Home / Chia Sẻ / THÁNG SÁU BIỆT KÍNH THÁNH TÂM

THÁNG SÁU BIỆT KÍNH THÁNH TÂM

ThangSaubietkinhThanhTamTháng Sáu biệt kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Kitô bị đóng đinh đã là trọng tâm của lòng sùng kính và lòng đạo đức ngay từ buổi đầu của Kitô giáo. Nhưng sự sùng kính đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu lần đầu tiên xuất hiện vào thời Trung Cổ.

Lòng sùng kính Thánh Tâm, như chúng ta biết ngày nay, đã phát sinh một cách nghiêm túc ở Pháp vào thế kỷ 17 qua những điều mặc khải mà Thánh Margaret Mary Alacoque nhận được với sự hỗ trợ của vị linh hướng Dòng Tên là Thánh Claude de la Colombière.

Đến thế kỷ 18, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu – và các hành vi tận hiến chính thức cho Thánh Tâm – đã lan rộng khắp nước Pháp và hơn thế nữa. Trong cuộc Cách Mạng Pháp, Thánh Tâm trở thành biểu tượng của những người trung thành với Công giáo chống lại các lực lượng vô thần, chống giáo sĩ của cuộc cách mạng. Những người Công giáo chống cách mạng ở Vendée đeo phù hiệu có hình Thánh Tâm.

Năm 1856, Đức Piô IX thiết lập Lễ Thánh Tâm cho Giáo Hội hoàn vũ. Năm 1899, Đức Lêô XIII ban hành thông điệp “Annum Sacrum” tuyên bố rằng trong nhà thờ chính của mọi thị trấn và làng mạc, các tín hữu trên toàn thế giới phải được thánh hiến cách trọng thể cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đức Lêô XIII mong muốn rằng sự sùng kính thống nhất của Giáo Hội dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với chính các tín hữu và thế giới nói chung, về vương quyền của Chúa Kitô trên mọi thụ tạo – vương quyền mà Ngài nắm giữ với tư cách là Con Thiên Chúa, và nhờ cái giá cao cả mà Ngài đã trả để chuộc lại nó.

Trong số những lý do mà Đức Lêô  XIII đưa ra để khuyến khích Giáo Hội thánh hiến là mối quan tâm thường xuyên của ngài đối với tình trạng vô thần đang gia tăng, đặc biệt là giữa các quốc gia theo Kitô giáo. Ngài thấy tôn giáo ngày càng bị loại trừ khỏi đời sống cộng đồng, đó là “loại bức tường được dựng lên giữa Giáo Hội và xã hội dân sự.”

Đức Lêô XIII viết: “Việc coi thường thẩm quyền của luật Chúa trong đời sống cộng đồng như vậy hầu như có xu hướng loại bỏ đức tin Kitô giáo khỏi chúng ta, và nếu điều đó có thể xảy ra, đó là trục xuất chính Thiên Chúa khỏi trái đất.”

Ngài tiếp tục mô tả tình trạng các vấn đề giống nhau một cách kỳ lạ với thời kỳ hỗn loạn và lo lắng của chính chúng ta: “Khi tâm trí của con người được nâng lên đến đỉnh cao của sự kiêu ngạo xấc xược như vậy, điều đáng ngạc nhiên là phần lớn nhân loại lại rơi vào trạng thái bất an và bị vùi dập bởi những con sóng dữ dội đến mức không ai có thể thoát khỏi lo lắng và nguy hiểm. Một khi tôn giáo bị loại bỏ, điều tất yếu là những nền tảng vững chắc nhất của phúc lợi công cộng phải nhường chỗ, trong khi Thiên Chúa, để giáng cho kẻ thù sự trừng phạt mà họ rất đáng phải chịu, đã để mặc họ trở thành con mồi cho những ham muốn xấu xa của chính họ, để họ từ bỏ đam mê của mình và cuối cùng kiệt sức vì sự tự do thái quá.”

Đó là một trong những chủ đề lớn, có lẽ là chủ đề quan trọng, của triều đại giáo hoàng của Đức Lêô XIII. Khi con người, với lòng kiêu hãnh, cố gắng “giải phóng” mình khỏi Thiên Chúa, thì thay vào đó, con người trở thành nô lệ cho những đam mê của mình. Khi con người quên Thiên Chúa thì họ đánh mất chính mình.

Gần một thế kỷ sau, Đức Gioan Phaolô II đã tổng kết lập trường của Leonine: “Sự tự do không chịu ràng buộc với sự thật sẽ rơi vào tình trạng độc đoán, và cuối cùng sẽ tự khuất phục trước những đam mê xấu xa nhất, đến mức tự hủy diệt.”

Không khó để nghe thấy trong những lời tiên báo đó của Đức Lêô XIII, âm vang lá thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hóa. Chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời.” (Rm 1:24-26)

Đây cũng chính là câu chuyện về sự nổi loạn kiêu ngạo mà chúng ta khám phá ra trong suốt sự cứu rỗi – từ việc dân Israel cứng cổ nổi loạn trong sa mạc, đến tháp Babel, và đến chính Sự Sa Ngã – khi Ađam và Êva được ma quỷ hứa rằng nếu không vâng lời Thiên Chúa thì họ sẽ trở thành các vị thần.

Đây là câu chuyện của loài người, trong sự đơn giản đến bực mình và sự ngu xuẩn bướng bỉnh của nó: Bị cám dỗ bởi niềm tự hào được giống như các vị thần, chúng ta nổi loạn chống lại Chúa, Đấng đã tạo ra chúng ta giống như chính Ngài. Tuy nhiên, vì tất cả những điều đó, “Con Thiên Chúa làm người để chúng ta có thể trở thành Thiên Chúa.” (Thánh Athanasiô)

Vì thế, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu không kém phần xứng đáng và quan trọng trong thời đại của chúng ta so với ở Pháp hồi thế kỷ 17, hoặc thời Trung Cổ, hoặc dưới chân đồi Canvê. Thánh Tâm Chúa Giêsu là thuốc giải hoàn hảo cho sự kiêu ngạo trong chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng trái tim con người để chúng ta biết chia sẻ tình yêu thánh thiêng của Ngài.

Đức Lêô XIII viết: “Trong Thánh Tâm đó, tất cả những hy vọng của chúng ta nên được đặt vào, và từ đó ơn cứu độ của loài người được tìm kiếm một cách tin tưởng.”

Nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra sự khiêm nhường của Thiên Chúa lấn át và tiêu diệt tính kiêu căng. Trong Trái Tim Cực Thánh và Đau Khổ của Ngài, trái tim của chúng ta cũng cảm thấy ăn năn thống hối. Nơi Thánh Tâm Ngài, sự ích kỷ của chúng ta bị thiêu rụi trong ngọn lửa thiêu đốt tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Nơi Thánh Tâm Ngài, chúng ta gặp được tình yêu tạo dựng, sắp xếp và nâng đỡ vạn vật. Nơi Thánh Tâm Ngài, chúng ta tìm được sức mạnh và ân sủng để yêu như Ngài đã yêu.

Trong Thánh Tâm Ngài, chúng ta tìm thấy nơi ẩn náu và bình an ngay giữa những thử thách và đau khổ của thời đại.

STEPHEN P. WHITE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Tháng 06-2023

  

Xem thêm

JOHN THE BAPTIST1

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai ngày 23/12 Mùa Vọng, của Lm Minh Anh

NÊN SỨ GIẢ “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt …