Home / Chia Sẻ / THÁNH DANH MẸ THIÊN CHÚA

THÁNH DANH MẸ THIÊN CHÚA

THÁNH DANH MẸ THIÊN CHÚA [1]Để hiểu được Thánh Danh “Mẹ Thiên Chúa”, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ vai trò của Đức Maria là Mẹ của Đấng Cứu Độ, Chúa Giêsu Kitô. Là người Công giáo, chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa nhập thể làm người: Đức Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần (Lc 1:26-38 và Mt 1:18-25).

  1. CÁCH THIÊN CHÚA Ở GIỮA CHÚNG TA

Qua Đức Mẹ, Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa, đồng bản thể với Thiên Chúa Cha, và là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật – đã đến thế gian và mặc xác phàm. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và Con Người thật. Trong Ngôi Vị Thiên Chúa của Ngài có cả thần tính và nhân tính. Đức Maria không tạo nên Ngôi Vị Thiên Chúa của Chúa Giêsu, Đấng hiện hữu đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, Đấng mà Đức Mẹ mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần chính là Người Con của Mẹ theo nhục thể, Đấng đó cũng chính là Chúa Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội tuyên xưng rằng Đức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa – Theotókos” (GLCG, số 495).

Thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14).

Vì thế, trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, Đức Mẹ đã được tôn vinh với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Chrysostom (qua đời năm 407) đã soạn Kinh Nguyện Thánh Thể cho Thánh Lễ tôn kính Đức Mẹ: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Đấng thánh và thuần khiết. Chúng con tán dương Mẹ đáng kính trọng hơn thiên thần Cherubim và vinh dự hơn thiên thần Seraphim. Mẹ đã sinh Ngôi Lời Thiên Chúa mà vẫn đồng trinh. Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa”.

  1. MẦU NHIỆM SÂU THẲM

Tuy nhiên, sự đối lập với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” nổi lên hồi thế kỷ V vì có sự hiểu sai về mầu nhiệm Nhập Thể. Nestorius, giám mục thành Constantinople (428-431), đã gợi lên sự tranh luận dữ dội. GM Nestorius nói rằng Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, một con người bình thường. Con người bình thường này kết hợp với Ngôi Lời của Thiên Chúa (Chúa Giêsu). Sự kết hợp của hai con người này – Đức Kitô và Ngôi Lời – là “cao siêu và duy nhất” (sublime and unique) nhưng chỉ ngẫu nhiên (merely accidental). Thiên Chúa ở trong một con người “như ở trong một ngôi đền” (as in a temple). Theo cách lý luận như vậy, GM Nestorius quả quyết rằng Con Người Giêsu chết trên Thập Giá, chứ không phải là Thiên Chúa Giêsu. Như vậy, Đức Maria không là “Mẹ của Thiên Chúa”, mà chỉ là “Mẹ của Đức Kitô” – Con Người Giêsu. Có lầm lẫn không? Có, nhưng đó là tách Đức Kitô thành hai con người và từ chối sự nhập thể.

Thánh Cyril, giám mục thành Alexandria (qua đời năm 440), đã bác bẻ GM Nestorius và xác định: “Đó không là một Con Người bình thường do Trinh Nữ Maria sinh ra, Ngôi Lời đã ngự xuống trên Con Người đó; và đó là cách kết hợp với nhục thể trong cung lòng Đức Mẹ, chính Ngôi Lời hóa thành nhục thể…”. Câu này xác định niềm tin đã xác nhận trong đoạn thứ nhất – Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa.

Ngày 22 tháng 6 năm 431, Công Đồng Êphêsô nhóm họp để ổn định tranh luận này. Công Đồng này tuyên bố: “Nếu ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật và Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa (Theotókos), vì Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu theo nhục thể, thì bị vạ tuyệt thông”. Do đó, Công Đồng chính thức công nhận rằng Chúa Giêsu là một Ngôi Vị Thiên Chúa, với hai bản tính – thần tính và nhân tính – trong sự kết hợp thực sự. Công Đồng Êphêsô đã xác định rằng Đức Mẹ phải được tôn xưng là Mẹ Thiên Chúa: Đức Mẹ không là Mẹ của Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần, mà Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Con – Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật từ đời đời, Đấng đã đến thế gian này làm người thật. Công Đồng Êphêsô tuyên bố GM Nestorius là người theo tà thuyết, và hoàng đế Theodosius ra lệnh truất phế ông và bắt ông đi đày. (Ngày nay một Giáo Hội nhỏ theo thuyết của Nestorius vẫn tồn tại ở Iraq, Iran và Syria).

Mầu nhiệm Nhập Thể thực sự là một mầu nhiệm sâu thẳm. Giáo Hội sử dụng từ ngữ rất chính xác để tránh hiểu lầm và sai lạc. Vì chúng ta chỉ cử hành trọng thể lễ Giáng Sinh và lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta vẫn phải tiếp tục suy nghĩ về mầu nhiệm cao cả này, về cách mà Đấng Cứu Độ đến thế gian, mặc xác phàm làm người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta cũng phải suy nghĩ và noi theo tấm gương sáng ngời của Đức Mẹ qua câu nói xác nhận của Đức Mẹ với Sứ thần Gabriel: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).

  1. MẸ THEO Ý NGHĨA TRỌN VẸN NHẤT

THÁNH DANH MẸ THIÊN CHÚA [2]Chúng ta đừng quên rằng Đức Maria thực sự là Mẹ: Đức Mẹ không chỉ là phương tiện về thể lý để Ngôi Lời đến thế gian, mà Đức Mẹ còn là Người Mẹ theo nghĩa trọn vẹn nhất. Là Người Mẹ, Đức Maria luôn mong muốn giới thiệu Con Yêu Dấu với người khác, và hướng dẫn người khác đến với Người Con ấy. Phúc Âm cho biết rằng Đức Mẹ đã giới thiệu Chúa Giêsu với các mục đồng, các đạo sĩ, ông Simeon, bà Anna, và các thực khách tại tiệc cưới Cana. Đức Mẹ cũng muốn làm như vậy với chúng ta. Khi Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, đứng bên cạnh là Đức Mẹ và môn đệ Gioan. Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ: “Thưa bà, đây là con bà”. Người Con đã giao phó Người Mẹ cho môn đệ Gioan chăm sóc; và Ngài nói với Thánh Gioan: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19:26-27). Theo truyền thống, chúng ta luôn hiểu rằng đó là Chúa Giêsu trao tặng Đức Mẹ – Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của mỗi chúng ta.

Niềm tin này có trong sứ điệp của Đức Mẹ Guadalupe, khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Juan Diego năm 1531. Ngày 9 tháng 12, Đức Mẹ nói: “Ít ra cũng hãy chắc chắn rằng Mẹ là Người Nữ hoàn hảo và trọn đời đồng trinh, là Mẹ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật, nhờ Ngài mà mọi vật được sống, Chúa của mọi thụ tạo, Chúa của trời đất. Mẹ rất ước muốn có một đền thờ được xây dựng ở đây để tôn kính Mẹ. Mẹ sẽ chứng tỏ và trao ban tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự cứu giúp và sự che chở cho mọi người. Mẹ là Mẹ thương xót, Mẹ thương xót của các con, những người sống kết hiệp trên đất này, và của cả nhân loại, của những ai yêu mến Mẹ, của những ai kêu xin Mẹ, của những ai tìm kiếm Mẹ, và của những ai tin tưởng vào Mẹ. Mẹ sẽ nghe tiếng khóc than của họ, nỗi u sầu của họ, Mẹ sẽ cứu chữa và giảm bớt mọi nỗi đau khổ, sự khó khăn và sự rủi ro”.

Ngày 12 tháng 12, Đức Mẹ nói: “Hỡi con bé nhỏ, hãy nghe và ghi khắc vào lòng điều này: Đừng để bất cứ thứ gì làm cho con thối chí và nản lòng. Đừng để điều gì biến đổi tâm hồn con. Con cũng đừng sợ bệnh tật, sự phiền toái, sự lo lắng hoặc đau khổ. Mẹ của con không ở đây sao? Con không được Mẹ che chở sao? Mẹ không là mạch sống của con sao? Con không ở dưới tà áo Mẹ sao? Con còn cần điều gì khác nữa?”. Sứ điệp này nhấn mạnh vai trò của Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta.

Trong thời điểm khởi đầu năm mới, chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của Đức Mẹ và cậy nhờ Mẹ nguyện giúp cầu thay. Chúng ta cùng nhau hướng về Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta và tha thiết cầu xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử – Amen”.

LM WILLIAM SAUNDERS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Chào Tân Niên Kỷ Hợi – 2019

MẸ THIÊN CHÚA: https://youtu.be/MyErJsMzs8w

Xem thêm

3-11-2024 3-27-45 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần XXXI Mùa Thường Niên 04/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN