Home / Chia Sẻ / THÁNH ANTÔN VIỆN PHỤ (Thế kỷ IV)

THÁNH ANTÔN VIỆN PHỤ (Thế kỷ IV)

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập.  Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ. 

AKhi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời.  Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21).  Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó. 
Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn.  Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống.  Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái.  Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng những việc hãm mình.  Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa. 
Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích.  Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: “Tôi còn sẵn sàng chiến đấu.  Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.”
Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: “Ồn ào vô ích.  Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.”
Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa.  Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: “Ôi, lạy Chúa, Chúa ở đâu?  Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con?”  Tiếng Chúa trả lời: “Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu.  Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.”
Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa.  Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết.  Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ.  Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ.  Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa.  Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.
Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc.  Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: “Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.”
Ngài lên đường đi Alexandria.  Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục.  Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.
Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc.  Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông.  Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội.  Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc.  Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở.  Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn.  Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.
Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo.  Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài.  Các lương dân cũng bảo nhau: “Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.”
Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:
–  Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết?  Thánh nhân trả lời:
–  Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.
Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.
Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: “Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.”
Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, môn sinh của Ngài hãnh diện lắm.  Nhưng Ngài bảo họ: “Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người.  Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.”
Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.
Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc.  Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.
Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót.  Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương.  Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: “Hãy sống như phải chết mỗi ngày.  Hãy cố gắng noi gương các thánh.”
Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh.  Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi.  Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.

Giáo hội thưởng công cho thánh nhân

Với một lòng yêu mến Chúa dạt dào, thánh Antôn đã làm gương cho nhiều người về đời sống thánh thiện và các nhân đức siêu việt của Người.  Thánh nhân qua đời ngày 17/01/356 .  Vào năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan tiền hô tại Alexandria.  Các Giáo Hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, tràn qua Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Antôn, viện phụ, sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa.  Xin Chúa nhận lời người nguyện giúp cầu thay, cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự (lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Antôn, viện phụ).

Nguồn: Tổng hợp

 

 

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …