Vậy chấp nhận là gì ? Chấp nhận là tiếp nhận yêu cầu người khác. Chấp nhận còn có nghĩa là chấp nhận những gì xẩy ra không như ý mình, tức là biết đón nhận những điều không mong muốn ập tới mình, nên sinh ra chuyện có người làm vì phải làm, vừa làm vừa hậm hực.
Sự chấp nhận nơi Thánh Giuse lại khác, Ngài hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa trong tin yêu phó thác. Ngài chấp nhận ý Chúa, dù khó hiểu, vì Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và nhân lành, nên tất cả những việc Ngài làm đều thể hiện sự khôn ngoan và nhân lành của Thiên Chúa. Ngài luôn muốn mọi sự tốt đẹp cho con người. Thánh Giuse ý thức được ý Chúa luôn tốt hảo nên Ngài chấp nhận. Cụ thể như Ngài đang do dự, bán tín bán nghi, nhưng khi được báo mộng, Thánh Giuse lập tức làm như lời sứ thần Chúa truyền đón nhận Đức Maria về nhà, rồi sang Ai cập, sau đó trở về Israel, định cư tại Nagiarét, tỉnh dậy, Thánh Giuse vâng lời và chấp nhận làm theo, kết quả là Hài Nhi Giêsu và Đức Maria được bảo toàn theo ý Chúa.
Chấp nhận với lòng tôn trọng
Đón nhận thánh ý Chúa, và vì Chúa mà đón nhận mọi người trong mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến, không phải là một đón nhận miễn cưỡng. Nhưng đón nhận với tất cả tấm lòng, tình yêu và trân trọng.
Thánh Giuse đã chấp nhận Đức Maria một cách vô điều kiện. Đức Thánh Cha nhấn mạnh cử chỉ này khi viết : “Sự cao thượng của tâm hồn Thánh Giuse là ở chỗ những gì ngài học được từ lề luật thì ngài đã sống theo tình bác ái. Ngày nay, trong thế giới của chúng ta, nơi mà bạo lực tinh thần, ngôn từ và thân xác đối với phụ nữ đã quá rõ ràng, thì Thánh Giuse trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế. Mặc dù không hiểu rõ mọi chuyện, nhưng ngài vẫn quyết định bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ Maria. Khi ngài còn do dự không biết nên làm gì, Thiên Chúa đã soi sáng để giúp ngài quyết định (x. Patris Corde, số 4 ).
Chủ động chấp nhận
Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận… Chắc chắn Thánh Giuse không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can đảm và vững vàng…Thái độ của Thánh Giuse khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác như họ vốn có, không có ngoại lệ, và quan tâm đặc biệt đến những người yếu đuối, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu đuối (x. 1 Cr 1,27) (x. Patris Corde, số 4).
Chấp nhận vì đó là ý Chúa
Thánh Giuse đâu có bị buộc phải chấp nhận, Ngài chủ động với tất cả tấm lòng, tình yêu và trân trọng. Hay tin Maria mang thai, ý của Giuse là “định tâm lìa bỏ cách kính đáo”(Mt 1,19). Nhưng ý Chúa qua lời sứ thần truyền : “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng sợ đón Maria về nhà làm bạn mình!” (Mt 1,20). Thánh Giuse đã đón nhận không kêu ca phàn nàn. Chấp nhận không cần lý do, không cần giải thích, dù hạnh phúc hay khổ đau, vì ý Chúa là ý Ngài.
Thánh Augustinô nói, “ngay cả cái được gọi là sự dữ (etiam illud quod malum dicitur)”. Dường như chúng ta nghe vọng lại câu trả lời thật sâu sắc của ông Gióp với người vợ, bà đã xúi giục ông phản kháng vì những điều ác mà ông phải gánh chịu: “Chúng ta nhận được điều tốt từ tay Thiên Chúa, sao chúng ta lại không nhận điều bất hạnh?” (G 2,10). Theo góc nhìn rộng hơn này, đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố, dù vui hay buồn. Thánh Giuse không tìm kiếm những lối tắt, mà mở rộng đôi mắt để đối mặt với thực tế và nhận trách nhiệm cá nhân về điều ấy. Ngài chấp nhận tất cả thánh ý Chúa với trọn niềm tin (x. Patris Corde, số 4).
Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ luôn xuất hiện những điều khác biệt. Những khác biệt đó có thể đến từ con người, từ những hành động, lời nói, sự vật hiện tượng… nhưng điều quan trọng là con người đón nhận và chấp nhận nó như thế nào.
Chúng ta hãy xin Thánh Giuse ơn biết nhận ra ý Chúa, để noi gương Ngài đón nhận thánh ý Chúa trong mọi lúc. Chúa có cách làm của Chúa, chắc chắn Chúa luôn muốn điều tốt đẹp cho chúng ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ