Home / Chia Sẻ /  THÁNH GIÁ

 THÁNH GIÁ

Thánh GiáThánh Giá là gì?

 

Tôi nhìn thấy thánh giá mỗi ngày.  Tôi nghe nói về thánh giá rất thường.  Thánh giá trên tháp chuông.  Thánh giá trên bàn thờ.  Thánh giá bán trong tiệm.  Thánh giá ngoài nghĩa trang.  Thánh giá trên tường đá.  Thánh giá trong nghệ thuật.  Thánh giá trong thi ca.  Thánh giá ở khắp nơi.  Nhưng thánh giá là gì?  Ðể tìm câu trả lời không phải là vấn đề đơn giản.  Có nhiều ýnghĩ khác nhau về thánh giá.  Tùy theo mỗi người mà thánh giá có giá trị khác biệt.

*

* *

Thánh giá bằng vàng thì giá trị hơn bằng gỗ.  Thánh giá vàng cũng tùy theo to nhỏ mà giá đắt hay rẻ.  Người mua trả giá để được bớt.  Người bán thì lại mong giá cao.  Người có tiền thì mua thánh giá vàng tốt.  Kẻ ít tiền thì mua vàng dở.  Họ lừa nhau, không cẩn thận thì mua phải thánh giá vàng giả.  Ai cũng muốn thánh giá vàng.  Họ vất vả, đam mê kiếm tiền để tích trữ loại thánh giá này.  Khi mất thì đau khổ tiếc xót.  Thánh giá là đơn vị kinh tế để ấn định tiền bạc.  Thánh giá xác định sự giàu có.

*

* *

Thánh giá cũng được dùng để trang điểm.  Họ đeo từng chùm thánh giá trên vành tai, bên mái tóc nhuộm xanh, đỏ.  Người thích thì không sao, người không ưa thì lúc đó kẻ đeo thánh giá bị khinh bỉ.  Có người thích trang điểm bằng thánh giá trên giây chuyền vàng.  Họ đeo thánh giá ở dạ hội, ở tiệc cưới, ở các buổi tiếp tân.  Lúc đó, ý nghĩa của thánh giá để kéo kẻ khác chú ý đến mình.  Và cũng có những thánh giá trên vùng ngực hở hang.  Lúc ấy, thánh giá nằm trong duyên cớ của những rung cảm cám dỗ.  Người có thánh giá để trang điểm thì hãnh diện.  Kẻ không có thì thèm muốn.  Thánh giá lúc này là xúi đẩy của lòng tham.

*

* *

Thánh giá ở ngoài nghĩa trang thì vắng lặng, ít ai nhìn.  Thánh giá bị mưa lạnh, bị nắng gay gắt.  Thánh giá vàng thì được săn sóc, giữ gìn cẩn thận.  Thánh giá ở ngoài nghĩa trang có thể gẫy đổ từ lâu nhưng chẳng ai để ý.  Nhưng nếu Chúa ở trên thánh giá đó thì được tự do ngắm mây trời.  Có cái hoang lạnh của buổi chiều mưa phùn, nhưng cũng có thể có tiếng hót của một cánh chim nào đó dừng chân hát vui.  Có thể là sương rơi, là gió bão, nhưng Chúa không ngột ngạt vì hương phấn như những thánh giá vàng trên ngực, trên cổ của con người.  Thánh giá ngoài nghĩa trang thì không được săn sóc, nhưng Chúa có tự do để thảnh thơi nhìn hoa nở, nhìn nắng bay.  Thánh giá trên giây chuyền để trang điểm thì Chúa bị người ta nhìn, và nhiều khi nhìn bằng những ánh mắt thiếu trong sạch.

*

* *

Cũng có nơi thánh giá được dùng để xuống đường.  Họ vác thánh giá không phải để lên đồi chịu đóng đinh, nhưng để đi biểu tình và đóng đinh kẻ khác.  Thánh giá với khẩu hiệu.  Thánh giá với những bàn tay nắm chặt hận thù.  Thánh giá đằng trước mũi súng.  Thánh giá để đánh nhau.  Thánh giá bây giờ là phương tiện tranh đấu.  Nếu Chúa nằm trên thánh giá đó chắc Chúa sợ lắm.  Suốt cuộc đời, Ngài chỉ dậy các môn đệ của Ngài cách chết chứ chẳng bao giờ dậy cách chiến đấu.

 

Các nhà lãnh tụ thì dậy kẻ theo họ chiến thuật tranh giành ảnh hưởng.  Họ phải biết làm sao để áp đặt kẻ thù.  Họ phải học cách tiêu diệt đối phương.  Thày Giêsu chỉ dậy môn sinh của mình phải chuẩn bị chết (Mt 21,12-13).  Vì thế, khi thánh giá bị vác xuống đường biểu tình, chắc hẳn Chúa phải luống cuống lắm vì Ngài nào có biết gì.

*

* *

Có thánh giá trên lầu chuông gỗ, có thánh giá trong bảo tàng viện.  Thánh giá trên lầu chuông thì có khi phủ bụi mờ, mạng nhện che kín.  Thánh giá không có người săn sóc, nhưng chiều chiều có tiếng chuông phổ nhạc.  Sáng sáng có lời chuông đưa kinh.  Con người bỏ Chúa phủ bụi nhưng có đàn bồ câu bay về, đậu xuống chuyện trò.  Thánh giá trong bảo tàng viện là thánh giá qúy.  Họ canh giữ cẩn thận.  Nhưng khi được con người canh giữ cẩn thận thì Chúa trên thánh giá đó có nhiều lo âu.  Người ta rình mò ăn cắp.  Thánh giá bị đặt trong lồng kính.  Nếu Chúa ở đó chắc ngột ngạt vì bị giam hãm.  Ngày ngày, hàng ngàn con mắt đi qua dòm ngó.  Nếu Chúa ở đó chắc Chúa bối rối lắm.  Chúa trên thánh giá gỗ xấu xí thì lại được tự do.  Chúa trên thánh giá mà được loài người giữ gìn quý hóa lại là một cõi tù đầy.

*

* *

Người Kitô hữu nhận thánh giá để phân biệt mình khỏi tôn giáo khác.  Giữa những người Kitô hữu, tu sĩ lại đeo thánh giá để phân biệt họ không là giáo dân.  Giữa tu sĩ, thánh giá cũng được để phân biệt trên nhẫn bạc, trên gậy cầm để nói ai là thầy thượng phẩm chức vị, ai là tu sĩ thường.  Như vậy, thánh giá cũng được dùng để là dấu hiệu phân biệt.  Những ngày còn sống, Chúa lao tác mệt nhọc, nhưng không phải để xây đền thờ.  Chúa vất vả đi mòn lối trên bụi đường Galilêa nhưng không phải để may cờ, dán bích chương hầu loan báo một tôn giáo mới.  Chúa xây dựng Nước Thiên Chúa trong tim con người.  “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các con là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng thương mến lẫn nhau” (Yoan 13,35).  Tình yêu vô hình, không nhìn thấy thì Chúa lại bảo lấy làm dấu hiệu cho người ta nhìn.  Còn thánh giá hữu hình, ai cũng nhìn được thì Chúa lại chẳng chọn làm dấu hiệu.

 

Trên đường từ Jerusalem lên núi sọ có rất nhiều người nhìn Chúa vác thánh giá.  Có nhiều kẻ đã được thừa hưởng ân huệ của Ngài, được Ngài chữa bệnh, được Ngài nuôi ăn nhưng họ không vác thánh giá đỡ Ngài.  Không một môn đệ nào ghé vai gánh cho Thầy mình đỡ mỏi.  Chúa đã nhiều lần qụy ngã vì yếu sức.  Kẻ vác thánh giá đỡ Ngài là Simon, người xứ Kyrene (Lc 23,26).  Phúc Âm không hề nói là ông Simon đã được thừa hưởng đặc ân gì của Chúa cả.  Và có thể ông ta là một người ngoại giáo.  Ðời là vậy, có nhiều kẻ theo Chúa nhưng để Chúa vác thánh giá một mình.  Có kẻ trên danh nghĩa không là người theo Chúa nhưng lại nhờ họ mà Chúa đỡ khổ.

*

* *

Thánh giá là gì?

Có quá nhiều loại thánh giá:

– Thánh giá để trang điểm.  Ðiều đó đúng.

– Thánh giá là đơn vị kinh tế tính bằng tiền bạc.  Ðiều đó đúng.

– Thánh giá là phương tiện tranh đấu.

– Thánh giá có thể làm duyên cớ cho lòng thèm muốn tham lam.

– Thánh giá có thể để lôi cuốn, quyến rũ người khác.

– Thánh giá có thể bị quên lãng ngoài cánh đồng.

– Thánh giá cũng được gìn giữ cẩn thận trong tủ sắt khóa kín.

– Thánh giá để phân biệt chức vị trong xã hội.

 

Một câu hỏi mà có quá nhiều câu trả lời đúng thì câu trả lời thường là sai.  Vì câu trả lời đúng nhất chỉ có một.  Không bao giờ có hai cái đẹp nhất cũng như chẳng bao giờ có hai điều đúng nhất.

 

Người ta không thể tranh luận về thánh giá.  Kẻ dùng thánh giá làm phương tiện tranh đấu thì không thể chấp nhận thánh giá là để đóng đinh mình.  Kẻ muốn lấy thánh giá để làm dáng thì đối với họ thánh giá chỉ có nghĩa khi dùng để trang điểm.  Ai chọn thánh giá để phân biệt mình với kẻ khác tôn giáo thì thánh giá mang mầu sắc một ký hiệu.  Mỗi người nhìn thánh giá một cách khác nhau.  Giá trị của thánh giá tùy thuộc cái nhìn của họ.

*

* *

Ðức Kitô nói về thánh giá như sau: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá của mình mỗi ngày mà theo Ta” (Lc 9,23).  Vác thánh giá để đi theo một người chứ không phải để thỏa mãn tò mò về một người.  Như thế thánh giá không phải là một định nghĩa để hiểu biết bằng trí tuệ mà phải hiểu bằng lối sống.  Bởi đó, kẻ không theo Ngài thì sự hiểu biết tri thức về thánh giá chẳng có ý nghĩa gì.  Kẻ đã theo Ngài thì không cần tìm định nghĩa cho thánh giá.  Vì đã theo Ngài thì biết thánh giá là gì rồi.  “Về phần tôi, ước chi tôi đừng có vinh quang nơi một điều gì, trừ phi nơi thập giá của Chúa chúng ta” (Gal 6,14).

 

Tôi nói với người ta về thánh giá.  Tôi cũng nghe kẻ khác nói với tôi về thánh giá.  Tôi nhìn thánh giá mỗi ngày mà tôi đâu thấy vinh quang.  Cuộc sống vẫn đầy rẫy trầm luân của nó.  Như vậy thánh giá nào mới cho tôi hy vọng?

 

Giữa bao nhiêu lọai thập giá, thánh Phaolô chọn có một.  Ðó là thập giá của Chúa chúng ta.

 

Như thế, không phải thập giá nào cũng có vinh quang.  Ðiều ấy cũng hàm ý là có nhiều thánh giá giả.  Nếu phân biệt được thánh giá thật giữa thánh giá giả thì người ta sẽ hiểu được vấn đề sau đây.

Vấn đề là người ta phàn nàn về thánh giá.  Khi gặp điều bất hạnh, người ta hay nói: Ðời tôi khổ quá! Chúa gửi thánh giá cho tôi!

 

Phúc Âm kể rằng Chúa bị điệu ra công trường, bị nhổ vào mặt, bị xỉ nhục, bị tát, bị đội vòng gai, bị cười.  Người ta làm thập giá, bắt Ngài vác đi rồi đóng đinh Ngài trên thập giá đó (Mc 15,16-20; Mt 27,27-31; Yn 19,1-3).  Như thế, thập giá trong ý nghĩa bất hạnh là sản phẩm của con người.  Con người đã có sáng kiến chế ra thập giá để đóng đinh Chúa.  Nếu thập giá là sản phẩm của con người thì phải nói con người đã gởi thập giá cho Chúa, chứ Chúa làm gì có thập giá mà gởi cho con người?

 

LM Nguyễn Tầm Thường S.J

trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”)

Xem thêm

Thu4T2TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần II Thường Niên, Năm Lẻ, của Lm Minh Anh

CỨNG HƠN THÉP “Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbat không, để …