Home / Chia Sẻ / Thánh Âugutinô, nạn nhân đầu tiên của “tin giả”

Thánh Âugutinô, nạn nhân đầu tiên của “tin giả”

fr.aleteia.org, Giovanni Marcotullio, 2017-09-10

Làm thế nào câu “Thước đo của tình yêu là yêu thương không đo đếm” của Thánh Bernard de Clairvaux trong “Bổn phận yêu Chúa, De diligendo Deo” lại thành câu châm ngôn nổi tiếng của Thánh Âugutinô, giám mục giáo phận Hippone?

Chuyện bịa, chuyện đồn đại, sai lầm thông tin hay sai lầm truyền thông… Chúng ta thường vấp phải tin giả khi không kiểm nguồn tin, khi muốn làm ngắn gọn, khi không muốn mất thì giờ. Nhất là khi các câu phịa lại thành một… chuyên ngành. Chẳng hạn câu: “Bực mình của Facebook là bạn không bao giờ biết đó là một câu trích đúng hay sai” được lan truyền rộng rãi trên mạng và người ta gán cho câu này là câu của văn hào William Shakespeare. 

“Ngụy văn”, tổ tiên của “tin giả”

Dù vậy hiện tượng này không mới mẻ gì. nó luôn tồn tại. Các chuyên gia thường nói đến “ngụy văn” (pseudo-épigraphie) loại văn khắc trên đá thường được làm với thiện ý vì đây là phương tiện mà tác giả dùng để nhấn mạnh đặc biệt một câu nói nào đó.

Một trong các tác giả văn học của Tây phương được trích nhiều nhất là Thánh Âugutinô, giám mục giáo phận Hippone, tính tình dễ thương, kiên cường nhưng cũng tế nhị, gợi cảm, tu khổ hạnh, nhà hùng biện, văn sĩ tài ba, có đức tin sâu đậm làm sưởi ấm tâm hồn, nghệ nhân có khả năng tổng hợp giáo điều, ít nhất là trong giới nói tiếng la-tinh. Ngắn gọn, ngài tài giỏi đủ mọi mặt để làm vui lòng mọi người. Tuy vậy ngài cũng gặp một vài phiền toái về in ấn, từ rất nhiều năm ngài viết nhiều sách, nhưng ngài để đó còn xem lại, nhiều người muốn đọc, muốn in và đã có những bản in chưa sửa. Khi ngài biết thì họ đã in, ngài quyết định không in lại, cứ giữ vậy, nhưng trong các tác phẩm sau, ngài viết phụ chú sửa đổi. Tuy nhiên các bạn của ngài thúc dục quá nên ngài không dằn lòng được, ngài sửa lại những gì ngài thấy cần thiết; ngài bổ túc và in… bây giờ các câu của Thánh Âugutinô vẫn còn được chú ý và trích nhiều trên mạng, nhất là hai câu: “Cứ yêu và làm những gì bạn muốn” và “Thước đo của tình yêu là yêu thương không đo đếm”.

Cứ yêu và làm những gì bạn muốn

Câu đầu tiên đúng là câu của Thánh Âugutinô. Nhưng bối cảnh của câu này là trong bài giảng thứ bảy về Thư thứ nhất của Thánh Gioan: “Đây là điểm chúng ta cần chú ý: các hành động nhân đạo chỉ khác nhau ở gốc rễ của đức ái. Bởi vì chúng ta có thể thực hiện rất nhiều việc tốt lành bề ngoài, nhưng những việc này không có gốc rễ của đức ái. Bởi vì gai cũng có hoa. Một vài việc có vẻ gay go, khó nhọc, chúng ta hoàn tựu để sửa chữa, để cảm nghiệm bằng đức ái”. Như thế, ngắn gọn là: “Cứ yêu và làm những gì bạn muốn! Nếu bạn im lặng là bạn im lặng vì tình yêu; nếu bạn la lên là bạn la vì tình yêu; nếu bạn sửa chữa là bạn sửa chữa vì tình yêu; nếu bạn tích lũy là tích lũy cho tình yêu. Ở trong các việc này có gốc rễ của tình yêu. Từ gốc rễ này chỉ có thể mang lại điều tốt lành”. Thánh Âugutinô chú giải thư Thánh Gioan 7, 8.

Thước đo của tình yêu là yêu thương không đo đếm”.

Nhưng câu thứ nhì không phải câu của Thánh Âugutinô. Chắc chắn ngài không bao giờ nói: “Thước đo của tình yêu là yêu thương không đo đếm”. Ngài cũng có thể nói, vì ai ở gần ngài đều biết đây là chủ đề thiết thân của ngài, cả về mặt triết học. Như thế cũng không lấy gì là ngạc nhiên nếu cứ trích đi trích lại “thước đo của tình yêu”, thì cuối cùng câu này cũng thành của ngài. Nhưng dù tìm tòi cách mấy, người ta cũng không tìm thấy câu này trong các tác phẩm của ngài. Cũng hơi kỳ lạ, Thánh Âugutinô qua đời năm 430 sau Thiên Chúa giáng sinh, các sách của ngài tiếp tục được in, được sao chép nhưng không ai tìm ra xuất xứ câu này?

Khám phá

Thật ra câu này của Thánh Bernard de Clairvaux viết trong chương I của tập khảo luận Bổn phận yêu Chúa (De diligendo Deo), được viết sau năm 1126: “Anh chị em có muốn tôi nói với anh chị em vì sao và làm thế nào mà mình phải yêu Chúa không? Tôi xin trả lời ngắn gọn: lý do mà mình yêu Chúa, là vì chính Chúa; và thước đo của tình yêu này là yêu thương không đo đếm”.

Thật là lạ. Một người mê Madonna sẽ không gán bài hát của Madonna cho Céline Dion và cha xứ Clairvaux chắc chắn không nổi tiếng bằng Thánh Âugutinô. Vậy thì làm sao cha có thể qua mặt được? Có lẽ nên hiểu một vài loại ngụy văn không được sinh ra theo cách sau:

– Trước hết có một người đã đọc câu của Thánh Bernard Clairvaux, một câu rất hay mở đầu tác phẩm của ngài, một tác phẩm tổng hợp và rất mạnh. Họ ghi lại, truyền miệng hay chép lại, được dịch lại hay bằng tiếng la-tinh (cũng có thể họ trích nguồn gốc);

– Một vài độc giả, thính giả của người đầu tiên này thấy câu này hay quá, nhớ lại, trích lại (cũng có thể không trích đúng nguồn gốc);

– Sau đó, có người thấy thiếu nguồn trích, bắt đầu cân nhắc và họ chọn – vì làm cho nhanh hoặc họ chân thành tin – một người nào đó là tác giả câu này (trong trường hợp này là Thánh Âugutinô) và để tên ngài là tác giả.

– Cũng người này hay một người khác xem lại để làm cho câu này được chắc hơn (ở đây việc xem lại bị sai vì các chữ của Thánh Claivaux trong tiếng la-tinh là “modus” chứ không phải “mensura”);

– Đến giai đoạn này, thì có thể xảy ra (và đã xảy ra) cho câu này với các tiêu chuẩn xác đáng – bằng tiếng la tinh được nói trên bục giảng, thậm chí có thể từ một giám mục – và từ đó mọi người nghĩ tác giả là Thánh Âugutinô, trong khi không ai biết câu này ở trong bản văn nào của Thánh Âugutinô. 

Lỗi của ai? 

Không lỗi của ai hết, như trong một cuộc họp báo ở Bâle, nước Thụy Sĩ năm 1506, tác giả Johann Amerbach truyền bá tác phẩm của Thánh Âugutinô trong 11 tập. Tác giả không có các nguồn tốt nhất nhưng ông đã khổ công tìm tòi trong nhiều năm trời để tránh các loại ngụy văn, vì từ giữa thế kỷ thứ 5 và thứ 7, có nhiều văn sĩ tìm cách viết giống như Thánh Âugutinô. Trong lời nói đầu tập đầu tiên, ông nói với độc giả kiên nhẫn, ông xin lỗi vì nếu có một vài chuyện “sai lầm” trong tác phẩm của ông, thì: “Đừng nói rằng đây là lỗi của tôi, bởi vì tôi đã làm hết sức có thể: quý độc giả hãy gán lỗi cho tác giả danh tiếng này”.

Đúng, vấn đề tin giả và việc gán ghép không đúng cũng xưa cổ như chữ từ miệng con người, và nó tái xuất hiện mỗi khi các phương tiện truyền bá lời con người càng mạnh hơn. Thêm nữa, như trong câu của Thánh Âugutinô, sự lẫn lộn và sai lầm có thể là tình cờ. Nhưng cuối cùng, điều tuyệt đẹp ở đây là chúng ta luôn tìm cách để tiến trong việc tìm hiểu sự thật.

Thực chất, như Thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê (Pl 1, 18): “Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa”…, ngay cả có ai nói câu này của …  Mark Zuckerberg.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN