Thánh Bonaventure được sinh ra vào khoảng năm 1217, ngài đã qua đời vào năm 1274; ngài đã sống ở thế kỷ 13, một thời đại đức tin Kitô giáo, sâu xa thấm nhiễm vào văn hóa và xã hội Âu Châu, đã gợi hứng thực hiện những tác phẩm bất hủ trong lãnh vực về văn chương, nghệ thuật về thị giác, triết lý và thần học. Nổi nang trong số những nhân vật Kitô giáo lớn lao cao cả, thành phần đã góp phần vào việc sáng chế ra mối hòa hợp này giữa đức tin và văn hóa, chính là Thánh Bonaventura, một con người của hoạt động và chiêm niệm, của lòng đạo đức sâu xa và của đức khôn ngoan quản trị.
Ngài được gọi là Gioan thành Fidanza. Một biến cố bất ngờ đã xẩy ra khi ngài còn là một đứa con trai đã sâu xa ghi dấu vết cuộc đời của ngài, như chính ngài thuật lại. Ngài đã bị nhiễm một cơn bệnh trầm trọng, đến nỗi ngay cả cha ngài là một vị bác sĩ cũng không hy vọng cứu được ngài khỏi chết. Mẹ của ngài bấy giờ xin Thánh Phanxicô Assisi là vị được phong thánh trước đó ít lâu chuyển cầu. Và cậu bé Gioan đã được chữa lành. Hình ảnh Người Nghèo Thành Assisi càng trở nên thân thương hơn một năm sau đó, khi ngài ở Paris, nơi ngài đến lo chuyện học vấn của ngài. Ngài đã lấy được văn bằng Cao Học về Nghệ Thuật, một bằng cấp chúng ta có thể so sánh với cấp bằng của một trường có thế giá hạng nhì trong thời đại chúng ta. Vào lúc ấy, như nhiều bạn trẻ trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Gioan đã hỏi mình một câu hỏi quan trọng: “Tôi phải làm gì cho đời sống của tôi?” Được thu hút bởi chứng từ về lòng sốt sắng và tính chất sâu xa về Phúc Âm của Dòng Em Hèn Mọn, những thày dòng đã đến Balê vào năm 1219. Gioan đã gõ cửa đan viện Phanxicô của thành phố này, và xin được chấp nhận vào đại gia đình của thành phần môn đệ của Thánh Phanxicô.
Nhiều năm sau, ngài đã cắt nghĩa cho biết những lý do về việc chọn lựa này của ngài: Ngài đã nhận thấy hoạt động của Chúa Kitô nơi Thánh Phanxicô cũng như nơi phong trào do thánh nhân khởi xướng. Ngài đã viết như thế trong một bức thư ngỏ cùng một thày dòng khác: “Tôi tuyên xưng trước mặt Chúa lý do khiến tôi yêu chuộng hơn đời sống của Chân Phước Phanxicô đó là đời sống này giống như nguồn gốc và sự phát triển của Giáo Hội. Giáo Hội bắt dầu với những con người đánh cá bình dân, và đã trở nên phong phú hơn lập tức với những vị tiến sĩ rất thông giỏi và khôn ngoan; tôn giáo của Chân Phước Phanxicô không được thiết lập bởi sự khôn ngoan của con người, mà là bởi Chúa Kitô” (Epistula de tribus quaestionibus ad magistrum innominatum, in Opere di San Bonaventura. Intoduzione generale, Rome, 1990, p. 29).
Bởi thế, vào khỏang năm 1243, Gioan đã được mặc áo dòng Phanxicô bằng len thô sơ và lấy tên là Bonaventura. Ngài liền được lệnh học hành và lui tới với phân khoa thần học ở Đại Học Paris, theo đuổi một chương trình bao gồm các môn học rất khó. Ngài đã chiếm được các tước hiệu khác nhau cần có theo nghề hàn lâm, những tước hiệu “cử nhân thánh kinh” và “bachelor’s in sentences.” Bởi thế, Thánh Bonaventura đã học hỏi sâu xa về Thánh Kinh, các Câu Nói của Peter Lombard, cuốn cẩm nang về thần học thời bấy giờ, và những tác giả quan trọng nhất về thần học, và trong việc giao tiếp với các vị giáo sư và sinh viên đến Paris từ khắp Âu Châu, ngài đã trưởng thành tâm tưởng của ngài và cảm quan thiêng liêng rất sáng giá là những gì trong giòng thời gian của những năm sau đó, đã cho thấy nơi các tác phẩm và bài giảng của ngài, làm cho ngài trở thành một trong những thần học gia quan trọng nhất của lịch sử Giáo Hội. Cần phải nhắc lại danh xưng của luận án the licentia ubique docendi, như bấy giờ gọi như thế, được ngài biện hộ để có thể hợp lệ giảng dạy khoa thần học. Luận án của ngài mang tên “Những Vấn Đề về Kiến Thức của Chúa Kitô.” Lập luận này cho thấy vai trò chính yếu của Chúa Kitô bao giờ cũng được thấy nơi đời sống và việc giảng dạy của Thánh Bonaventura. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng tất cả tư tưởng của ngài đều sâu xa qui về Chúa Kitô nhân trung.
Trong những năm ở Paris đã xẩy ra một cuộc tranh luận dữ dội chống lại Anh Em Hèn Mọn Dòng Thánh Phanxicô Assisi và Anh Em Thuyết Giảng Dòng Thánh Đaminh Guzmán. Cuộc tranh cãi về quyền giảng dạy của các thày dòng này ở đại học và những ngờ vực thậm chí liên quan tới tính chất chân thực nơi đời sống tận hiến của các vị. Thật sự thì những thay đổi mang lại bởi các Dòng Hành Khất này nơi đường lối hiểu biết đời sống tu trì rất ư là mới mẻ tới độ không phải hết mọi người đều hiểu được họ. Ngoài ra, như đôi khi xẩy ra nơi những con người tu trì thành tín, là những động lực xuất phát từ tình trạng yếu đuối của con người, chẳng hạn như thèm muốn và ghen tương. Thánh Bonaventura, mặc dù bị bủa vây bởi sự chống đối từ thành phần giáo sư đại học, đã bắt đầu giảng dạy với tư cách là khoa trưởng thần học của các thày Dòng Phanxcicô, và để đáp lại những ai đang phê bình chỉ trích các Hội Dòng Hành Khất, ngài đã viết một bản văn tựa đề là “Sự Trọn Lành Phúc Âm.” Trong bản viết này, ngài cho thấy làm thế nào các Dòng Tu Hành Khất, nhất là Dòng Anh Em Hèn Mọn, khi thực hành các lời khấn khó nghèo, thanh tịnh và vâng phục, là theo đuổi các lời khuyên của chính Phúc Âm. Ngoài những trường hợp lịch sử ấy, việc giảng dạy của Thánh Bonaventura nơi tác phẩm này của ngài cũng như trong đời sống của ngài bao giờ cũng là những gì hợp thời: Giáo Hội trở thành rạng ngời và tuyệt vời nhờ lòng trung thành với ơn gọi nơi những con người nam nữ của Giáo Hội là thành phần chẳng những mang ra thực hành các chỉ thị của phúc âm, mà còn là thành phần, nhờ ơn Chúa, được kêu gọi để tuân giữ lời khuyên nữa, nhờ đó làm chứng, qua lối sống nghèo nàn, thanh tịnh và tuân phục của mình, rằng Phúc Âm là nguồn vui và trọn lành.
Cuộc xung khắc này chìm xuống, ít là qua một thời gian, và, nhờ việc can thiệp riêng của Đức Giáo Hoàng Alexander IV, vào năm 1257, Thánh Bonaventura đã được chính thức công nhận là tiến sĩ và là giáo sư của Đại Học Paris. Cho dù là thế, ngài đã từ nhiệm vị thế vinh dự này, vì cùng năm ấy, Đại Công Nghị của dòng ngài đã tuyển bầu ngài làm bề trên tổng quyền.
Ngài đã thi hành công việc này 17 năm trời một cách khôn ngoan và tận tâm, thăm viếng các tỉnh dòng, viết thư cho an hem dòng, có những lúc nghiêm nghị can thiệp vào việc loại trừ những thứ lạm dụng. Khi Thánh Banaventura bắt đầu phục vụ thì Dòng Anh Em Hèn Mọn đã phát triển một cách phi thường: Bấy giờ đã có 30 ngàn tu sĩ trải rộng khắp phía Tây, với sự hiện diện truyền giáo ở Bắc Phi, Trung Đông và cả Bắc Kinh. Cần củng cố việc lan rộng này và nhất là cống hiến cho nó mối hiệp nhất về hoạt động và tinh thần, hoàn toàn trung thành với đặc sủng của Thánh Phanxicô. Thật vậy, trong số thành phần môn đệ của Vị Thánh thành Assisi này có những hình thức khác nhau nơi việc dẫn giải sứ điệp của thánh nhân và thực sự có nguy cơ xẩy ra tình trạng phân ly nội bộ. Để tránh mối nguy hiểm này, vào năm 1260, Đại Công Nghị của nhà dòng ở Narbonne đã chấp nhận và phê chuẩn một bản văn do Thánh Bonaventura soạn thảo, một bản văn thống nhất các qui tắc chi phối đời sống hằng ngày của Anh Em Dòng Hèn Mọn. Tuy nhiên, Thánh Bonaventura đã trực giác thấy rằng những bố trí về pháp lý, mặc dù được tác động một cách khôn ngoan và dung hợp, cũng không đủ để bảo đảm mối hiệp thông về tinh thần và tâm can. Cần phải chia sẻ cùng lý tưởng và cùng động lực sống. Đó là lý do vị bề trên Bonaventura muốn trình bày đặc sủng chân thực của Thánh Phanxicô, đời sống của thánh nhân và giáo huấn của thánh nhân. Bởi vậy ngài đã hết sức nhiệt thành thu góp các văn kiện liên quan đến Con Người Nghèo này và chăm chú lắng nghe những hồi niệm của những ai trực tiếp biết thánh Phanxicô. Từ đó mới có được một tiểu sử, theo lịch sử rất vững vàng, về Vị Thánh Assisi, với nhan đề là Legenda Maior, cũng được viết một cách rất cô đọng xúc tích và bởi thế được gọi là Truyền Thuyết – Legend. Chữ Latinh, ngược lại với Ý ngữ, (và Anh ngữ, legend), không có nghĩa là hoa trái của việc tưởng tượng, trái lại, Legenda nghĩa là một bản văn có thế giá, “được đọc” một cách chính thức. Thật vậy, Đại Công Nghị của Dòng Anh Em Hèn Mọn năm 1263, diễn ra ở Pisa, đã công nhận nơi cuốn tiểu sử do Thánh Bonaventura thực hiện là chân dung trung thực nhất về vị sáng lập và vì thế cuốn này trở nên cuốn tiểu sứ chính thức của vị thánh sáng lập dòng.
Hình ảnh về Thánh Phanxicô ra sao khi được xuất phát từ con tim và ngòi bút của người con và là thừa kế viên Bonaventura của mình? Điểm thiết yếu: Thánh Phanxicô là một Chúa Kitô khác, một con người say mê tìm kiếm Chúa Kitô. Theo tình yêu thúc đẩy việc noi gương bắt chước, thánh nhân hoàn toàn nên giống Người. Thánh Bonaventura vạch ra lý tưởng sống này cho tất cả mọi thành phần môn đệ của Thánh Phanxicô. Lý tưởng này, có giá trị cho hết mọi Kitô hữu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, cũng được ấn định như là một chương trình cho Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba bởi vị tiền nhiệm của tôi là Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II. Chương trình này, ngài viết trong tông thư “Tertio Millennio Ineunte,” được qui về “Chính Chúa Kitô, Đấng cần phải được nhận biết, yêu mến và bắt chước để sống trong Người sự sống Ba Ngôi, và với Người, biến đổi lịch sử cho tới tầm vóc viên trọn của nó trong Giêrusalem thiên đình” (số 29).
Vào năm 1273, đời sống của Thánh Bonaventura lại xẩy ra một đổi thay. Đức Giáo Hoàng Gregory X muốn tấn phong ngài làm giám mục và tuyển ngài làm hồng y. Vị Giáo Hoàng này cũng yêu cầu ngài sửa soạn cho một biến cố rất quan trọng của giáo hội, đó là Công Đồng Chung Lyon Lần Thứ Hai, một công đồng nhắm mục tiêu tái thiết lập mối hiệp thông giữa Giáo Hội Latinh và Giáo Hội Hy Lạp. Ngài đã dấn thân cho công việc này một cách chuyên cần, thế nhưng ngài đã không thấy được lúc kết thúc của cuộc thượng nghị về đại kết này, vì ngài chết trong khi công đồng đang diễn tiến. Một công chứng viên vô danh của giáo hoàng đã sáng tác một bản tán dương Thánh Bonaventura, một bản tán dương cống hiến cho chúng ta bức chân dung tóm gọn về vị đại thánh này và là một thần học gia tuyệt vời này: “Một con người tốt lành, niềm nở, đạo hạnh và nhân ái, đầy nhân đức, được Thiên Chúa và loài người yêu thương… Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho ngài ân sủng như thế, để tất cả những ai thấy ngài đều được xâm chiếm bởi một thứ tình yêu mà tâm can không thể nào giấu diếm” (cf. J.G. Bougerol, Bonaventura, in A. Vauchez (vv.aa), Storia dei Santi e della santita cristiana. Vol. VI. L’epoca del rinnovamento evangelico, Milan, 1991, p. 91).
Chúng ta hãy tiếp tục di sản của vị thánh này, vị tiến sĩ của Hội Thánh, vị nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của cuộc đời chúng ta bằng những lời này” Trên trái đất… chúng ta có thể chiêm ngưỡng cái vĩ đại bao la thần linh bằng lý luận và ngợi khen; ở quê hương trên trời, trái lại, qua việc hưởng kiến, bấy giờ chúng ta sẽ được làm cho nên như Thiên Chúa, và nhờ được ngất ngây – chúng ta sẽ hoan hưởng niềm vui của Thiên Chúa” (La conoscenza di Cristo, q. 6, conclusione, in Opere di San Bonaventura. Opuscoli Teologici /1, Rome, 1993, p. 187).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/3/2010