ hội cho các gia đình; không có việc làm các gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán. Với hình ảnh người người thợ mộc, Thánh Giuse như một khuôn mẫu vào thời điểm mà thế giới cũng như Giáo hội đang vật lộn với những thách thức do thời hiện đại đặt ra. Thánh Giuse hiện lên như một nhân chứng cho Giáo hội và thế giới hiện đại.
Con người lao động của Thánh Giuse ảnh hưởng mạnh lên con mình. Trước sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, người làng Nagiarét hỏi nhau: “Ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Chúa Giêsu đã bước vào lịch sử của chúng ta, sinh ra từ Ðức Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, nhưng sự hiện diện của thánh Giuse, người cha hợp pháp, giữ gìn Chúa và dậy cho Chúa lao động. Trong xưởng thợ Nagiarét, Chúa Giêsu đã chia sẻ với cha mình sự dấn thân, sự mệt nhọc, hài lòng và cả các khó khăn thường ngày nữa.
Thánh Giuse dạy Chúa Giêsu lao động như Công đồng Vatican II đã nêu trong Gaudium et Spes: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người. Sinh làm con Đức Trinh nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, 22,2).
Ðiều này nhắc nhở cho chúng ta biết phẩm giá và sự quan trọng của lao động. Sách Sáng Thế kể rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ, giao phó cho họ nhiệm vụ sinh sôi nẩy nở tràn đầy trái đất, khắc phục nó và trông nom nó với công việc của mình (x. St 1,28); 2,15).
Quả thật, lao động là một phần của chương trình tình yêu của Thiên Chúa; chúng ta được mời gọi vun trồng và giữ gìn tất cả các thiện ích của thụ tạo, và như thế tham dự vào công trình tạo dựng! Lao động là yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Lao động làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, là Ðấng đã làm việc và đang làm việc, là Ðấng luôn hành động (x. Ga 5,17). Lao động trao ban cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình, gia đình mình, góp phần vào việc phát triển quốc gia mình.
Chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse, con người lao động trợ giúp chúng ta.
Còn tiếp ….
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ