Home / Chia Sẻ / THÁNH GIA TUYỆT HẢO   

THÁNH GIA TUYỆT HẢO   

 

                              

thanh giaCó một truyền thuyết khá thú vị về cuộc hôn nhân của Đức Mẹ Maria với Thánh Cả Giuse. Truyền thuyết kể, lúc đó thầy cả thượng phẩm đền thờ Giêrusalem đứng ra lo hôn sự cho Maria vì cha mẹ cô mất sớm. Maria là một thiếu nữ nết na, duyên dáng nên thầy cả cũng muốn kén chọn cho cô một người chồng xứng hợp. Ông truyền cho tất cả các thanh niên chưa lập gia đình thuộc miền Giuđêa phải tụ tập tới đền Giêrusalem để tiện việc kén chồng cho trinh nữ Maria.

Tuân lệnh thầy cả thượng phẩm, chàng thanh niên Giuse từ ngôi làng Nazareth nghèo nàn khăn gói lên đường. Tuy vậy, cũng như Maria, Giuse luôn thầm cầu xin Chúa cho mình được giữ trinh khiết trọn đời như xưa nay chàng vẫn khấn hứa. Khi các chàng trai tân tụ họp đông đủ tại đền thờ Giêrusalem, thầy cả tuyên bố lý do, giới thiệu thiếu nữ Maria và cho biết thể lệ cuộc thi kén chồng: sáng mai mọi người trở lại đền thờ và mỗi người cầm một cành cây khô. Sau khi cùng nhau cầu nguyện cành cây của chàng trai nào trổ hoa lá sẽ được chọn làm hôn phu của nàng Maria.

Sáng hôm sau đó, vâng lệnh thầy cả, các chàng trai trở lại đền thờ, tay mỗi người cầm một cành cây khô. Mọi người hợp ý cùng thầy cả thượng phẩm dâng lời nguyện xin. Bỗng nhiên cành cây khô của Giuse trổ hoa lá tươi đẹp dị thường. Mọi người sửng sốt trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa và hết lời chúc mừng chàng trai Giuse đã được chọn làm phu quân của trinh nữ Maria khả ái. Từ truyền thuyết này, các họa sỹ thường vẽ thánh Giuse một tay bế Chúa Giêsu một tay cầm cành hoa huệ.

Sau lễ Giáng Sinh tưng bừng kính nhớ ngày Chúa Giêsu xuống thế, suy tôn mầu nhiệm nhập thể, các tín hữu Công giáo toàn cầu kính lễ Thánh Gia vào ngày Chúa Nhật kế tiếp. Theo lịch sử, việc tôn kính Thánh gia trong giáo hội Công giáo khởi đầu vào thế kỷ 17 tại Canađa bởi Giám mục Chân phước Francois de Laval, người Canađa gốc Pháp. Việc tôn kính lan rộng nhanh chóng khắp toàn cầu. Thời kỳ này người ta nhận thấy các gia đình bị băng hoại, các giá trị thiêng liêng đỗ vở, nên nhiều tín hữu Công giáo tìm đến Thánh gia như một gương mẫu giúp họ sống đạo và sống ơn ích bí tích hôn phối. Năm 1921, khi ban hành việc mở rộng lễ Thánh gia cho toàn thể giáo hội Công giáo, Thánh Bộ Nghi Lễ Vatican công bố sắc lệnh với nội dung: “Việc mừng lễ Thánh Gia thất với một lễ phụng vụ là một điều rất thích hợp, giúp cho việc phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh gia. Ngoài ra nhờ việc cử hành này, chúng ta suy niệm và bắt chước các nhân đức của các thành viên thánh thiện trong gia đình Nazareth”.

Thánh gia hay Thánh gia thất bao gồm ba thành viên – xét theo phương diện đời, bao gồm: Thánh Giuse là gia trưởng, Mẹ Maria là hiền mẫu và Chúa Giêsu là quý tử. Xét theo phương diện siêu nhiên, bao gồm: Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và Thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu. Là gia đình thánh bởi có Chúa Giêsu hiện diện. Là gia đình thánh bởi luôn có ơn thánh và luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Mỗi vị tuyệt hảo trong vai trò và bổn phận của mình.

*Thánh Giuse-gia trưởng tận tụy trung thành

Được Thiên Chúa an bài làm cha nuôi của Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể và làm bạn đời của Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse thể hiện gương mẫu một người chồng, người cha tận tụy trung thành với vợ với con. Hình ảnh Giuse đêm đen dắt lừa cõng vợ tìm phòng trọ không được rồi đành lòng để vợ sinh nở nơi máng cỏ hang lừa cho thấy một người chồng cam phận chịu đựng sự thấp hèn. Rồi khi được sứ thần báo mộng bạo chúa Hêrôđê đang tìm giết Hài Nhi, Giuse vội vã thức giấc, đưa vợ con xuyên màn đêm vượt đường xa trốn sang nước Ai Cập và ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà. Tiếp theo hai lần được báo mộng, Giuse lại âm thầm tận tụy đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trở về nước Israel, tránh vua con Hêrôđê ở miền Giuđêa, đến cư ngụ ở thành Nazareth thuộc miền Galilêa. Đó là gương mẫu một người chồng, người cha can trường bất chấp gian nguy, quyết bảo vệ đùm bọc vợ con.

Giuse có cuộc sống âm thầm với nghề thợ mộc nhưng nêu bật hình ảnh một người lao động chân chính thật thà không phô trương tự phụ. Và trên hết, thánh Giuse đã thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa, làm tròn vai trò và bổn phận người cha nuôi của Ngôi Hai Nhập Thể.

*Đức Maria-hiền mẫu từ ái khiêm nhường

Những lời Mẹ Maria thốt ra “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền” sau khi được sứ thần truyền tin sẽ thụ thai và hạ sinh Đấng Cứu Thế cùng “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” khi đến thăm bà chị họ Isave bộc lộ rõ ràng nhân đức khiêm nhường của Mẹ Maria. Dù đã được an bài làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ vẫn một mực tự nhận mình là phận tôi tá, nữ tỳ hèn mọn.

Hình ảnh ròng rã mấy ngày đêm vượt đường núi xa xăm hiểm trở đi thăm bà chị họ Isave đang mang thai và ở lại giúp bà chị họ gần ba tháng cho thấy tấm lòng từ ái thương người của Mẹ Maria. Nhân đức từ ái của Mẹ thể hiện nhạy cảm trong một lần cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đi dự tiệc cưới tại Cana miền Galilêa. Khi thấy đám tiệc hết rượu, Mẹ đã không ngần ngại nhờ Chúa Giêsu can dự làm phép lạ hóa nước thành rượu.

Làm Mẹ Chúa Cứu Thế, hơn ai hết Mẹ Maria đã đi trọn con đường đồng cam cộng khổ cùng con mình trong cuộc sống. Và cuối cùng đứng chết lặng, con tim nát tan nhìn con mình đớn đau chết dần trên cây thập tự trong một buổi chiều tà.

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố ngày 7/10/2016 ấn định chủ đề cho năm Mục Vụ Gia Đình 2017 là: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” và thư định hướng Mục Vụ năm 2018 đã được Hội Đồng Giam Mục Việt Nam đúc kết vào ngày 09 tháng 11 năm 2017 mới đây có chủ đề “Đồng hành cùng các gia đình trẻ.” Trong xã hội ngày nay với bao biến chuyển và trạng thái đang làm suy đồi các giá trị đạo đức luân lý, gây xói mòn đức tin Kitô giáo nơi các bạn trẻ, thiết nghĩ không gì bằng tìm cách giúp họ thấu hiểu, cảm nghiệm và tập tành noi gương các thành viên trong Thánh gia với hai gương mẫu tuyệt hảo là Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.

Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa.

 

 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …